Lifestyle / Bí quyết sống

Làm thế nào để phát triển tư duy phản biện?

Khi vừa nghe đến cụm từ “tư duy phản biện”, có lẽ bạn sẽ cho rằng nó khô khan, nhàm chán và khó ứng dụng. Tuy nhiên, tư duy phản biện là một trong những kỹ năng vô cùng hữu dụng. Kỹ năng này sẽ giúp bạn xử lý thông tin hiệu quả hơn, đưa ra quyết định chính xác hơn và thể hiện bản thân rõ ràng hơn. Nhờ đó, bạn hoàn toàn có thể tiến xa hơn trong cuộc sống cá nhân và công việc.

Vậy “tư duy phản biện” chính xác là gì? Thực chất, hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất nào cho cụm từ này. Tuy nhiên, hầu hết định nghĩa đều đề cập đến quá trình phân tích, xử lý và đánh giá thông tin một cách cẩn thận, khách quan. 

Những người có tư duy phản biện tốt có khả năng liên kết thông tin và đánh giá chúng toàn diện. Kỹ năng này cũng đòi hỏi khả năng suy nghĩ độc lập (không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài và thành kiến cá nhân) và tự phản ánh (đánh giá và điều chỉnh bản thân). Nhờ đó, bạn có thể giải quyết vấn đề trong công việc và các mối quan hệ xã hội một cách sáng suốt. 

Nghe có vẻ phức tạp và cao siêu, nhưng tư phản biện là kỹ năng mà bạn hoàn toàn có thể rèn luyện theo thời gian. Dưới đây là những phương pháp giúp bạn phát triển tư duy phản biện ngay trong cuộc sống thường ngày.

Tập đặt những câu hỏi đơn giản

Khi giải quyết một vấn đề, bạn nên tự đặt ra và trả lời những câu hỏi xoay quanh nó. Việc này giúp bạn nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, đồng thời đảm bảo tính khách quan và chỉn chu trong giải pháp mà bạn sắp đưa ra. 

Mặt khác, chúng ta thường lầm tưởng rằng những người giỏi tư duy phản biện sẽ dùng những câu hỏi cao siêu, phức tạp để xem xét vấn đề. Song, sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Bạn càng giỏi tư duy phản biện, những câu hỏi của bạn càng đơn giản và rõ ràng.

cô gái có tư duy phản biện
Ảnh: Pexels/Cottonbro

Để phát triển tư duy phản biện, bạn nên tập đặt những câu hỏi nhỏ. Giả sử bạn đang gặp phải một vấn đề mới trong công việc và không biết phải giải quyết thế nào, hãy bắt đầu với các câu hỏi cơ bản như:

– Bạn đã có thông tin gì về vấn đề này?

– Bạn có được những thông tin đó từ đâu?

– Mục tiêu của bạn là gì? Bạn đang cố gắng khám phá, chứng minh, ủng hộ, phê bình hay phản bác điều gì?

– Liệu bạn có bỏ qua chi tiết nào không?

Những câu hỏi trên hướng thẳng vào trọng tâm vấn đề nhưng đồng thời cũng giúp bạn nhìn nhận mọi khía cạnh của nó. Thông qua đó, bạn có thể tìm ra những giải pháp đơn giản, ít sai sót thay vì phức tạp hóa vấn đề. 

Chia nhỏ vấn đề

Cũng như khi bạn đặt những câu hỏi đơn giản, chia nhỏ vấn đề sẽ giúp bạn đơn giản hóa mọi việc. Cố gắng giải quyết một vấn đề lớn sẽ tiêu tốn của bạn rất nhiều thời gian mà lại không hiệu quả. Thay vào đó, bạn nên xem xét và giải quyết từng phần việc một. Bằng cách này, công việc của bạn sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Bạn cũng không phải rơi vào tình trạng quá tải.

Bạn hãy thử áp dụng quy trình sau vào lần tới:

1. Xác định điểm bắt đầu

2. Phân tách vấn đề thành từng đầu việc nhỏ

3. Lập một danh sách theo thứ tự ưu tiên hoặc thứ tự thời gian

4. Lần lượt hoàn thành từng việc một

chia nhỏ vấn đề giúp giải quyết hiệu quả hơn
Ảnh: Pexels / Mikhail Nilov

Theo dõi quá trình tư duy và vượt qua thiên kiến

Phản biện giỏi không đồng nghĩa với việc chỉ trích người khác. Để phát triển tư duy phản biện, bạn cần tự phản ánh nhiều hơn.

Cụ thể, bạn hãy để tâm đến quá trình suy nghĩ của bản thân: Nó bắt đầu từ đâu và diễn ra như thế nào? Bộ não của chúng ta có những khả năng vô cùng ấn tượng, chẳng hạn như tốc độ xử lý thông tin đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, khi quá trình này diễn ra quá nhanh chóng, bạn có thể sẽ bỏ sót những chi tiết quan trọng.

Não bộ của chúng ta dựa vào kinh nghiệm để nhanh chóng phán đoán về các sự việc xung quanh. Trong nhiều trường hợp, những suy luận này có tính chính xác cao và đáng tin cậy. Tuy nhiên, chúng ta thường xem xét vấn đề từ góc nhìn của mình. Và những suy nghĩ chủ quan ấy có khả năng làm sai lệch quá trình tư duy.

