Lifestyle / Bí quyết sống

7 hoạt động hữu ích giúp trí óc luôn khỏe mạnh

Đôi khi, chúng ta cứ quá chú tâm vào những hoạt động thể chất mà không biết rằng trí não cũng cần “tập luyện”. Dĩ nhiên, hai hoạt động này đều hữu ích và giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn, nhưng để phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, bên cạnh việc tập luyện thể dục, thể thao, bạn cũng cần thực hiện một số bài tập để phát triển và rèn luyện tư duy của mình.

Trí não hệt như những bộ phận khác trên cơ thể, nếu muốn duy trì và nâng cao hiệu suất hoạt động, bạn cần những bài tập nhất định để trau dồi và phát huy khả năng của nó. Dưới đây là 7 hoạt động giúp bạn trí óc bạn minh mẫn và khỏe mạnh hơn.

1. Tập thể dục

co gai hoat dong yoga giup tri oc khoe manh
Ảnh: Pexels/Oyla Kobruseva

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục có thể giúp bạn cảm thấy tích cực và hạnh phúc hơn, đồng thời giảm đi nguy cơ mắc các bệnh tâm lý nhờ sự sản sinh hormone endorphin – hormone hạnh phúc – khi chúng ta vận động. Một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với các bài tập có thể làm giảm khoảng 60% nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức khi chúng ta già đi.

Hơn nữa, tập thể dục là một trong số ít những hoạt động giúp kích thích não sản sinh ra các tế bào thần kinh mới. Việc duy trì thói quen này là một điều vô cùng cần thiết để cải thiện tình trạng sức khỏe của chúng ta.

2. Học một ngôn ngữ mới

cô gái rèn luyện trí não
Ảnh: Unsplash/Jeffery Erhunse

Thị trường việc làm ngày càng phát triển và bạn khó lòng thăng tiến trong công việc nếu chỉ biết một thứ tiếng duy nhất – tiếng mẹ đẻ. Học một ngôn ngữ mới không chỉ giúp bạn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp mà còn giúp bạn phát huy và nâng cao các kỹ năng khác liên quan đến tư duy như: kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng lắng nghe, khả năng tập trung, ghi nhớ, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc đa nhiệm…  Bên cạnh đó, một nghiên cứu được đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia của Mỹ cũng chỉ ra rằng những người bilingual (người sử dụng song ngữ thành thạo) ít mắc bệnh hoặc phát bệnh Alzheimer chậm hơn so với người nói một ngôn ngữ. 

Thêm vào đó, học một ngôn ngữ mới sẽ giúp bạn mở mang thế giới quan và cho phép bản thân trải nghiệm những điều mà trước đây bạn chưa từng thử. Chẳng hạn như khi đi đến đất nước nói ngôn ngữ mà bạn đã học, bạn có thể dễ dàng hòa nhập và tìm hiểu văn hóa ở đó thay vì tốn thêm một khoản chi phí để thuê hướng dẫn viên du lịch hoặc người phiên dịch. 

Bên cạnh đó, những người có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau luôn tạo được sức hút và sự ngưỡng mộ của những người xung quanh, kể cả trong phạm vi quan hệ xã hội hoặc trong công việc.

3. Học một kỹ năng mềm

Mặc dù học một ngôn ngữ mới có rất nhiều điểm cộng, song không phải ai cũng dễ dàng thực hiện nó. Ví dụ, đối với thứ tiếng phổ biến nhất thế giới – tiếng Anh, theo nghiên cứu của Đại học Cambridge, để đạt đến trình độ thành thạo tiếng Anh như người bản xứ, bạn cần bỏ ra thời lượng học trung bình là 1.000-1.200 giờ tùy theo mức độ tiếp thu của mỗi người. Như vậy, để có thể lưu loát tiếng Anh, bạn phải bỏ gần 2 năm để học liên tục từ 4-6 tiếng một ngày. Đối với những người trưởng thành và có cuộc sống công việc bận rộn, thời gian là một điều khá xa xỉ với họ và phải mất rất lâu để họ hoàn thành được mục tiêu.

Vì vậy, không cần đi theo công thức chung là học ngôn ngữ để cải thiện não bộ, mà bạn chỉ cần học một kỹ năng mới khiến bạn hứng thú và thiết thực cho cuộc sống hiện tại của bản thân, chẳng hạn như: nhiếp ảnh, đan len, vẽ tranh, chơi nhạc cụ, nhảy… Một nghiên cứu được đăng tải trên SAGE Journals đã chỉ ra, những người tham gia các hoạt động mang tính thử thách và đòi hỏi khả năng tư duy như học một kỹ năng mới có trí nhớ cải thiện đáng kể so với những người chỉ thích tham gia vào các hoạt động mang tính giải trí nhưng ít đòi hỏi kỹ năng tư duy, ví dụ như xem TV. Khi bạn thành thạo một kỹ năng, bạn có thể chuyển sang học hỏi một kỹ năng mới, như vậy, bạn sẽ liên tục hoàn thiện bản thân của mình cũng như có kiến thức lẫn kinh nghiệm rất phong phú. 

