Cùng ELLE giải mã những điểm khác biệt giữa người hướng nội và Echoist nhé.
Echoist: người quên đi bản thân mình
Về bản chất, họ là những người có tính cách trái ngược với người ái kỷ. So với những người ái kỷ, Echoist dễ cảm thấy tự ái và không biết yêu thương bản thân mình. Echoist hay còn gọi là những người theo chủ nghĩa “tiếng vọng” thường đánh mất nhận thức về giá trị và niềm tin của bản thân. Họ theo đuổi niềm tin rằng yêu thương luôn kèm với sự đánh đổi. Để có được sự công nhận của mọi người, họ đặt nhu cầu và cảm xúc của đối phương lên trên bản thân cũng như luôn khiêm tốn và chịu đựng một mình. Họ cho đi nhiều hơn, và đó là lý do họ bị thu hút bởi những người ái kỷ – những người chỉ muốn được nhận.
BÀI LIÊN QUAN
8 kiểu ái kỷ khác nhau và cách nhận diện
Introvert: người hướng nội
Người hướng nội là người thích dành thời gian ở một mình và không thích tham gia vào đám đông. Họ luôn nghiền ngẫm mọi thứ và suy nghĩ cẩn thận trước khi phản hồi bất kỳ câu hỏi hoặc tham gia bất kỳ cuộc hội thoại nào. Có lẽ, đó là lý do họ bị đánh giá thấp hơn so với những người hướng ngoại. Đôi lúc, họ bị cho là những con người nhu nhược, yếu đuối, không dám nói lên chính kiến của bản thân. Nhưng liệu đó có phải là sự thật?
BÀI LIÊN QUAN
Đi tìm điểm khác biệt giữa người hướng nội và Echoist:
1. Nguồn gốc
Hướng nội ám chỉ đến tính cách của một cá nhân nào đó, điều tạo nên bản sắc riêng của mỗi cá thể. Khi được tận dụng, tính cách này sẽ giúp bạn đạt được điều mình muốn và cảm thấy tự tin hơn cũng như hiểu rõ giá trị của mình. Nhưng đối với Echoist, họ là những người đã từng trải qua nhiều thương tổn trong quá khứ. Những vết thương này có thể được hình thành từ các mối quan hệ gia đình, bạn bè và tình yêu. Về bản chất, hướng nội mang tính chất lành mạnh, còn Echoist thì lại mang sắc màu tiêu cực.
2. Người hướng nội không lo lắng khi ở bên cạnh người khác
Khác với Echoist, người hướng nội thích dành thời gian ở một mình mà không hề cảm thấy bản thân bị cô lập. Ngược lại, một Echoist sẽ cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi ở cùng mọi người, họ muốn làm hài lòng mọi người và luôn sợ rằng sự hiện diện của mình là cái gai trong mắt người khác.
Bên cạnh đó, người hướng nội sẽ không ngần ngại tìm một người bạn đồng hành khi họ cần, thực tế có rất nhiều người hướng nội cảm thấy được tiếp năng lượng và truyền cảm hứng từ mối quan hệ 1-1. Họ chỉ đơn giản cảm thấy bị choáng ngợp bởi đám đông khi mà có quá nhiều cuộc hội thoại diễn ra cùng một lúc khiến họ cảm thấy quá tải và mất nhiều thời gian để phản hồi.
Còn đối với Echoist, họ cảm thấy khó khăn khi làm quen với người khác cũng như tham gia vào các bữa tiệc đông người. Trừ khi họ cảm thấy họ có ích với người đó, chẳng hạn, một người bất kỳ đang cảm thấy thất vọng và cần sự an ủi từ người khác.
3. Người hướng nội biết cách thiết lập những ranh giới
Những người hướng nội nhận thức được điểm giới hạn của bất kỳ mối quan hệ nào, họ sẽ thiết lập nên những ranh giới cần thiết để bảo vệ chính mình cũng như mọi người xung quanh khỏi sự tổn thương. Họ biết cách nói không với những điều không cần thiết và đe dọa đến ranh giới của mình. Do đó, họ có thể làm chủ được thời gian và cảm xúc của bản thân.
