Phải làm gì để bản thân thôi khóc?
Khóc là phản ứng tự nhiên nhất của con người. Nó là một phần không thể thiếu với cơ thể, đồng thời còn là sự biểu hiện của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: khi bạn vui vẻ, lúc bạn buồn rầu, những lần bạn cảm thấy stress… Nhưng đến một ngày, bạn không còn muốn rơi nước mắt nữa? Bạn sẽ làm gì?
Khóc là một dấu hiệu rất đỗi bình thường, không giống như mọi người hay nghĩ nước mắt chỉ thể hiện sự yếu đuối và ủy mị. Tuy nhiên, đa số chúng ta đều không muốn rơi nước mắt trước mặt người khác. Vậy làm sao để giấu đi khi bản thân muốn khóc?
Vì sao chúng ta khóc?
Tiến sĩ Ad Vingerhoets, chuyên gia về trị tâm lý lâm sàng tại Đại học Tilburg ở Hà Lan và tác giả của cuốn sách Tại sao chỉ có con người khóc: Gỡ bỏ nhưng bí ẩn của nước mắt, cho rằng có 2 thành phần khác biệt hoàn toàn dẫn đến việc khóc: tiếng kêu báo nguy và quá trình sản sinh nước mắt khi có nhu cầu (ví dụ như khi bị bụi bay vào mắt).
Từ thời nguyên thủy, tiếng kêu là một trong những tín hiệu báo nguy và kêu gọi cứu giúp phổ biến với cả con người lẫn động vật khi còn nhỏ. Nó là một sản phẩm của quá trình tiến hóa, giúp con cái cảnh báo đến cha mẹ vị trí của chúng cũng như cho biết chúng đang không an toàn trước các mối đe dọa. Tuy nhiên, chính những tín hiệu âm thanh đó cũng gây nguy hiểm vì có thể đánh động và thu hút kẻ săn mồi. Vingerhoets đưa ra gia thuyết: vì con người có tuổi thơ dài hơn so với các loài động vật khác nên, như một cơ chế bảo vệ, chúng ta chảy nước mắt như một cách hữu hình thay cho tín hiệu báo nguy.
Khi chúng ta khóc, cảm xúc bị kích thích và khởi động một quá trình trong não, kích hoạt giải phóng nước mắt từ các tuyến lệ. Tiến sĩ Vingerhoets cho rằng lý do khóc của con người luôn thay đổi theo độ tuổi. Trẻ em khóc vì nỗi đau thể xác nhưng người lớn lại hiếm khi như thế. Sau độ tuổi thiếu niên, sự đồng cảm của người trưởng thành có thể khiến chúng ta khóc vì phản ứng với hoàn cảnh của người khác (trong thực tế và trên các phương tiện truyền thông). Những cảm xúc tích cực nảy sinh từ một cuộc hội ngộ, chiến thắng một phần thưởng hay một màn trình diễn nghệ thuật gây cảm động cũng có thể khiến người lớn khóc. Nhưng theo tiến sĩ Vingerhoets, có hai yếu tố chính khiến người lớn khóc: Đầu tiên là cảm giác vô dụng và bất lực. Thứ hai là sự chia ly và mất mát.
Nếu bạn có thể lường trước các tình huống sẽ khiến bạn khóc
Lauren Bylsma, trợ lý giáo sư tâm thần học và tâm lý học tại Đại học Pittsburgh cho biết: Nếu bạn có thể dự đoán trước các tình huống đáng sợ sắp xảy ra, bạn có sẽ hạn chế được phản ứng cảm xúc của mình.
Khóc trước khi bạn đối mặt với xung đột. Nếu bạn đến một buổi họp với tư thế sợ hãi, hoặc biết trước cuộc đối thoại sắp đến sẽ rất kinh khủng, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý trước. “Bạn có thể cho phép bản thân mình khóc trước khi sự việc đó xảy ra”, Bylsma cho biết, “khả năng cao là bạn sẽ giữ được bình tĩnh nếu đã giải tỏa sự căng thẳng trước đó”.
Cân nhắc những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, và luyện tập để có thể khống chế nó. Bằng cách đó, bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với bất cứ điều gì.
Thực hành để giữ các cuộc đối thoại đi đúng hướng. “Tránh để cho cảm xúc vượt ngoài tầm kiểm soát”, Bylsma chia sẻ, “hãy tập trung vào nội dung thật sự và đừng để bị cuốn vào một cuộc tranh cãi cảm tính”.
