Lifestyle / Bí quyết sống

7 ngôn ngữ cơ thể cho thấy người khác không thích bạn

Ngôn ngữ cơ thể có thể tiết lộ nhiều điều về cảm xúc thật của một ai đó, như yêu thích, hào hứng, lo lắng, khó chịu… Việc nhận biết và phân tích các tín hiệu cơ thể ám chỉ cảm xúc tiêu cực không chỉ giúp bạn điều chỉnh hành vi khéo léo và nhạy bén trong giao tiếp, mà còn tạo ra sự kết nối hoặc ranh giới cần thiết trong một mối quan hệ.

Đôi khi, những gì người đối diện nói lại không hoàn toàn phản ánh cảm xúc thật của họ. Có thể người đó nói rằng mọi thứ đều ổn, hoặc tỏ ra thân mật, gần gũi với bạn nhưng ngôn ngữ cơ thể của họ lại cho thấy điều ngược lại. Nếu bạn đang băn khoăn về việc ai đó đang có thành kiến với mình hay không, hãy cùng ELLE khám phá 7 ngôn ngữ cơ thể cho thấy người đó đang không thoải mái khi giao tiếp với bạn!

1. Khoanh tay 

Chúng ta thường vô thức thực hiện hoạt động khoanh tay khi bất an vì tư thế này giống như một “lá chắn” tự nhiên để bảo vệ vùng tim trong các tình huống nguy hiểm. Trong một cuộc trò chuyện, thông thường khoanh tay có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh và tình huống, nhưng nếu bạn cảm nhận được rằng đối phương không có thiện chí với bạn, đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ không đồng ý với những gì bạn đang nói hoặc có cảm giác tiêu cực đối với bạn. Nếu ai đó liên tục khoanh tay khi tiếp xúc gần với bạn, rất có thể đó là ngôn ngữ cơ thể nhằm ngăn chặn sự kết nối thân mật và cố tạo khoảng cách. 

Tuy nhiên, bạn không nên vội vàng kết luận rằng ai đó không thích mình chỉ dựa vào hành động khoanh tay. Bạn nên chú ý đến bối cảnh văn hóa khi nhận định về ngôn ngữ cơ thể vì một hành động theo mỗi vùng, quốc gia hoặc tôn giáo sẽ có ý nghĩa khác nhau. Mặt khác, đôi khi khoanh tay chỉ là một phản xạ tự nhiên giúp cơ thể giữ ấm trong những ngày lạnh hoặc đơn giản đó là thói quen khó bỏ của một người.

Cô gái tóc ngắn có ngôn ngữ cơ thể dịu dàng
Unplash/Bailey Burton

2. Thiếu giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp bằng mắt là một yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào vì nó có thể truyền tải trọn vẹn cảm xúc chân thành của người nói, khi có những thứ không thể diễn đạt được thành lời. Lý giải cho điều này, Adam Anderson – Giáo sư nghiên cứu và giảng dạy lĩnh vực phát triển con người tại Đại học Cornell, Mỹ – phát hiện ra rằng, chúng ta nhận biết cảm xúc của người khác bằng cách phân tích những biểu hiện trong mắt của họ. “Khi chúng ta nhìn vào một khuôn mặt, đôi mắt thường là phần nổi bật nhất trong việc truyền đạt cảm xúc. Chúng được ví như “cửa sổ tâm hồn” vì là bộ phận đầu tiên tiếp nhận ánh sáng trong hệ thống thị giác của con người. Những thay đổi nhỏ trong biểu cảm quanh đôi mắt có thể ảnh hưởng đến cách mà chúng ta cảm nhận mọi thứ, và điều này giúp người khác hiểu rõ hơn về suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta”, Giáo sư Anderson chia sẻ.

Việc duy trì giao tiếp bằng mắt còn giúp tạo ra cảm giác đáng tin cậy và gần gũi, giúp bạn trở nên cuốn hút hơn. Theo tâm lý học, con ngươi – tròng đen của mắt, còn có thể hoạt động độc lập và nằm ngoài tầm kiểm soát của ý thức. Trong điều kiện ánh sáng nhất định, kích thước con ngươi của bạn sẽ thay đổi tùy theo tâm trạng và cảm xúc. Khi bạn cảm thấy phấn khích, con ngươi có thể giãn ra lớn hơn bình thường. Ngược lại, nếu bạn đang tức giận hoặc trong tâm trạng tiêu cực, con ngươi sẽ thu lại. Điều này cho thấy mối liên hệ giữa cảm xúc và phản ứng sinh lý của cơ thể, làm cho việc hiểu ngôn ngữ cơ thể và nhận biết cảm xúc của người khác thông qua ánh mắt trở nên dễ dàng hơn.

