Lifestyle / Bí quyết sống

9 bí quyết giúp phát triển kỹ năng nhận thức bản thân

Nhận thức bản thân là khả năng thấu hiểu cảm xúc, tư duy và biết được đâu là động lực, điểm mạnh, điểm yếu của mình. Bạn càng hiểu rõ bản thân thì bạn càng dễ bắt đầu nhìn nhận cuộc sống theo hướng tích cực hơn cũng như kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của chính mình.

Không phải ai cũng có thể nhận thức bản thân mình một cách toàn diện. Nhưng nếu không ngừng nỗ lực, bạn vẫn có thể rèn luyện kỹ năng này với 9 mẹo dưới đây.

1. Liệt kê ra điểm mạnh và điểm yếu

kỹ năng nhận thức bản thân cô gái váy đen
Ảnh: Unsplash

Đầu tiên, biết rõ điểm mạnh sẽ cho phép bạn tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của mình. Tiếp đến, hiểu được đâu là điểm yếu sẽ là cơ hội để bạn cải thiện những khuyết điểm đang kìm hãm bạn. Tác dụng của việc liệt kê những điểm này sẽ giúp bạn biết được mình đang ở vị trí nào, tại sao bạn lại thất bại hay thành công trong cuộc sống lẫn công việc, cũng như cho phép bản thân thay đổi và tự tin hơn trong việc thể hiện mình. Trong quá trình đánh giá bản thân, hãy cố gắng nhìn nhận mọi khía cạnh mà không phán xét hay đưa ra bất kỳ nhận xét mang tính chủ quan nào.

2. Tìm hiểu động lực

kỹ năng nhận thức bản thân ngồi giữa cỏ
Ảnh: Unsplash

Những điều truyền động lực cho mỗi người trong cuộc sống sẽ giúp họ đạt được thành tựu, không kể đó là những thành tích lớn hay nhỏ. Có những động lực giúp bạn rời khỏi giường mỗi ngày và sẵn sàng lao mình vào công việc. Không phải bất kì điều gì thúc đẩy bạn cũng sẽ tồn tại lâu dài, do đó, tìm hiểu đâu là động lực bền vững sẽ giúp bạn xác định được mục tiêu dài hạn và kiên định trên con đường mình đã chọn. Nói cách khác, khi nắm rõ động lực của mình, bạn sẽ bớt hoài nghi về bản thân và nhận thức được đâu là con đường cần đi.

3. Đánh giá hệ thống niềm tin

kỹ năng nhận thức bản thân gia đình hạnh phúc
Ảnh: Unsplash

Mọi người thường đưa ra các quyết định và định hướng cuộc đời mình dựa trên hệ thống niềm tin bên trong. Chẳng hạn, nếu một người tin rằng tiền bạc là gốc rễ của mọi vấn đề xấu xa thì người đó sẽ không sẽ không lấy của cải làm mục đích sống của cuộc đời và tin vào những gì thực sự mang lại ý nghĩa hơn như gia đình hạnh phúc, một ngôi nhà nhỏ ấm áp… 

Để rèn luyện kỹ năng phát triển bản thân, bạn cần đánh giá lại các hệ thống giá trị, niềm tin chi phối cuộc sống của bạn. Chúng hình thành trong tiềm thức của bạn từ khi còn nhỏ. Trong quá trình trưởng thành, bạn cần thường xuyên kiểm tra lại để xác định những niềm tin lạc hậu và những thói quen tiêu cực cần loại bỏ.

4. Suy ngẫm về các giá trị

kỹ năng nhận thức bản thân hội bạn bè
Ảnh: Unsplash

Giá trị mà bạn có đều là những nhân tố quan trọng giúp bạn đưa ra quyết định và thể hiện hành vi của mình. Nếu bạn coi trọng nền tảng giáo dục, bạn sẽ cố gắng học hành chăm chỉ. Hoặc nếu hôn nhân là điều quan trọng với bạn thì bạn sẽ phấn đấu cho một gia đình hạnh phúc và viên mãn. Nhận thức được giá trị quan của mình, bạn sẽ có được định hướng rõ ràng hơn về niềm tin, quan điểm, lối sống cũng như chọn lựa môi trường hoặc những người mà bạn muốn ở bên cạnh sau này. Đây là một kỹ năng rất quan trọng để phát triển bản thân.

