Lifestyle / Bí quyết sống

8 tư duy tích cực giúp thu hút tiền bạc và cuộc sống thịnh vượng

Bạn gặp khó khăn với việc cân đối tài chính giữa thu nhập và chi tiêu khi bạn thường rơi vào tình trạng rỗng túi vào giữa tháng? Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong tư duy tài chính, bạn có thể cải thiện thói quen chi tiêu và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Áp lực tài chính có thể đến từ nhiều nguyên nhân như chi phí sinh hoạt tăng cao, thiếu kế hoạch chi tiêu hợp lý, không có quỹ dự phòng… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của bạn mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. ELLE gợi ý 8 tư duy tích cực bạn nên nắm bắt để cải thiện thói quen chi tiêu, giúp tình hình tài chính ổn định hơn. 

1. Phác thảo lộ trình chinh phục mục tiêu tài chính

lập kế hoạch cho tình hình tài chính khả quan
Ảnh: Unsplash/Marissa Grootes

Việc phân chia quỹ tài chính cá nhân hợp lý là một yếu tố vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo rằng bạn có thể đạt được khoản tiết kiệm như mong muốn và không gặp khó khăn về dòng tiền khi có biến cố xảy ra. Đây đồng thời là bước tư duy quan trọng giúp bạn định hình rõ ràng con đường đi đến sự ổn định và thành công về mặt tài chính. 

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bắt đầu, bạn có thể tham khảo quy tắc 80/20 (quy tắc Pareto) hay quy tắc 50/30/20 để bắt đầu thực hành quản lý tài chính. Trong đó, quy tắc 80/20 sẽ phân bổ 80% thu nhập của bạn vào các nhu cầu thiết yếu và tiết kiệm, trong khi 20% còn lại dành cho các chi phí không cần thiết, còn quy tắc 50/30/20 lại chia thu nhập thành ba phần: 50% cho nhu cầu thiết yếu (như tiền thuê nhà, thực phẩm, giao thông), 30% cho các nhu cầu cá nhân (du lịch, giải trí, mua sắm) và 20% dành cho tiết kiệm và đầu tư. Và khi bạn thực hiện thói quen phân chia các khoản thu chi rõ ràng một cách kiên trì, kỹ năng kiểm soát chi tiêu và xây dựng quỹ dự phòng của bạn sẽ được cải thiện rõ rệt, từ đó giúp bạn hướng tới sự ổn định tài chính lâu dài.

Một nghiên cứu khác của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, việc sử dụng hình ảnh để hình dung sự thành công một cách trực quan sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình theo đuổi mục tiêu. Đầu tiên, bạn hãy chọn một hoặc một vài mục tiêu cụ thể, có thể là tiết kiệm tiền mua nhà, đầu tư dài hạn, hoặc trả hết nợ… Sau đó, bạn bắt đầu chia nhỏ lộ trình thành các bước cụ thể để dễ dàng theo dõi và thực hiện, như lập ngân sách hằng tháng, giảm chi tiêu không cần thiết, tìm kiếm nguồn thu nhập bổ sung… Việc nghiêm túc và kiên trì thực hiện từng bước sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến sự tự do tài chính bạn luôn mong muốn.

2. Vượt qua những cám dỗ chi tiêu không cần thiết

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc quản lý tài chính đó là bạn luôn cần một quỹ dự phòng khẩn cấp. Nếu bạn chi tiêu vượt mức, chẳng hạn như số tiền chi tiêu hằng tháng của bạn gần bằng hoặc lớn hơn thu nhập, bạn sẽ không thể duy trì quỹ tiết kiệm, hoặc tệ hơn, phải dùng đến khoản tiền vay mượn để giải quyết các tình huống khẩn cấp (bệnh tật, tai nạn, mất việc…). Khi bạn thiếu đi sự bảo đảm về tài chính, bạn sẽ cảm thấy vô cùng bất an vì không biết phải xoay sở thế nào trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Vì vậy, bước đầu tiên bạn cần làm đó là vun vén, cắt bỏ các khoản “giải trí” không cần thiết. Để vượt qua cám dỗ, bạn cần xây dựng kế hoạch tài chính rõ ràng và tuân thủ nó một cách kỷ luật. Bạn hãy tiến hành phân chia các khoản chi thành hai loại: cần thiết và không cần thiết. Sau đó, bạn cần xác định tỷ lệ phần trăm của thu nhập dành cho từng loại chi tiêu này và thực hiện theo đúng kế hoạch, như áp dụng các quy tắc 50/30/20 hay 80/20 đã đề cập ở trên. Một mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng đó là chỉ mang một lượng tiền vừa đủ trong ví khi đi mua sắm, vì như vậy bạn mới tuân theo việc mua các món đồ như kế hoạch đã đề ra, tránh tình trạng “vung tay quá trán”. Hơn nữa, việc phát triển tư duy chi tiêu thông minh giúp bạn hiểu rõ giá trị thực sự của từng khoản chi, từ đó dễ dàng đưa ra quyết định hợp lý và duy trì kỷ luật tài chính lâu dài.

