10 căn bệnh tinh thần kỳ lạ có thể bạn chưa biết
Những căn bệnh tinh thần lạ lùng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người bệnh?
Cuộc sống xô bồ, vội vã với quá nhiều áp lực, căng thẳng khiến tinh thần của chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Việt Nam, hiện nay, khoảng 30% dân số nước ta bị rối loạn tâm thần. Ngoài các căn bệnh phổ biến như chứng mất ngủ, trầm cảm, rối loạn lo âu, hãy cùng ELLE khám phá 10 căn bệnh tinh thần kỳ lạ dưới đây nhé!
Hội chứng đầu phát nổ (Exploding Head syndrome)
Được phát hiện vào năm 1876, Hội chứng Đầu phát nổ là một trong những rối loạn cận giấc ngủ và ảo thị giác, đặc biệt phổ biến ở học sinh – sinh viên. Nếu nghe thấy một tiếng nổ vang trời khi đang ngủ thì bạn đã chính thức bị hội chứng Đầu phát nổ làm phiền rồi đấy! Hiện tượng này thường xảy ra trong 1 – 2 giờ sau khi chúng ta rơi vào giấc ngủ nhưng không phải là kết quả của giấc mơ. Các tiếng ồn mà bệnh nhân nghe được rất đa dạng, bao gồm sấm sét, pháo hoa, tiếng súng, tiếng nổ, tiếng vỗ tay, tiếng la hét, tiếng cánh cửa đập mạnh… Lúc này, họ thường giật mình, khó thở, sợ hãi, đổ mồ hôi, tim đập nhanh… Mặc dù vô hại nhưng hội chứng này có thể gây ra sự bất an và làm suy giảm chất lượng đời sống tinh thần của người bệnh.
Loạn thần giả bệnh (Factitious Disorder)
Vì được phát hiện bởi Baron von Munchausen (một sĩ quan người Đức ở thế kỷ 18) nên loạn thần giả bệnh còn được gọi là hội chứng Munchausen. Đây là một dạng bệnh tinh thần hiếm gặp, trong đó, bệnh nhân bị ám ảnh bởi bệnh tật. Nghĩa là tuy khỏe mạnh nhưng họ luôn tin rằng bản thân bị bệnh, thậm chí, tự gây ra các tổn thương, nói dối về triệu chứng để chứng minh với bác sĩ rằng mình đang mắc bệnh.
Nguyên nhân của hội chứng này có thể do người bệnh bị lạm dụng, bỏ bê, bệnh nặng lúc nhỏ hoặc chấn thương tâm lý trong quá khứ. Vì vậy, họ giả bệnh để lôi kéo sự chú ý, cảm thông và chăm sóc từ những người xung quanh.
- Theo thống kê, chỉ có khoảng 1% dân số thế giới mắc chứng rối loạn tâm thần này.
- Bệnh thường gặp ở người trung niên và có thể được chữa khỏi nhờ điều trị tâm lý.
- Hầu hết các bệnh nhân mắc hội chứng này sẽ gặp các triệu chứng cơ năng như sốt, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, đau tức ngực…
Hội chứng Bàn tay vô chủ (Alien Hand Syndrome)
Hội chứng Bàn tay vô chủ còn có tên gọi khác là hội chứng tiến sĩ Strangelove (người khám phá ra hội chứng này). Đây là một hiện tượng rối loạn chức năng điều khiển thần kinh, trong đó, người bệnh hoàn toàn mất kiểm soát với bàn tay/chi nào đó. Tuy họ suy nghĩ một đằng nhưng cánh tay/chi lại hành động một nẻo, hoàn toàn độc lập với ý nghĩ của “khổ chủ”. Thậm chí, bàn tay đó còn cố gắng đánh đấm, cào cấu, bóp cổ họ.
Hội chứng này xuất hiện phổ biến ở tay và chân trái, trên những người từng bị động kinh, rối loạn tâm thần, phẫu thuật não, nhiễm trùng, đột quỵ, phình động mạch, đau nửa đầu, cắt bỏ khối u, mắc Alzheimer, thoái hóa Corticobasal và bệnh Creutzfeldt-Jakob.
Hội chứng Mê sảng ký sinh trùng (Ekbom Syndrome)
Đây là một rối loạn tâm lý khiến người bệnh bị ảo tưởng rằng có côn trùng hoặc ký sinh trùng sống dưới da họ. Hầu hết những người mắc hội chứng này đều cảm giác kiến, gián, giun, sâu bọ… đang di chuyển dưới da mình. Bệnh này bắt nguồn từ rối loạn tâm thần phân liệt, chấn thương sọ não hoặc sự cai rượu đột ngột đối với người nghiện rượu.
Rối loạn Tách rời nhận thức (Dissociative Identity Disorder)
Chắc hẳn bạn đã từng ít nhiều biết đến cụm từ “đa nhân cách” qua các bộ phim nổi tiếng như: Kill Me Heal Me, Split, Psycho, Fight Club, Black Swan… đúng không nào? Rối loạn Tách rời nhận thức (Dissociative Identity Disorder) là tên gọi mới của rối loạn Đa nhân cách (Multiple Personality Disorder). Đây là một rối loạn tâm lý có thể tạo ra từ 2 nhân cách trở lên trong cùng một con người và liên quan đến sự tổn thương tâm lý do người bệnh trải qua các sự kiện đau thương trong quá khứ.