5. Chú tâm đến cảm xúc

kỹ năng tiết chế cảm xúc
Ảnh: Unsplash

Đã bao giờ bạn thấy ai đó gần như tức giận chỉ vì đánh rơi một đồng xu chưa? Bạn có thể nghĩ rằng người đó căn bản không có khả năng tiết chế cảm xúc. Điều này hoàn toàn có thể là sự thật. Đây là kết quả của việc không quan tâm và nuôi dưỡng đến cảm xúc cũng như những phản ứng tự nhiên của mình trước mọi hoàn cảnh. Khi bạn chú tâm đến cảm xúc của chính mình, bạn sẽ hiểu được tại sao mình lại cảm thấy như vậy và lần tới mình nên làm gì để khắc phục điều này. Trên thực tế, kỹ năng kiểm soát cảm xúc sẽ giúp bạn có cuộc sống tốt hơn chẳng hạn như trở một người giao tiếp tốt và khôn ngoan hơn trong việc ra quyết định.

6. Thực hành thiền định

kỹ năng thiền định
Ảnh: Unsplash

Thiền định là một kỹ thuật cổ xưa đem lại nhiều lợi ích cho những người luyện tập thường xuyên và coi nó là một phần của lối sống. Có thể nói, thực hành thiền định sẽ giúp bạn thư thái đầu óc, điều tiết tâm trạng và tập trung vào những gì mình cảm nhận ngay hiện tại. Lúc này, bạn dường như tách rời với cơ thể và quan sát bản thân như một người ngoài cuộc. Hãy bắt đầu với vài phút thiền mỗi ngày. Bạn có thể lắng nghe các bài thiền có hướng dẫn nếu cảm thấy khó tập trung vào dòng chảy tâm trí của mình.

7. lắng Nghe chủ động

kỹ năng lắng nghe chủ động
Ảnh: Unsplash

Bên cạnh việc lắng nghe tiếng nói bên trong chúng ta, đừng quên rằng kỹ năng tự nhận thức bản thân cũng đòi hỏi bạn trở thành một người lắng nghe chủ động. Bạn càng chú tâm lắng nghe và quan sát, bạn càng có thể học hỏi và áp dụng những điều tốt đẹp vào trong cuộc sống của mình. Chẳng hạn, cách mọi người giao tiếp bằng mắt, cơ thể và ứng xử với bạn cũng là một tấm gương để bạn phản chiếu lại bản thân. Khi lắng nghe chủ động, bạn phải thật kiên nhẫn và không cắt ngang những lời chia sẻ của mọi người – vì những lời chia sẻ ấy chưa chắc đã cần lời hồi đáp của bạn.

8. Tập viết nhật ký

kỹ năng viết nhật ký
Ảnh: Unsplash

Đây là một kỹ thuật rất đơn giản và dễ dàng mà bạn có thể luyện tập để phát triển khả năng tự nhận thức bản thân. Viết nhật ký sẽ giúp bạn phơi bày những suy nghĩ, cảm xúc và ý tưởng chân thật nhất lên trang giấy. Cuốn nhật ký này sẽ trở thành nơi lưu giữ những hồi ức quan trọng, cũng như trở thanh một nhân chứng theo dõi quá trình trưởng thành của bạn. Hãy cố gắng viết nhật ký ít nhất một lần mỗi ngày.

9. Các bài trắc nghiệm tính cách

kỹ năng nhận thức bài trắc nghiệm tính cách MBTI
Ảnh: The Spruce

Có rất nhiều công cụ đánh giá tính cách hữu ích như MBTI, 5 khía cạnh tính cách cơ bản, não trái não phải… giúp chúng ta có cái nhìn bao quát cũng như sâu sắc hơn về bản thân mỗi người. Việc tổng hợp nhiều thông tin về bản thân mình sẽ là cơ hội tốt để bạn thấu hiểu hơn về thiên hướng tính cách, cảm xúc và điểm mạnh, điểm yếu. Tuy nhiên, những bài trắc nghiệm này đều chỉ mang tính chất tham khảo, vì vậy, đừng khiên cưỡng áp đặt những phẩm chất không phù hợp và phủ định chính con người thật của mình.

Học cách phát triển nhận thức về bản thân là một hành trình đáng để theo đuổi trong cuộc sống. Vì vậy, đừng vội bỏ cuộc và hãy kiên nhẫn hơn trên hành trình này nhé.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Vi Tường Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Minds Journal
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)