Lifestyle / Bí quyết sống

9 khả năng cơ bản của người có chỉ số EQ cao

Chỉ số thông minh về Cảm Xúc (Emotional Quotient), gọi tắt chỉ số EQ, là thuật ngữ được sử dụng để mô tả khả năng một cá nhân có thể nhận ra và thấu hiểu cảm xúc của mình cũng như người xung quanh.

9 khả năng cơ bản của người có chỉ số EQ cao

Nhiều người vẫn cho rằng trong kinh doanh hay các lĩnh vực chuyên nghiệp khác, chúng ta phải tách biệt cảm xúc để duy trì tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên các nghiên cứu mới cho biết chỉ số thông minh xúc cảm thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành tổ chức, quản lý nhóm, nhân sự và kinh doanh nói chung cũng như trong các mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội khác.

Thử nhận định một người có chỉ số IQ rất cao và chỉ số EQ thấp, họ vẫn có thể có một cuộc sống đủ đầy với công việc tốt, gia đình, con cái. Nhưng đằng sau cuộc sống đầy đủ đó lại là những áp lực rõ ràng từ khối lượng công việc, căng thẳng gia đình liên tục kéo dài. Nếu người đó không hiểu được cảm xúc của mình sẽ dễ dẫn tới hàng loạt các quyết định tồi tệ do kém khả năng thấu hiểu những gì đang diễn ra bên trong tâm trạng và xúc cảm của mình. Nhiều người sẽ sử dụng chất kích thích như rượu, thuốc, ma túy đẩy mình và người thân đến tình trạng bạo hành gia đình. Tất cả nguyên nhân chính không phải do con người đó không tốt mà là do thiếu khả năng hiểu cảm xúc của mình dẫn tới việc hành xử không phù hợp.

Chỉ số thông minh cảm xúc

Ngược lại, với chỉ số IQ và EQ cao, một người sẽ dễ dàng nhận ra áp lực, lo lắng, căng thẳng liên quan đến công việc gây ra. Họ dễ dàng gỡ bỏ những bực bội trong cuộc sống và giải quyết cảm xúc tiêu cực của mình một cách hiệu quả. Họ sử dụng những cách lành mạnh để bày tỏ, tâm sự với người thân hoặc bạn bè. Điều đó sẽ giúp người có chỉ số EQ quay trở lại làm việc một cách thư giãn, sẵn sàng để có những quyết định tốt hơn. Để nhận diện được bản thân hoặc một ai đó có chỉ số EQ cao hay không, bạn sẽ không cần nhờ đến các bài test phức tạp, hãy để ý 9 điểm sau để quan sát:

1. Tự nhận diện và quản lý cảm xúc của bản thân và người xung quanh

Người có chỉ số EQ cao thường có vốn từ vựng phong phú về các loại cảm xúc. Họ hiểu được thế nào là giận, thế nào là thương, thế nào là tham sân si, thế nào là ghen ngược, ghen xuôi, đố kị, cảm thông, tự tin… Từ đó xác định rõ bản thân và người xung quanh đang nghĩ gì, tự quản lý cảm xúc, tinh thần để thích nghi và ứng xử với tình huống hiện tại.

2. Không có những mong đợi vô lý

Những mong đợi vô lý thường tạo ra sự căng thẳng và thất vọng với chính mình và cả mọi người xung quanh. Tất cả những gì người có chỉ số EQ cao thường làm là thảo luận, tạo ra các kế hoạch, thực hiện theo kế hoạch và hy vọng vào một kết quả tốt.

3. Biết chấm dứt liên hệ không lành mạnh

Chấm dứt liên hệ không đồng nghĩa với việc chạy trốn. Chạy trốn tình huống hay cảm xúc không bao giờ có thể giải quyết được tình hình bởi chúng ta có thể rời xa những mối quan hệ không tốt một cách tạm thời về thể chất nhưng về tâm lý và xúc cảm, người đó vẫn có thể hiện diện trong tâm trí chúng ta – gây cảm xúc bất ổn. Chấm dứt liên hệ rõ ràng, minh bạch nhất là mối liên hệ tinh thần và tình cảm, khi chúng ta bình thản và không quan tâm nữa lúc đó dù thể chất người đó có hiện ra trước mắt ta, tâm trạng ta vẫn hoàn toàn ổn định. Đó mới là cách chấm dứt liên hệ hoàn hảo nhất.

