5 phong cách lắng nghe giúp bạn giao tiếp hiệu quả nơi công sở

Đăng ngày:

Lắng nghe và giao tiếp hiệu quả tại nơi công sở là yếu tố then chốt giúp tăng cường năng suất làm việc, giải quyết vấn đề nhanh chóng, giảm thiểu xung đột, và tạo môi trường tích cực. Có thể nói, kỹ năng lắng nghe trong công việc không chỉ góp phần gia tăng sự chuyên nghiệp của mỗi người, nó còn tác động lớn đến thành công và phát triển bền vững của tổ chức.

Trong một cuộc hội thoại, nghệ thuật của việc lắng nghe thường nằm ở chỗ bạn có thể thấu hiểu những gì đối phương truyền tải không chỉ qua lời nói, mà còn ở lối diễn đạt, ngôn ngữ hình thể một cách tinh tế. Vậy làm thế nào để bạn có thể lắng nghe một cách hiệu quả khi giao tiếp với đồng nghiệp hoặc cấp trên? 

2 kiểu giao tiếp mà bạn cần tránh

1. Lắng nghe thụ động (passive listening)

Đây là kiểu lắng nghe có thể khiến mọi người xung quanh có ấn tượng xấu về bạn. Về cơ bản, lắng nghe thụ động là khi bạn chỉ đơn thuần tiếp nhận thông tin từ đối phương nhưng không thực sự chú ý đến nội dung câu chuyện hay cảm xúc của họ. Biểu hiện của kiểu lắng nghe này chính là bạn liên tục đổi tư thế, sử dụng điện thoại, ngáp ngắn ngáp dài, đảo mắt xung quanh hoặc không nắm được thông tin cốt lõi. Kiểu lắng nghe này vô hình trung làm cho người nói cảm thấy không được tôn trọng, thiếu sự kết nối và không muốn chia sẻ thêm điều gì với bạn.

cô gái đeo tai nghe lắng nghe thụ động nơi công sở

Ảnh: Unsplash/Tudose Madalin

2. Lắng nghe thiên vị (Biased Listening) 

Lắng nghe thiên vị là khi người nghe chỉ tiếp nhận thông tin họ muốn nghe và phớt lờ những thông tin quan trọng khác. Kiểu lắng nghe này khiến bạn dễ dàng tin vào nguồn thông tin sai lệch và gây khó khăn trong việc học hỏi những quan điểm khác biệt. Ngoài ra, lắng nghe thiên vị có thể dẫn đến việc bóp méo sự thật trong tâm trí người tiếp nhận thông tin và không chú ý đến những gì người nói định truyền đạt. 

Bí quyết giúp bạn trở thành một người lắng nghe chủ động 

  • Tập trung cao độ, loại bỏ sự xao nhãng: Khi giao tiếp với bất kỳ ai, bạn nên gác lại mọi suy nghĩ trong tâm trí, tắt chuông điện thoại và dành sự chú ý đến người bạn đang trò chuyện cùng. Ngoài ra, bạn không nên ngắt lời đối phương giữa chừng vì điều này cho thấy thái độ thiếu tôn trọng và bạn không thực sự lắng nghe những gì họ nói. 
  • Đáp lại bằng phản hồi tích cực: Trong lúc giao tiếp, bạn không nên đứng yên hay tỏ ra lãnh đạm với đối phương. Thay vào đó, bạn nên sử dụng ngôn ngữ hình thể như gật đầu tán thành hay nở nụ cười. Bên cạnh đó, bạn có thể đưa ra quan điểm mang tính xây dựng của bản thân nhưng tránh phản bác kịch liệt quan điểm của đối phương dù bạn có đồng tình hay không. 
  • Đặt câu hỏi đúng cách: Bạn có thể đặt những câu hỏi mở, khuyến khích người nói chia sẻ thêm thông tin và quan điểm của họ. Điều này đồng thời cho đối phương thấy bạn để tâm đến những gì họ đang truyền đạt và tôn trọng họ.
cô gái đọc sách lắng trên bãi cỏ nghe hiệu quả

Ảnh: Unsplash/Anna Blake

6 phương pháp lắng nghe hiệu quả trong giao tiếp hằng ngày

1. Lắng nghe chủ động (active Listening)

Lắng nghe chủ động là khi bạn nỗ lực nghe, hiểu và ghi nhớ nội dung, thông điệp được truyền tải. Hành động này giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân của sự việc, từ đó có thể tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết khó khăn hiện tại. Lắng nghe chủ động có thể bao gồm những yếu tố sau: tập trung hoàn toàn vào lời người đang phát biểu, đưa ra những tương tác tích cực, đặt câu hỏi ngược lại, thể hiện sự thấu hiểu và bạn có thể tóm tắt, diễn giải lại cuộc trò chuyện sau đó. Ví dụ, sau mỗi cuộc họp, bạn có thể trao đổi lại với cấp trên một cách thiện chí bằng cách tóm tắt lại nội dung họ vừa trình bày và xác nhận lại thông tin mình hiểu đã đúng. Điều này không chỉ làm bạn hệ thống thông tin, nhớ lâu hơn, mà còn giúp bạn tránh các rủi ro tiềm ẩn vì hiểu nhầm ý người khác.

