“Nhảy việc” ở tuổi 30, tại sao không?

Đăng ngày:

Bạn muốn bắt đầu lại sự nghiệp của mình ở tuổi 30 nhưng còn chần chừ vì sợ thất bại? Hãy cùng ELLE chuẩn bị kĩ càng để “nhảy việc” không còn là nỗi sợ ngăn cản bạn làm điều mình yêu nhé.

Mong muốn thay đổi nghề nghiệp ở tuổi 30 (và trong độ tuổi 30) là vô cùng bình thường. Trên thực tế, 73% người được khảo sát năm 2015 nói rằng họ muốn “nhảy việc” (tăng 10% so với năm 2013).

Vậy cái gì đang làm bạn chùn bước thế? 43% những người quan tâm đến việc thay đổi nghề nghiệp đã coi việc thiếu an ninh tài chính là một rào cản lớn. Trong khi đó, 36% cho biết họ lo lắng về việc thiếu kinh nghiệm thực tiễn hoặc kiến thức chuyên môn.

Việc cảm thấy hạnh phúc và đam mê với công việc mình đang làm là rất quan trọng. Do đó, nếu bỗng dưng bạn thấy mình không còn tha thiết với công việc mình gắn bó bấy lâu nữa. Hãy cân nhắc để bắt đầu một công việc mới.

Chắc chắn lúc đầu, bạn sẽ thấy rất sợ hãi, hay thậm chí là mệt mỏi. Nhưng đừng lo. Cứ nghĩ trong đầu rằng: “Nếu làm công việc mới không ổn, mình vẫn có thể quay lại công việc cũ mà”.

Còn bây giờ, cùng tìm hiểu những yếu tố then chốt mà bạn cần chuẩn bị kĩ càng trước khi quyết định “nhảy việc” nhé.

Hiểu về ngành nghề mình sẽ làm

Một mẹo nhỏ để đem lại sự tự tin khi ứng tuyển cho công việc mới là nói về nó như thể bạn có rất nhiều kinh nghiệm. Việc này đòi hỏi sự nghiên cứu kĩ lưỡng. Bên cạnh việc trau dồi những kiến thức cần thiết, bạn cũng cần vốn hiểu biết về các từ ngữ chuyên ngành.

Đọc các tin tuyển dụng, xem quảng cáo cho công việc và học cách người tuyển dụng sử dụng các từ ngữ. Hãy lưu ý những từ khóa bạn thấy lặp đi lặp lại mãi trên tất cả các phương tiện đại chúng và chắc chắn rằng bạn biết ý nghĩa của chúng.

Việc này rất quan trọng, vì khi bạn làm một bộ CV mới, bạn cần hiểu rõ những từ mà mình sử dụng. Nó không chỉ cho thấy kiến thức của bạn mà còn chứng tỏ bạn là một nguời chuyên nghiệp.

cô gái nhìn vào điện thoại

Ảnh: Unsplash

Bạn cũng nên tận dụng mạng xã hội để theo dõi các nhà lãnh đạo hay những người có sức ảnh hưởng. Biết đâu, khi đang lướt story Instagram, bạn sẽ vô tình bắt gặp một tin tức tuyển dụng cho công việc mình hằng mơ ước thì sao.

Mở rộng mạng lưới quan hệ

Việc bạn không biết hàng ngàn người trong lĩnh vực mới không đồng nghĩa với việc bạn không thể quen thêm ai cả. Hãy tận dụng các mối quan hệ cũ mà bạn có được. Thông qua những người bạn biết, bạn có thể kết nối với những người mới hơn.

người phụ nữ bắt tay

Ảnh: Pexels

Nhưng điều này không có nghĩa chỉ cần nhấc điện thoại lên hỏi xin về thông tin của người mà bạn cần. Bạn không nên tạo ấn tượng xấu như thế.

Điều bạn cần làm là đặt ra câu hỏi: Mình có thể giúp ích gì cho người đó trước khi mình hỏi xin thông tin? Bạn nên cho người đó thấy thành ý của mình bằng cách giúp họ trước. Có thể là kết nối họ với người mà họ cần xin lời khuyên hay đơn giản chỉ là giới thiệu nơi họ có thể tìm được tài liệu mà họ muốn.

Bạn có thể thử sử dụng phương pháp này: Lập một danh sách những người bạn muốn tiếp cận. Thêm một cột về cách bạn cung cấp một cái gì đó có giá trị cho họ, và nhấc máy gọi hay gửi mail cho họ nào.

Sẵn sàng thực hiện những thỏa hiệp

Trong bài diễn văn của mình tại Stanford năm 2015, Steve Jobs từng chia sẻ: “Lúc ấy tôi không hề biết, nhưng việc bị sa thải khỏi Apple là điều tốt nhất từng xảy đến với tôi. Áp lực nặng nề của việc thành công đã được thay thế bằng sự nhẹ nhàng của một người mới bắt đầu lại, ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Nó giải phóng tôi để bước vào một trong những thời kỳ sáng tạo nhất của cuộc đời tôi”.

Những lời trích dẫn từ Steve Jobs có thể đem đến cảm hứng. Nhưng chúng ta đều biết, thực tế khắc nghiệt hơn rất nhiều. Bắt đầu một công việc mới đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận một vị trí thấp hơn vị trí hiện tại. Không những bị trả lương thấp hơn, bạn còn phải đến lớp học buổi tối cùng với những cô cậu bé 18 tuổi.

Đừng nản lòng, vì một khi đã quyết định “nhảy việc”, bạn phải chấp nhận đánh đổi. Đôi khi, đi lùi một bước sẽ giúp bạn có thời gian chiêm nghiệm cho những bước đi tiếp theo.

cánh tay đang viết chữ

Ảnh: Unsplash

Và hãy nhớ để ý đến tài chính cá nhân nhé. Vì trong lúc trau dồi bản thân cho công việc mới, bạn cần một quỹ dự trữ. Hãy học cách chi tiêu thông minh để có thể biến ước mơ thành sự thật. ELLE chúc bạn “nhảy việc” thành công!

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Ánh Xuân

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: CreativeCultivate

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more