Chúng ta thường lầm tưởng rằng thao túng chỉ bao gồm những hành vi áp đặt hay đe dọa lên ai đó. Tuy nhiên, thao túng còn có thể là những hành động tưởng như không gây hại nhưng lại có khả năng gây tổn thương âm ỉ, khiến bạn khó có thể nhận ra ngay. Dưới đây là 10 kiểu người bạn nên giữ khoảng cách để tránh những tổn thương không cần thiết cho bản thân.
1. Kiểu người dội bom tình yêu
Trong giai đoạn mới bắt đầu hẹn hò, bạn có thể nhận được những dòng tin nhắn với tần suất dày đặc, những cử chỉ và lời nói thể hiện tình cảm mãnh liệt, những lời khen có cánh, những món quà xa xỉ hay cử chỉ ga lăng hào phóng dồn dập từ đối phương. Thoạt nhìn, đây có vẻ là những biểu hiện cho thấy bạn vô cùng quan trọng với họ hay họ thật sự có tình cảm với bạn. Tuy nhiên, thực chất đây là những chiến thuật thao túng tâm lý tinh vi, thường được gọi là “dội bom tình yêu” – cách một người cố gắng chiếm hữu, kiểm soát và lợi dụng cảm xúc của bạn trong mối quan hệ.
Tiến sĩ Geraldine Piorkowski – tác giả của cuốn sách Too Close for Comfort: Exploring the Risks of Intimacy (tạm dịch: Gần Gũi Đến Mức Bí Bách: Khám Phá Những Rủi Ro Của Sự Thân Mật) – định nghĩa dội bom tình yêu (love bombing) là một chiến thuật quyến rũ đầy mưu mẹo. Trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ, người “ném bom tình yêu” sẽ dùng sự quan tâm quá mức, lời khen và hành động yêu chiều để thu hút bạn. Đây là hành vi độc hại bởi vì sự nồng nhiệt đó chỉ kéo dài đến khi mối quan hệ tiến triển theo ý họ. Sau đó, họ thường rút lui hoặc thay đổi thái độ đột ngột, khiến bạn cảm thấy bị bỏ rơi hoặc thậm chí là bị lừa dối.
Theo Tiến sĩ Piorkowski, mục đích của việc “dội bom tình yêu” không phải để xây dựng một mối quan hệ lâu dài và bền vững, ngược lại nó nhằm để kiểm soát và thao túng cảm xúc của người khác. Trong nhiều trường hợp, “dội bom tình yêu” còn khiến nạn nhân rơi vào tình trạng lúng túng và không chắc chắn về cảm xúc thực sự của mình do lo sợ bản thân không xứng đáng với tình cảm của người lạm dụng. Điều này có thể dẫn đến sự phụ thuộc vào đối tác, khiến họ gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới hoặc kết thúc mối quan hệ, ngay cả khi họ nhận ra những dấu hiệu không lành mạnh. Cuối cùng, sự lạnh nhạt từ người “dội bom” sẽ để lại cho nạn nhân cảm giác thất vọng sâu sắc và những tổn thương lớn.
BÀI LIÊN QUAN
2. Cố gắng làm hài lòng người khác
Người cố gắng làm hài lòng người khác là người có xu hướng đặt nhu cầu và lợi ích của các mối quan hệ bên ngoài lên trên nhu cầu và lợi ích cá nhân. Họ thường được đánh giá là kiểu người dễ chịu, tốt bụng và hòa đồng, nhưng trong một số tình huống, họ hoàn toàn có thể đánh mất chính mình, thậm chí là hy sinh hoặc bỏ bê bản thân chỉ để làm hài lòng người khác.
