Nếu bạn mua những thứ không cần thiết, sớm muộn bạn sẽ phải bán đi những thứ mình cần

Đăng ngày:

Câu trên là nhận định của tỷ phú Warren Buffet, người đàn ông 87 tuổi nổi tiếng với các khoản đầu tư không bao giờ lỗ và những bài học minh triết về quản lý tài chính cá nhân.

Đối với một số người, quản lý tài chính cá nhân chỉ đơn giản là nắm bắt được các khoản chi và thu trong một khoản thời gian nào đó. Một vài người vẫn còn thói quen sử dụng sổ viết tay hay bảng excel để ghi chú lại những giao dịch hàng tháng. Tân tiến hơn, sẽ có bạn tìm đến các loại app quản lý tài chính thông minh trên nền tảng smartphone. Tuy nhiên, các công ty thiết kế app quản lý tài chính cá nhân hiểu rằng người giàu thật sự không cần đến app, người nghèo lại không có tiền để xài app và chỉ có số còn lại – những người có thu nhập hơi dư giả, luôn bận rộn với việc tính toán làm thế nào để mỗi tháng có thể quản lý được nguồn chi tiêu cá nhân mới là tệp khách hàng chính. Tệp khách hàng này chiếm số đông trong xã hội và cũng chưa có nhiều người trong số này hiểu được cách quản lý tài chính chuẩn xác nhất đi theo nguyên lý gì. Họ thường mắc phải những sai lầm cơ bản trong việc quản lý tiền bạc, các khoản chi thu, đầu tư và phòng ngừa rủi ro.

quan ly tai chinh ca nhan elle women in society

Ảnh: Mirza Babic/UNSPLASH

Những sai lầm bé nhỏ có thể dẫn đến kết cục không lường. Liệu bạn đã có đủ kiến thức để quản lý tài chính của bản thân một cách hiệu quả nhất? Hay nói cách khác, bạn có đang mắc phải những sai lẩm trong quản lý tài chính cá nhân không?

SAI LẦM 1: LÀM RA 1 NHƯNG XÀI ĐẾN 10

Việc ghi lại những hoạt động chi tiêu (kể cả trên giấy hay trong app) cũng chỉ giải quyết được việc kiểm soát và ghi nhớ những giao dịch mà chúng ta đã thực hiện. Những app tài chính thông minh đều có phần hạn mức tùy chỉnh để nhắc nhở bạn tháng này chỉ được xài bao nhiêu tiền, Tuy nhiên, nếu đã có việc phải xài hơn mức cho phép, bạn vẫn phải xài đúng không? Chính vì vậy mà có những người “Làm ra 1 đồng nhưng xài đến 10 đồng” – đây là một trong những sai lầm kinh điển dẫn dắt chúng ta vào những khoản nợ xấu.

quan ly tai chinh ca nhan ewis ellevn

Ảnh: Jeremy Dorrough/UNSPLASH

Để phát triển nền kinh tế, nợ là một trong những yếu tố quan trọng. Trong bài viết này, tôi không đi sâu hơn để phân tích vì sao nợ là yếu tố không thể thiếu trong kinh tế, bạn chỉ cần hiểu về mặt tâm lý những khoản nợ giúp chúng ta luôn cố gắng phấn đấu làm việc cật lực. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đúng với một bộ phận người tiêu dùng có trách nhiệm. Nợ có thể bóp chết bạn và cả nền kinh tế nếu chúng ta mất khả năng kiểm soát nguồn chi cũng như nguồn thu. Tỉ phú Warren Buffet đã nói: “Nếu bạn mua những thứ không cần thiết, sớm muộn bạn sẽ phải bán đi những thứ mình cần”.

Cốt lõi của sai lầm này đó chính là bạn không biết nói KHÔNG hoặc không phân định được khoản nào cần chi và khoản nào không cần chi. Làm thế nào để tháo gỡ vấn đề này? Hãy đợi nhé, tôi sẽ trả lời bạn ở cuối bài.

SAI LẦM 2: BỎ TIỀN RA MUA NHỮNG THỨ KHÔNG TẠO RA TIỀN

Hành vi tiêu dùng quyết định nguồn tài chính của bạn sẽ phát triển hay lụi tàn. Có một điểm khác biệt rất rõ giữa người giàu và người không giàu. Người giàu thích mua những thứ độc nhất và đắt giá. Còn người không giàu khi mua cái gì cũng nghĩ đến chuyện “có chỗ nào bán rẻ hơn không?”.

