Nói “không” – Kỹ năng giao tiếp cần thiết cho người hướng nội
Không phải lúc nào người hướng nội cũng có đủ năng lượng để tham gia những dịp tụ họp đông người hay làm những công việc yêu cầu giao tiếp xã hội nhiều. Trong những lúc này, việc nói lời từ chối là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp.
Việc nói “không” hay từ chối tham gia vào một công việc nào đó luôn cần thời gian để làm quen, nhất là với những người hướng nội, ngại giao tiếp. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bày tỏ ý muốn của mình, hãy cùng ELLE tìm hiểu những cách hiệu quả để thực hiện điều này nhé.
1. Hiểu rõ bản thân và giữ cho mình một giới hạn trong hoạt động xã hội
Trong một nghiên cứu được xuất bản bởi Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội, nhà nghiên cứu William Fleeson đã chỉ ra rằng việc thể hiện những đặc điểm hướng ngoại (thích nói nhiều và thích phiêu lưu) có thể cải thiện tâm trạng của những người tham gia – ngay cả những người sống nội tâm. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác cho thấy rằng giao tiếp xã hội quá nhiều có thể kích thích người hướng ngoại, góp phần gây ra kiệt sức, lo lắng và thậm chí là bệnh tim mạch cho họ.
Vậy sự thật ở đây là: Tất cả mọi người, ngay cả những người hướng nội, đều hưởng lợi từ việc kết nối xã hội với tùy mức độ ở từng người. Và cũng như vậy, tất cả mọi người, ngay cả những người hướng ngoại, đều có thể cảm thấy kiệt sức khi vượt quá giới hạn cá nhân của mình trong giao tiếp xã hội.
Điều quan trọng là bạn phải hiểu những giới hạn đó là gì. Nếu bạn không chắc giới hạn của mình nằm ở đâu, hãy cố gắng chú ý hơn hoặc thậm chí ghi chép lại các xu hướng của bản thân trong giao tiếp và phản ứng cảm xúc. Bạn có thể đi ra ngoài bao nhiêu lần trong một tuần hoặc một tháng trước khi kiệt sức? Khoảng thời gian, quy mô nhóm và loại sự kiện xã hội nào mà bạn thấy thú vị hoặc ít nhất là có thể quản lý được? Và những dấu hiệu nào cho thấy bạn sắp bị kiệt sức?
Sau khi bạn có ý tưởng chung về mức năng lượng xã hội của mình, bạn sẽ dễ dàng nói không (hoặc có) một cách tự tin hơn vì bạn sẽ biết rằng bạn đang đưa ra quyết định đúng đắn. Càng hiểu rõ chính mình, bạn càng có nhiều khả năng chăm sóc cho bản thân.
2. Đừng nhầm lẫn việc nói “không” với sự tiêu cực
Một lý do khiến người hướng nội thường né tránh từ “không” là sự đánh đồng thường xuyên giữa nó với sự tiêu cực. Nếu nói “có” đồng nghĩa với việc đón nhận cuộc sống một cách đầy đủ và nhiệt tình, thì việc nói “không” có khiến chúng ta trở nên buồn tẻ, không thích mạo hiểm hay chỉ đơn giản là nhàm chán?
Trong thực tế, từ “không” và trải nghiệm về sự tiêu cực hoàn toàn tách biệt. Theo Psychology Today, tiêu cực là một thái độ mãn tính. Đó là một lăng kính mà qua đó bạn nhìn thấy thế giới trông xám xịt hơn một chút và thường biểu hiện qua chủ nghĩa hoàn hảo, sự bất mãn nhỏ nhen và tâm lý ngại rủi ro nói chung.
Mặt khác, việc nói từ “không” xảy ra vào thời điểm được lựa chọn rõ ràng nhằm thông báo điều gì đó nói lên giá trị, sở thích và ưu tiên của bạn. Quan trọng nhất, nó thông báo quyền tự chủ và trách nhiệm cá nhân của bạn. Dù bạn có thể quan tâm, yêu thương hoặc dựa dẫm vào người khác bao nhiêu thì vào cuối ngày, bạn vẫn là một cá thể riêng biệt. Bởi vì bạn đưa ra lựa chọn của riêng mình, từ “không” phải là một phần thiết yếu trong vốn từ vựng của bạn.
3. Bạn không nợ ai một lời giải thích, nhưng đưa ra lý do trung thực sẽ có ích
Thật không may, chúng ta không sống trong một thế giới mà tất cả mọi người đều xem sự hướng nội của bạn là lý do chính đáng để không tham gia một sự kiện nào đó. Một số người sẽ không hiểu những nhu cầu riêng biệt của người hướng nội và nó hoàn toàn ổn nếu bạn không muốn phải thuyết phục họ. Bạn có thể từ chối một cách lịch sự mà không cần đưa ra lời bào chữa. Những câu như “Tôi sẽ không tham dự vào hôm nay, nhưng cảm ơn bạn đã mời tôi” hoặc “Cảm ơn, nhưng tôi có kế hoạch khác rồi” hoàn toàn phù hợp với những lời mời thông thường.
Mặc dù không có nghĩa vụ giải thích, bạn có thể sẽ cảm thấy thoải mái khi được cởi mở giao tiếp về nhu cầu của mình. Dành thời gian để giải thích sự hướng nội của bạn cho ai đó trong cuộc sống có rất nhiều lợi ích. Khi những người thân thiết hiểu được giới hạn xã hội của bạn, cuộc sống trở nên đơn giản hơn cho bạn, bởi vì bạn sẽ không phải đưa ra những lời viện cớ giả tạo. Bên cạnh đó, những người được giải thích cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi bạn nói lời từ chối, bởi vì họ sẽ không hiểu nhầm rằng xu hướng ở một mình của bạn đến từ sự ghét bỏ hay thiếu quan tâm.
4. Không cần có một phản hồi ngay lập tức
Nếu là một người thích làm hài lòng người khác, những cụm từ như “Tôi có thể làm được” có thể tự động bay ra khỏi miệng bạn mà không có sự cho phép. Nhiều người hướng nội có xu hướng suy nghĩ thấu đáo mọi thứ nhưng không phải lúc nào họ cũng làm được như vậy ở giữa cuộc trò chuyện. Thay vì dừng lại để suy nghĩ, phản ứng giật bắn người của họ là thốt ra những gì người kia muốn nghe thay vì ý muốn thật lòng.
Nếu bạn có xu hướng đó, hãy hình thành cho mình thói quen thay thế từ “có” bằng “có thể”. Nếu bạn thấy mình do dự khi đối mặt với một lời đề nghị, bạn không cần phải quyết định ngay. Thay vào đó, hãy trả lời “Tôi sẽ suy nghĩ về điều đó” hoặc “Để tôi liên hệ lại với bạn”.
Việc làm này thể hiện sự tôn trọng cách suy nghĩ và hành động của chính bạn. Và cho dù cuối cùng bạn có đồng ý hay không, người ngỏ lời mời sẽ biết rằng bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định thay vì từ chối họ ngay lập tức.
Cuộc sống mang đầy những cơ hội để phát triển, khám phá, tìm hiểu bản thân và những người khác. Nhưng nếu không biết cách từ chối những lời mời không mong muốn, chúng ta có thể sẽ bị quá tải hoặc kiệt sức và không tập trung vào những gì quan trọng nhất đối với bản thân. Đây là lý do tại sao ai cũng cần từ “không” ở bên, một từ nhỏ bé nhưng màu nhiệm giúp chúng ta có được nhận thức rõ ràng hơn về việc chịu trách nhiệm cho số phận của chính mình.
Bài: Quỳnh Anh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Introvert, Dear