3. Suy nghĩ tích cực

Cô gái có tư duy sống tích cực
Pexels/Roman Odintsov

Cách bạn suy nghĩ về tiền bạc có thể tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống. Thực tế, những người có tư duy tích cực thường ít lo âu và căng thẳng hơn, đồng thời họ quản lý cảm xúc và đối phó với áp lực tốt hơn. Điều này có thể được lý giải rằng, tư duy tích cực sẽ giúp bạn tập trung vào giải pháp thay vì chìm đắm trong vấn đề, từ đó giảm bớt sự căng thẳng và ám ảnh trong vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, điều này có thể khiến bạn đối diện với một số khó khăn, thách thức vì thay đổi cách suy nghĩ chưa bao giờ là điều dễ dàng, nó đòi hỏi một “cuộc cách mạng” trong tư duy của mỗi người. Theo Tiến sĩ Dan Bates – chuyên gia tâm lý với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, một phương pháp hiệu quả để bắt đầu rèn luyện tư duy tích cực là trò chuyện với chính mình như cách bạn đối thoại với một người bạn thân. Khi bạn nghiêm túc lắng nghe tiếng nói nội tâm và thấu hiểu cảm xúc tiêu cực của bản thân, bạn sẽ nhận ra mình cần làm gì để nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực hơn.

4. Con đường dẫn đến thành công của mỗi người là khác nhau

Khi bạn học hỏi từ những người thành công, đó có thể là một nguồn cảm hứng tuyệt vời giúp bạn phát triển về mặt sự nghiệp và tài chính. Tuy nhiên, bạn cần tránh việc quá tập trung vào việc so sánh bản thân với họ. Bởi mỗi người đều có hoàn cảnh, khả năng và cơ hội khác nhau, vì vậy con đường của họ chưa chắc sẽ phù hợp với bạn.

Chẳng hạn, trong cùng một lĩnh vực, mỗi người có thể có chiến lược kinh doanh khác nhau, như có người ưu tiên sự an toàn dài hạn, trong khi người khác lại mạo hiểm hơn và dám chấp nhận những rủi ro lớn. Chính vì thế, thành công tài chính không thể đơn giản đo bằng một tiêu chuẩn chung nào. Đó là một quá trình dài với rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, từ năng lực cá nhân, sự quyết tâm, đến sự linh hoạt trong việc thích nghi với những thay đổi của thị trường hay môi trường kinh doanh.

Thay vì lo lắng về những gì người khác đạt được, bạn nên tập trung vào việc phát triển bản thân và tìm ra hướng đi phù hợp nhất với mình. Khi bạn hiểu rõ những gì mình cần và khả năng của mình, bạn sẽ có thể đưa ra những quyết định tài chính sáng suốt và hợp lý. Từ đó, bạn sẽ biết đâu là lĩnh vực mình có thể phát triển mạnh mẽ, và đâu là những yếu tố bạn cần phải cải thiện để gặt hái thành công trong tương lai. 


Xem thêm

5 tư duy độc hại bạn cần loại bỏ để có cuộc sống viên mãn và hạnh phúc hơn

5 bước thanh lọc ví tiền của bạn để thu hút tài lộc

4 thói quen phổ biến vô tình cản trở bạn phát triển khả năng tư duy


5. Trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống

Cô gái xinh đẹp có tư duy trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống
Ảnh: Pexels/Valeria Ushakova

Frank KA. Clark (1860 – 1936) – một chính trị gia người Mỹ đã từng nói: “Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ”. Dường như đôi khi nhịp sống hối hả, xô bồ đã khiến chúng ta quên mất rằng chính những điều nhỏ bé trong cuộc sống mới là nền tảng tạo nên mọi thành tựu lớn lao. Dòng suối mạnh mẽ là kết quả của một mạch nước nhỏ, cánh rừng bạt ngàn là sự tích tụ của từng mầm cây li ti, và những tòa nhà chọc trời được xây dựng từ những viên gạch nhỏ bé. Và hạnh phúc không ngoại lệ, nó là cảm giác bắt nguồn từ những khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống hằng ngày.

Chẳng hạn, một bữa cơm ấm cúng bên gia đình, khi mọi thành viên bắt đầu quây quần trò chuyện và chia sẻ những khoảnh khắc vô cùng giản dị lại là nền tảng xây dựng sự gắn kết và hạnh phúc lâu dài. Hay đôi khi, chỉ cần bạn nhớ đến những gì mình đang có hay các thành tích từng xuất sắc đạt được, bạn sẽ cảm thấy bản thân vô cùng mạnh mẽ và đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Từ đó, bạn như được tiếp thêm động lực để kiên trì chinh phục những mục tiêu dài hạn, dù là trong công việc hay cuộc sống cá nhân.