Túi birkin

Ảnh: Style De Monde

Tôi sẽ lấy những cô tiểu thư con nhà giàu ra làm ví dụ cho việc mua những thứ tạo ra tiền. Thật may mắn rằng, họ sinh ra trong nhung lụa nên họ có điều kiện để mua những món đồ độc nhất và thậm chí vô giá như chiếc túi Birkin da rắn thuộc hành limited edition trị giá gần triệu đô. Không như chiếc túi xách mà chúng ta quăng quật hàng ngày, túi Birkin với thiết kế giới hạn thường được cất giữ và bảo quản cẩn thận để bảo đảm giá bán lại sau này cho chủ mới sẽ phải cao hơn giá lúc mua. Tất cả những gì người giàu sở hữu đều có thể để lại được cho đời sau và chúng chỉ có tăng giá theo thời gian chứ không bao giờ giảm giá.

Bạn không có tiển mua Birkin, vậy bạn phải mua cái gì để sinh ra tiền? Câu trả lời sẽ nằm ở phần cuối của bài viết này.

Victoria Beckham là người nghiện sưu tầm túi Birkin

Victoria Beckham là người nghiện sưu tầm túi Birkin. Cô cho biết đây không phải là thói quen mua sắm hoang phí, chiếc túi này là cách cô đầu tư tài chính.

SAI LẦM 3: TIẾT KIỆM KHOẢN CÒN DƯ LẠI SAU KHI ĐÃ CHI TIÊU SUNG SƯỚNG

Lãi suất tiết kiệm của ngân hàng không bao giờ cao như các khoản đầu tư tài chính. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên có một quyển sổ tiết kiệm với lãi suất an toàn đề phòng rủi ro cho tương lai. Ngoài ra, bạn nên nhớ rằng đừng tiết kiệm số tiền dư lại sau một tháng ăn chơi thoải mái. Hãy tiết kiệm một khoản tiền trước khi bạn bắt đầu chi tiêu cho tháng này.

Ảnh: Christian Dubovan

Ảnh: Christian Dubovan/UNSPLASH

SAI LẦM 4: LẤY THỜI GIAN LÀM THƯỚC ĐO ĐỂ KIẾM TIỀN

Tiết kiệm và hạn chế các khoản tiêu dùng là một hành động dễ thương để giúp bạn có tiền dư làm những việc khác. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành người giàu có, việc tiết kiệm vài đồng cũng không thể gây dựng được gia tài nào hết. Nên nhớ rằng bạn trả giá bớt vài đồng cho một mớ rau, vài đồng đó không thấm thía vào đâu với một tài khoản có hàng tỷ đồng.

Song song với việc tiết kiệm, đánh giá những khoản giao dịch, bạn còn cần phải tối đa hoá khả năng kiếm tiền của mình. Nhiều người phải hy sinh thời gian đi chơi, tận hưởng, du lịch, học hành… để kiếm tiền. Bạn nên thay đổi tư duy này. Thời gian là một thứ vô giá và không nên lấy nó ra làm thước đo để kiếm tiền. Doanh nhân Jim Rohn, bậc thầy về kinh doanh, đã nói: “Bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng bạn không thể kiếm thêm thời gian”. 

Cắt bớt thời gian làm việc nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn, điều này có khả thi hay không? CÓ! Hãy định giá năng suất của bản thân theo giá trị của kết quả bạn mang lại, không phải số giờ bỏ ra để làm việc. Kiếm tiền bằng giá trị của mình, không kiếm tiền bằng thời gian của mình.

Còn rất nhiều sai lầm trong việc hoạch định tài chính cá nhân khiến bạn ngày càng không thể thoát ra khỏi những căng thẳng tiền bạc. Trong hội thảo ELLE Women In Society tháng 9 này, với chủ đề QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN: NGHỆ THUẬT QUÝ TRỌNG ĐỒNG TIỀN, Shark Thái Vân Linh và chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Đoàn Đức Minh sẽ trực tiếp nói thêm về những phương pháp quản lý tài chính hiệu quả nhất hiện nay cũng như đưa ra đáp án để khắc phục các sai lầm trong việc quản lý tài chính cá nhân (bao gồm cả sai lầm 1 và 2 được nhắc đến ở trên).

Buổi hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 22/9/2018, từ 9:00 đến 11:30 (địa điểm sẽ được BTC cập nhật sau, các bạn vui lòng theo dõi thông tin chi tiết trong form đăng ký và post thông báo trên fanpage ELLE Việt Nam).  

Chúng tôi khuyến khích bạn đăng ký online trước khi đến sự kiện vì vé vào cửa hoàn toàn miễn phí và chỗ ngồi có giới hạn.

LINK ĐĂNG KÝ

Xem thêm:

5 dấu hiệu cho thấy bạn đang bị căng thẳng trong thời đại công nghệ

Làm bạn với căng thẳng

Nhóm thực hiện

Ảnh: Unsplash (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more