Mặc dù những người này thường tạo được ấn tượng tốt ban đầu nhờ sự thân thiện và khéo léo của mình nhưng khi tiếp xúc lâu dài bạn có thể nhận thấy một số khía cạnh thao túng và độc hại của họ. Điều này có thể được lý giải rằng, những người này thường gánh chịu nỗi sợ, áp lực làm người khác thất vọng, từ đó họ thường che giấu cảm xúc, dẫn đến sự bất mãn tích tụ và khi sự thất vọng vượt qua giới hạn chịu đựng của những người này, mối quan hệ có thể trở nên căng thẳng, gặp mâu thuẫn nghiêm trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của hai bên.
Mặt khác, có một số người chỉ tỏ ra thân thiện để thu hút và lợi dụng đối phương nhằm đạt được mục đích riêng và hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc hoặc lợi ích của bạn. Để nhận diện ra nhóm người này, bạn cần chú ý quan sát lời nói và hành động của họ kỹ lưỡng hơn. Ví dụ, nếu họ chỉ tỏ ra thân thiện khi cần bạn giúp đỡ điều gì đó hoặc chỉ lịch sự khi ở nơi đông người, đó có thể là điểm đáng lưu ý. Nếu bạn gặp trường hợp như vậy, bạn nên quan sát sự quan tâm của họ có tính liên tục, tính ổn định trong mọi tình huống hay chỉ kéo dài đến khi họ đạt được mục đích, từ đó bạn sẽ hiểu rõ hơn về họ.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý cách họ nói về người khác khi người đó không có mặt. Những người thường xuyên có thái độ tiêu cực với ai đó khi họ vắng mặt như săm soi tiểu tiết, bàn tán lời không hay… nhưng lại trở nên thân thiện khi gặp mặt người kia, thường có tính nhỏ mọn và không thực sự chân thành.
3. Cầu toàn
Những người sở hữu tính cách cầu toàn thường đạt được vô số những thành tựu lớn lao trong cuộc sống nhờ sự thận trọng, tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm cao trong mọi việc họ làm. Tuy nhiên, khi tính cầu toàn của ai đó quá cao, nó lại trở thành một yếu tố độc hại, gây ra những vấn đề về sức khỏe tinh thần và áp lực quá mức cho chính họ và những người xung quanh.
Người cầu toàn thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng và lo lắng thái quá khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch ban đầu. Sự căng thẳng tột độ này có thể làm họ đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe và buộc người khác phải tuân theo ý kiến của mình, từ đó khiến mọi người cảm thấy căng thẳng, xa cách khi tiếp xúc với họ và làm giảm hiệu suất công việc đáng kể. Bên cạnh đó, sự ám ảnh với việc phải đạt được kết quả hoàn hảo khiến họ thiếu đi sự linh hoạt trong cách giải quyết vấn đề, khó chấp nhận sai sót hoặc thất bại – những điều vốn dĩ là một phần tự nhiên của cuộc sống.
4. Liên tục thay đổi ý kiến, thái độ
Trong một vài bối cảnh, chúng ta có thể nhận thấy có một số người liên tục thay đổi thái độ để đạt được lợi ích cá nhân. Họ có thể tỏ ra đồng tình với ai đó nhưng sau đó lại quay sang ủng hộ nhóm đối lập khi thấy có lợi hơn. Điều này thường xảy ra trong các tình huống liên quan đến công việc, các mối quan hệ cá nhân… và được xem là người có thái độ biến hóa như “tắc kè hoa”.
Việc điều chỉnh cách thể hiện bản thân tùy vào từng mối quan hệ là điều bình thường. Tuy nhiên, khi một người liên tục thay đổi để phù hợp với mọi đối tượng xung quanh, họ là người không nhất quán và có thể là người không đáng tin cậy. Kiểu người này thường tạo ra những nhân cách khác nhau, khiến họ trông như một con người hoàn toàn khác trong từng hoàn cảnh. Khi hành vi này diễn ra với tần suất quá nhiều, người khác có thể gặp khó khăn trong việc nhận diện bản chất thực sự của họ và khó lòng chia sẻ những điều sâu kín, thật lòng với những người này.
