Valentine hay ngày Lễ Tình Nhân 14/2, được xem là ngày kỷ niệm chung của các cặp tình nhân. Vào ngày này, các cặp đôi thường hẹn nhau tại các nhà hàng, quán ăn, tặng cho nhau hoa, chocolate hay những lời yêu thương chân thành. Đây còn là dịp những người độc thân chọn để tỏ tình với người mình thầm yêu thích.
Nhưng nguồn gốc của của tên gọi Valentine bắt nguồn từ đâu và từ khi nào nó trở thành ngày lễ truyền thống của các cặp đôi?
Nguồn gốc
Theo truyền thuyết, cái tên Valentine được lấy từ tên một vị thánh là Valentine hoặc Valentinus. Tuy nhiên, trong lịch sử có tới 3 người có tên Valentine được phong thánh và vẫn chưa có xác nhận chính xác, nguồn gốc ngày lễ này thuộc về vị thánh nào. Nhưng điểm tương đồng của cả ba vị thánh này đó là họ đều chấp nhận hy sinh bản thân mình vì tình yêu chân chính, tình yêu cao cả và chính nghĩa.
Và đây là giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất.
Valentine là tên một vị linh mục sống dưới triều đại các Hoàng đế La Mã Decius và Claudius II. Bấy giờ, Đế chế La Mã đang rơi vào khoảng thời gian trường kỳ kháng chiến và Hoàng đế yêu cầu tất cả trai tháng phải tham gia quân đội. Tuy vậy, các chàng trai quá luyến tiếc người yêu, gia đình, con cái, nên họ tìm cách trốn nhập ngũ. Nghĩ rằng, những người phụ nữ ở nhà là nguyên nhân dẫn đến sự yếu đuối, thiếu sốt sắng của những người đàn ông đó, Hoàng đế Claudius II đã ban lệnh cấm kết hôn hoặc đính hôn.
Dù lệnh đã được ban hành nhưng linh mục Valentine vẫn bí mật tổ chức hôn lễ cho các cặp đôi tại nhà thờ của mình. Khi bị phát hiện, ngài bị bắt và xử tử hình. Trước lúc đi ra pháp trường vào chiều ngày 14/2, linh mục đã gửi một tấm thiệp đến cô con gái của viên quản ngục Asterius, người vốn mang căn bệnh mù lòa bẩm sinh nhưng đã được ngài chữa lành nhờ phép lạ trước đó. Trong thiệp, vị linh mục đã ký “dal vostro Valentino” – From your Valentine (tạm dịch, Từ Valentine của nàng). Cái chết của vị linh mục đã gây xúc động mạnh trong lòng của tín đồ Kito giáo nói riêng và người dân khắp thế giới nói chung.
Ngày nay, cụm từ “From your Valentine” vẫn còn khá thông dụng. Các cặp đôi thường ký cụm từ này thay cho tên của mình. Dần dần, ngày 14/2 trở thành ngày các cặp uyên ương gửi tặng nhau những tấm thiệp tràn đầy tình yêu thương và thánh Valentine trở thành biểu tượng tình yêu của các cặp đôi.
BÀI LIÊN QUAN
Ý nghĩa của các ngày Valentine
Ngoài ngày lễ chính 14/2, hay còn được gọi là Valentine đỏ, thì vẫn còn ngày Valentine trắng và Valentine đen.
Nếu ngày Valentine đỏ 14/2 là ngày các cô gái bày tỏ tình yêu thương đến các chàng trai của mình, thì ở Nhật Bản, Valentine trắng (14/3) là ngày các chàng trai “đáp lời” cho nửa kia.
Và tất nhiên, không thể bỏ qua những người độc thân. Họ có hẳn một ngày dành cho mình. Ngày 14/4 ở Hàn Quốc được gọi là Valentine đen, hay có cách gọi khác là “Quốc tế độc thân”. Vào ngày này, những người độc thân thường tụ họp lại, cùng nhau ăn món mỳ tương đen (Jajangmyun), cùng nhau vui chơi, tận hưởng cuộc sống.
Ở Trung Quốc, mọi người lại đón ngày Lễ Tình Nhân vào một ngày khác, ngày 7/7, hay còn gọi là Lễ Thất Tịch, ngày mà Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước.
Dù cho giả thuyết chính xác về ngày Lễ Tình Nhân là gì thì cũng có một điểm chung quan trọng là đề cao tình yêu thương giữa người với người. Nếu những cặp đôi yêu thương và quan tâm nhau chân thành thì bất cứ ngày nào trong năm cũng là ngày Valentine.
Xem thêm:
Gợi ý quà Valentine lãng mạn cho chàng
Tận huởng cuộc sống độc thân ngày Valentine
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Mia Thủy Tiên (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)