Mặt khác, Echoist thường nói có với mọi thứ. Họ e sợ rằng mình sẽ làm tổn thương mọi người xung quanh khi tưởng tượng đến những viễn cảnh tệ nhất có thể đe dọa đến các mối quan hệ hiện tại. Bởi vì điều đó nên họ cảm thấy mình có trách nhiệm với người khác và không thể thoát ra khỏi nguồn năng lượng tiêu cực này. Thời gian càng trôi qua, sự bất lực và gánh nặng ngày càng đè nén lên tâm hồn của Echoist.
4. Người hướng nội hiểu rõ điểm mạnh của mình
Đối với Echoist, họ có xu hướng giấu đi bản thân cũng như những điểm mạnh của mình. Họ cho rằng thể hiện tài năng của mình không khác gì với kiểu người tự mãn, cố gắng thu hút sự chú ý của người khác. Chung quy, họ luôn nghĩ rằng mình không xứng đáng với sự công nhận và quan tâm từ mọi người. Khác với Echoist, người hướng nội biết rõ những sở thích và điểm mạnh của mình, điều giúp họ kết nối và truyền cảm hứng với mọi người xung quanh. Do đó, họ luôn tự tin thể hiện năng lực và cá tính của bản thân.
5. sự im lặng
Những người hướng nội thường yên lặng khi nghiền ngẫm về một vấn đề nào đó. Họ không ngại bày tỏ quan điểm của bản thân, nhưng đối với họ, những quan điểm đó phải thật chắc chắn và được suy nghĩ thấu đáo chứ không phải là suy nghĩ nhất thời. Ngược lại, Echoist im lặng bởi vì họ sợ rằng ý kiến của họ sẽ đả kích đến mọi người xung quanh. Họ thậm chí còn không biết chắc điều họ đang suy nghĩ và cảm thấy là gì, và đó là lý do thích hợp để họ trì hoãn việc tỏ bày với mọi người xung quanh về ý kiến của bản thân. Có thể thấy, họ chỉ đơn giản là không tin tưởng bản thân mình.
BÀI LIÊN QUAN
6. Khả năng phụ thuộc
Người hướng nội có thể phụ thuộc vào người khác, họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ, kể cả điều đó có chút đáng sợ hoặc xấu hổ. Đối với họ, mối quan hệ bền vững là mối quan hệ đảm bảo được yếu tố cho đi và nhận lại. Mặt khác, Echoist thường cảm thấy khó khăn khi phụ thuộc vào người khác, họ cho rằng thế giới là một nơi đầy rẫy hiểm nguy và những gì họ cho đi không bao giờ là đủ để họ có thể nhận lại. Do đó, họ có tính cách độc lập cao và khó có thể mở lời khi cần sự giúp đỡ.
Liệu bạn có thể mang tính cách của cả người hướng nội và Echoist?
Những người hướng nội có thể mang đặc điểm của một Echoist. Khác với người hướng nội tích cực, số còn lại sẽ cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm cái tôi đích thực của mình. Chừng nào họ còn lẩn quẩn trong guồng quay ấy, họ sẽ khó mà tìm thấy những điểm mạnh cũng như niềm tin vào bản thân. Họ có thể cảm thấy sự hiện diện của mình là thừa thãi và luôn đổ lỗi cho bản thân mình. Nhưng điều quan trọng ở đây là, chỉ cần bạn cởi mở hơn thì mọi tổn thương đều có thể chữa lành. Vì vậy, đừng một mình âm thầm chịu đựng mãi mà hãy sẻ chia điều này với những người bạn yêu quý nhé.
Nhóm thực hiện
Bài: Vi Tường Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Nguồn: Mindbodygreen