Thời điểm đầu năm 2019, hiện tượng Tidying up with Marie Kondo (Dọn dẹp cùng Mario Kondo) – series phóng sự dài 8 tập do Netflix sản xuất – nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi khắp các trang mạng xã hội.
Tidying up with Marie Kondo có thể xem là phần tiếp theo của cuốn sách từng “cháy hàng” năm 2016 của Marie Kondo – The Life-Changing Magic of Tidying Up (sách được xuất bản tại Việt Nam dưới tên Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống). Cả cuốn sách và series Netflix xoay quanh việc hướng dẫn mọi người trong đời sống hiện đại cách dọn dẹp đồ đạc khoa học nhằm tạo ra không gian sống tích cực và ý nghĩa.
Kể từ khi ra mắt cuốn sách cho tới serié phim gần nhất trên Netflix, Marie Kondo cùng với phương pháp dọn dẹp của mình đã trở nên vô cùng nổi tiếng, góp phần thay đổi suy nghĩ cũng như hành động của mọi người về một công việc tưởng như quá căn bản là dọn dẹp.
Marie Kondo từng lọt vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn. Cô từng tham gia hơn 50 show truyền hình lớn ở Nhật Bản và có cả những buổi phát sóng Radio riêng. Nhiều tạp chí lớn trên thế giới muốn có sự xuất hiện của cô như Time Magazine, The New York Times, The Wall Street Journal, The London Times, tạp chí Vogue, show Ellen, Rachael Ray…
Phương pháp Marie Kondo nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng nhờ tính hiệu quả, ngăn nắp cũng như dễ áp dụng của nó. Không chỉ vậy, những người từng áp dụng phương pháp Marie Kondo cũng cho rằng, phương pháp này không chỉ giúp họ sắp xếp lại đồ đạc một cách gọn gàng và khoa học mà còn giúp họ sắp xếp lại cuộc sống, thay đổi cách nhìn nhận về vật chất, nhận ra được những giá trị bền vững hơn.
Sau đây là 6 bài học cuộc sống mà chúng ta có thể học được từ phương pháp Marie Kondo.
1. Luyện tập cách đồng cảm với đồ vật của mình
Việc học cách đồng cảm với đồ vật nghe có vẻ ngớ ngẩn và buồn cười. Bởi lẽ, từ trước tới nay, chúng ta đều tư duy rằng đồ vật vốn dĩ là những thứ vô tri, vô giác. Song, một trong những nguyên tắc đầu tiên của phương pháp dọn dẹp Marie Kondo chính là hiểu được những vật dụng xung quanh mình.
Khi chúng ta bắt đầu để tâm và suy nghĩ về những món đồ xung quanh mình, chúng ta sẽ nhận ra nhiệm vụ cũng như tầm quan trọng của nó trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta có thể xác định và phân loại được đâu là đồ vật thật sự cần thiết và có ý nghĩa trong cuộc sống.
Từ quy tắc này soi vào cuộc sống hiện đại – khi chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) ngày càng được cổ vũ – chúng ta đang dễ bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm. Chúng ta không chỉ mua sắm đồ đạc vì nhu cầu mà còn mua vì sở thích, hứng thú hay thậm chí mua thêm những món chúng ta đã có nhưng khác màu sắc, kiểu dáng… Mua sắm hay shopping xả stress – sở thích của nhiều người trong cuộc sống hiện đại – không hoàn toàn sai nhưng dễ dẫn tới sự lãng phí hay thừa thãi. Thậm chí, ngay cả khi đã mua rồi, “tâm lý tiếc rẻ” lại khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc vứt bỏ những món đồ cũ. Kết quả, không gian sống cho bản thân chúng ta thì ít đi mà không gian cho những món đồ lại nhiều lên.
Đồng cảm với những món đồ của chính mình cũng sẽ giúp chúng ta biết trân trọng và tối ưu hóa giá trị sử dụng của chúng và tránh lãng phí.
2. Nhận ra đâu là thứ mang lại niềm vui cho bạn
“Triết lý dọn dẹp” xuyên suốt của phương pháp Marie Kondo chính là việc chú trọng vào niềm vui.
Một trong những khó khăn khi dọn dẹp mà hầu hết mọi người gặp phải chính là phân vân nên giữ lại hay vứt đi một món đồ. Lời khuyên của Marie Kondo là cầm từng món lên và đặt câu hỏi: “Món đồ này có đem lại niềm vui cho mình không?”. Khi ấy, bạn sẽ tự khắc biết được đâu là vật nên giữ và đâu là thứ nên vứt đi.
Trong thực tế, hầu hết chúng ta có nhiều món đồ không thực sự cần thiết so với những thứ chúng ta thực sự yêu quý, những món đồ thiết yếu và nên giữ lại. Vì thế, việc đảo ngược quá trình đánh giá đồ vật, bắt đầu từ lựa chọn thứ chúng ta muốn giữ thay vì suy nghĩ xem phải vứt đi vật gì sẽ giúp bạn dễ giải quyết vấn đề hơn. Cuối cùng, sau khi loại bỏ những vật không đem lại niềm vui, xung quanh bạn sẽ chỉ còn lại những món đồ mà bạn thực sự xem trọng và yêu quý.
Vì vậy, hãy giữ lại những món đồ đem đến niềm vui cho bạn!