5. Hay phàn nàn
Những người hay phàn nàn trông có vẻ vô hại, nhưng thực tế, họ là kiểu người bạn nên giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Trong tâm lý học có một hiện tượng được gọi là lây lan cảm xúc (emotional contagion). Đây là quá trình cảm xúc của một người ảnh hưởng và truyền sang người khác, khiến những người thân cận hay các mối quan hệ xung quanh họ có xu hướng trải nghiệm cảm xúc tương tự. Hiện tượng này có thể được giải thích bởi hoạt động của các nơron gương trong não bộ. Khi chúng ta quan sát hành vi hoặc cảm xúc của người khác, các nơron gương này được kích hoạt, khiến chúng ta có xu hướng phản chiếu và trải nghiệm cảm xúc tương tự.
Khái niệm khoa học này có phần tương đồng với khái niệm tần số năng lượng (energy frequency) trong các lý thuyết về năng lượng và tâm linh. Tức là khi bạn tiếp xúc với những người tích cực, có tần số năng lượng cao, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy hạnh phúc, lạc quan và có động lực hơn. Ngược lại, nếu ở cạnh những người tiêu cực, thường xuyên than phiền hoặc có tần số thấp, bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tinh thần và trở nên chán nản, mệt mỏi.
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology, phàn nàn được định nghĩa là việc thể hiện sự đau khổ hoặc trải nghiệm tiêu cực, trong đó trách nhiệm thường được quy kết cho một cá nhân hay yếu tố khách quan nào đó. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, những người hay phàn nàn thường mang tư duy “nạn nhân”, nghĩa là họ hiếm khi nhận lỗi về mình, hay đổ lỗi cho những người xung quanh vì những điều tiêu cực trong cuộc sống và từ chối chịu trách nhiệm cho chính thái độ và suy nghĩ của bản thân.
Ban đầu, năng lượng tiêu cực từ họ có thể không rõ ràng, nhưng theo thời gian, nó sẽ dần rút cạn niềm vui của bạn trong mỗi lần tương tác với họ, dễ khiến bạn cảm thấy mất động lực và rơi vào trạng thái chán nản khi liên tục phải lắng nghe và đối mặt với những lời chỉ trích, lo âu hoặc bất mãn. Thiên hướng tập trung quá mức vào vấn đề thay vì giải pháp của họ không chỉ khiến bạn bị cuốn vào các cuộc trò chuyện thiếu tính xây dựng, mà còn làm suy giảm tinh thần sáng tạo và khả năng duy trì tư duy tích cực.
Xem thêm
• 11 kiểu người độc hại bạn nên loại bỏ khỏi cuộc sống của mình
• 5 kiểu người các nhà tâm lý học khuyên bạn không nên cho họ cơ hội thứ hai
• 9 kiểu người bạn mỗi người nên có trong cuộc sống
6. Cạnh tranh độc hại
Những người cạnh tranh độc hại thường không công khai thể hiện sự ganh đua nhưng luôn âm thầm so sánh, tìm cách vượt qua người khác bằng mọi giá. Họ khoác lên mình vẻ ngoài thân thiện, tỏ ra ủng hộ hoặc hợp tác nhưng thực chất đang theo đuổi lợi ích cá nhân bằng những kế hoạch ngầm. Mặc dù có thể tỏ ra hòa nhã và sẵn sàng hỗ trợ, những người này thường hành động với động cơ ích kỷ.
Họ có thể dành cho bạn những lời khen nghe có vẻ chân thành nhưng thực chất chứa đựng ẩn ý châm chọc, khiến bạn hoang mang và tự ti. Họ không đối đầu trực diện nhưng thường xuyên đề cao thành tích của bản thân hoặc người khác để tạo áp lực lên bạn. Những người này thậm chí có thể lan truyền tin đồn, hạ thấp thành công của bạn bằng những lời nhận xét tiêu cực sau lưng, hoặc cố tình thao túng suy nghĩ của người khác để làm giảm vị thế của bạn.
