Niềm đam mê có cần bằng cấp để thành công?

Đăng ngày:

Bạn có nghĩ chỉ cần có niềm đam mê là bạn sẽ thành công? Và chỉ cần niềm đam mê, bằng cấp có thể không còn quan trọng hay cần thiết nữa?

Cho tôi hỏi đam mê của bạn là gì? Bạn thích trở thành một người như thế nào? Bạn định nghĩa như thế nào là thành công? Như thế nào là thất bại? Như thế nào được gọi là đam mê? Bạn có nghĩ khả năng của bạn có thể đáp ứng niềm đam mê đó không? Bạn có nghĩ điều kiện hiện tại cho phép bạn thực hiện niềm đam mê? Bạn có chắc bạn chỉ có một niềm đam mê thôi không? Trong số các niềm đam mê, bạn thích cái nào nhất? Liệu có bằng cấp mà không có niềm đam mê thì sẽ vẫn thất nghiệp?

.

Bạn có biết niềm đam mê của bản thân là gì không?

Bạn có biết niềm đam mê của bản thân là gì không?

Có quá nhiều câu hỏi về niềm đam mê và có quá nhiều mục tiêu mà chúng ta cần phải đạt được trong đời. Những mục tiêu như: tốt nghiệp đại học, đi làm kiếm tiền, lập gia đình, mua nhà mua xe… chúng ta đều cần phải hoạch định và dần thực hiện qua từng giai đoạn. Vừa qua, có bài báo phân tích, mổ xẻ, cả phỏng vấn một nhân vật 9X với nội dung nói về việc các anh các chị có bằng cử nhân hoặc sau đại học, đừng ảo tưởng sức mạnh của tấm bằng, hãy quẳng chúng đi và đừng than thở sao mình không tìm được việc. Các anh các chị chỉ cần xác định niềm đam mê của mình và lao vào chúng, ắt sẽ thành công. Nghe qua triết lý về niềm đam mê của anh có vẻ đúng: không đam mê sao có thành công? Tôi, một phụ nữ ngoài 30 tuổi có những nhận định riêng.

Nếu chỉ dừng lại ở câu phát biểu trên, có lẽ sẽ không khơi dậy một làn sóng thảo luận sôi nổi trên cộng đồng mạng. Tuy nhiên, vì anh đã quá nhấn mạnh mệnh đề thứ hai, tức nhấn mạnh không cần phải coi trọng bằng cấp, chỉ cần niềm đam mê thôi khiến một phần dân tình bức xúc. Chẳng lẽ những người đi học, có được cái bằng cử nhân hoặc sau đại học, họ đều là đồ bỏ đi, họ đều là những chiến sĩ bàn giấy không biết niềm đam mê của mình nên mãi hoài thất nghiệp? Đó là vơ đũa cả nắm.

.

Học vấn và trình độ gắn liền với việc nắm bắt niềm đam mê và cơ hội khi nó đến.

Học vấn và trình độ gắn liền với việc nắm bắt niềm đam mê và cơ hội khi nó đến.

Thất nghiệp có nhiều nguyên nhân. Và không phải ai tốt nghiệp cử nhân thạc sĩ cũng đều thất nghiệp thê thảm. Trên thế giới, tỉ lệ những tấm gương không học đại học mà thành tài so với học đại học mà thành tài là bé nhỏ. Tôi nói bậc đại học là ví dụ. Bạn có thể học cao đẳng hay trung cấp tùy năng lực. Dân gian có câu “nồi nào vung nấy” để nói về chuyện đôi lứa. Tôi muốn mở rộng ý nghĩa của chúng ra một chút, bạn ở trình độ nào sẽ có công việc ở trình độ đó và cơ hội để kết thân với những người ở trình độ đó. Chỉ có những người ở cùng trình độ và quan điểm mới hiểu được nhau, và vì thế mới chơi được với nhau. Nói điều này ra có vẻ hơi phũ, nhưng sự thật là vậy. Đơn giản, khi một mối quan hệ muốn đâm chồi nảy lộc, giao tiếp là yếu tố đầu tiên. Nếu hai người ông nói gà, bà nói vịt thì sẽ không ai chịu hiểu ai.

Nói về niềm đam mê, thực tế hiện nay đa số các bạn sinh viên lựa chọn ngành học theo ước nguyện gia đình, theo xu hướng bạn bè, theo năng lực học vấn. Hồi tôi còn trẻ cũng khá mông lung việc mình thích học gì. Trong một khoảng thời gian dài, tôi cũng không biết mình thích nghề gì, mình hợp với nghề gì, mình có khả năng làm những công việc gì. Tôi không có sự tư vấn thấu đáo từ các bậc phụ huynh và không nhận thức mình có những năng khiếu gì. Các bà mẹ ở tuổi tôi chắc hẳn sẽ suy nghĩ về điều này nhiều hơn để có thể phát hiện năng khiếu của con và định hướng cho con.