6. Biến thất bại thành động lực

Trên đường đời, chúng ta khó lòng tránh khỏi thất bại, nhưng đó không phải là dấu chấm hết. Quan trọng là cách chúng ta phản ứng và đối diện như thế nào sau những lần thất bại ấy. Ví dụ, bạn đã lập một kế hoạch tài chính cá nhân và cố gắng tiết kiệm, nhưng vì thiếu sự kiểm soát, bạn đã chi tiêu vượt quá ngân sách cho các món đồ xa xỉ như mua sắm quần áo, ăn uống ngoài, hay du lịch không cần thiết. Từ đó, bạn chìm đắm trong sự hối hận và dày vò vì đã không tuân theo những gì bản thân đề ra. 

Tuy nhiên, bạn sẽ chỉ thêm mất tinh thần và không thể cải thiện được tình hình. Để vượt qua, bạn cần phải học cách chấp nhận thất bại như một phần tự nhiên của cuộc sống, là điều cần thiết để bạn học hỏi và trưởng thành hơn. Đừng sợ phải bắt đầu lại, bởi đôi khi nó sẽ là cánh cửa dẫn bạn đến một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn. 

Đầu tiên, bạn cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, có thể bằng cách đặt ra những câu hỏi gợi ý như: “Tại sao tôi lại mắc phải sai lầm này?”,  “Kế hoạch tương lai của tôi cần cải thiện điều gì?”, “Làm thế nào để chống lại những cám dỗ xấu?”. Và rồi khi nhận ra nguyên nhân, bạn sẽ có cơ sở để tạo ra những thay đổi cụ thể hóa cho bản thân, từ đó bạn sẽ có định hướng rõ ràng hơn và chỉ theo đuổi những điều thật sự phù hợp và hữu ích cho bạn. 

7. Kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng

Cô gái có tư duy thông minh
Ảnh: Pexels/Pelageia Zelenina

Một yếu tố quan trọng trên hành trình chinh phục thành công, thu hút may mắn và tiền bạc bạn cần lưu ý đó là sự kiên nhẫn. Theo nghiên cứu của Đại học College London, cần khoảng 66 ngày (khoảng gần 2 tháng), chúng ta mới có thể hình thành một thói quen mới và thấy rõ kết quả của thói quen đó. Vì vậy, chúng ta nên hiểu rằng việc kiếm được nhiều tiền hay bỗng chốc trở nên giàu có hiếm khi là điều có thể xảy ra chỉ sau một đêm, trừ khi dựa hoàn toàn vào sự may mắn. Đây là kết quả của một quá trình dài trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và đầu tư khôn ngoan. Mỗi quyết định tài chính, dù nhỏ hay lớn, đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng và có chiến lược dài hạn. Đôi khi, sự hấp tấp hoặc mong muốn đạt được kết quả nhanh chóng có thể dẫn đến quyết định sai lầm, gây tổn hại đến kế hoạch tài chính của bạn. 

Vì vậy, bạn cần nuôi dưỡng sự kiên nhẫn và chuẩn bị kỹ lưỡng trên hành trình tích lũy tài sản. Nếu bạn có một quỹ dự phòng đủ lớn (thường từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt), bạn sẽ dễ dàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, không phải vay mượn hay làm ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính dài hạn của mình. Bên cạnh đó, việc xây dựng một quỹ đầu tư đa dạng cũng giúp bạn giảm thiểu rủi ro khi có sự biến động lớn trong một lĩnh vực đầu tư cụ thể. Ví dụ, nếu bạn có đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản, khi một lĩnh vực gặp khó khăn, bạn có thể vẫn duy trì sự ổn định tài chính nhờ vào các nguồn thu nhập khác.

8. Chăm sóc không gian sống

Theo phong thủy, không gian sống của bạn có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và năng lượng của bản thân. Điều này còn có thể được lý giải dựa trên việc ngôi nhà đó có chất lượng không khí, nguồn năng lượng và cấu trúc không gian hài hòa – những yếu tố quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc và sức khỏe của gia chủ. Chẳng hạn, khi bạn sống trong một nơi lộn xộn, bạn dễ bị kích thích quá mức và có thể dẫn đến cảm giác lo lắng, thiếu kiểm soát về tâm lý và hành vi. Ngược lại, khi không gian sống được tổ chức gọn gàng và ngăn nắp, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn, có khả năng suy nghĩ rõ ràng và đưa ra quyết định tốt hơn.

Ngoài ra, ngôi nhà còn là tổ ấm nuôi dưỡng đời sống tinh thần, giúp các thành viên trong gia đình tái tạo năng lượng và cải thiện chất lượng cuộc sống sau một ngày dài ở bên ngoài. Một không gian sống được chăm chút tỉ mỉ, hòa hợp với sở thích và cá tính của người ở sẽ thu hút những nguồn năng lượng tích cực và tạo nên cảm giác sung túc hơn. Bên cạnh đó, việc thiết kế nội thất tinh tế và lựa chọn gam màu phù hợp sẽ biến ngôi nhà của bạn thành một chốn bình yên, ấm cúng, giúp bạn tận hưởng một cách trọn vẹn niềm hạnh phúc bên những người thân yêu, rũ bỏ mọi lo toan, bộn bề để tiếp tục hành trình theo đuổi những mục tiêu lớn lao hơn trong cuộc sống.

Nhóm thực hiện

Bài: Thiên Thanh

Tham khảo: YourTango

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)