4. Đứng ngoài những tiêu cực

Đối với những người có chỉ số cảm xúc thông minh cao, tiêu cực không có cơ hội tồn tại xung quanh họ hay bên trong họ. Những cá nhân hoặc việc làm tiêu cực thường xuất phát từ sự ghen tị, đố kị, tham sân si, tàn nhẫn… Tránh những liên hệ không cần thiết bằng cách tránh tham gia vào các tình huống vô lý, vô tình, vô cảm và vô duyên.

5. Biết cách nói không hợp lý 

Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người có chỉ số thông minh xúc cảm là khả năng từ chối hợp lý. Đặc biệt là khi chúng ta phải nói không với chính mình. Nói không với sự tự tin mà không có định kiến chính là khả năng từ chối hiệu quả.

6. Thiết lập ranh giới

Thiết lập giới hạn và ranh giới là cần thiết để tránh những mong đợi vô lý hoặc những ảo tưởng cho người liên quan và cũng tránh để mình và mọi người không bị lợi dụng hay gây phiền nhiễu về xúc cảm cũng như vật chất.

7. Không vơ vào mình

Người xúc cảm thông minh không lấy hành động hay cuộc sống của người khác để vơ vào mình. Họ không thấy tủi thân trươc thành công của người khác hay để người khác ảnh hưởng đến mình một cách thiếu kiểm soát.

8. Biết rút kinh nghiệm từ người đi trước hoặc trải nghiệm cũ

Người xúc cảm thông minh chuẩn bị cho cuộc sống của mình bằng việc học từ kinh nghiệm người đi trước hoặc ghi nhớ những trải nghiệm cũ gây cảm xúc tiêu cực để lường trước những tình huống như vậy xảy ra trong tương lai.

9. Họ yêu thương tôn trọng bản thân

Người có chỉ số xúc cảm thông minh biết tôn trọng và yêu thương bản thân. Họ biết lựa chọn những hoạt động khiến bản thân thấy bình yên, hạnh phúc. Yêu thương và tôn trọng bản thân không có nghĩa là lúc nào cũng cố gắng đạt được những gì thuận lợi nhất cho mình, mà còn là sự cân bằng giữa cho đi và nhận lại những xúc cảm tích cực với những người xung quanh.

Rõ ràng rằng việc dành thời gian để xác định và xác nhận cảm xúc của mình là cách sống tích cực có tính xây dưng hơn rất nhiều so với việc lảng tránh và giấu diếm cảm xúc. Điều tồi tệ hơn nữa là ai đó cố gắng kìm nén cảm xúc bằng chất kích thích như rượu thuốc lá hay ma túy. Càng cố gắng hiểu cảm xúc hơn, bạn sẽ thấy cuộc sống càng trở nên tích cực, đơn giản và nhẹ nhàng. Không có một loại chất kích thích nào có thể giúp bạn thoát ra khỏi những rối ren cuộc đời hơn là tự chính bạn vực dậy bản thân.

chỉ số thông minh xúc cảm

Theo cách nghĩ truyền thống, chỉ số thông minh trí tuệ (IQ) cao là cách chúng ta vẫn đánh giá năng lực thành công của một người trong thế giới chuyên nghiệp. Nhưng trong thực tế IQ không phải là điều kiện tiên quyết và chỉ số IQ cao không phải là kỹ năng duy nhất để chúng ta thành công. Cuộc sống là một hành trình được tạo nên bởi một chuỗi các quyết định. Những nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra khả năng hiểu cảm xúc của mình và người khác mới chính là chìa khóa mở ra những lựa chọn tốt nhất cho mọi mối quan hệ.  Một cuộc đời thành công không phải luôn luôn có nghĩa là một vị trí cao trong xã hội hay có một đại gia đình và hàng tá bạn bè, đối tác mà đối với rất nhiều người chỉ là có một cuộc sống đơn giản, chậm rãi, bình yên dựa trên khả năng quản lý tốt tài chính, cảm xúc.

Xem thêm

Yêu hết mình nhưng không đánh mất mình

5 điều cần lưu ý khi học cách nói “Không” tế nhị

Bài học tình yêu từ cuốn sách “Những tiểu thư Hồi giáo”

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Thanh Phạm, Nguồn: Iheartintelligence.com, huffingtonpost.com
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)