Kể cả những người giỏi tư duy phản biện nhất cũng có những thiên kiến. Vì vậy, dù thông minh và cẩn thận đến đâu, bạn cần nhìn nhận những suy nghĩ chủ quan của mình và học cách vượt qua chúng. Hãy thử hỏi bản thân xem vì sao bạn đưa ra kết luận như thế về vấn đề. Hãy kiểm tra xem bạn có đang đánh đồng các tình huống với nhau không? Nhận thức chính là bước đầu tiên để bạn loại bỏ thành kiến cá nhân khỏi quá trình giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, bạn cũng có thể xem xét vấn đề dưới góc nhìn của người khác. Hãy thử nghĩ: Bạn thân của bạn sẽ nghĩ gì về tình huống này? Người thân của bạn sẽ giải quyết nó ra sao? Hoặc sếp của bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Phương pháp này cho phép bạn soi chiếu vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau và có khả năng mang lại các giải pháp bạn chưa từng nghĩ đến.

Tìm hiểu nhiều hơn

Có lẽ bạn đã từng nghe câu “Kiến thức là sức mạnh”. Song, nhiều người có xu hướng phụ thuộc vào những gì họ biết từ trước và không muốn buông bỏ niềm tin của mình. Tư duy phản biện đòi hỏi bạn phải biết từ bỏ quan điểm cá nhân khi cần thiết. Nếu bạn không tìm tòi và tiếp thu những quan điểm mới, tư duy của bạn sẽ bị kìm hãm và không thể phát triển được. Ngược lại, nếu dành nhiều thời gian học hỏi, bạn sẽ dần rèn luyện được khả năng thích nghi và đương đầu với những thử thách mới.

Mặt khác, bạn có thể tìm đọc các bài nghiên cứu về cách hình thành quan điểm. Các nghiên cứu này thường chỉ ra rằng ngoài tính cách và vốn hiểu biết, phán đoán của bạn còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nữa, ví dụ như ấn tượng đầu tiên, trạng thái tinh thần, màu sắc căn phòng… Nắm bắt được những điều này sẽ giúp bạn kiểm soát tư duy của mình tốt hơn. Đồng thời, bạn cũng có thể tiếp cận những góc nhìn khác nhau một cách có chủ đích.

tìm hiểu nhiều hơn để phát triển tư duy phản biện
Ảnh: Pexels / George Milton

Thử suy nghĩ ngược lại

Nếu bạn gặp khó khăn trong lúc giải quyết một vấn đề khó, hãy thử lật ngược vấn đề. Ví dụ, khi bạn kết luận A là tác nhân gây ra B nhưng vẫn không tìm ra giải pháp, vậy hãy thử giả định B gây ra A xem sao. Cách tư duy này không phải lúc nào cũng mang đến cho bạn giải pháp, nhưng nó sẽ khiến bạn giật mình nhận ra bản thân đang đi trên một lối mòn. Thay đổi tư duy là một trong những con đường dẫn bạn đến thành công. 

Mặt khác, phương pháp này cũng rất hữu ích trong giao tiếp xã hội. Có thể bạn cho rằng “Mình hành động như vậy vì họ đã nói như thế”. Nhưng giả sử họ nói như thế vì bạn đã hành động như vậy thì sao? Khi lật lại vấn đề, bạn có cơ hội nhìn nhận nó từ hai phía và tránh được tư duy đổ lỗi.

Dự đoán các tình huống có thể xảy ra

Hãy dành thời gian vạch ra các tình huống có thể phát sinh từ mỗi lựa chọn của mình, sau đó mới đưa ra quyết định có lợi nhất với bản thân, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến những người liên quan. 

Lập danh sách ưu – khuyết điểm của từng lựa chọn là một phương pháp hiệu quả để rèn luyện tầm nhìn của bạn. Ví dụ, khi bạn tìm kiếm địa điểm để bắt đầu việc kinh doanh, đừng chỉ dựa vào trực giác. Bạn hãy đặt ra các câu hỏi như: Vị trí này để lại ấn tượng gì cho đối tác? Có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh trong khu vực xung quanh? Đường đến công ty có thuận lợi không?

Bằng cách cân nhắc mọi khả năng tích cực và tiêu cực, bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn rất nhiều.

dự đoán các tình huống phát sinh
Ảnh: Pexels / Los Muertos Crew

Chấp nhận rằng không phải lúc nào bạn cũng đúng

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng phạm lỗi. Nếu bạn mắc sai lầm thì cũng không sao cả. Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm. Rất nhiều người không chấp nhận sự thật rằng họ cũng có thể phạm lỗi. Và điều đó sẽ cản trở tư duy phản biện của họ.

Nếu bạn phạm phải một sai lầm nào đó nhưng vẫn không thay đổi vì cho rằng bản thân không sai, bạn sẽ không bao giờ phát triển được. Vậy nên, thay vì xem sai lầm là một điều đáng xấu hổ, hãy xem nó là một cơ hội để bạn học hỏi và hoàn thiện bản thân. 

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Uyên

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)