Không phân loại rác tại nguồn đúng cách sẽ gây khó khăn cho thiết bị phân loại, làm chậm trễ quá trình tái chế tại các nhà máy. Chúng cũng có thể bị lẫn vào các vật liệu tái chế tốt và được chuyển đến địa điểm mới để xử lý tiếp, làm nhiễm bẩn toàn bộ vật liệu có giá trị khác trong cùng chu trình.
Trung Quốc – quốc gia đã nhập khẩu khoảng một nửa nhựa, giấy và kim loại của thế giới để tái chế suốt 20 năm – đột nhiên tuyên bố “đóng cửa” vào đầu năm 2018, ngừng nhập phế liệu vì không muốn trở thành “bãi rác của thế giới”.
Nhiều phế liệu Trung Quốc mua từ nước ngoài quá khó và tốn kém để xử lý, số khác bị “mất giá” vì nhiễm bẩn, hoặc lẫn với các vật liệu không thể tái chế khác. Số rác thải này được đưa đến bãi rác, đổ xuống sông hoặc thiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường.
Để chống “làn sóng rác thải” đổ về sau lệnh cấm của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cũng bắt đầu hạn chế rác nhập khẩu, khiến nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tái chế. Nhiều đô thị lớn phải thu nhỏ, thậm chí hủy bỏ chương trình tái chế của họ vì không tìm được đầu ra.
Những thay đổi mang tầm vĩ mô đều bắt nguồn từ nhiều hành động nhỏ: việc phân loại rác tại nguồn của gia đình bạn. Lần đầu có thể hơi bối rối một chút, nhưng chỉ cần vài lần thực hiện là bạn sẽ quen tay ngay thôi.
Nếu bạn muốn bắt đầu thực hành phân loại rác, hay băn khoăn không biết mình đang làm đúng hay chưa thì đừng lo nhé, ELLE có sẵn mọi câu trả lời cho bạn ngay đây!
3 loại rác sinh hoạt tại Việt Nam
- Chất thải hữu cơ: các loại rác dễ phân hủy như thực phẩm thừa; xác, phân động vật; rau củ quả, lá cây; bã trà, bã cà phê…
- Chất thải tái chế: giấy báo, tạp chí; vỏ lon, vỏ hộp sữa; thùng carton; đồ kim loại; vỏ chai nhựa PET, đồ nhựa gia dụng…
- Chất thải còn lại: rác khó phân hủy, không thể tái sử dụng hay tái chế được như túi nylon các loại, nhãn chai; giày, bao tay cao su; đồ gốm sứ, thủy tinh; băng vệ sinh, tã; băng keo; đầu lọc thuốc lá; kẹp giấy; vỏ sò… (trừ rác ngoại cỡ, rác độc hại như pin, chai hoá chất… phải mang đến điểm thu hồi riêng).
Đánh dấu theo màu sau khi phân loại rác
Các quy tắc về tái chế và phân loại rác sẽ khác nhau tùy vào nơi bạn sống. Ở một số nơi, người dân được phép bỏ tất cả rác thải tái chế vào cùng một thùng. Vài nơi khác, giấy và bìa cứng phải tách riêng ra khỏi lon, chai lọ.
Tại Việt Nam, rác tái chế được để chung trong một túi/thùng và 3 loại rác đã phân loại thường được đánh dấu bằng màu sắc:
- Chất thải hữu cơ: đựng trong túi xanh lá cây hoặc trắng. Nếu không bỏ đi, bạn có thể dùng chất thải hữu cơ để làm phân bón tại nhà.
- Chất thải tái chế: đựng trong túi xanh dương. Bạn cũng có thể bán, tặng lại hoặc mang đến các cơ sở, tổ chức thu gom phế liệu.
- Chất thải còn lại: đựng trong túi có màu bất kỳ, nhưng trừ màu xanh lá, trắng và xanh dương.
Nếu không dùng túi, thùng đựng nhiều màu, bạn có thể ghi chú hoặc dán nhãn để lưu ý cho người thu gom.
Rửa sạch rác tái chế trước khi bỏ
Hãy cố gắng đổ sạch thức ăn thừa ra khỏi vỏ đựng có thể tái chế trước khi vứt vào thùng. Cẩn thận hơn, bạn có thể tráng hoặc lau sơ các loại lon, hộp… trước khi phân loại rác.