Một đặc điểm khác của kiểu cạnh tranh độc hại là sao chép ý tưởng. Họ quan sát, tiếp thu, sau đó biến ý tưởng của bạn thành của mình, thậm chí còn phát triển nó tốt hơn để vượt lên trên bạn. Trong môi trường làm việc, điều này có thể khiến bạn rơi vào trạng thái liên tục bị “hút cạn” năng lượng và mất đi động lực phấn đấu.
Việc tiếp xúc lâu dài với kiểu người này có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng, nghi ngờ bản thân và dần mất đi sự tự tin. Mối quan hệ với họ thường không bền vững và dễ dẫn đến cảm giác bất an hoặc thất vọng.
7. Người khiến bạn cạn kiệt năng lượng khi tiếp xúc
Những người bạn phụ thuộc (needy friends) là những đối tượng bạn nên giữ khoảng cách an toàn trong tình bạn. Họ sẽ thường xuyên mong đợi sự quan tâm, giúp đỡ, an ủi từ bạn nhưng lại không có khả năng hoặc không muốn đáp lại bằng cách tương tự. Điều này khiến bạn dần cảm thấy kiệt sức và bị lợi dụng.
Một mối quan hệ bạn bè lý tưởng luôn cần sự cân bằng giữa việc cho đi và nhận lại. Đôi khi, chúng ta cần nhận sự yêu thương và khích lệ từ bạn bè, và đôi khi, chúng ta lại là người đưa ra sự hỗ trợ. Tuy nhiên, có những người luôn tỏ ra ân cần, trung thành, tạo cảm giác rằng họ sẽ luôn ở bên bạn nhưng thực chất chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ một chiều mà không có ý định đáp lại. Họ đòi hỏi thời gian, công sức, năng lượng của bạn, thậm chí cảm thấy ghen tị khi bạn dành sự quan tâm cho những kế hoạch hay mối quan hệ khác.
Trong thực tế, những người bạn có sự phụ thuộc cao có thể gây ấn tượng tốt ban đầu, nhưng dần dần, kiểu người này sẽ lấy đi từ bạn nhiều hơn những gì họ cho đi. Vì vậy, bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách khuyến khích những người này tự lập hơn, khéo léo hướng họ đến việc tự giải quyết công việc cá nhân của mình, giảm mức độ tiếp xúc và đặt một ranh giới cá nhân rõ ràng. Đồng thời, hãy nhớ rằng bạn không có trách nhiệm phải giải quyết mọi rắc rối của người khác, do đó bạn không nên cảm thấy có lỗi khi đưa ra lời từ chối, bạn nhé!
8. Giỏi che giấu cảm xúc
Những người giỏi che giấu cảm xúc có thể tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo đến mức bạn khó lòng nhận ra họ đang thực sự nghĩ gì. Họ giữ khoảng cách, ít bộc lộ cảm xúc, do đó bạn có thể dành nhiều thời gian ở bên họ nhưng bạn vẫn cảm thấy bản thân như đang đứng trước một bức tường vô hình, không thể thực sự chạm tới tâm hồn họ.
Sự kiên cường và kiểm soát cảm xúc tuyệt đối của họ có thể khiến bạn ngưỡng mộ nhưng đồng thời tạo ra cảm giác bất an và mất kết nối cho bất kỳ ai xung quanh. Đáng sợ hơn, những cảm xúc bị dồn nén không biến mất, chúng tích tụ theo thời gian và có thể bùng nổ theo cách không thể lường trước. Một ngày nào đó, họ có thể rời đi không một lời giải thích, biến mất khỏi cuộc sống của bạn hoặc trở nên xa lánh, lạnh lùng khiến bạn không hiểu lý do. Bạn sẽ không biết họ đang tổn thương, tức giận vì họ sẽ không nói ra và không cho bạn cơ hội để lắng nghe hay sửa chữa.
