Lifestyle / Bí quyết sống

9 thói quen giúp bạn giảm thời gian lướt mạng xã hội

Mạng xã hội là một phương tiện truyền thông vô cùng hữu ích và dường như không thể thiếu với mỗi người trong thời đại hiện nay. Nó có thể giúp bạn dễ dàng kết nối với những người thân yêu tại khắp nơi, cũng như cập nhật xu thế, tin tức mới một cách nhanh chóng… Tuy nhiên, nếu dành quá nhiều thời gian để lướt mạng xã hội, nó sẽ phản tác dụng và gây ảnh hưởng nhiều mặt đến cuộc sống của bạn.

“Bội thực” thông tin, dễ dàng mắc các chứng lo âu, cảm thấy khó khăn khi kết nối với các mối quan hệ ngoài đời thực… là một trong số ít điều bạn có thể gặp phải khi sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Vậy làm thế nào để khắc phục được điều này? Hãy cùng ELLE khám phá 9 thói quen có thể giúp bạn giảm bớt thời gian lướt mạng xã hội nhé!

1. Nhận thức được thời gian sử dụng mạng xã hội của bản thân 

cô gái dùng mạng xã hội
Ảnh: Unsplash/Laura Chouette

Bước đầu tiên khi thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào chính là xác định được nguồn cơn của nó. Bạn hãy thử sử dụng tính năng giám sát thời gian sử dụng điện thoại và phân tích chúng. Ví dụ, nếu bạn đã dành tổng cộng 2 tiếng 30 phút vào ngày thứ Hai để sử dụng điện thoại, thì phần lớn thời gian trong số đó bạn đã sử dụng ứng dụng nào, và cho hoạt động gì? Bạn có dùng hơn 50% thời gian để lướt Instagram hay lướt Facebook? Từ đó, bạn có thể quy đổi bằng cách suy nghĩ trong quãng thời gian này, bạn có thể làm điều gì có ý nghĩa hoặc làm bạn cảm thấy hạnh phúc hơn không? 

Xác định đâu là những ứng dụng mà bạn đang sử dụng nhiều nhất, thời điểm và lý do bạn sử dụng chúng sẽ giúp bạn dễ dàng tìm cách thay thế thói quen đó. Bạn có thể đặt mục tiêu về thời gian dùng thiết bị hoặc thời gian dùng mạng xã hội dựa trên quỹ thời gian bạn sử dụng. 

Chẳng hạn như khi đã xác định được bạn sử dụng điện thoại 2 tiếng 30 phút trong một ngày, bạn có thể cắt giảm dần xuống còn 2 tiếng sử dụng vào tuần tới. Dần dần, nó trở thành một bước ngoặt để bạn có thể hình thành các thói quen lành mạnh. Kỷ luật và làm chủ nhận thức bản thân là hai yếu tố quan trọng để bạn có thể giữ vững thói quen này.

2. Tối ưu hóa chế độ im lặng

Cho dù bạn cố gắng làm việc và tập trung vào cuộc sống thực tại, thì những âm thanh thông báo từ các ứng dụng sẽ phần nào thu hút chú ý và làm giảm sự tập trung của bạn. 

Cho nên, tắt thông báo hoặc tắt tiếng thông báo từ các mạng xã hội sẽ giúp bạn không bị làm phiền bởi những câu chuyện bên lề. Có một câu nói rằng: “Bạn chính là kết quả tổng hợp bởi 5 người mà bạn tiếp xúc nhiều nhất”. Theo đó, bạn cũng chính là tổng thể của 5 tài khoản mà bạn xem nhiều nhất trên mạng xã hội. Vì thế, tắt tiếng hoặc hủy theo dõi những người, nguồn thông tin không cần thiết trên mạng xã hội và giữ lại những tài khoản mang lại cho bạn cảm hứng, động lực và niềm vui sẽ giúp tăng cường sự tự tin và cảm hứng sống cho bạn.

3. Không kiểm tra điện thoại khi vừa ngủ dậy

Đa số chúng ta đều vớ lấy điện thoại kiểm tra ngay lập tức sau khi vừa thức dậy. Đây là hành động thể hiện bạn sợ bị bỏ lỡ thông tin trên mạng, khiến bạn dễ bị đắm chìm vào mạng xã hội.

Do đó, trong khi những người không dùng điện thoại sẽ đứng dậy vệ sinh cá nhân và chuẩn bị các kế hoạch cá nhân vào buổi sáng, thì những người sử dụng điện thoại sẽ nằm trên giường lâu hơn bình thường để xem hết những thông tin, video mà họ đã bỏ lỡ khi ngủ, và điều này gây lãng phí thời gian nhiều hơn bạn nghĩ. Bạn nên kiểm tra mạng xã hội sau khi hoàn thành xong những hoạt động chuẩn bị cho ngày mới, điều này giúp bạn đảm bảo được nhịp sinh hoạt khoa học và vẫn có thể cập nhật được những thông tin mới nhất. 


Xem thêm

• 7 cách xử lý cảm xúc khi kết thúc một tình bạn

• 9 cách để nạp thêm năng lượng ngoài việc ngủ

• 10 bí quyết giúp bạn cải thiện khả năng tập trung


4. Tắt thông báo

cô gái tắt thông báo điện thoại giảm thời gian sử dụng mạng xã hội
Ảnh: Pexels/Bethany Ferr

Hãy thử suy nghĩ và điểm lại những thông báo xuất hiện trên điện thoại bạn hằng ngày. Bạn có thực sự cảm thấy cần thiết khi được thông báo về một quảng cáo nào đó hay một ai đó ngẫu nhiên vừa tạo một bài đăng mới lên tường nhà họ? 

Đa số các thông báo từ các ứng dụng thật sự không cần thiết và chỉ khiến bạn xao nhãng khỏi những việc đang làm để cầm lấy chiếc điện thoại. Bạn có thể lựa chọn tắt các thông báo không cần thiết hoặc tự mình kiểm tra những thông báo mới, thay vì để mạng xã hội chi phối bạn.

5. Không sử dụng điện thoại khi đang ăn

Bạn không nên sử dụng điện thoại trong giờ ăn để tránh mắc phải các vấn đề về hệ tiêu hóa, cũng như đảm bảo đúng thời gian bữa ăn. Ngoài ra, khi đi ăn với bạn bè, hãy cố gắng kêu gọi mọi người không sử dụng điện thoại và tập trung vào ăn uống, trò chuyện theo đúng tính chất của một buổi gặp mặt thân mật. Dù bạn bè bạn có thể phàn nàn đôi chút, đổi lại mọi người sẽ có những giây phút vui vẻ cùng nhau.

6. Nhờ sự hỗ trợ của một người bạn 

nhờ bạn bè giúp đỡ để giảm phụ thuộc vào mạng xã hội
Ảnh: Pexels/Antoni Shkraba

Bạn gặp những vấn đề khó nói trong việc từ bỏ những thói quen không tốt? Một bí quyết giúp bạn có thể thực hiện điều này dễ dàng hơn đó là tìm kiếm sự giúp đỡ của một người bạn đáng tin cậy. Họ đóng vai trò là người giám sát những hành động hằng ngày của bạn, nhắc nhở bạn lúc bạn dành quá nhiều thời gian để sử dụng mạng xã hội, cũng như là người mà bạn có thể chia sẻ, dành thời gian ở cạnh lúc bạn cảm thấy khó khăn. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng vượt qua việc đắm chìm vào mạng xã hội và tập trung vào cuộc sống thực tại.

7. Đặt điện thoại của bạn trong một căn phòng khác

Nếu bạn có chủ đích giảm thời gian sử dụng mạng xã hội nhưng vẫn để điện thoại trong tầm mắt, thì có thể trong vô thức, bạn vẫn cầm nó lên và kiểm tra thông báo từ một số ứng dụng. Vì vậy khi làm việc, bạn không cần để tâm đến chiếc điện thoại và hãy để ở một nơi khác, khuất tầm nhìn càng xa càng tốt. Thoạt đầu, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu vì điện thoại dường như là một vật bất ly thân, nhưng nó lại vô cùng hữu ích trong việc giảm thời gian sử dụng ứng dụng mạng xã hội.


Xem thêm

• “Thuộc lòng” 8 cách nâng cao tần số rung cảm giúp bạn hoàn thiện bản thân

• Hội chứng trái tim tan vỡ và một số thông tin cần lưu ý

• Liệu pháp màu sắc: Sử dụng màu sắc để chữa lành cơ thể và tâm trí


8. Sắp xếp lại vị trí của các ứng dụng mạng xã hội trong điện thoại

sắp xếp lại vị trí ứng dụng là một trong những cách giảm thiểu thời gian dùng mạng xã hội
Ảnh: Pexels/Tracy Le Blanc

Chúng ta thường có xu hướng nhấn vào các ứng dụng trong tầm nhìn một cách vô thức. Chắc hẳn, không ít lần bạn định mở điện thoại để  ghi chú, gửi tin nhắn văn bản hoặc kiểm tra thời tiết… thì ngón tay lại tự động nhấn vào biểu tượng Instagram, Facebook đầu tiên. Sau đó, chúng ta giật mình nhận ra mình đã dành 15-30 phút hoặc hơn như vậy chỉ để lướt mạng xã hội mà không nhận được bất kỳ thông tin bổ ích nào. 

Để bỏ thói quen này, bạn hãy thử sắp xếp lại vị trí các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại của bạn, bằng cách chúng ở trang cuối cùng. Điều này sẽ buộc bạn phải lướt điện thoại một cách có ý thức mới có thể nhìn thấy chúng, cũng như giúp giảm bớt thời gian sử dụng trong vô thức.

9. Giao tiếp trực tiếp nhiều hơn (hoặc gọi một cuộc điện thoại)

Bạn có thể giảm sự phụ thuộc vào mạng xã hội bằng cách thực hành giao tiếp trực tiếp (hoặc qua điện thoại). Ví dụ, thay vì trò chuyện cùng bạn bè, hỏi thăm một vài vấn đề trong công việc… bằng tin nhắn, bạn có thể gọi cho họ để có thể nhận được thông tin nhanh hơn và giảm bớt thời gian sử dụng mạng xã hội. Những điều chỉnh nhỏ dần dần sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong hành vi và nhận thức về việc sử dụng điện thoại của chúng ta.

 

Nhóm thực hiện

Bài: Như Quỳnh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Theeverygirl

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)