Tôi không phải là một thuyết gia, hay nhà xã hội học về các nghi thức, lễ nghĩa. Tôi cũng chẳng có vốn từ vựng hoa mỹ và hào nhoáng cho việc ăn nói. Nhưng trong những cuộc trò chuyện, mỗi khi nói về tính cách của các dân tộc, cảm giác của tôi là vừa bực, vừa ngượng mỗi khi các bạn nước ngoài nói: “Người Việt Nam các cậu rất tò mò”, hoặc “phụ nữ Việt Nam nói to quá, đến sân bay nào mà thấy một đám đông ồn ào nói cười thì thể nào cũng là người Việt Nam”, hoặc “phụ nữ Việt “thật thà” quá, mà “chưa nói đã cười và cười rất ngớ ngẩn”.
Khi trò chuyện thì rất thích lấy những như tuổi, lương, gia đình, chuyện riêng tư để làm đầu câu chuyện. Ở nước ngoài những chuyện đó được cho là cấm kỵ và không thể là đầu câu chuyện được. Đó cũng là văn hóa nói và văn hóa giao tiếp. Nghĩ lại thì các bạn nước ngoài, đôi khi có cường điệu, nhưng mà phần lớn nói đúng.
Hãy biết cách nói chuyện phiếm (Small talks)
Nếu bạn Google “How to small talk”, sẽ có 223 triệu kết quả. Nghệ thuật nói chuyện cũng giống như khiêu vũ, có tiến, có lùi, có cho, có nhận, có lúc tình cảm, gần gũi, khi lại xa cách, lạnh lùng, lúc đi thẳng, khi quay tròn.
Nói chuyện cũng thế: có khi mình nói về mình, lúc lại nhận thông tin từ người đối thoại, khi nói về những vấn đề riêng tư, lúc lại đề cập đến chuyện nắng mưa, ngập, tắc đường, phim ảnh hay dở. Lúc có thể nói ngay đến tâm vấn đề, cũng có thể lòng vòng nói gần nói xa.
Và cũng giống như bất cứ loại hình nghệ thuật nào, sự thanh lịch trong lời ăn tiếng nói cũng phải được tập dượt, mài giũa, trau dồi từ đọc, quan sát, tiếp thu một cách có ý thức (rất ít khi đây là khả năng Trời cho).
Có một số kim chỉ nam nhất định bạn nhớ dùng nhé. Ví dụ:
– Nhớ tên người mình đang nói chuyện cùng
– Nhìn vào mắt người nghe khi nói
– Nếu nói chuyện với một nhóm người, đối xử với mọi người như nhau.
– Tránh ngắt lời người đang nói (tối kỵ).
– Tránh nói thao thao về mình.
– Người khôn nghe nhiều hơn nói.
– Tránh những câu hỏi riêng tư, mang tính tọc mạch khi vừa mới gặp ai đó. Mẹ tôi có thói quen mỗi khi gặp một người bạn mới của tôi đều hỏi gia cảnh, chồng con, nhà to hay bé, tại sao từng này tuổi rồi chưa lấy chồng, rồi nhận xét rất thẳng thừng: cô thấy mày hơi béo/ốm/mệt mỏi… đấy nhé. Thế hệ của mẹ là thế, hỏi như thế mới là quan tâm đến nhau.
Nói vừa đủ nghe và chân thành
Nói to quá hay nhỏ quá đều làm phiền người nghe. Thì thầm giữa hai người chỉ dành cho các đôi tình nhân, giữa đám đông mà thì thầm là mất lịch sự, người khác sẽ nghĩ bạn đang nói xấu họ. Còn nói to thì… Thị Nở quá!
Sự thanh lịch, duyên dáng không liên hệ gì với sự nói to, bất kể là nói trực tiếp hay trên điện thoại. Giữa nói năng khéo léo với sự giả tạo là một đường kẻ rất mờ. Có lẽ vì vậy, từ điển của Cambridge định nghĩa thanh lịch là sự duyên dáng và quyến rũ ở cả bề ngoài (của người phụ nữ) lẫn trong cách nói năng, ứng xử.
Những lời nói dễ nghe, có thể chưa hoặc không cần hoa mỹ, khi đi cùng với sự chân thành, ân cần, và chu đáo với những người xung quanh, sẽ làm nên đầy đủ tố chất của một người phụ nữ duyên dáng, gợi cảm, hấp dẫn.
Nhóm thực hiện
Bài Nhu Vũ - Ảnh Corbis