3. Niềm vui cũng sẽ đến từ việc vứt bỏ
Bài học tiếp theo mà phương pháp dọn dẹp Marie Kondo đem lại chính là việc cảm thấy vui khi vứt đi những món đồ không cần thiết. Những quy tắc và phương pháp của Marie Kondo hầu hết giúp chúng ta nhận ra được giá trị thực sự của những món đồ mà chúng ta có, từ đó giúp cho việc loại bỏ bớt những thứ vụn vặt, không cần thiết trở nên dễ dàng hơn.
Đồng thời, khi vứt bỏ những món đồ không cần thiết sẽ giúp chúng ta sống đơn giản và thư thái hơn.
Vì vậy, đừng nghĩ rằng việc vứt bỏ những món đồ không cần thiết là lãng phí mà hãy coi đó là cách chúng ta quẳng bớt đi những vụn vặt, không còn ý nghĩa và giữ lại bên mình những gì bản thân thực sự cần, thực sự trân trọng. Có lẽ đây cũng chính là một phần của nghệ thuật cho đi.
4. Đừng rơi vào cái bẫy của sự tiếc nuối
Khi đứng giữa núi đồ đạc ngổn ngang và cố gắng đặt câu hỏi liệu món đồ này có đem lại niềm vui cho mình không? Chúng ta dễ rơi vào cái bẫy của sự tiếc nuối. Có thể chiếc túi xách mà bạn giữ trong tủ từng là chiếc túi bạn yêu thích nhất. Đó là chiếc túi mà bạn phải tiết kiệm một thời gian mới mua được. Tuy nhiên, giờ đây, bạn sẽ chẳng dùng đến chiếc túi này nữa vì đã có chiếc túi khác tiện lợi và thời trang hơn. Tùy vào đánh giá của bạn về mức độ cần thiết cũng như giá trị của món đồ, bạn sẽ nhận ra giá trị sử dụng thực sự ở thời điểm hiện tại của đồ vật đó.
Hãy nhớ rằng, sự tiếc nuối hay tiếc rẻ chính là cái bẫy khiến chúng ta khó chia tay đồ vật. Trong khi đó, ý nghĩa của việc dọn dẹp lại chính là giải quyết những thứ không còn cần thiết hoặc không còn nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống hiện tại. Vì vậy, Marie Kondo luôn nhắc nhở mọi người cẩn thận với sự tiếc nuối, xem đó như một cái bẫy khiến mọi người gặp rắc rối trong việc xác định giá trị thực sự và mức độ cần thiết của đồ vật.
Đây cũng chính là lý do mà phương pháp Marie Kondo được khen ngợi là giúp những Konvert (tên của những người áp dụng phương pháp Marie Kondo) sống thực tế và cầu tiến, hướng đến hiện tai và tương lai.
5. Hãy biết nói lời “cám ơn” trước khi vứt đi một món đồ nào đó
Bởi việc phải chia tay với những món đồ có giá trị cảm xúc thường khiến chúng ta tiếc nuối và buồn nên Marie Kondo gợi ý rằng hãy nói lời cám ơn trước khi quẳng nó đi. Nói lời cám ơn một món đồ không cần đến nữa có nghĩa là chúng ta trân trọng những món đồ xung quanh mình và hiểu được giá trị của chúng.
6. Hãy bày mọi thứ ra trước mặt và dọn dẹp theo từng hạng mục
Khi dọn dẹp, chúng ta có thói quen bắt đầu theo từng phòng hay từng khu vực một. Tuy nhiên, Marie Kondo lại hướng dẫn điều ngược lại. Cô khuyến khích mọi người hãy bắt đầu bằng việc phân loại các hạng mục đồ đạc mà bạn muốn dọn.
Ví dụ, thay vì dọn từ phòng khách sang phòng ngủ và nhà bếp, bạn hãy chia đồ đạc của bạn theo hạng mục sách, dọn dẹp hết toàn bộ những quyền sách hay giá sách bạn có. Sau đó, bạn dọn dẹp hạng mục quần áo rồi đến đồ gia dụng và dụng cụ nấu ăn…
Việc này giúp bạn có cái nhìn tổng quát với các món đồ bạn sở hữu, tránh trường hợp dọn hết đồ đạc ở phòng này rồi lại gặp món đồ tương tự ở phòng kia. Khi lôi toàn bộ đồ đạc ở trong cùng một hạng mục ra để cân nhắc trước khi dọn dẹp chúng đi, bạn cũng sẽ đánh giá được chính xác hơn sự cần thiết và ý nghĩa của những món đồ bạn có, đồng thời cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức.
Tóm lại, dọn dẹp không gian sống theo phương pháp Marie Kondo giúp chúng ta thay đổi cách đánh giá về vật chất và giá trị trong cuộc sống. Chú trọng đến giá trị lâu dài; hướng tới những điều đem lại cảm xúc tích cực; chủ động cắt bớt những vụn vặt để có được cuộc sống đơn giản và thư thái là những bài học ý nghĩa mà phương pháp này giới thiệu tới mọi người trong cuộc sống hiện đại.
—
Xem Thêm
5 bước sắp xếp tủ quần áo ngày Tết từ chuyên gia Marie Kondo
Học cách dọn tủ quần áo từ Marie Kondo
Nhóm thực hiện
Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Bài: Thanh Nhã Hình ảnh: Tổng hợp