Dưới đây là 10 dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ lành mạnh.
1. Bạn không e dè khi nói ra suy nghĩ của mình
Có thể nói ra suy nghĩ của bạn trước mặt đối phương mà không sợ họ nổi giận hay phật lòng là điều vô cùng quan trọng. Việc tôn trọng ý kiến của nhau ngay cả khi quan điểm của cả hai vô cùng đối lập sẽ giúp bạn hạn chế những tranh cãi và xung đột. Nếu bạn có thể chia sẻ với họ về mọi thứ, cả hai thật sự là mảnh ghép hoàn hảo dành cho nhau.
BÀI LIÊN QUAN
2. Bạn có không gian riêng tư
Nhà thơ nổi tiếng người Liban, Kahlil Gibran, đã từng nói: “Hãy đứng cùng nhau, nhưng đừng quá sát nhau: Vì những cây cột của ngôi đền luôn đứng cách xa nhau, và cây sồi cùng cây bách không mọc trong bóng của nhau“. Một trong những điểm tích cực của mối quan hệ tình cảm lành mạnh đó là cùng giúp nhau trở nên tốt hơn, vì vậy cho nhau khoảng không riêng để phát triển bản thân và tham gia vào các hoạt động xã hội khác rất quan trọng. Điều tra hay kiểm soát cuộc sống của đối phương liên tục là dấu hiệu của việc thiếu tin tưởng lẫn nhau và dễ dẫn đến mối quan hệ độc hại.
3. Cả hai tin tưởng lẫn nhau
Đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào. Niềm tin là yếu tố mà bất kỳ mối quan hệ bền vững nào cũng cần có. Nếu hai bạn tin tưởng lẫn nhau, cả hai có thể cho nhau sự tự do, không gian riêng trong cuộc sống nhưng tình cảm của cả hai vẫn không bị phai nhạt. Bạn cũng không dễ bị những yếu tố bên ngoài làm cho bản thân tổn thương vì bạn biết rằng họ sẽ luôn thành thật với bạn cũng như luôn bên cạnh để hỗ trợ bạn hết mình.
Xem thêm
• Trắc nghiệm: Cánh cửa tiết lộ địa điểm bạn gặp tri kỷ của đời mình
• 7 bộ phim Âu Mỹ lãng mạn cho bạn thêm niềm tin vào tình yêu và hôn nhân
• Tại sao những mối quan hệ độc hại khiến bạn hoài ám ảnh?
4. Sự cố gắng
Trong một mối hệ, sẽ có đôi lúc bạn không thể tránh khỏi những tranh cãi hay mâu thuẫn khó giải quyết, chẳng hạn như bất đồng quan điểm về một vấn đề quan trọng nào đó. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhượng bộ với ý định của đối phương, và sự thỏa hiệp là điều cần thiết. Khi cả hai đều quan tâm đến nhu cầu của nhau, bạn và họ đều mong muốn đưa ra một giải pháp chung thỏa đáng để phát triển mối quan hệ và sẵn sàng bỏ qua một số lợi ích cá nhân.
5. Cùng chia sẻ điểm chung
Ngoài việc ý thức về bản sắc và sở thích riêng của mình, bạn và đối phương cần tìm cách hòa hợp sự khác biệt lẫn tìm kiếm điểm chung trong đời sống. Cùng yêu thích một điều gì đó sẽ tạo ra mối liên kết sâu sắc và gia tăng sự đồng điệu trong tâm hồn của cả hai.
6. Học cách gác lại những mâu thuẫn
Thay vì cãi nhau để mọi thứ rối tung lên hoặc làm tổn thương cảm xúc của nhau, cả hai bạn nên chọn cách bỏ qua. Điều này không có nghĩa bạn là người yếu thế hơn, nó chỉ có nghĩa là bạn không làm “chuyện bé xé ra to” và giúp mối quan hệ trở nên hòa hoãn, dễ chịu hơn.
7. Không tranh cãi thường xuyên
Tranh cãi là một phần của mối quan hệ vì nó giúp cả hai nhận ra khuyết điểm và cùng nhau cải thiện, phát triển tình cảm, nhưng không có nghĩa là những cuộc tranh cãi phải xảy ra thường xuyên. Nếu bạn thấy rằng thời gian hai bạn cãi nhau nhiều hơn những khoảnh khắc hai bạn cảm thấy hạnh phúc, có lẽ đây là lúc để bạn suy xét lại liệu hai người có thật sự phù hợp với nhau và có nên tiếp tục mối quan hệ này hay không.
8. Hỗ trợ lẫn nhau
Một mối quan hệ lành mạnh là khi cả hai luôn ủng hộ những dự định, hướng đi riêng của đối phương và luôn ở bên cạnh hỗ trợ nhau vào những lúc khó khăn. Bên cạnh đó, khi bạn hoặc người ấy đều cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi người kia đạt được những thành tựu trong đời, điều đó chứng tỏ bạn đang ở trong một mối quan hệ hết sức tuyệt vời. Điều này đồng nghĩa với việc mọi cảm giác bị đe doạ, ganh tị, sợ hãi… sẽ không hiện hữu khi một trong hai người đạt được thành công.
Xem thêm
• 31 truyền thống đám cưới “có một không hai” trên thế giới
• 12 dấu hiệu cho thấy người yêu cũ đang chờ bạn quay về
• 9 cách để phát triển bản thân lành mạnh và hạnh phúc hơn
9. Cả hai chấp nhận quá khứ của nhau
Mỗi chúng ta đều trải qua những sai lầm trong quá khứ. Nhưng dù thế nào đi nữa, quan trọng là chúng ta đã rút ra những bài học cho chính mình. Thay vì cố gắng đào bới quá khứ hay ghen tị với người yêu cũ của nhau, cả hai bạn nên thừa nhận về những gì đã xảy ra trước đây và xác định sẽ cùng tập trung vào hiện tại và tương lai. Những gì đã xảy ra là không thể thay đổi, vì thế đừng để nó ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại, vì chính nó cũng là bài học để cả hai trưởng thành và hoàn thiện như ngày hôm nay.
10. Không ngại công khai mối quan hệ
Chuyện tình cảm là chuyện của riêng hai người, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc giấu giếm bạn bè, người thân việc cả hai đã chính thức bước vào mối quan hệ. Một mối quan hệ lâu dài phải dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng, vì thế không có gì xấu hổ hay đáng quan ngại khi cho người khác biết về mối quan hệ tình cảm của bản thân.
Nhóm thực hiện
Bài: Như Quỳnh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Ditchthelabel