Thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên bạo hành gia đình
Bạo hành gia đình không phải là một chủ đề mới, nhưng vấn nạn này vẫn còn hiện hữu trong xã hội của chúng ta ngày nay với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ.
Chúng ta cứ nghĩ chỉ những người phụ nữ thời xưa – người phải sống dưới quy chuẩn “công, dung, ngôn, hạnh” hay “tam tòng, tứ đức” mới phải chịu những tổn thất nặng nề về thể xác và tinh thần. Nhưng không, bạo hành gia đình vẫn tồn tại xuyên suốt lịch sử loài người, đến cả thời hiện đại. Vậy phải làm sao để nhận biết liệu mình có phải là nạn nhân và thoát ra khỏi nạn bạo hành gia đình?
Bạo hành gia đình là gì?
Hiểu một cách nôm na, bạo hành gia đình là một dạng của bạo lực xã hội, bao gồm các hành vi cố ý gây tổn hại đến các thành viên khác trong gia đình. Bạo hành gia đình bao gồm bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục và bạo hành xã hội.
Không có một thống kê cụ thể rằng dạng bạo hành nào xảy ra nhiều nhất, nhưng 2 loại bạo hành được biết đến rộng rãi nhất là bạo hành thể xác và tinh thần. Thông thường, nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ là những người phụ nữ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2014, số phụ nữ bị bạo hành chiếm 38% trên toàn thế giới. Có nghĩa là cứ mỗi 3 người phụ nữ thì 1 trong số họ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Vậy thì chúng ta – những người phụ nữ hiện đại – cần trang bị cho bản thân những kỹ năng gì để tránh cho mình và những người xung quanh trở thành nạn nhân của tệ nạn “nhức nhối” này?
Dấu hiệu nhận biết bạo hành gia đình?
Những biểu hiện ban đầu báo hiệu về hành vi bạo lực thường xuất phát từ các lời đe dọa. Sau đó, căng thẳng leo thang sẽ dẫn đến những lời xúc phạm, phỉ báng, rồi dần dần trở thành việc thể hiện hành vi bạo lực. Lúc này, bạn không chỉ bị tổn thương về mặt thể chất mà còn phải chịu đựng hậu quả về cảm xúc và tâm lý.
Có vài dấu hiệu để nhận biết bạn có đang bị bạo hành hay không, nhưng tiêu biểu nhất chính là cảm giác sợ hãi đối tác của mình. Nếu bạn cảm thấy những lời nói và hành động của mình luôn bị theo dõi hoặc kiểm soát từ người đó, chắc chắn rằng bạn đang trong một mối quan hệ bị lạm dụng và dĩ nhiên là rất độc hại. Chính sự độc đoán của người đó sẽ làm cho bạn cảm thấy hận thù, bất lực và tuyệt vọng.
Một số dấu hiệu từ đối phương giúp bạn dễ dàng nhận biết có thể kể đến:
- Cố gắng kiểm soát nơi bạn đi, người bạn gặp và tức giận nếu bạn thách thức họ.
- Cáo buộc bạn không chung thủy mà không có lý do và cố gắng làm cho bạn cảm thấy có lỗi.
- Cô lập bạn khỏi những người thân thiết và gần gũi, thường bằng cách cư xử thô lỗ với họ. Đe dọa sử dụng bạo lực đối với những người thân yêu của bạn.
- Xúc phạm về khả năng, suy nghĩ, hành động của bạn ở nơi công cộng.
- Gọi bạn bằng những cái tên thô lỗ.
- Đổ lỗi cho bạn về mọi điều, về bất cứ sai lầm nào và khiến bạn phải chịu trách nhiệm cho hành vi bạo lực của họ.
- Hét lên và phá hủy những thứ có giá trị với bạn.
- Đánh đấm, túm lấy, xô đẩy, bắt ép bạn quan hệ tình dục hoặc làm những việc bạn không muốn.
Nếu bạn đã từng phải chịu đựng một trong những điều ở trên, bạn nên tự cứu mình trước khi quá muộn.
Những cách phòng chống bạo hành gia đình
Lựa chọn rời đi
Ngay cả khi bạn yêu người bạn đời của mình và tin rằng họ có thể thay đổi tốt hơn, bạn vẫn cần tránh xa sự lạm dụng dưới tay họ. Hãy quyết tâm chấm dứt mối quan hệ độc hại bằng bất cứ cách nào!
Bạn nên biết rằng bất cứ ai gây ra bạo lực với đối tác của họ đều có vấn đề tâm lý nghiêm trọng và cần sự can thiệp từ các chuyên gia. Một người như vậy sẽ không thay đổi đối với bất kỳ ai và bằng cách ở lại với họ, bạn chỉ cho phép hành vi của họ tổn thương đến mình nhiều hơn.