Trong một cuộc trò chuyện, khi hai người nhìn thẳng vào mắt nhau, họ đang gửi đi thông điệp: “Tôi quan tâm đến bạn và những gì bạn đang nói”, “Tôi bị cuốn vào câu chuyện của bạn lúc nào không hay”… Ngược lại, hành động cố tình né tránh ánh mắt có thể biểu hiện cho sự thiếu tự tin, lảng tránh vấn đề, hoặc tệ hơn là dấu hiệu của sự lừa dối và chán ghét.

3. Quay người đi

Khi trò chuyện với một ai đó, chúng ta có xu hướng hướng cơ thể của mình về phía người đối diện. Đây là hành vi thể hiện sự chú ý quan tâm đối với người nói, cho thấy rằng chúng ta đang lắng nghe và tham gia vào cuộc trò chuyện. Cụ thể hơn, hướng bàn chân sẽ đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp phi ngôn ngữ. Joe Navarro – cựu đặc vụ FBI và là chuyên gia nổi tiếng về hành vi, ngôn ngữ cơ thể – nhấn mạnh rằng chân và bàn chân là những bộ phận dễ dàng tiết lộ cảm xúc thật của một người nhất, bởi chúng ít bị điều khiển một cách có ý thức. Ông gọi đây là “cửa sổ tiềm thức” của cơ thể, vì nó thường phản ánh những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín của con người. Ví dụ, khi một người hướng chân về phía bạn trong một cuộc trò chuyện, điều này thể hiện rằng họ quan tâm và sẵn lòng tương tác với bạn. Ngược lại, nếu chân họ hướng ra xa, đó có thể là dấu hiệu cho thấy người này không còn muốn tiếp tục cuộc trò chuyện, ngay cả khi họ vẫn đang cười và tỏ ra lịch sự. 

Ngoài ra, khoảng cách giữa hai người là một yếu tố quan trọng bạn nên lưu ý để xác định cảm xúc của đối phương. Nếu ai đó tiến gần bạn hơn khi nói, họ đang thể hiện sự thân mật và tin tưởng, trong khi việc giữ khoảng cách hoặc quay đi có thể cho thấy họ cảm thấy không thoải mái.

Cô gái có ngôn ngữ cơ thể quay lưng lại
Unplash/Ioana Ye

Xem thêm

• Khám phá 7 luân xa trên cơ thể chúng ta

• “Giải mã” ngôn ngữ của cơ thể cho thấy chế độ ăn kiêng đang phản tác dụng

• 9 cách giúp tăng cường hệ miễn dịch – “hàng rào” phòng thủ tự nhiên của cơ thể


4. Trả lời quá ngắn gọn

Cách một người hồi đáp lại những gì bạn nói sẽ phần nào làm rõ việc họ có đang thật sự chú ý đến bạn và những gì bạn nói có giá trị với họ hay không. Nếu bạn chỉ nhận lại những câu trả lời vỏn vẹn một vài từ, thiếu sự hứng thú hoặc họ không tập trung đến lời bạn đã nói, đây là những tín hiệu cho thấy người này không có hứng thú kéo dài cuộc hội thoại với bạn. Ví dụ, khi bạn hỏi một người về ngày hôm nay của họ và nhận về những câu trả lời khá miễn cưỡng như: “Tốt”, “Tôi ổn”, hoặc “Không có gì đặc biệt”… đồng thời không có thêm lời giải thích hay câu hỏi ngược lại, điều này cho thấy họ không muốn tương tác nhiều với bạn. Nếu việc này lặp lại nhiều lần, đó có thể là dấu hiệu của việc họ không có mối quan tâm đặc biệt đến bạn hoặc mối quan hệ giữa hai người.

Cô gái tóc vàng có ngôn ngữ cơ thể đẹp
Unplash/Joshua Rondeau

5. cười gượng

Khi một cuộc trò chuyện thông thường vắng đi những nụ cười hoặc chỉ xuất hiện những nụ cười “xã giao”, đó có thể được xem như một biểu hiện cho việc người khác không có kết nối, không cùng tần số hoặc sâu xa hơn là họ không thật sự thích bạn. Người cố gắng che giấu cảm xúc thật sẽ thường có tư thế cơ thể cứng nhắc, vai co lại hoặc tay nắm chặt, đồng thời ánh mắt và khuôn mặt thiếu tự nhiên một cách dễ nhận thấy nếu bạn quan sát kỹ lưỡng. Đây dường như là cách để duy trì bầu không khí hòa nhã, mặc dù cả hai không thể thoải mái khi trò chuyện. 

