Mọi người bàng hoàng vì tin qua đời đột ngột của Sulli ngày 14/10 vừa qua sau thời gian chống chọi với căn bệnh trầm cảm. Người ta thảng thốt vì sau nụ cười rạng rỡ của cô gái nhỏ lại chất chứa nhiều khổ đau ngoài sức tưởng tượng. Nếu không quan sát, chính chúng ta cũng sẽ bỏ qua các dấu hiệu trầm cảm bởi nhầm lẫn với mệt mỏi, chán nản thông thường hoặc sự giấu đi của bản thân người bệnh.
Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra các khuyết tật trên thế giới. Ở Hoa Kỳ, gần 10% người trưởng thành đang đấu tranh với căn bệnh này. Bởi đây là một căn bệnh về tâm thần, hiểu về nó có thể sẽ khó hơn so với việc đưa ra các thông số huyết áp hay tiểu đường cụ thể.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hiện nay, có khoảng 350 triệu người bị trầm cảm, tức cứ 20 người lại có một người đã từng trải qua một lần trầm cảm dù mức độ nặng hay nhẹ. Tình trạng rối loạn trầm cảm thường xảy ra ngay khi tuổi đời còn trẻ, làm giảm khả năng lao động và thường dễ tái phát ở những năm về sau. Mỗi năm, có khoảng 1 triệu người tìm đến cái chết do ám ảnh về căn bệnh trầm cảm. Trầm cảm chẳng khác gì quả “bom hẹn giờ” trong cơ thể người bệnh, có thể bào mòn cuộc sống và đến lúc cực hạn thì hủy hoại nó.
1. CẢM THẤY TUYỆT VỌNG
Tương lai là một khái niệm mơ hồ và ảm đạm với những ai mắc bệnh trầm cảm. Bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng cùng cực. Mỗi ngày mới bắt đầu, bạn lại tự hỏi: Liệu cuộc sống này có cần thiết?
Người bị trầm cảm không tìm thấy định hướng trong các hoạt động đang làm, thế nên, suy nghĩ tích cực vào một ngày mai tươi sáng là điều không thể. Đây là một trong những biểu hiện nguy hại nhất của trầm cảm. Nó là nguyên nhân hàng đầu đưa đến quyết định tự tử của người bệnh. Có hai ngày hạnh phúc trong cuộc sống, ngày bạn được sinh ra và ngày biết mình là ai. Đối với người bệnh trầm cảm, những cảm xúc rối loạn lo âu và chán nản khiến người ấy không còn nhận ra bản thân và lạc loài với những suy nghĩ về cái tôi của mình.
2. THAY ĐỔI GIẤC NGỦ
Một dấu hiệu trầm cảm nữa là người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc sinh hoạt bình thường, đặc biệt là giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu không thật sự quan tâm, những người bên cạnh cũng sẽ khó nhận ra. Nạn nhân của trầm cảm có khả năng rơi vào hai trường hợp của rối loạn giấc ngủ: Một là thiếu ngủ trầm trọng và hai là ngủ quá nhiều.
Giấc ngủ của người trầm cảm có thể đến không dễ dàng và sẽ thường hay thức giấc bất chợt vì những lo lắng, căng thẳng đột ngột nảy sinh. Tình trạng này khiến người bệnh thêm phần áp lực và thường tìm đến với các hình thức điều trị nhất thời như dùng rượu hay thuốc ngủ.
Ngược lại, cũng có những người bệnh sẽ rơi vào trạng thái ngủ quá nhiều vì cơ thể và tinh thần lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi. Ngủ lúc này là liệu pháp ngắn hạn, là chỗ trú cho người bệnh tạm thời quăng bỏ những thực tại chán nản. Hãy kiểm tra chính mình và những người thân yêu bên cạnh xem có những dấu hiệu nào của trầm cảm đang len lỏi không nhé?
3. MẤT HỨNG THÚ VÀO SỞ THÍCH TRƯỚC ĐÓ
Những thói quen, sở thích khiến bạn vui vẻ và hứng khởi trong cuộc sống nay dường như mất hút. Việc đọc sách, đi bộ, leo núi hay thăm thú đó đây không còn là động lực cho bạn duy trì năng lượng sống. Cơn trầm cảm ngăn người bệnh khỏi những thứ vốn là niềm vui và biến nó thành điều xa lạ. Thay vì được thư giãn với những hoạt động yêu thích, bạn sẽ lạc vào vòng xoáy vô định của câu hỏi: Điều gì có thể làm ta hạnh phúc?
Sự tẻ nhạt của đời sống thực tại khiến bạn hờ hững với mọi thứ xung quanh và với chính bản thân. Hạnh phúc trở thành thứ xa xỉ phẩm mà người trầm cảm không thể chi trả.