Thực phẩm hoặc nước đổ ra sẽ làm hỏng hoàn toàn số giấy có khả năng tái chế. Vì vậy, tráng rửa là việc đặc biệt cần thiết khi tất cả giấy, hộp đựng và lon của bạn được chứa chung trong cùng một thùng. Thói quen này còn giúp tránh mùi hôi và giữ các loại gián, chuột, chó, mèo… tránh xa thùng rác nhà bạn đấy.
Không vò nát giấy
Nếu bạn có thói quen vo tròn hoặc làm nát giấy trước khi vứt vào thùng, hãy dừng lại ngay! Lý do rất dễ hiểu: Giấy càng nguyên vẹn thì giá trị tái chế càng cao, vì những sợi cellulose trong giấy còn nguyên sẽ có kết cấu mạnh hơn, có thể được tái chế nhiều lần hơn. Thay vì vò giấy nhàu nát cho… sướng tay, hoặc để tiết kiệm chỗ để, bạn có thể xé nhỏ giấy.
Mặt khác, cũng có nhiều loại giấy không thể tái chế được: giấy thấm dầu, giấy in hóa đơn từ máy ATM hoặc siêu thị, giấy có dính keo, giấy vệ sinh và khăn giấy bẩn, giấy than, hộp carton dính dầu mỡ (như hộp đựng pizza)…Chúng sẽ được phân loại vào thùng các chất thải còn lại.
Học phân loại rác bằng game online
Nếu cảm thấy những quy tắc phân loại rác quá khó nhớ, bạn có thể học bằng game online. Các loại rác trong game dĩ nhiên không thể đa dạng được ngoài đời thực, nhưng vừa đủ để bạn làm quen và ghi nhớ một số chất thải quen thuộc trong gia đình.
Game số 1: Gus phân loại rác
Bạn sẽ hướng dẫn cho chú khỉ Gus bỏ rác vào 3 loại thùng khác nhau trong vòng 2 phút. Gus sẽ cười vui vẻ khi bạn làm đúng và nhăn mặt khó chịu nếu bạn làm sai.
Trò chơi được thiết kế với 3 thùng rác phân loại tương tự như ở Việt Nam, rất thích hợp để bạn luyện tập đấy.
Game số 2: Rethink Waste Sorting Game
Rethink Waste Sorting Game là trò chơi học phân loại rác được một số thành phố như Denver, Washington (Mỹ), Surrey (Anh), Okotoks và Yellowknife (Canada)… sử dụng. Nguyên tắc phân loại rác trong trò chơi dành cho từng thành phố hoàn toàn khác nhau, tùy theo quy định có thật đang được thực hiện tại thành phố đó.
Nhìn chung, trò chơi chia thành 7 cấp độ. Cứ hoàn thành một cấp độ, bạn sẽ được phép chọn một thành phần để xây công viên. Công viên do chính bạn xây sẽ hoàn thành khi kết thúc 7 màn chơi.
Để biết thêm cách các thành phố phân loại rác, bạn chỉ cần gõ thêm tên thành phố sau tên trò chơi trên công cụ tìm kiếm Google (VD: Rethink Waste Sorting Game Denver).
Giảm thiểu và tái sử dụng
Nghe có vẻ không liên quan, nhưng việc giảm thiểu và tái sử dụng chất thải thay vì ném chúng vào thùng rác lại là điều quan trọng nhất trong quá trình tái chế và nỗ lực bảo vệ môi trường. Giảm thiểu rác thải sinh hoạt không chỉ giảm gánh nặng cho môi trường, cho cơ quan xử lý mà còn khiến chính cuộc sống chúng ta nhẹ nhàng hơn.
Thay thế đồ nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm khác cũng là một giải pháp, song thực tế có những sản phẩm thay thế không hề bền vững. Tái chế được, phân hủy được, nhưng có khi quá trình sản xuất chúng vẫn gây hại cho môi trường theo những cách riêng.
Trước hết, ta hãy tập làm người tiêu dùng tỉnh táo. Thay đổi ngay lập tức khó thật đấy, nhưng nếu chúng ta có ý thức điều chỉnh thói quen và phân loại rác hàng ngày, dần dần từng bước một, mỗi thay đổi nhỏ trong cuộc sống của hàng triệu con người đủ sức chuyển thành năng lượng lớn.
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE