Chúng ta dễ có suy nghĩ rằng cơ thể sẽ được nghỉ ngơi và hồi phục khi ngủ đủ giấc nhưng trên thực tế, ý nghĩ này khiến chúng ta bỏ qua những cách nghỉ ngơi khác mà cơ thể thật sự cần. Kết quả của việc này là một nền văn hóa của những cá nhân có thành tích và năng suất cao nhưng mệt mỏi kinh niên và kiệt sức kéo dài. Liệu chúng ta có đang thâm hụt khoảng thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày chỉ vì không hiểu rõ thế nào là nghỉ ngơi đúng cách? Hãy cùng ELLE tìm hiểu 7 hình thức nghỉ ngơi giúp bạn tái tạo năng lượng bên cạnh giấc ngủ nhé.
NGHỈ NGƠI THỂ CHẤT
Hình thức nghỉ ngơi đầu tiên chúng ta cần làm là nghỉ ngơi thể chất, bao gồm nghỉ ngơi thể chất thụ động và nghỉ ngơi thể chất chủ động. Nghỉ ngơi thể chất thụ động gồm ngủ và chợp mắt, trong khi nghỉ ngơi thể chất chủ động có nghĩa là các hoạt động phục hồi như yoga, liệu pháp kéo giãn và mát-xa giúp cải thiện sự tuần hoàn và tính linh hoạt của cơ thể.
NGHỈ NGƠI TINH THẦN
Trước khi tìm hiểu về hình thức nghỉ ngơi tinh thần, bạn hãy thử trả lời những câu hỏi nhỏ sau đây: Bạn có hay bắt đầu công việc mỗi ngày bằng một tách cà phê lớn? Bạn rất hay quên và khó tập trung vào công việc của mình? Trước khi đi vào giấc ngủ, bạn phải cố gắng hết sức để giúp não của mình ngừng suy nghĩ? Và mặc dù bạn có một giấc ngủ kéo dài từ 7 – 8 tiếng, bạn vẫn thức dậy với cảm giác như cơ thể chưa được ngủ bao giờ? Nếu câu trả lời là có cho hầu hết các câu hỏi trên, rất có thể bạn chưa dành đủ thời gian cho việc nghỉ ngơi tinh thần.
BÀI LIÊN QUAN
Tin tốt là vấn đề này không bắt buộc bạn phải nghỉ việc hay phải có một kỳ nghỉ dưỡng dài ngày để khắc phục vụ nó. Lên lịch nghỉ ngắn hạn khoảng 2 giờ một lần trong suốt ngày làm việc sẽ là giải pháp dành cho bạn. Những khoảng nghỉ này sẽ nhắc nhở bạn giảm tốc độ làm việc, dành thời gian cho việc hít thở chủ động, để đầu óc lẫn cơ thể được nghỉ ngơi. Sau khoảng nghỉ, bạn có thể quay trở lại làm việc một cách năng suất và hiệu quả hơn.
Đối với các vấn đề về giấc ngủ, một quyển sổ ghi chú đặt cạnh giường sẽ là bí kíp dành cho bạn. Mỗi khi não bị lắp đầy bởi hàng ngàn suy nghĩ khiến bạn không thể chìm vào giấc ngủ, việc ghi lại các suy nghĩ dai dẳng đó ra giấy sẽ giúp não bộ giảm bớt căng thẳng và giúp bạn bắt đầu giấc ngủ của mình một cách dễ dàng hơn.
NGHỈ NGƠI GIÁC QUAN
Hình thức nghỉ ngơi tiếp theo mà chúng ta cần là để cho các giác quan được thư giãn. Ánh đèn từ các thiết bị chiếu sáng, màn hình máy tính hay điện thoại, tiếng ồn xung quanh và nhiều cuộc trò chuyện cho dù chúng ta đang ở văn phòng hay đang thực hiện các cuộc gọi Zoom, có thể khiến các giác quan bị choáng ngợp. Điều này có thể được khắc phục bằng các hành động đơn giản như nhắm mắt lại một phút vào giữa ngày, cũng như chủ động ngắt kết nối tất cả các thiết bị điện tử có ảnh hưởng đến các giác quan của bạn vào cuối ngày. Những khoảnh khắc nghỉ ngơi giác quan có chủ đích có thể giúp bạn hóa giải các tổn thương do một thế giới đầy kích thích từ các thiết bị điện tử lẫn sự ô nhiễm tiếng ồn gây ra.
