BÀI LIÊN QUAN
6 sai lầm dễ mắc phải nơi công sở
Có một sự thật không thể phủ nhận là hầu hết chúng ta thường làm sai nghề nghiệp trong một thời gian dài trước khi tìm được một nơi thực sự dành cho mình. Có thể nơi bạn đang làm việc không phải là nơi bạn muốn, còn nơi bạn muốn thì, vì nhiều lý dó, bạn chưa có cơ hội được làm việc. Thậm chí, nhiều người còn không biết mình có đang làm đúng nghề nghiệp hay không. Hãy nhớ rằng, khiên cưỡng không mang lại hạnh phúc, nhất là khi công việc chiếm hơn một phần ba thời gian cuộc đời bạn. Hãy kiểm tra 5 dấu hiệu sau đây, bạn sẽ có câu trả lời cho lựa chọn nghề nghiệp của mình.
1. Thay vì than phiền, bạn luôn nói những điều tích cực
Khi yêu, bạn có thể dành cả ngày nói về người ấy, nhiều đến mức khiến người nghe có thể phát ngán lên. Nhưng ai có thể trách bạn được, bạn đang hạnh phúc và luôn khao khát chia sẻ. Công việc cũng vậy, bạn chỉ có thể gắn bó khi bạn yêu. Mà yêu rồi thì cả thế giới đều biết.
Nếu như chiều tan sở, bạn chỉ muốn về gọi ngay cho cô bạn để khoe có chị sếp tâm lý hoặc hôm nay gặp được anh khách hàng đẹp giai thì xin chúc mừng, bạn đang đi đúng hướng rồi đấy. Khả năng tập trung vào những điều tích cực chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn và công việc. Mặc dù đôi khi còn nhiều điều chưa suôn sẻ nhưng để có thể phá hỏng một ngày đẹp trời của bạn thì chắc phải cần đến một thảm họa cỡ bom tấn mới được.
BÀI LIÊN QUAN
5 câu nói thiếu khôn ngoan nơi công sở
2. Sai lầm là để trau dồi, không phải để gặm nhấm
Dù bạn là nhân viên tập sự hay lão làng chinh chiến nhiều năm thì vẫn chẳng thể nào thoát khỏi hai chữ “sai lầm”. Vốn dĩ trên đời này không có điều gì là hoàn hảo, quan trọng vẫn là ở thái độ của chúng ta khi thử thách ngáng đường. Nhất là trong giai đoạn chuyển giao công việc hoặc bước vào lĩnh vực mới, “sai lầm” bỗng chốc trở thành người quen. Nhưng có biến quen thành thân được hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Nếu sau mỗi cú ngã, bạn lại vỡ ra được nhiều điều, lại khai phá được những khả năng tiềm ẩn của bạn thân; nếu như sai lầm cho bạn những bài học quý giá và tiếp tục lạc quan thì chẳng có lý do gì để không yêu công việc của mình cả.
Ngược lại, nếu như bạn thường xuyên hoài nghi về bản thân, luôn tự trách mình và sai lầm cứ lặp đi lặp lại mà không có cách giải quyết triệt để, có lẽ công việc hiện tại chưa phải là lựa chọn phù hợp với bạn. Điều này xảy ra bởi nhiều lí do, hoặc là bạn không hiểu gì về công việc mình đang làm, hoặc là quy trình của công việc thực sự có vấn đề, cũng có thể là do cấp trên của bạn chưa đưa ra định hướng đúng. Sự tự tin có quan hệ rất mật thiết với khả năng trau dồi trong công việc, nó thúc đẩy bạn vươn ra khỏi vòng an toàn. Thay vì cứ loay hoay với những hoài nghi và vô vọng trong việc tìm sự trợ giúp của đồng nghiệp và cấp trên, hãy đến những vùng trời mới để vùng vẫy thôi.
3. Ngày có thể mệt nhưng khó chịu thì không
Nếu chỉ mệt mỏi về thể chất thì tám tiếng bận túi bụi ở công sở cũng chẳng làm bạn phiền lòng. Nhưng nếu mệt mỏi về tinh thần thì kể cả ngày có rảnh rỗi mấy cũng có điều khiến bạn không yên.
Suy cho cùng, hành động của chúng ta đều phải xuất phát từ trong suy nghĩ. Suy nghĩ tích cực, công việc tiến triển. Suy nghĩ tiêu cực, công việc trì trệ. Động lực để bạn làm việc cũng hình thành như vậy. Có thể bạn khó chịu vì không tìm thấy cơ hội thăng tiến hoặc hiệu suất công việc chẳng như mong đợi, hệ quả là liên tục cảm thấy bế tắc. Nếu như tìm kiếm giải pháp không phải là lựa chọn thì có lẽ công việc này không dành cho bạn rồi.
4. Khả năng hòa đồng với đồng nghiệp
“Đồng nghiệp tuyệt vời biến công việc trở thành sân chơi” – ngày quá ngắn để bạn dành thời gian với những người không thể hòa hợp. Công việc mà bạn yêu nên là nơi có những người mà bạn thương mến.
Quan hệ giữa các đồng nghiệp không nên chỉ dừng lại ở trao đổi công việc. Đồng nghiệp tốt là những người biết truyền cảm hứng, dù là cấp trên hay cấp dưới thì đôi bên vẫn có thể học hỏi lẫn nhau, chia sẻ tầm nhìn và hơn cả là nguồn năng lượng cần kíp mỗi khi có “bão”.
5. Tự hào về công việc hơn là mức lương
Warren Buffett là nhà tài phiệt người Mỹ có thể kiếm cả triệu đô trong khi ngủ. Nhưng có một người nông dân trồng cà rốt lại nhất quyết không chịu đổi công việc của mình để làm điều tương tự. Vì sao lại như vậy?
Câu trả lời thật ra khá đơn giản, đó là vì người nông dân kia có động lực khác còn lớn hơn cả tiền. Hàng năm, nông sản của anh có thể giúp 500 ngàn đứa trẻ thoát khỏi căn bệnh mù lòa do thiếu dinh dưỡng, và vì thế nên anh tin điều mình làm đã là công việc tuyệt vời nhất.
Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao có rất nhiều người sẵn sàng đi tình nguyện cả năm trời mà chẳng nhận một đồng lương nào không. Đó là bởi họ biết rằng mình đang cống hiến, là một phần của một cộng đồng đang phát triển. Công sức dù ít hay nhiều nhưng chẳng có gì gọi là vô nghĩa hết. Tiền quan trọng thật nhưng đó không phải là động lực duy nhất để bạn để bạn gắn bó với công việc lâu dài. Hãy đi tìm nguồn cảm hứng, tiền cạn thì làm thêm, nhưng cảm hứng cạn thì cỗ máy kiếm tiền sẽ chẳng buồn chạy nữa.
Nhóm thực hiện
Nguyễn Gia Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE) Ảnh: Shutter Stock