4. Dạy ai đó một điều gì đó mới

cô gái làm các hoạt động rèn luyện trí não
Ảnh: Pexels/Ron Lach

Bạn vừa học xong một môn học nhưng không biết làm gì với nó? Bạn có nhiều kỹ năng nhưng không có điều kiện để trau dồi? Hãy thử dạy người khác những điều bạn biết. Giảng lại cho ai đó những kiến thức mà bạn đã học chính là cách bộ não bạn chắt lọc những thông tin thuần túy nhất và biến nó thành dữ liệu cơ bản mà mọi người dễ tiếp thu được – điều đòi hỏi bạn phải hiểu biết sâu sắc về các khái niệm và vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà bạn nghiên cứu, học hỏi. Truyền đạt lại kiến thức cho người khác cũng là dịp để bạn ôn lại những điều cơ bản mà bạn đã từng học qua. 

Bên cạnh đó, khi người học gặp khó khăn trong việc tiếp thu những kiến thức bạn truyền tải, bạn sẽ phải tìm ra các phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn, những cách giải thích súc tích hơn để giúp người học lĩnh hội kiến thức một cách dễ dàng. Điều này cũng sẽ giúp não bộ của bạn được vận động một cách linh hoạt. 

Ngoài ra, việc truyền đạt kiến thức cho người khác cũng là cách giúp bạn nhận ra nhiều khía cạnh trong cùng một vấn đề, chẳng hạn như một bài toán sẽ có nhiều lời giải, và chỉ cần đi đúng hướng, bạn sẽ đi đến kết quả cuối cùng.


Xem thêm

9 dấu hiệu cho thấy bạn đã tìm được một người bạn tri kỷ

7 lợi ích thiết thực nhất của nụ cười đối với cuộc sống

8 sự thay đổi về mặt tinh thần mà bạn nên áp dụng để thành công hơn trong cuộc sống


5. Sử dụng tay không thuận

Nếu bạn hoàn toàn không có thời gian học ngôn ngữ lẫn kỹ năng mới thì cũng đừng quá lo lắng, vì một trong những hoạt động đơn giản nhất để rèn luyện trí não mà không tốn quá nhiều thời gian đó chính là tập sử dụng tay không thuận. Nếu như đã quen với việc sử dụng tay thuận trong sinh hoạt hằng ngày, bạn hãy thử cố gắng cầm, nắm, viết… bằng tay không thuận. Ban đầu, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và nét chữ đầu tiên được viết bằng tay không thuận sẽ vô cùng nguệch ngoạc, thậm chí còn không thể đọc ra.

Bạn không cần đặt nặng việc phải làm mọi thứ một cách thành thạo bằng tay không thuận, quan trọng nhất, đây là hoạt động giúp não bộ của bạn được vận động. Bởi lẽ, khi sử dụng tay không thuận, bạn phải ý thức được cách chuyển động của bàn tay, cầm nắm như thế nào cho thuận tiện, nên di chuyển nét bút như thế nào khi viết… 

6. Nghe nhạc

Chắc hẳn chúng ta quá quen thuộc với chức năng giải tỏa và cải thiện tâm trạng của âm nhạc. Nghe hoặc chơi nhạc chính là hoạt động rèn trí não triệt để mà ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Âm nhạc vô cùng phức tạp, bao gồm các thành phần liên quan đến toán học, kiến trúc và cấu trúc. Nghe nhạc, tức là biến các rung động của sóng âm truyền qua không khí và đi vào màng nhĩ trở thành các tín hiệu mà não có thể dịch ra thành những giai điệu. Giải mã âm nhạc giúp não bộ tập luyện, cũng giống như bạn đang duy trì các bài tập thể dục tác động đến mọi nhóm cơ chính trong cơ thể.

Tuy nhiên, giống như việc lặp đi lặp lại cách giải một bài tập bạn đã quá quen thuộc, việc nghe đi nghe lại một bản nhạc, một danh sách bài hát yêu thích sẽ không mang lại hiệu quả cho việc rèn luyện trí não. Bởi vì bộ não của bạn đã tìm ra cách mã hóa những bài hát đó và không cần cố gắng để hiểu nội dung nữa. Do đó, hãy thử nghe các bài nhạc mới nằm ngoài sở thích của bạn để trí não của bạn có thể trải nghiệm với những điều mới mẻ hơn. 


Xem thêm

9 lời khuyên đúng đắn mà chúng ta đã học từ mẹ

3 cách luyện trí não để thấy hạnh phúc

8 cách hiệu quả giúp bạn cải thiện thói quen trì hoãn


7. Cởi mở và giao lưu với người khác

hai cô gái cởi mở với nhau
Ảnh: Pexels/Ron Lach

Chúng ta không thể sống khép kín và tồn tại đơn độc trong xã hội. Việc mở rộng vòng tròn quan hệ và giao tiếp với nhiều người là cách chúng ta cải thiện sức khỏe tinh thần, đẩy lùi lo âu và trầm cảm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người lớn tuổi dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự cùng người khác sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc suy giảm trí tuệ hơn những người sống trong hoàn cảnh neo đơn, cô độc.

Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội, cộng đồng thường bao gồm các hoạt động giúp ích cho sự phát triển của não bộ. Chẳng hạn như khiêu vũ, chơi thể thao, học hỏi những kiến thức mới…

Nhóm thực hiện

Bài: Như Quỳnh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Tikvahlake

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)