Cần phải nhấn mạnh hai chữ “năng khiếu”, tức khả năng và năng lực. Niềm đam mê được xây dựng trên các nền tảng này. Khi bạn làm được một điều gì đó, bạn sẽ cảm thấy rất vui và hào hứng. Nếu bạn đi học hiểu bài, bạn sẽ chăm chỉ và thích học bài hơn. Nếu bạn bị hổng kiến thức và không theo kịp các bạn, bạn sẽ cảm thấy chán thay vì cảm thấy thích thú hay đam mê. Mà việc hiểu bài hay không lại phụ thuộc vào phương pháp giáo dục bao gồm các phương pháp khơi dậy niềm đam mê. Một khi bạn không có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó, niềm đam mê của bạn sẽ không có nền tảng để thực hiện.

Bất tài + Hăng hái = Phá hoại. Biết mình biết ta vẫn hay hơn là cố chấp, theo đuổi một niềm đam mê không dành riêng cho bản thân. Và vì thế, niềm đam mê ấy không thể giúp bạn chạm tới thành công. Vì vậy không phải cứ có đam mê là sẽ thành công.

.

Xác định niềm đam mê là một loại công việc

Xác định niềm đam mê là một loại công việc

Ở xã hội nào cũng vậy, chúng ta thường hay coi trọng những người có trình độ. Học sinh mà nỗ lực để thi đậu được đại học (đặc biệt là những trường đại học có tiếng trong việc xét tuyển đầu vào) và tốt nghiệp được ra trường đã phần nào chứng tỏ sự chăm chỉ và tính quyết tâm của họ. Thi đại học ở Việt Nam chưa bao giờ dễ. Để thi đậu, ngoài tố chất thông minh, bạn cần tính cần cù chịu khó. Thực tế vẫn còn thực trạng, môi trường dạy học tại hầu hết các trường đại học không đủ tiên tiến biến những tân cử nhân thành những con người rỗng tuếch về thực hành nhưng dồi dào về lý thuyết sáo rỗng. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá bi quan về nền giáo dục của nước nhà. Cái gì lỗi thời, tự khắc sẽ bị đào thải.

Con người là động vật cấp cao có khả năng thay đổi và thích nghi trong mọi hoàn cảnh sống. Thời đại internet, thế giới phẳng, truyền thông kĩ thuật số sẽ giúp các bạn hiểu được tầm quan trọng của những mục tiêu phải đạt được trong đời khác nhau. Để đạt được mục tiêu, không nhất thiết phải đi đường thẳng. Ta có thể đi đường vòng dù chậm nhưng chắc. Ước mơ là một trong nhiều mục tiêu. Để đạt mục tiêu lớn, ta có thể đi từng mục tiêu nhỏ, dù những mục tiêu đó không phải là niềm đam mê của ta.

.

Niềm đam mê là một loại cảm tính

Niềm đam mê là một loại cảm tính

Đam mê chỉ là một khái niệm thiên về cảm tính. Mà cảm tính thì có thể thay đổi. Hôm nay ta thích cái này, mai ta mê mẩn cái khác. Mỗi giai đoạn ta lại khám phá ra nhiều niềm đam mê khác nhau. Có những niềm đam mê được sinh ra từ những công việc mà ban đầu, ta còn mù mờ không biết mình có thích và có khả năng làm được không. Có những đam mê ta gọi là viển vông vì có cố cũng chẳng thể thực hiện được. Riêng tôi, tôi có nhiều niềm đam mê khác nhau. Và có những công việc ban đầu tôi nghĩ chắc tôi chỉ làm vì tiền, nhưng sau đó tôi lại nảy sinh tình cảm và niềm đam mê.

Tóm lại:

Đam mê là một quá trình khám phá bản thân. Để khám phá được bản thân bạn cũng cần phải có kĩ năng và kiến thức. Bằng cấp chính là quá trình lĩnh hội kiến thức & kĩ năng ấy, là hành trang để kiểm nghiệm niềm đam mê và xác định chúng ta có nên theo đuổi chúng hay không, vì không phải niềm đam mê nào cũng phù hợp với khả năng của bạn để đạt được thành công.

Xem thêm:

Những niềm đam mê không tào lao

Phụ nữ có quyền theo đuổi niềm đam mê riêng

Bí quyết thành công đến từ những giấc mơ

Nhóm thực hiện

Bài: H.L – Ảnh minh họa: Sưu tầm

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more