Tuy nhiên, để nhận định đúng đắn về mối quan hệ giữa bạn và người đó, bạn nên chú ý thêm các dấu hiệu khác và có cái nhìn tổng quan hơn. Bởi nếu người ấy chỉ cư xử như vậy với tần suất thấp, có thể họ đang trải qua các khó khăn cá nhân hoặc không có tâm trạng tốt vào thời điểm đó. Chúng ta nên hiểu rằng mọi người đều có những lúc cảm xúc không ổn định và điều này có thể ảnh hưởng đến cách họ tương tác với người khác. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, đây có thể là chi tiết gợi ý rằng bạn cần dành thời gian xem xét về ý nghĩa của mối quan hệ này vì cả hai đã không đạt được hiệu quả trong giao tiếp. 

6. Liên tục ngắt lời người nou1

Bạn đã bao giờ bị ngắt lời liên tục trong một cuộc trò chuyện chỉ vì ai đó không cảm thấy giống bạn? Chẳng hạn như khi bạn đang trình bày ý tưởng của mình tại một cuộc họp, nhưng lại liên tục bị đồng nghiệp hoặc sếp ngắt lời bởi họ cho rằng những gì bạn nói là “tồi tệ” và không cho bạn cơ hội để nói hết. Nếu bạn từng cảm thấy khó chịu khi ý kiến của mình không được lắng nghe và tôn trọng, chắc hẳn bạn đã trải qua nhiều suy nghĩ tiêu cực cùng sự chán nản, lo âu.

Cô gái tóc dài nhắm mắt thể hiện ngôn ngữ cơ thể
Unplash/Annika Palmari

Cuộc trò chuyện thường xuyên bị gián đoạn là dấu hiệu cho thấy người khác không thật sự quan tâm đến nỗ lực giao tiếp của bạn hoặc thậm chí là không có phép lịch sự tối thiểu dành cho người nói. Khi họ liên tục ngắt lời hoặc tìm mọi cách chuyển chủ đề của cuộc hội thoại, điều đó có thể ám chỉ họ không đánh giá cao điều bạn đang chia sẻ, không thật sự đồng tình với quan điểm của bạn hoặc đơn giản là không muốn dành thời gian để lắng nghe và điều đó đồng nghĩa với việc họ không mấy thiện cảm với bạn.

Trong những tình huống khó xử, đầu tiên bạn cần giữ thái độ bình tĩnh và giữ vững lập trường rằng bạn muốn hoàn thành suy nghĩ của mình trước khi kết thúc câu chuyện. Khi người đó liên tục tấn công hoặc có hành vi không đúng mực, bạn nên thẳng thắn bằng những câu nói như “Xin lỗi, nhưng tôi chưa nói xong về điều đó“, “Bạn có thể cho tôi trình bày hết ý kiến của mình không?”… hoặc cân nhắc rời khỏi cuộc trò chuyện, thiết lập ranh giới cá nhân với những ai không tôn trọng bạn để bảo vệ cảm xúc cá nhân của bản thân.

7. Ít hoặc không có tiếp xúc vật lý

Trong các mối quan hệ xã giao, những hành động tiếp xúc cơ thể nhẹ nhàng như nắm tay, ôm hay vỗ nhẹ vào lưng thường là dấu hiệu cho thấy các bên có thiện chí kết nối gần gũi với nhau. Đôi khi, một cái bắt tay chào có thể truyền tải thông điệp mạnh mẽ hơn so với lời nói, giúp cho mối quan hệ trở nên ấm áp và sâu sắc hơn. Ngược lại, nếu ai đó thường xuyên tránh né các hình thức tiếp xúc vật lý trong các cuộc gặp gỡ, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy họ cảm thấy không thoải mái hoặc dè dặt khi tương tác với bạn. Bên cạnh đó, sự từ chối thân mật vật lý có thể xuất phát từ việc họ muốn giữ một ranh giới rõ ràng, cho thấy bạn không nằm trong “vòng tròn thân thiết” của họ.

Hai cô gái ôm nhau
Unplash/Hannah Busing

Tuy nhiên, mỗi người đều đặt ra những giới hạn khác nhau cho việc tiếp xúc cơ thể gần gũi trong từng mối quan hệ. Điều này còn tùy thuộc vào mức độ thân thiết và văn hóa của từng vùng, quốc gia, tôn giáo. Trong một số trường hợp, giữ khoảng cách nhất định sẽ là cách tinh tế để đối phương thể hiện sự tôn trọng cơ thể và không gian riêng của bạn.

Nhóm thực hiện

Bài: Thiên Thanh

Tham khảo: Hack Spirit

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)