4. LUÔN MỆT MỎI
Dù đã thực hiện hàng ngày như một điều dĩ nhiên nhưng khi mắc chứng trầm cảm, những cử chỉ của bạn cũng có thể trở nên nặng nề khiến đi lại giờ đây cũng cần rất nhiều sự cố gắng. Người bệnh cảm tưởng như trên vai đang gánh theo hàng đá tảng khổng lồ dù chỉ là những chuyển động nho nhỏ. Sự trì trệ tiếp diễn rồi ngày càng ăn mòn ý chí và khả năng vận động của nạn nhân. Vòng tuần hoàn của sự mệt mỏi muốn nghỉ ngơi nhưng rồi sự nghỉ ngơi cũng khiến bạn bức bối, lo âu vô cớ cứ tiếp diễn không hồi kết. Với bạn, hoạt động cả thể chất lẫn tinh thần chỉ còn là nghĩa vụ chứ không mang yếu tố chủ động nữa.
Tuy nhiên, có những dạng trầm cảm đặc biệt không thể hiện rõ ràng sự mệt mỏi của người bệnh. Chúng hiện diện thường trực nơi nội tâm bạn nhưng sự chai lì trong cảm xúc không còn khiến bạn biểu lộ chúng mà trái lại, tự mang lên mình chiếc mặt nạ tươi vui, nén xúc cảm vào trong để rồi một mình gặm nhấm.
5. TÍNH KHÍ THẤT THƯỜNG
Bạn có từng nghe người xung quanh phàn nàn rằng bản thân đã trở nên khó tính hơn, tâm trạng thất thường kèm sự biến mất của tính nhẫn nại? Đồng nghiệp có thể cho rằng bạn đang dần khó để làm việc cùng; những người xung quanh cảm nhận những đổi khác trong cách bạn hành xử bộc phát. Ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt cũng khiến bạn trở nên nhạy cảm. Những biểu hiện khách quan, vô thưởng vô phạt của tự nhiên như ngày nhiều nắng, lúc lắm mây hay cơn mưa rào bất chợt có thể làm bạn nảy sinh những trạng thái khác nhau: cười đó rồi khóc đó, vui đó rồi lại buồn đó.
Thường trục hơn cả là sự nóng nảy, tức giận. Những dấu hiệu trầm cảm cho thấy người bệnh sẽ trở nên thiếu kiên nhẫn và dễ nóng giận với những việc vặt hay hành động thông thường bản thân vốn không có phản ứng gay gắt trước đó.
BÀI LIÊN QUAN
6. CẢM THẤY CÔ LẬP
Một khi rơi vào trầm cảm, bạn sẽ chật vật với những suy nghĩ rối rắm về bản thân, mệt mỏi với lo âu, căng thẳng. Sóng gió nơi nội tâm khiến bạn không còn mảy may suy nghĩ nào cho việc giao tiếp cùng người khác. Trớ trêu thay, việc sẻ chia những cảm xúc, tâm sự lại chính là cách thức hữu hiệu để giảm bớt những khó nhọc khi cơn trầm cảm ập đến. Chung vui và chia sẻ nỗi buồn là cách đẩy lùi những chán nản sang một bên, nhường chỗ cho những suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn.
Dần dà, bạn sẽ cảm thấy bị hoặc tự cô lập bởi thiếu vắng sự đồng cảm và thấu hiểu từ những người bên cạnh. Chính bạn lại trở thành ốc đảo của mình, gom góp những lo âu thầm kín và xây nên bức tường ngăn trở với thế giới xung quanh.
7. TỰ phủ nhận BẢN THÂN
Một trong những trạng thái nghiêm trọng nhất của bệnh nhân trầm cảm là tự phủ nhận bản thân. Có thể từ nhân tố bên ngoài tác động kết hợp với những ngổn ngang khó đoán của nội tâm, chính bạn lại thấy ghê tởm, chán ghét mình hơn ai hết. Những lời nhận xét, bình luận tiêu cực, một lúc nào đó, khiến bạn tin vào đó và tự thấy muốn hủy diệt bản thân. Bạn tin vào những lời chỉ trích, kỳ thị rằng mình tệ hại, đáng ghét và tự trách bản thân vì không thể kiểm soát chính mình, không thể trở nên tốt hơn và làm hài lòng người khác. Mặc cảm của người trầm cảm vô hình nhưng lại có tác động hữu hình, thực tế những năm qua đã chứng mình điều đó. Hãy hiểu rằng, thua cuộc là khi bạn thấy bản thân đã từ bỏ ngay trước cả khi những người xung quanh có thể đưa tay giữ bạn lại.
Khác với những căn bệnh thể chất hiển hiện, các dấu hiệu trầm cảm không dễ để nhận biết và thường bị đánh đồng với tính cách cá nhân của nạn nhân. Những vấn đề về sức khỏe tâm thần như thế này sẽ khó thấu hiểu và lý giải một khi người nghe không thật sự đồng cảm. Nó là một dạng “ung thư tâm hồn”, ngày đêm ăn mòn tâm trí người bệnh. Những tri giác thường thức như việc yêu lấy bản thân cũng dần trở thành một định nghĩa sai lệch với người bệnh. Những ai thấy mình có các triệu chứng trên hay đã được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, xin đừng ngần ngại chia sẻ cũng người thân để ít nhất cho bản thân cơ hội được nhìn nhận đúng và cho người thân cơ hội không phải nói những điều “giá như” đầy tiếc nuối.
Nhóm thực hiện
Bài: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Themindsjournal