Lifestyle / Bí quyết sống

8 kiểu ái kỷ khác nhau và cách nhận diện

Ái kỷ, hay còn gọi là chứng yêu bản thân thái quá, là bệnh lý tâm thần mà những người mắc bệnh sẽ có xu hướng chỉ quan tâm đến bản thân và thổi phồng giá trị của mình so với người khác.

Trong khi một người có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD – Narcissistic Personality Disorder) thì các nhóm ái kỷ khác lại không có bất kỳ chẩn đoán lâm sàng cụ thể nào. Mặc dù tất cả đều mang đặc điểm cốt lõi là tự yêu bản thân và thiếu sự đồng cảm nhưng mỗi loại riêng biệt lại có biểu hiện hành vi và gây ra mức độ nghiêm trọng khác nhau.

1. Ái kỷ lành mạnh (Healthy narcissism)

Không phải bất kỳ ai mang đặc điểm ái kỷ đều là những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual), để chẩn đoán một người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cần ít nhất 55% các triệu chứng thông thường. Do đó, rất nhiều người có dấu hiệu nhưng không thực sự mang chứng bệnh này. Những người này được xem là có tính ái kỷ lành mạnh.

Theo nhà trị liệu nhận thức Alyssa Mancao, “mỗi người đều có một chút ái kỷ lành mạnh bên trong họ. Do đó, những người này sẽ cảm thấy tự hào về thành tích của mình và muốn chia sẻ nó với mọi người xung quanh”. Bên cạnh đó, họ sẽ cảm thấy tự tin, thấy bản thân xứng đáng với những điều tốt đẹp diễn ra xung quanh. 

cô gái ái kỷ đứng bên bụi hoa giấy
Ảnh: Unsplash

2. Ái kỷ tự cao (Grandiose narcissism)

Trong tâm lý học, tự cao đề cập đến cảm giác vượt trội phi thực tế của một cá nhân. Do đó, lòng ái kỷ tự cao sẽ cho thấy người đó đánh giá quá cao năng lực và giá trị thực tế của mình. Điều này dẫn đến ý thức về lòng tự trọng và sự thống trị của người đó với mọi người xung quanh.

Chứng này thường đối lập với lòng ái kỷ dễ bị tổn thương (Vulnerable narcissism). Họ có thể rất nhiệt tình và tự tin nhưng đồng thời thiếu đi sự đồng cảm với mọi người. Trong cuộc nói chuyện, họ sẽ có xu hướng tập trung vào bản thân nhiều hơn. Điều này có thể là do họ luôn khao khát sự chú ý và thích nhìn người khác phải e dè, bối rối trước minh. Bên cạnh đó, khi làm việc với họ, bạn phải biết cách đặt ra ranh giới để người đó không xâm phạm quyền lợi của bạn và cả hai có thể bình đẳng với nhau.

3. Ái kỷ khép kín (Convert Narcissism)

Những người mắc chứng này thường có xu hướng nhút nhát và khiêm tốn. Theo tạp chí Tâm thần Hoa Kỳ (AJP), “họ là những người dễ dằn vặt, mẫn cảm với nhận xét của mọi người cũng như dễ nảy sinh lòng đố kỵ. Họ cũng khao khát sự công nhận từ mọi người nhưng lại rất bảo thủ trước những lời chỉ trích”. Và họ luôn có lý do để tin rằng mình rất đáng thương cũng như sự đau khổ của họ tồi tệ hơn bất kỳ ai khác.

cô gái ái kỷ nằm trên bàn
Ảnh: Unsplash

4. Ái kỷ ác tính (malignant narcissist)

Những người mắc chứng này có xu hướng thao túng người khác và mang tính cách tàn bạo, hung hăng. Đây là loại nghiêm trọng nhất của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Họ tìm thấy niềm vui trong sự đau khổ của mọi người. Những người này cũng mang các biểu hiện của chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder, đôi khi gọi là psychopath) như xem thường các chuẩn mực xã hội, thích thao túng tâm lý của người khác, không hối hận về hành vi của bản thân…

5. Ái kỷ tình dục (Sexual narcissism)

hai người hôn nhau mắc chứng ái kỷ
Ảnh: Unsplash

Họ có thể bị ám ảnh bởi nhu cầu tình dục và sự công nhận cũng như ngưỡng mộ của bạn đời đối với mình. Những người mắc chứng này thường sử dụng tình dục để thao túng người khác và cư xử thô bạo trong quan hệ. Nếu bạn đang ở trong mối quan hệ như vậy, nên sớm chấm dứt và tránh người đó càng xa càng tốt.

6. Ái kỷ soma (Somatic narcissism)

Người mắc chứng ái kỷ Soma tìm thấy giá trị bản thân từ cơ thể của họ. Điều này thể hiện khi một người nào đó cảm thấy mình xinh đẹp và quyến rũ hơn so với những người khác. Đây cũng là nguyên do mà họ thường ám ảnh về cân nặng và ngoại hình của mình cũng như có xu hướng đánh giá ngoại hình của mọi người. Họ cũng bỏ qua nhu cầu của người khác và ưu tiên bản thân mình hơn. Vì thế, khi gặp những người này, bạn nên tránh phản hồi lại các biểu hiện thái quá của họ. Điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.

Ảnh: Unsplash

7. Ái kỷ trí tuệ (Cerebral narcissist)

Điều đặc trưng nhất về những người này là họ tìm thấy giá trị của bản thân thông qua tâm trí của mình. Họ tin rằng mình thông minh và sáng suốt hơn những người khác. Trong quá trình nuôi dưỡng cái tôi, họ sẽ cố gắng thể hiện rằng mình khôn ngoan và có khả năng hơn người. Khi tiếp xúc với những người ái kỷ trí tuệ, bạn đừng để lời nói của họ tổn thương mình, bởi họ chỉ đang cố gắng cho bạn thấy rằng họ tài giỏi hơn bạn mà thôi.

8. Ái kỷ tâm linh (Spiritual narcissist)

Người mang chứng này thường lợi dụng các lý do tâm linh và đấng tối cao để bao biện cho lời nói dối cũng như hành vi xấu xa của mình. Đặc biệt, họ có thể sử dụng từ ngữ tâm linh để đe dọa người khác. Cùng với đó, họ luôn cố gắng lý tưởng hóa chính mình để bảo vệ bản thân khỏi sự bất an và nâng cao vị thế trong xã hội. 

Chứng ái kỷ tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, trong khi một số đem lại cảm xúc tích cực thì số khác lại tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội. Bạn không thể nào cảm hóa được họ, vì vậy, hãy học cách đặt ra ranh giới và bảo vệ bản thân khỏi sự tổn thương mà những người này có thể đem lại cho bạn. 

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Vi Tường Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Mindbodygreen
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)