Các triệu chứng của ADHD thường xuất hiện từ thời thơ ấu và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ được chẩn đoán mắc hội chứng này khi đã trưởng thành hoặc thậm chí khi đã về già. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, số người trưởng thành bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể cao hơn so với dữ liệu hiện có. Thêm vào đó, nhiều bé gái cũng không được chẩn đoán mắc ADHD cho đến khi trưởng thành do biểu hiện của hội chứng có thể khác nhau giữa nam và nữ.
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (2016), ADHD thường biểu hiện dưới ba dạng phổ biến: giảm chú ý, tăng động và bốc đồng, hoặc kết hợp cả hai. Trong khi đó, theo Healthline – một trang web và nhà cung cấp thông tin y tế uy tín của Hoa Kỳ, để được chẩn đoán mắc ADHD, bạn cần có từ năm triệu chứng liên quan đến một dạng ADHD cụ thể trong ít nhất 6 tháng. Vì thế, nếu gặp phải các dấu hiệu liên quan đến ADHD sau đây và cảm thấy chúng đang kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán chính xác và tư vấn điều trị kịp thời.
1. Kỹ năng tổ chức kém
Người trưởng thành mắc ADHD thường gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kỹ năng tổ chức. Họ sẽ dễ cảm thấy lúng túng khi phải theo dõi và sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý.
BÀI LIÊN QUAN
10 dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh trầm cảm
2. Gặp vấn đề trong các mối quan hệ
Rối loạn tăng động giảm chú ý thường đi kèm với các biểu hiện như thiếu sự chú ý, dễ chán nản và nói quá nhiều. Những đặc điểm này có thể khiến người mắc hội chứng bị đánh giá là vô ý, thiếu trách nhiệm và không quan tâm đến mối quan hệ.
3. Thiếu tập trung
Thiếu tập trung là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Ở người lớn, dấu hiệu này còn được thể hiện qua việc dễ bị phân tâm, khó lắng nghe khi trò chuyện, không chú ý đến chi tiết và gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ hoặc dự án.
4. Hay bồn chồn và lo lắng
Người trưởng thành mắc ADHD có xu hướng muốn thực hiện ngay lập tức những việc họ nghĩ đến và dễ cảm thấy bồn chồn, lo lắng khi không thể làm được việc đó. Giống với trẻ em, người lớn mắc ADHD cũng thường biểu hiện một số hành vi khi cảm thấy bồn chồn, lo lắng, như liên tục di chuyển, gõ tay hoặc chân, khó ngồi yên và hay thay đổi chỗ ngồi.
5. Cảm xúc không ổn định
Cảm xúc của người trưởng thành mắc ADHD thường không ổn định. Họ dễ rơi vào trạng thái buồn chán hoặc trở nên phấn khích một cách đột ngột. Hơn thế, khả năng chịu đựng thất vọng ở người mắc hội chứng này tương đối thấp, nên những thất vọng nhỏ cũng có thể khiến họ cảm thấy quá tải.
Xem thêm
• 9 dấu hiệu của người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ
• 12 nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống giúp bạn sống hạnh phúc hơn
• 5 thói quen nhỏ vô tình hủy hoại sức khỏe tinh thần của bạn
6. Dễ rơi vào trạng thái siêu tập trung
Theo tạp chí Psychological Research, những người mắc ADHD thường dễ rơi vào trạng thái siêu tập trung (hyperfocus). Khi quá đắm chìm vào một việc cụ thể, họ có xu hướng tập trung đến mức không nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh. Điều này có thể khiến họ quên mất thời gian và phớt lờ người khác, dẫn đến hiểu lầm không mong muốn trong các mối quan hệ.
7. quản lý thời gian kém hiệu quả
Một biểu hiện khác của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn là khả năng quản lý thời gian kém hiệu quả. Họ có xu hướng trì hoãn công việc, đến muộn trong các sự kiện và thường bỏ qua những nhiệm vụ mà họ cho là nhàm chán.
8. Hay quên
Chứng hay quên xảy ra thường xuyên hơn ở người lớn mắc ADHD, ví dụ như quên nơi cất giữ đồ hoặc các ngày quan trọng. Tuy nhiên, dấu hiệu này lại dễ bị nhầm lẫn với sự bất cẩn hoặc kém thông minh, nên thường không được chú ý đúng mức.
9. Bốc đồng
Tính bốc đồng ở người trưởng thành mắc ADHD có thể bao gồm nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó có việc thường xuyên cắt ngang câu chuyện của người khác và khó kiềm chế nhu cầu muốn lên tiếng ngay lập tức. Dấu hiệu này còn được biểu hiện qua xu hướng vội vàng thực hiện các nhiệm vụ mà không cân nhắc kỹ lưỡng đến hậu quả.
10. Suy nghĩ tiêu cực về bản thân
Khó tập trung và các triệu chứng khác liên quan đến ADHD dễ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích học tập, hiệu quả công việc và chất lượng các mối quan hệ của người mắc hội chứng này. Khi đó, cảm giác yếu kém và thất bại liên tục có thể khiến họ tự đánh giá thấp bản thân và hình thành một hình ảnh tiêu cực về chính mình.
11. Thiếu động lực
Thiếu động lực là một dấu hiệu thường thấy ở trẻ mắc ADHD, nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn. Dấu hiệu này khiến người trưởng thành bị rối loạn tăng động giảm chú ý khó hoàn thành công việc hơn người khác. Đồng thời, họ cũng gặp nhiều thách thức hơn khi phải duy trì sự tập trung trong thời gian dài.
12. Không quan tâm đến sức khỏe thể chất
Phải “sống chung” với các triệu chứng của ADHD trong thời gian dài có thể gia tăng căng thẳng và lo âu cho người bệnh. Điều này dễ dẫn đến việc họ lười vận động và bỏ bê chế độ ăn uống lành mạnh, khiến tình trạng sức khỏe tổng thể trở nên xấu hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Khiết Minh
Tham khảo: Healthline