Ở mỗi lứa tuổi sẽ có số giờ ngủ tương ứng. Theo báo cáo của NSF (được đăng tải trên Tạp chí Sức khỏe Giấc ngủ – Sleep Health Journal) đã đưa ra khuyến nghị chung về số giờ ngủ mỗi ngày cho tất cả các nhóm tuổi khác nhau. Ở độ tuổi từ 18 – 60, số giờ ngủ lý tưởng là từ 7 – 9 tiếng một ngày. Tuy vậy, đây chỉ là số liệu nghiên cứu dựa trên thể trạng chung của nhiều người. Trên thực tế, tùy vào cơ địa của mỗi người mà số giờ ngủ khác nhau. Vậy cách nào để kiểm tra bản thân đã ngủ đủ giấc hay chưa?
Hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây và bạn sẽ có câu trả lời.
Ngủ ngay lập tức khi đặt mình xuống giường
Khi gặp phải tình trạng này, không phải bạn là một người dễ ngủ, mà chỉ đơn giản là số giờ ngủ của bạn chưa đủ.
Trên thực tế, ngủ là một quá trình kéo dài từ 15 – 25 phút. Quá trình đó bao gồm các giai đoạn ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và ngủ mơ. Các giai đoạn tạo thành một chu kì, kéo dài từ lúc bạn nhắm mắt cho đến khi thức giấc vào hôm sau. Nếu chỉ vừa chợp mắt mà bạn đã rơi vào giai đoạn ngủ sâu thì đây là dấu hiệu rõ ràng của việc cơ thể thiếu ngủ.
Liên tục “gia hạn” báo thức
Người ngủ đủ giấc hoàn toàn có thể tự thức dậy mà không cần đến đồng hồ báo thức. Nếu như bạn luôn phải để báo thức nhiều lần thì bạn nên điều chỉnh lại giấc ngủ của mình.
Thỉnh thoảng, bạn muốn “ngủ nướng” thêm vài phút thì lại không phải vấn đề lớn. Nhưng nếu nó thành thói quen “ngày nào cũng vậy” thì chắc chắn là bạn thiếu ngủ rồi đấy.
BÀI LIÊN QUAN
Làm sao để có giấc ngủ ngon?
Có xu hướng ngủ nhiều hơn vào những ngày cuối tuần
Lịch ngủ lý tưởng là bất kể ngày nào trong tuần, bạn đều có thể ngủ và dậy đúng một giờ nhất định.
Nếu bạn muốn ngủ nhiều hơn và cuối tuần, điều đó đồng nghĩa những ngày trong tuần bạn đã không dành đủ thời gian cho việc ngủ. Và kết luận đáng buồn từ các chuyên gia National Sleep Foundation, dù bạn có thức dậy vào buổi trưa thứ Bảy thì cũng không thể bù đắp cho những đêm không ngủ trong tuần.
Uống nhiều hơn 2 ly đồ uống có chứa caffeine trong một ngày
Caffeine không hẳn là một chất xấu. Trên thực tế, sử dụng cà phê một cách điều độ và khoa học sẽ giúp bạn phòng tránh một số bệnh. 100-200 mg cà phê mỗi ngày sẽ kích thích suy nghĩ linh hoạt cũng như lợi tiểu. Đặc biệt, cơ thể con người dễ thấp hụ chất chống oxy hóa có trong cà phê.
Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Nếu bạn uống quá nhiều cà phê hoặc đồ uống có caffeine sẽ làm tăng nguy cơ mất ngủ cũng như ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Người Việt Nam có thói quen uống cà phê với đường hoặc sữa đặc có đường, điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nếu bạn muốn ngủ đủ giấc, hãy chỉ nên uống một chút cà phê trong ngày.
Ăn nhiều món có chứa chất béo, nhiều calo
Khi bị mất ngủ, não bộ con người dễ rơi vào tình trạng stress, do đó cơ thể chúng ta có xu hướng muốn ăn các thực phẩm có nhiều chất béo và giàu carbohydrate để có thể giải phóng một chất hoá học làm dịu não bộ gọi là serotonin.
Nếu bạn thường xuyên rơi vào tình trạng thèm ăn đồ béo vào thời điểm ban đêm thì cơ thể đang cho bạn dấu hiệu rằng bạn chưa ngủ đủ giấc.
Giấc ngủ rất quan trọng, không chỉ với sức khỏe mà còn với cả nhan sắc của bạn nữa. Hãy dành thời gian cho giấc ngủ, ngủ đúng giờ và thức dậy đúng giờ, đều đặn mỗi ngày, rồi bạn sẽ thấy cơ thể mình thay đổi nhiều lắm đấy!
Xem thêm:
Dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ với 7 loại cây cảnh sau đây
Tinh dầu dưỡng hoa hồng chống lão hóa – Liều thuốc “bồi bổ” giấc ngủ cho làn da
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Mia Thủy Tiên (Tạp chí Phái đẹp ELLE/ The Insider)