NGHỈ NGƠI SÁNG TẠO
Hình thức nghỉ ngơi này đặc biệt quan trọng đối với những ai đang phải tìm kiếm ý tưởng hoặc giải pháp cho một vấn đề nào đó. Dành thời gian cho việc nghỉ ngơi sáng tạo giúp đánh thức sự tò mò và niềm vui thú bên trong mỗi chúng ta. Bạn có nhớ cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy Grand Canyon, một đại dương hay thác nước? Cho phép bản thân tận hưởng vẻ đẹp của các khoảng không ngoài trời, ngay cả khi nơi đó chỉ là công viên địa phương hay sân sau vườn nhà bạn.
BÀI LIÊN QUAN
Nhưng phần còn lại của nghỉ ngơi sáng tạo không chỉ đơn giản là tận hưởng thiên nhiên mà còn bao gồm việc thưởng thức nghệ thuật. Biến không gian làm việc của bạn thành một nơi đầy cảm hứng bằng cách bài trí những hình ảnh về địa điểm bạn yêu thích, các tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa với bạn. Bạn không thể dành 40 giờ một tuần để nhìn chằm chằm vào một không gian quá trống trải hoặc lộn xộn và mong đợi ý tưởng mới sẽ đến với mình.
NGHỈ NGƠI CẢM XÚC
Bạn đã bao giờ phải miễn cưỡng trả lời “có” cho một yêu cầu nào đó mà bạn thật tâm không muốn thực hiện nhưng khi ở một mình, bạn lại cảm thấy bản thân không được đánh giá cao và dường như đang bị lợi dụng? Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần nghỉ ngơi về mặt cảm xúc.
Nghỉ ngơi cảm xúc có nghĩa là chúng ta dành cho bản thân mình một khoảng thời gian và không gian để tự do thể hiện cảm xúc mà không phải làm hài lòng bất kỳ ai. Một người thực hành nghỉ ngơi cảm xúc có thể thẳng thắng trả lời “Tôi không ổn” cho câu hỏi “Hôm nay bạn thế nào?” và sau đó tiếp tục chia sẻ những điều khó khăn mà họ đang gặp phải. Và như bạn đã biết, nghỉ ngơi cảm xúc là dạng nghỉ ngơi đòi hỏi người thực hiện cần rất nhiều dũng khí.
NGHỈ NGƠI XÃ HỘI
Nếu bạn đang cần nghỉ ngơi về mặt cảm xúc, có thể bạn cũng đang bị thâm hụt khoảng thời gian nghỉ ngơi về mặt xã hội. Điều này xảy ra khi chúng ta không phân biệt được đâu là những mối quan hệ giúp bản thân tái tạo năng lượng và đâu là những mối quan hệ khiến chúng ta cảm thấy kiệt quệ. Để trải nghiệm sự nghỉ ngơi xã hội nhiều hơn, hãy vây quanh bạn bằng các mối quan hệ tương hỗ tích cực. Ngay cả khi các tương tác xã hội hằng ngày của bạn phải diễn ra trên thế giới ảo, bạn có thể chọn cách bật camera và chỉ tập trung vào người bạn muốn nói chuyện cùng.
BÀI LIÊN QUAN
NGHỈ NGƠI TÂM LINH
Nghỉ ngơi tâm linh là khả năng kết nối vượt ra ngoài thể chất và tinh thần, giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu, sự chấp nhận và những mục đích sâu sắc khác trong cuộc sống. Để thực hành nghỉ ngơi tâm linh, bạn có thể cầu nguyện, thiền định, dành thời gian nhìn sâu vào bên trong chính mình hoặc tham gia vào các cộng đồng có cùng chung sở thích và lối sống với bạn.
Như bạn có thể thấy, chỉ với một giấc ngủ bình thường không thể giúp cơ thể và tinh thần chúng ta thật sự được nghỉ ngơi. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần bắt đầu tập trung vào việc nghỉ ngơi đúng cách. Một lưu ý nhỏ dành cho bạn: Trạng thái mệt mỏi cũng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, vì vậy hãy đến gặp bác sĩ để có được kết quả chính xác nếu tình trạng này kéo dài.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Mộng Ngọc
Nguồn: Tạp chí phái Đẹp ELLE
Tham khảo: ideasted