5 bí quyết giúp bạn trở nên khéo léo hơn trong giao tiếp
Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng sợ hãi, ngại ngùng khi phải thuyết trình trước đám đông, hay khó lòng giữ bình tĩnh và trở nên ấp úng trước người lạ? Giao tiếp luôn là hành động tương tác đa chiều. Vì vậy nếu muốn nâng cao kỹ năng này, bạn cần chủ động rèn luyện và chú ý đến một số mẹo nhỏ để ghi điểm trong mọi cuộc trò chuyện.
Kỹ năng giao tiếp thuần thục sẽ giúp bạn đưa ra thông điệp và giải quyết các vấn đề hằng ngày một cách hiệu quả. Khi bạn diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách rõ ràng, bạn có thể tìm ra giải pháp tốt hơn trong tình huống khó khăn. Hãy cùng ELLE điểm qua 5 bí quyết giúp bạn giao tiếp tự tin và khéo léo hơn dưới đây nhé!
1. Cất điện thoại và những thứ gây xao nhãng khác
Đại học British Columbia (Canada) đã tiến hành khảo sát 300 người về thói quen sử dụng điện thoại trong bữa ăn cho một nghiên cứu. Một số người được yêu cầu để điện thoại ở chế độ im lặng và cất trong túi trong suốt bữa ăn, trong khi số còn lại có thể để chúng lên bàn. Kết quả cho thấy rằng những người để điện thoại trên bàn hoặc để ở chế độ thông thường thường xuyên bị phân tâm. Họ cảm thấy có sự thôi thúc nào đó khiến bản thân liên tục bị cám dỗ phải kiểm tra điện thoại, từ đó làm cuộc trò chuyện trở nên kém thú vị hơn.
Thực tế, ngay cả khi sử dụng điện thoại một cách hạn chế trong các buổi họp mặt, chất lượng của cuộc trò chuyện vẫn bị ảnh hưởng, khiến các mối quan hệ dần xa cách. Ví dụ, trong một bữa ăn gia đình, nếu một thành viên liên tục dùng điện thoại và kiểm tra tin nhắn, điều này có thể khiến mọi người cảm thấy không được chú tâm và làm ảnh hưởng đến cuộc vui. Đồng thời, tập trung lắng nghe trong một đoạn hội thoại sẽ cho thấy bạn coi trọng người đối diện và quan tâm đến những gì họ nói. Hành động này không chỉ tạo ấn tượng tích cực trong mắt người khác, mà còn giúp bạn thực hành lắng nghe một cách chủ động hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc trò chuyện.
2. Lắng nghe chủ động
Người Hy Lạp có câu: “Thượng đế cho chúng ta một cái lưỡi, nhưng lại cho chúng ta hai cái tai là để chúng ta nghe nhiều hơn nói”. Lắng nghe là một trong những kỹ năng giao tiếp thiết yếu mỗi người cần rèn luyện để có thể hiểu và gắn bó sâu sắc với người khác, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng các ối quan hệ xung quanh. Trên thực tế, nghiên cứu về mô hình Kim tự tháp học tập (The Learning Pyramid) của Edgar Dalem – một nhà giáo dục học người Mỹ – chỉ ra rằng, một người bình thường chỉ có thể nhớ từ 25% đến 50% những gì họ nghe được. Chẳng hạn, trong một cuộc trò chuyện kéo dài trong 10 phút, chúng ta chỉ thường nhớ chưa đến một nửa nội dung của cuộc trò chuyện đó. Vì thế, đôi khi chỉ “lắng nghe” là chưa đủ, và chúng ta cần học cách lắng nghe chủ động hơn.
Lắng nghe chủ động là cách lắng nghe một cách tập trung, có chủ ý, thể hiện bạn không chỉ đơn thuần đang nghe người khác nói mà còn nỗ lực hiểu rõ ý nghĩa, cảm xúc và thông điệp họ muốn truyền tải. Thậm chí, bạn có thể tham gia vào quá trình này bằng cách trao đổi lại với người nói về điều bạn chưa hiểu hoặc cần giải thích thêm, từ đó làm cho việc lắng nghe chủ động càng thêm sâu sắc. Trong quá trình giao tiếp, đây là hoạt động dành cho người đối diện sự ưu tiên và tập trung cao độ. Từ đó, nó khiến người khác cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ và cả hai đều đạt được mục tiêu chung khi giao tiếp và góp phần xây dựng những mối quan hệ bền vững và lành mạnh.