- Chỉ 0,01% – 1% dân số thế giới mắc phải căn bệnh này.
- Bệnh nhân có từ 2 danh tính (họ tên, giới tính, tính cách) trở lên. Họ thường không nhận thức được tình trạng của mình. Điều này gây ra rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống thường ngày của họ.
- Các danh tính chuyển đổi một cách ngẫu nhiên và đột ngột, sau nhiều giờ hoặc nhiều năm.
- Bệnh thường đi kèm với chứng mất trí nhớ (không thể giải thích bằng sự lãng quên thông thường).
Hội chứng Stendhal (Stendhal Syndrome)
Hội chứng này được đặt tên theo Stendhal – bút danh của một nhà văn nổi tiếng người Pháp. Năm 1817, khi đến thành phố Florence (Ý) để tìm nguồn cảm hứng cho tác phẩm mới của mình, ông hoàn toàn bị sốc bởi vẻ đẹp tuyệt mỹ của vùng đất này và bị choáng váng, bồn chồn, đổ mồ hôi, tim đập nhanh… Hội chứng Stendhal ra đời từ đó. Nói một cách dễ hiểu, hội chứng này xuất hiện khi một người bình thường bỗng tiếp xúc với quá nhiều tác phẩm nghệ thuật khiến họ ngất ngây như đang đi trên mây. Một số triệu chứng phổ biến là chóng mặt, ngất xỉu, ảo giác, lo lắng, tim đập nhanh…
Rối loạn nhận diện (Capgras Syndrome)
Rối loạn nhận diện gây lệch lạc khả năng nhận diện của bệnh nhân. Người mắc thường có những ảo tưởng sai lầm về các vật thể, sự kiện, con người xung quanh. Họ cho rằng những người thân thiết của mình đang bị một kẻ mạo danh thay thế. Theo một thống kê vào năm 1980, hơn 1/3 số người mắc hội chứng này từng bị tai nạn giao thông hoặc chịu đựng chấn thương tâm lý nặng nề.
Hội chứng Cotard (Cotard Delusion)
Hội chứng Cotard còn được gọi là hội chứng Thây ma. Đây là rối loạn tinh thần khiến bệnh nhân phủ nhận sự tồn tại của mình. Đa số ảo tưởng rằng họ đã chết, cơ thể thối rữa, máu và các cơ quan nội tạng không còn tồn tại. Nhiều người khác tin rằng họ có cơ thể bất tử nên không màng ăn uống, dẫn đến chết đói. Các nhà khoa học cho rằng hội chứng này là một dạng cực đoan của chứng trầm uất, là hậu quả của các dạng rối loạn tinh thần và thường đi kèm với bệnh mất trí nhớ.
Rối loạn chức năng thị giác (Visual Agnosia)
Rối loạn chức năng thị giác là hội chứng tâm thần khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết các đặc điểm hình học của vật thể hoặc khuôn mặt con người. Do đó, nhận thức của họ về thế giới xung quanh lệch lạc và suy giảm rõ rệt. Rối loạn này có thể bắt nguồn từ các tổn thương não do ngộ độc, ung thư, mất trí nhớ, đột quỵ…
Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên (Alice in Wonderland Syndrome)
Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên được Caro Lippman ghi nhận vào năm 1952 và sau đó được đặt tên bởi John Todd. Vì vậy, hội chứng này còn được gọi là hội chứng Todd. Đây là một tình trạng thần kinh mất phương hướng, ảnh hưởng đến nhận thức của thị giác, thính giác, xúc giác và cảm nhận về thời gian. Giống như nhân vật Alice trong tiểu thuyết Alice ở xứ sở thần tiên, người bệnh sẽ cảm thấy bản thân hoặc mọi thứ xung quanh bỗng dưng to hoặc nhỏ hơn kích thước thực tế, khoảng cách dài ra hoặc ngắn lại, đồ vật vô tri chuyển động kỳ quặc và khó hiểu…
Hội chứng này có thể bắt nguồn từ sự trục trặc của bộ não (nhiều khả năng xuất phát từ thùy thái dương, nơi xử lý cảm nhận về không gian), căng thẳng, nhiễm trùng, động kinh, đau nửa đầu… đồng thời không liên quan đến dị tật về mắt.
Hầu hết người mắc hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên là trẻ em dưới 12 tuổi hoặc bệnh nhân đang bị đau nửa đầu, u não, giai đoạn đầu khi mắc virus Epstein-Barr (một loại virus gây bệnh bạch cầu đơn nhân và có liên quan đến ung thư dạ dày, ung thư biểu mô vòm họng)… Hội chứng này khá hiếm gặp và thường chỉ mang tính tạm thời, diễn ra trong một thời gian ngắn.
Tổng hợp: Xuân Mai
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE