Tôi năm nay 34 tuổi và đã lập gia đình 4 năm. Đôi khi, tôi cũng tự hỏi chính mình, rằng tôi đã sẵn sàng để có em bé chưa. Tuy nhiên, đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho mình. Những người bạn xung quanh tôi đều đã có con, còn tôi cảm thấy mình không còn nhiều thời gian. Có con đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải gác lại những chuyến đi xa, những nấc thang thành tựu trong sự nghiệp, hay cuối cùng là cảm giác an toàn trong tài chính. Tôi muốn đưa ra quyết định nhưng vẫn loay hoay với nhiều mâu thuẫn. Tôi nhận thấy hạnh phúc và niềm kiêu hãnh khi trở thành mẹ trong mắt các bạn của tôi. Nhưng đồng thời, tôi cũng phải nghe quá nhiều lời than thở, nuối tiếc và cả những “đe dọa” về bao khó khăn tôi sẽ có thể gặp phải. Tôi sợ hãi và không biết phải làm sao.
Bạn thân mến, bạn không sai khi sợ hãi bởi nỗi sợ khi đứng trước một quyết định lớn ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này. Điều đó hoàn toàn tự nhiên. Nỗi sợ hãi là một cảm giác, nó được thể hiện dưới nhiều hình thức như nỗi sợ từ tiềm thức, những tổn thương trong quá khứ; nỗi sợ về sức khỏe, nghề nghiệp, gia đình và tình hình tài chính không ổn định; nỗi sợ về sự ràng buộc hay sự bất ổn trong hôn nhân, các mối quan hệ trong gia đình… Hãy khám phá tất cả những nỗi sợ đó và chắc chắn rằng bạn có thể trả lời những câu hỏi sau với tất cả sự thành thật từ trái tim mình: Tôi đang đưa ra quyết định khi tôi đã thật sự trưởng thành? Sự chọn lựa này của tôi không phải do người khác tác động? Hậu quả của việc này là gì nếu tôi đưa ra quyết định, liệu có ảnh hưởng đến tôi hay ai khác không? Kỳ vọng của tôi khi đưa ra quyết định có con là gì? Tôi sợ hãi điều gì khi đưa ra quyết định này? Tôi có cần sự giúp đỡ dể đưa ra quyết định?
Hơn cả, hãy nhớ rằng bạn đã kết hôn được 4 năm và bạn không nhất thiết phải đi qua những nỗi sợ đó một mình. Vậy hãy chia sẻ với gia đình của mình những suy nghĩ, trăn trở của bạn và để anh ấy được đồng hành cùng bạn gỡ bỏ các vướng mắc. Bạn cũng có thể tham khảo tư vấn của chuyên gia về tâm lý, song song với bác sĩ chuyên khoa về sức khỏe sinh sản để có những chuẩn bị tốt nhất. ELLE tin rằng ở độ tuổi này, bạn đã có đủ trải nghiệm, sự chín chắn để đưa ra quyết định sáng suốt cho mình.
Tôi cảm thấy tôi và chồng ngày càng xa cách nhau. Trong suốt thời gian giãn cách, chúng tôi hầu như mỗi người trong một không gian riêng ngay cả giờ cơm, họa hoằn chúng tôi mới ngồi ăn chung với nhau. Lần duy nhất kết nối là cùng ngồi xem một chương trình truyền hình thực tế. Ngoài ra, chúng tôi không có gì để nói với nhau vì mải bận rộn với điện thoại, công việc và những mối quan tâm khác. Mặc dù hiện tại, khi thành phố dần trở lại bình thường, chúng tôi vẫn làm việc online và ngại ra ngoài vì lo sợ dịch bùng phát. Vì vậy, tình trạng này vẫn tiếp tục. Tôi băn khoăn không biết mối quan hệ này có thực sự bình thường không?
Cảm ơn bạn đã chia sẻ với ELLE. Do COVID-19, các cặp đôi dành phần lớn thời gian trong ngày ở bên nhau và thường có hai tình trạng xảy ra, hoặc là khắng khít hơn, hoặc là xa nhau hơn. Rất tiếc là bạn rơi vào trường hợp thứ hai. Nếu như giữa hai bạn chỉ là do sự đơn điệu của những chuỗi ngày lặp lại mà không vì một mâu thuẫn nào cả, ELLE nghĩ, việc cần thiết hiện giờ là khơi dậy ngọn lửa tình yêu của cả hai người. Trước tiên, đó là sự trao đổi về mặt cảm xúc. Giao tiếp là chìa khóa trong mọi mối quan hệ. Hãy gợi lên một đề tài mà cả hai hứng thú. Hãy lắng nghe và chia sẻ cảm xúc của mình, thay vì đổ lỗi hay áp đặt.
Tiếp đó, hãy đặt ra ranh giới cho công việc và tạo thời gian gia đình để hai người làm những việc nhỏ cùng nhau, như cùng dọn nhà, nấu một vài món ăn ưa thích, cùng tập thể dục với nhau… Hãy cố gắng thực hiện hàng ngày để tạo một thói quen, và bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi mong chờ thời khắc được ở cùng nhau mau đến. Bên cạnh đó, hãy tìm lại ngôn ngữ tình yêu của riêng bạn, điều mà khiến cả hai đã từng phải lòng nhau và thấu hiểu nhau. Tuy nhiên, bên nhau nhiều hơn không có nghĩa là 24/24, hãy dành thời gian riêng tư cho bản thân để cả hai bạn có cảm giác cân bằng và thoải mái hơn.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE