ELLE lắng nghe bạn: Những điều cần thiết cho một mối quan hệ
Thông minh, hiện đại, nhưng đôi lúc vẫn hoang mang “Tôi phải làm gì?”. Đó là lý do bạn chọn Q&A của ELLE làm trang mục yêu thích nhất của mình.
1. Bạn trai của tôi mất mẹ khi mới 18 tháng tuổi. Chúng tôi yêu nhau cũng đã được một thời gian đủ dài để anh mở lòng và chia sẻ với tôi về những khó khăn và mất mát này. Nhưng anh dường như không thể vượt qua. Tôi luôn cố gắng cảm thông và muốn giúp đỡ anh ấy, nhưng càng ngày, anh lại càng tỏ ra xa cách và nói với tôi rằng anh không còn cảm thấy chắc chắn về tương lai cùng với tôi, do anh không có sự gắn bó với người mẹ từ khi còn nhỏ. Tôi là một người vui vẻ và tích cực, nhưng giờ đây, tôi đã bắt đầu thay đổi. Tôi dần sống khép kín hơn, suy nghĩ tiêu cực và thu hẹp dần các mối quan hệ xung quanh mình. Tôi không biết đó là do ảnh hưởng cảm xúc từ anh ấy, hay đang thất vọng với bản thân mình. Tôi nên làm gì để giúp anh ấy và giúp chính tôi?
Bạn thân mến, phụ nữ có bản năng làm mẹ và có xu hướng cho rằng mình có sứ mệnh để chữa lành những người xung quanh mình. Nhưng, có những điều nằm ngoài khả năng của chúng ta.
“Stop raising him, he is not your child” (Ngừng chăm sóc anh ta như thể anh ta là con của bạn). Một mối quan hệ lành mạnh là khi việc “cho” và “nhận” phải đến từ cả hai phía. Ở đây, bạn chỉ là người cho đi, và việc đó hầu như chiếm toàn bộ thời gian của bạn. Đây là bài học về các giới hạn của trách nhiệm, đặc biệt là khi trong thâm tâm bạn đang đưa ra những tín hiệu cảnh báo. Có những thứ thuộc về thẳm sâu trong con người mà chỉ có chính bản thân người đó phải tự đối diện và giải quyết. Song song đó, bạn cũng nên xác định lại mục tiêu trong cuộc sống của mình, giá trị của bản thân mình. Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho mối quan hệ và như một lời nhắc nhở rằng mỗi người đều có lựa chọn và trách nhiệm của riêng mình.
2. Tôi và bạn trai quen nhau được một năm rưỡi. Ban đầu, mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp nhưng gần đây, anh ấy thay đổi và trở nên kiểm soát hơn. Anh ấy luôn muốn tôi bên cạnh và quan tâm đến anh ấy 24/7, thậm chí khó chịu và gây sự khi tôi gặp bạn bè hay gia đình của mình. Trong ba hoặc bốn tháng đầu tiên, tôi luôn tìm cách chiều lòng nhưng càng ngày anh ấy càng khiến tôi nghẹt thở. Tôi phải liên tục thay đổi kế hoạch riêng chỉ vì anh. Khi tôi quá mệt mỏi và muốn chia tay, anh ta nài nỉ, cầu xin tôi tha thứ và hứa hẹn sẽ thay đổi. Điều đó khiến tôi mềm lòng. Chúng tôi nỗ lực hàn gắn thêm một năm nữa nhưng cuối cùng, tôi nhận ra bản chất của anh ta không thể thay đổi. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chia tay. Vấn đề là, anh ta dường như thực sự bị tổn thương và cứ níu kéo tôi trở về với anh ta. Tôi vẫn yêu anh và không muốn thấy anh đau lòng nhưng sức chịu đựng của tôi có giới hạn. Tôi đang tự làm hỏng những mối quan hệ xung quanh và dường như đánh mất bản thân mình. Tôi nên làm gì?
Thay đổi một ai đó là điều không hề dễ dàng, thậm chí là bất khả. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn bền bỉ từ cả hai phía. Một mối quan hệ lãng mạn sẽ bền lâu hơn khi cả hai vừa có thời gian dành cho nhau và đồng thời có không gian riêng của mỗi người. Cuộc sống của bạn không chỉ có mình anh ấy và không chỉ xoay quanh anh ấy. Nếu tình trạng này kéo dài, cảm xúc, tính cách và cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và mối quan hệ này rồi cũng sẽ không đi đến đâu. Bản thân anh ấy cũng cần thời gian để hiểu ra và tự điều chỉnh lại. Quan trọng là bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ và quyết định xem bạn có sẵn sàng cho anh ấy thêm một cơ hội khác để thử và xem liệu anh ấy có thực sự muốn thay đổi hay không. Bạn cũng sẽ cần thảo luận một cách nghiêm túc với anh ấy về các ranh giới và kỳ vọng của bạn để anh ấy hiểu nhưng vẫn quan tâm chừng mực để anh ấy không lập tức cảm thấy hụt hẫng và bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu điều đó vẫn không lay chuyển được tình thế, bạn nên nhanh chóng xác định lại mối quan hệ và đưa ra quyết định rõ ràng. Nếu không thể tiếp tục, hãy chọn chia tay một cách dứt khoát để anh ấy có thể bước tiếp. Và bạn cũng vậy.
Ảnh: Sapochee
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE