Đối với Adele và Beyoncé, cả hai đều mắc hội chứng sợ sân khấu thuở mới vào nghề. Vì vậy, nghe có phần khó tin nhưng họ thực sự đã tạo ra một “nhân cách thứ hai” để đối phó với nỗi sợ đó, quá trình này được gọi là “hiệu ứng Batman”.
Về Beyoncé, cô có một Sasha Fierce quyết đoán, quyền lực, cho phép cô biểu diễn như một nữ ca sĩ quyến rũ, nóng bỏng và hết mình trên sân khấu. Bên cạnh Beyoncé, Adele cũng đã tạo ra một nhân cách mang tên Sasha Carter – sự pha trộn tính cách giữa Sasha Fierce và ngôi sao nhạc đồng quê June Carter.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc tạo ra một “nhân cách thứ hai” thực sự có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ. Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng trong công việc hay nghĩ mình chưa đủ giỏi để làm việc tốt hơn? Hãy tham khảo quan điểm sau đây của những chuyên gia tâm lý học, đồng thời là chuyên gia trong việc sử dụng “hiệu ứng Batman”.
“Nhân cách thứ hai” có thực sự giúp kiểm soát nỗi sợ?
Nếu một ngày, nỗi sợ hãi và lo lắng bắt đầu kìm hãm bạn trong công việc và bạn không có cách giải quyết, hãy nghĩ đến việc áp dụng “hiệu ứng Batman”. Ban đầu, đây chỉ là chiến thuật được sử dụng bởi trẻ con. Khi gặp vấn đề, trẻ em có xu hướng mường tượng ra một siêu anh hùng (chẳng hạn như Batman) và nghĩ rằng người hùng ấy sẽ làm gì để vượt qua một tình huống khó khăn. Tuy nhiên, theo Ethan Kross – một giáo sư tâm lý tại Đại học Michigan, người đã chuyên tâm nghiên cứu về “khả năng quan sát trải nghiệm cá nhân dưới góc nhìn của người khác” trong trong nhiều năm trời. Ông tin rằng, “hiệu ứng Batman” hoàn toàn có thể áp dụng cho người lớn, đồng thời mang lại nhiều kết quả đáng kinh ngạc.
BÀI LIÊN QUAN
Mặc dù chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc đặt mình vào tâm lý của một nhân vật tưởng tượng là điều không tưởng. Thế nhưng, khi đã “thuần hóa” được nhân cách đó, bạn sẽ có một góc nhìn khách quan và thực tế hơn trong mọi vấn đề. Điều này thực sự rất có ích cho công việc, đặc biệt đối với những người có xu hướng làm nghiêm trọng hóa mọi chuyện hoặc chỉ chăm chăm vào các vấn đề của mình.
Thực tế, khi đối diện với vấn đề, con người thường có xu hướng bị ám ảnh đến mức khó có thể nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Elisa Sánchez (một nhà tâm lý học về nghề nghiệp) cho rằng: việc hướng suy nghĩ của bản thân ra hiện trạng bên ngoài có thể giúp bạn đối phó với tình huống một cách hợp lý và bình tĩnh. Nói cách khác, “hiệu ứng Batman” giúp các vấn đề hoặc xung đột trở nên dễ kiểm soát và ít căng thẳng hơn.
“Hiệu ứng Batman” có phù hợp với tất cả mọi người?
Thực ra, khái niệm “hiệu ứng Batman” không hoàn toàn mới vì có thể bạn đã nghe đến câu nói “Fake it until you make it” (Hãy giả vờ cho đến khi điều đó thành sự thật). Nghĩa là nếu muốn trở thành một người nào đó, bạn hãy cư xử hành động giống như họ và cứ làm như vậy cho đến khi bạn thực sự trở thành một người như họ.
Hiểu một cách đơn giản, tất cả những niềm tin này đều dựa trên nguyên lý: Nếu bạn nghĩ mình sắp ngã, bạn sẽ ngã. Nếu bạn nghĩ mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, mọi chuyện sẽ diễn biến theo hướng tốt đẹp. Sanchéz tin rằng, việc tạo ra một “nhân cách thứ hai” có thể giúp bạn gợi lên những kỳ vọng tích cực trong tâm trí, từ đó dễ dàng đạt được mục tiêu mình đặt ra.
Tuy nhiên, “hiệu ứng Batman” không dành cho tất cả mọi người vì có một số trường hợp người sử dụng gặp vài vấn đề về rối loạn đa nhân cách. Vậy những ai có thể sử dụng hiệu ứng này một cách hiệu quả nhất? Một là những người quá nhút nhát, họ dễ dàng run sợ khi buộc phải nói chuyện trước đám đông hoặc đứng ra tổ chức một cuộc họp lớn. Hai là những người chuyên nghiệp phải đảm nhận một vai trò khác trong công việc.
Xem thêm:
• Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực để đạt được hạnh phúc
• 8 kiểu ái kỷ khác nhau và cách nhận diện
• Hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome): Nguyên nhân và cách đối diện
“Nhân cách thứ hai” có giúp đánh thức khả năng tiềm ẩn trong bạn?
Một nhân cách tích cực có thể sẽ rất hữu ích cho việc nỗ lực đạt được mục tiêu và phát triển sự nghiệp của bạn. Chal Jiménez – một chuyên gia marketing, quảng cáo và truyền thông tại Tây Ban Nha là ví dụ thực tế cho điều này. Anh đã vượt qua sự nhút nhát thời thơ ấu và tự phát huy hết khả năng của mình nhờ hai nhân vật Batman và Superman. Đối với anh, việc tưởng tượng hoặc hóa thân vào những siêu anh hùng giúp anh ấy tự tin hơn với tài năng của mình, biết cách chấp nhận bản thân và tạo dựng sự nghiệp.
Anh đã giải thích về cách tạo ra một “nhân cách thứ hai” trong quyển sách Supertalent của mình. Theo anh, việc này không đơn giản chỉ là tự hỏi nhân vật này sẽ làm gì trong tình huống đó mà còn liên quan đến việc thử thách bản thân mỗi ngày, khám phá khả năng tiềm ẩn của bản thân, tiếp tục trau dồi và phát triển.
Bên cạnh đó, Jiménez tin rằng bạn có thể nghĩ đến việc tạo ra nhiều nhân cách khác nhau, có vai trò khác nhau để đối phó với nhiều tình huống cụ thể. Và “nhân cách thứ hai” này bắt buộc phải là người truyền cảm hứng cho bạn thông qua các giá trị, cách xử lý vấn đề hoặc cách làm việc của họ. Tuy nhiên, bạn không nên quá phụ thuộc vào nhân cách này để giải quyết mọi vấn đề. Khi áp lực đã qua, việc học cách quản lý cảm xúc và đối mặt với thực tế sẽ hiệu quả hơn việc liên tục sử dụng một nhân cách khác để đối phó.
BÀI LIÊN QUAN
Làm thế nào để sở hữu “nhân cách thứ hai”?
Như đã đề cập, hiệu ứng Batman cho phép bạn quan sát rộng hơn và xem xét lại các vấn đề của mình ở một góc độ khác. Dưới đây là một số công thức bạn có thể áp dụng để tạo ra “nhân cách thứ hai” cho chính mình:
Quan sát toàn diện
Một số nghiên cứu phát hiện rằng, những vấn đề càng tiêu cực thì người ta càng có khả năng nhớ đến sự kiện này với tư cách là một người “tham gia” vào sự kiện đó. Tuy nhiên, đối với những trải nghiệm tích cực, chúng ta lại có xu hướng nhớ về nó với tư cách là một người “quan sát”. Do đó, nếu một ngày bạn gặp khó khăn trong công việc, hãy thử đặt mình vào vị trí của người ngoài cuộc và nhìn lại vấn đề của mình. Người đó có thể là nhân cách thứ hai của bạn. Và nếu là một người ngoài cuộc, họ sẽ đánh giá vấn đề của bạn như thế nào, và giải pháp nào là hữu ích cho những khúc mắc mà bạn đang gặp phải. Lúc đó, bạn sẽ tìm ra lời giải cho tình huống hiện tại của mình.
Sử dụng ngôi kể thứ 3
Khi vừa có một trải nghiệm tồi tệ trong công việc, chúng ta thường bị ám ảnh và lặp đi lặp lại sự việc đó trong đầu đến mức mệt mỏi. Tuy nhiên, việc làm này tác động rất tiêu cực đến cách bạn giải quyết vấn đề. Giải pháp tốt nhất là bạn hãy nghĩ đến việc “nhân cách thứ hai” của mình sẽ làm gì trong tình huống tồi tệ đó. Điều này có thể giúp bạn cân bằng cảm xúc và tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho vấn đề của mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Hy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Welcome to the Jungle