Nếu bạn cảm thấy như mình sắp khóc
Thường thì những hoàn cảnh dễ xúc động hoặc những cuộc cãi vã bất ngờ sẽ đến bất ngờ khiến bạn không thể lường trước. Trong những trường hợp như vậy, có vài mẹo giúp bạn kìm nén nước mắt của mình.
Khởi động lại cảm xúc bằng… lưỡi của bạn. “Nhẹ nhàng đẩy lưỡi lên vòm miệng và bạn sẽ có thể ngưng khóc ngay lập tức”, Janie Driver, giám đốc điều hành Học viện về Ngôn ngữ hình thể tại Washington, cho biết.
Thư giãn cơ mặt. Bà Driver cho rằng chân mày sẽ nhíu lại khi bạn buồn. Việc thả lỏng cơ chân mày sẽ giúp ngăn chặn nước mắt chảy ra.
Hít thở sâu. Theresa Nguyen, người sáng lập cộng đồng life coaching More Time More You tại Dallas, cho biết việc tập trung vào hơi thở của chính mình có thể giúp bạn bước ra khỏi cảm xúc của bản thân và ngăn bạn nói ra những điều bạn có thể phải hối hận sau này. “Lấy một hơi thật sâu bằng mũi trong 4 giây, giữ hơi trong 2 giây, sau đó hé môi nhẹ để thở ra bằng miệng trong vòng 8 giây” là kỹ thuật hít thở cơ bản mà bạn có thể thử.
Tự nhéo bản thân. Khi cảm thấy nước mắt như chực trào đến nơi, bạn chỉ cần nhéo vào phần da giữa ngón cái và ngón trỏ, bạn sẽ có thể ngưng khóc được đấy.
Xóa đi dấu vết của nước mắt
Khi đã ngưng khóc, bạn sẽ thấy khuôn mặt mình đỏ ửng cùng với đôi mắt sưng húp. Deanne Mraz Robinson, bác sĩ da liễu và đồng sáng lập phương pháp trị liệu Modern Dermatology tại Westport, Conn., cho biết rằng chúng ta thường nín thở khi khóc. Điều đó làm cho lượng ôxy trong màu bị giảm, máu bị sẫm màu và khiến cho khuôn mặt bị đỏ. Để khuôn mặt bớt đỏ, hãy hít 1 hơi thật dài và sâu.
Nếu muốn mắt hết sưng, hãy chườm lạnh bọng mắt để các mạch máu co lại. Nếu bạn ở nhà, hãy rửa mặt thật sạch với nước lạnh rồi đắp mặt nạ mắt hoặc đậu đông lạnh. Khi bạn không ở nhà, hãy thử làm ướt ngón tay với nước lạnh từ bồn rửa tay và dùng tay vỗ nhẹ dưới mắt.
Tiến sĩ Rhonda Klein, đồng sáng lập Modern Dermatology, cho biết kem dưỡng ẩm có chứa niacinamide – một loại vitamin B3 có đặc tính chống viêm – có thể giúp làm dịu các vết sưng tấy và da sau khi khóc. Cô cũng khuyên nên dùng sản phẩm che khuyết điểm tông màu xanh lá để trung hòa các vùng da đỏ trên mặt và dùng thuốc nhỏ mắt để làm giảm đỏ mắt. Ngoài ra, bạn còn có thể dùng Afrin – thuốc thông mũi phổ biến – bôi ngoài da để giảm mẩn đỏ. Thành phần trong Afrin, oxymetazonline, có khả năng làm co mạch máu và khiến cho vùng da đỏ biến mất nhanh chóng.
Khi nào bạn cần được giúp đỡ?
Nếu bạn nghĩ cảm xúc của bạn thường biểu hiện ra bên ngoài quá nhiều, hãy gặp và nói chuyện với bác sĩ về nó. Đôi khi có những lý do đằng sau của việc bạn thường xuyên muốn khóc như bị trầm cảm hoặc lo lắng quá độ. Khi đó, bạn cần có liệu trình hoặc phương pháp phù hợp để cải thiện tình trạng này.
—
Xem thêm
Làm sao để tự mình vượt qua nỗi buồn trong cuộc sống?
Xếp hạng cung hoàng đạo vượt qua nỗi buồn thất tình nhanh nhất
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: Unsplash