Sự lạnh lùng và xa cách của kiểu người này có thể khiến bạn cảm thấy bị thao túng về mặt cảm xúc. Trong cùng một thời điểm, họ có thể vừa quan tâm đến bạn nhưng sau đó lại tiếp tục trở về trạng thái cũ, khiến bạn hụt hẫng và hoang mang. Bạn không thể kiểm soát hay đoán trước phản ứng của họ và điều đó dần bào mòn sự tự tin, khiến bạn nghi ngờ chính mình và liên tục dằn vặt bản thân, trong khi thực tế, vấn đề không nằm ở bạn, mà ở cách họ lựa chọn đối xử với thế giới xung quanh.
9. Né tránh xung đột trực tiếp
Ở một mức độ nào đó, bất kỳ mối quan hệ nào cũng không tránh khỏi việc xảy ra những xung đột. Xung đột là điều hiển nhiên sẽ xảy ra khi giữa hai người có những sự khác biệt nhất định, dù đó là vấn đề sở thích, nhu cầu, hay cách nhìn nhận vấn đề. Mặc dù những người tránh đối đầu trực tiếp với xung đột có vẻ an toàn và hòa nhã, nhưng thực tế, họ là một kiểu người bạn nên giữ khoảng cách.
Mặc dù họ có xu hướng sử dụng sự im lặng hoặc né tránh những cuộc đối đầu gay gắt, nhưng sự thù địch ngấm ngầm của họ vẫn sẽ lộ ra qua những hành động tưởng chừng như vô hại nhưng lại đầy ẩn ý. Họ có thể đưa thốt ra những lời nói sắc nhọn không mang tính xây dựng hay có chức năng giải quyết triệt để mâu thuẫn để khiến bạn cảm thấy bị tổn thương, nhưng khi bạn hỏi họ có chuyện gì không ổn, họ lại đáp lại bằng những câu nói mập mờ và đầy tính thụ động như “Tôi ổn” hoặc “Không sao cả, bạn hãy quên chuyện này đi”. Xung đột chưa bao giờ là điều dễ dàng đối mặt nhưng những người không thể trực tiếp đối diện với vấn đề chỉ khiến căng thẳng dần leo thang, đến mức nó trở nên quá lớn để xử lý.
Những người này gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc và giao tiếp của họ thường không hiệu quả. Họ có xu hướng đè nén cảm xúc của mình lại thay vì thẳng thắn chia sẻ, điều này khiến mối quan hệ dần trở nên mờ nhạt và xa cách.
BÀI LIÊN QUAN
10. Tỏ ra tốt bụng có chủ đích
Có một số người hay chủ động giúp đỡ bạn, tuy nhiên, điều này không phải lúc nào đều sẽ xuất phát từ lòng tốt thuần túy. Thay vào đó, họ sử dụng lòng tốt như một công cụ để củng cố hình ảnh của bản thân, nhận lại sự công nhận hoặc lợi ích từ việc được xem là người tốt bụng. Trong một số trường hợp, họ giúp đỡ người khác để có thể đòi hỏi hay nhờ vả điều gì đó sau này, hoặc để tạo ra một mối quan hệ bất đối xứng, trong đó họ là người có quyền kiểm soát.
Kiểu người này có thể không yêu cầu bạn phải hồi đáp lòng tốt của họ ngay lập tức nhưng thái độ của họ có thể phản ánh kỳ vọng rằng sự giúp đỡ này sẽ được đáp lại dưới dạng nào đó trong tương lai. Họ có thể không trực tiếp nói ra yêu cầu của mình, nhưng thông qua các hành động thụ động, những người này sẽ dần khiến người khác cảm thấy nợ họ, hoặc cảm thấy có nghĩa vụ phải trả lại sự giúp đỡ tương ứng. Do đó, mặc dù hành động của họ dường như đang thể hiện sự quan tâm sâu sắc dành cho bạn, nhưng thực chất, họ đang tìm kiếm lợi ích cá nhân hơn là chỉ giúp đỡ người khác một cách đơn thuần.
Nhóm thực hiện
Bài: Thiên Thanh
Tham khảo: YourTango