Do đó, thay vì nghĩ rằng: “Anh ấy chỉ hơi nóng giận tí thôi”, “Anh ấy sẽ thay đổi”, bạn nên tìm cách tránh xa đối tác của mình vì sự an toàn của bản thân. Vì khi người đó đã “nặng tay” được với bạn một lần, không gì có thể đảm bảo chuyện đó sẽ không xảy ra lần thứ hai cả.
Tìm kiếm sự trợ giúp và hỗ trợ
Bạn nên trang bị cho mình thông tin về những tổ chức giúp đỡ phụ nữ, trẻ em hoặc các tổ chức bảo vệ nhân quyền. Họ được đào tạo để giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực gia đình và có thể cung cấp cho bạn sự hỗ trợ tinh thần, tư vấn và thậm chí là nhà ở an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Nếu bạn nghi ngờ mình bị theo dõi trên các thiết bị điện tử, hãy mua điện thoại mới hoặc tìm đến họ thông qua điện thoại/máy tính của người khác.
Nếu bạn có kế hoạch “đối đầu” và nói với đối tác của bạn rằng bạn sẽ rời bỏ họ, hãy nhờ một người bạn hoặc người thân đáng tin cậy có mặt để hỗ trợ bạn. Có thể kẻ lạm dụng sẽ phản ứng với quyết định của bạn bằng bạo lực. Trong trường hợp cả hai vẫn còn sống cùng nhau, hãy đợi cho đến khi họ vắng nhà trước khi đóng gói túi của bạn và chuyển đi.
Thu thập bằng chứng
Đây là một điều hết sức quan trọng, đặc biệt là khi bạn muốn ly hôn và nhận quyền nuôi con. Hãy chụp ảnh hoặc ghi hình lại các hành vi lạm dụng thể chất, lưu các email và tin nhắn lạm dụng, nói chuyện với bác sĩ của bạn và gọi cho chính quyền khi bạn bị lạm dụng.
Hơn nữa, bạn nên thu thập các bản sao của tất cả các tài liệu quan trọng của bạn và giữ chúng ở nơi an toàn. Bạn chắc chắn không muốn hồ sơ cá nhân và thông tin của mình thuộc quyền sở hữu của họ, đặc biệt sau khi bạn đã rời khỏi nhà!
Luôn sẵn sàng cho những trường hợp khẩn cấp
Để đề phòng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, hãy chuẩn bị sẵn một giỏ đồ có đầy đủ các vật dụng của bạn (và cả con bạn) để bạn có thể chạy trốn nếu mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Túi của bạn nên chứa quần áo cho bạn và con bạn, đủ tiền, chìa khóa xe và điện thoại di động dự phòng.
Và bạn cần phải biết mình sẽ chạy đến đâu. Sẽ rất nguy hiểm nếu người bạo hành bạn biết đến nơi trú ẩn của bạn. Do đó, hãy lên kế hoạch một cách kỹ càng. Bạn nên ở nhờ nhà của những người bạn tin tưởng và đừng quên hỏi mượn chìa khóa dự phòng của họ nhé.
Nhờ đến sự can thiệp của pháp luật và tham vấn tâm lý
Khi trường hợp của bạn trở nên quá mức nghiêm trọng, bạn nên trình báo với các cơ quan công quyền để sớm có các biện pháp bảo vệ.
Bên cạnh đó, việc chịu đựng bạo hành gia đình có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nạn nhân. Do đó, bạn nên cân nhắc tư vấn hoặc trị liệu tâm lý để vượt qua tổn thương và đau đớn về tinh thần. Nếu địa phương của bạn có những nhóm trị liệu dành cho người đã trải qua bạo hành gia đình, bạn nên tham gia cùng họ. Việc trao đổi những gì đã trải qua với chuyên gia và những người đồng cảnh ngộ sẽ giúp bạn dễ đối phó với những cảm xúc bị dồn nén và những ký ức đau khổ hơn, từ đó có thể nhanh chóng đưa cuộc sống của bạn trở lại đúng hướng.
Lời kết
Không ai đáng phải trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình cả. Do đó, nếu bạn nhận thấy vài dấu hiệu, dù là rất nhỏ, của hiện tượng này xuất hiện xung quanh mình, bạn nên thực hiện ngay các biện pháp khả thi để phòng tránh trường hợp bạn hoặc những người bạn yêu mến bị tổn thương. ELLE mong rằng sau bài viết này, bạn sẽ tỉnh táo nhận ra điều bất thường từ một mối quan hệ độc hại để có thể bảo vệ mình và cả mọi người xung quanh, bạn nhé!
Bài: Ánh Xuân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Unsplash