Nếu bạn lắng nghe người khác một cách chân thành, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng và tin tưởng, từ đó sẵn sàng tiếp thu ý kiến của bạn hơn. Không những vậy, thói quen lắng nghe này giúp việc giải quyết mâu thuẫn trở nên nhanh chóng vì bạn nắm rõ được luận điểm của đối phương khi tranh luận.

cô gái giao tiếp và lắng nghe hiệu quả nơi công sở

Ảnh: Unsplash/This is engineering

2. Lắng nghe phản biện (Critical Listening)

Lắng nghe phản biện là quá trình bạn vừa lắng nghe đối phương một cách tích cực, vừa phân tích, đánh giá và đặt câu hỏi để hiểu rõ bản chất của vấn đề. Đây được xem là sự kết hợp uyển chuyển giữa lắng nghe chủ động cùng tư duy phản biện, giúp bạn tiếp cận thông tin một cách mở rộng và chính xác. Ngoài ra, kỹ năng lắng nghe phản biện còn giúp bạn hình thành những lập luận sắc bén, có căn cứ cũng như đánh giá vấn đề một cách logic. Do vậy, bạn có thể sử dụng phương pháp lắng nghe phê bình khi cân nhắc liệu bạn có đồng ý với đề xuất của đối phương hay cần đưa ra nhận xét xây dựng dựa trên quan điểm đó. 

3. Lắng nghe thông tin (Informational Listening) 

Đây là kiểu lắng nghe thường được các học sinh áp dụng trong học tập, và bạn hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp này trong công việc. Lắng nghe thông tin là kỹ năng thu thập thông tin hiệu quả, giúp bạn hiểu rõ bản chất của vấn đề nhằm đưa ra quyết định sáng suốt. Để thực hiện phương pháp lắng nghe này, bạn cần lưu ý tập trung cao độ để không bỏ sót bất kỳ thông tin quan trọng nào. Ví dụ như trong các cuộc họp, thảo luận với đồng nghiệp hay khi nhận hướng dẫn từ cấp trên, việc lắng nghe thông tin một cách cẩn trọng sẽ giúp bạn hiểu rõ yêu cầu công việc được giao, xác định mục tiêu dễ dàng và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

cô gái đứng bên cửa sổ ngắm nhìn dòng người qua lại

Ảnh: Unsplash/Julia Cheperis


Xem thêm 

5 kỹ năng tinh thần cần có để trở thành nhà lãnh đạo xuất chúng 

7 lợi ích tốt đẹp của việc thực hành khắc kỷ 

Bí quyết làm việc hiệu quả với trạng thái dòng chảy 


4. Lắng nghe thấu cảm (Empathic Listening) 

Lắng nghe thấu cảm được xây dựng dựa trên cảm xúc, trong đó người nghe tỏ thái độ đồng cảm, thấu hiểu tâm trạng, lối suy nghĩ của người nói và cố gắng hỗ trợ họ trong việc giải quyết khó khăn. Khi bạn học cách lắng nghe thấu cảm, bạn có thể tạo ra một không gian an toàn, nơi đối phương cảm thấy được tôn trọng, an toàn và dễ dàng mở lòng với bạn hơn. Vượt qua ranh giới của ngôn ngữ, lắng nghe thấu cảm là hành trình chạm đến trái tim, thấu hiểu tâm hồn, từ đó gieo mầm cho sự đồng cảm và kết nối đích thực. 

5. Lắng nghe trị liệu (Therapeutic Listening) 

Lắng nghe trị liệu là một loại lắng nghe gần gũi hơn, thường liên quan đến việc nhận thông tin từ người nói về những vấn đề họ đang gặp phải và đưa ra những giải pháp hữu ích. Đây là một phương pháp thường được sử dụng trong tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý, và các dịch vụ hỗ trợ cá nhân. Kỹ năng lắng nghe này đòi hỏi sự kiên nhẫn, đồng cảm và thực hành liên tục. Khi thực hiện đúng cách, nó không chỉ giúp người nói cảm thấy được thấu hiểu, đồng cảm, tôn trọng mà còn tạo điều kiện cho họ tự nhận thức và tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề của mình.

Trong môi trường công sở, khi nhận thấy cấp trên hay đồng nghiệp gặp khó khăn trong công việc, bạn có thể dành thời gian tâm sự, trao đổi cùng họ giải quyết vấn đề. Cho dù bạn có đưa ra được giải pháp hay không, nhưng bạn đã phần nào xoa dịu nỗi lo lắng của đối phương, giúp họ lấy lại sự bình tĩnh và nhanh chóng tháo gỡ nút thắt trong công việc. 

cô gái ôm dải lụa trắng

Ảnh: Unsplash/Klara Kulikova

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thư

Tham khảo: Careercontessa

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more