3. Hồi đáp lại những gì bạn nghe được
Để lắng nghe một cách chủ động, người nghe cần tập trung vào việc tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu được ý tưởng của người nói. Chẳng hạn, trong một cuộc họp nội bộ, bạn có thể ghi chú những gì sếp phát biểu để có thể nắm tổng quan của vấn đề và có thể chủ động xác nhận lại khi cần thiết. Bạn có thể bắt đầu bằng những câu hỏi như : “Trong câu trước đó, ý của anh/chị có phải là…” hoặc “Theo tôi hiểu, trong tình huống này, anh/chị đang muốn nói…”. Bởi khi bạn đặt câu hỏi cho đối phương, bạn cần phải cung cấp một bối cảnh rõ ràng nhằm nhắc lại cho người nói và thể hiện bạn đang chú tâm đến những gì họ truyền tải. Nhạc sĩ và người dẫn chương trình podcast Hrishikesh Hirway từng chia sẻ rằng việc kết nối câu chuyện của người khác với trải nghiệm của chính mình là cách khéo léo để tạo sự cộng hưởng trong giao tiếp: “Tôi sẽ nhắc đến một kỷ niệm tương tự của mình khi nghe câu chuyện của người khác, để thể hiện rằng tôi thực sự lắng nghe”. Cách làm này không chỉ tạo sự tương tác qua lại, mà còn giúp cả hai bên dễ dàng đồng cảm và gắn kết thông qua các điểm chung trong cảm xúc.
Xem thêm
• 5 mẹo giao tiếp giúp bạn xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và đích thực
• Trắc nghiệm: Hộp quà bạn chọn tiết lộ điều gì về phong cách giao tiếp của bạn?
• 6 cung hoàng đạo sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt nhất
4. Giao tiếp bằng mắt
Theo khoa học, giao tiếp bằng ánh mắt vô cùng quan trọng trong việc tạo ra sự đồng cảm và gắn kết giữa người với người vì nó sẽ kích hoạt hệ thống gương limbic – một mạng lưới thần kinh đặc biệt trong não, giúp chúng ta phản chiếu và hiểu được cảm xúc, hành động của người khác.
Khi chúng ta thấy người khác làm một hành động hoặc biểu lộ cảm xúc, một phần của não sẽ kích hoạt những tế bào thần kinh tương ứng, khiến chúng ta cảm nhận cảm xúc tương tự. Điều này có nghĩa là khi bạn nhìn vào mắt họ, nếu họ đang thể hiện niềm vui, não của bạn sẽ cảm nhận niềm vui đó và ngược lại, từ đó giúp bạn kết nối sâu sắc với người khác và tăng cường sự đồng cảm.
Tuy nhiên, cách giao tiếp bằng mắt có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân, văn hóa và ngữ cảnh. Do đó, việc hiểu rõ về điều này sẽ là một kỹ năng quan trọng bạn cần nắm rõ. Ví dụ, trước khi cuộc trò chuyện bắt đầu, bạn nên giao tiếp bằng mắt với người đối diện thay vì nhìn sang hướng khác hoặc nhìn vào vật thể khác. Giữ giao tiếp bằng mắt trong vòng 4 đến 5 giây. Sau đó, từ từ nhìn đi chỗ khác một lúc rồi thiết lập lại giao tiếp bằng mắt. Khi trò chuyện, bạn có thể thử áp dụng quy tắc 50/70. Theo kỹ thuật này, khi lắng nghe, bạn nên duy trì giao tiếp bằng mắt khoảng 70% thời gian để thể hiện sự chú ý và tôn trọng đối với người nói. Ngược lại, khi nói chuyện, bạn chỉ cần giao tiếp bằng mắt khoảng 50% thời gian vì điều này giúp bạn giữ được sự tự nhiên và không tạo cảm giác áp lực cho người đối diện, từ đó tạo nên bầu không khí tương tác cởi mở và dễ chịu.
5. Chú ý đến tư thế trò chuyện và biểu cảm gương mặt
Bạn có biết, ngôn ngữ cơ thể có thể vai trò quan trọng một nửa khi truyền đạt thông điệp trong giao tiếp? Tư thế cơ thể và biểu cảm gương mặt đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo nên một cuộc hội thoại thành công. Chẳng hạn, tư thế ngồi thẳng lưng và hơi nghiêng về phía người nói thường thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với cuộc trò chuyện. Ngược lại, nếu một người ngả người ra sau hoặc quay đi trong cuộc trò chuyện, người đối diện có thể cảm thấy rằng họ không hề chú ý hoặc không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện.
Lý do sâu xa cho việc này nằm ở việc con người luôn có tính cộng đồng cao, vì vậy sự kết nối với nhau thường không chỉ qua lời nói, mà còn qua những tín hiệu phi ngôn ngữ. Những tín hiệu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cảm xúc và ý định của người khác, từ đó dễ dàng xây dựng mối quan hệ với họ và tạo ra môi trường giao tiếp cởi mở. Chính vì vậy, những người có biểu cảm tích cực trong giao tiếp thường nhận được phản hồi tốt hơn. Một ví dụ điển hình lý giải cho điều này là trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng, những ứng viên có tư thế tự tin, biểu cảm gương mặt tươi sáng và duy trì giao tiếp bằng ánh mắt thường để lại ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng. Họ thường được đánh giá cao hơn không chỉ về khả năng chuyên môn mà còn về khả năng hòa nhập và làm việc nhóm. Điều này nhấn mạnh rằng, trong môi trường làm việc hay trong bất kỳ nơi đâu, thái độ và cách thức giao tiếp của chúng ta có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh.
Bài: Thiên Thanh
Tham khảo: TED Ideas