Lifestyle / Bí quyết sống

8 phương pháp đơn giản giúp bạn đọc vị người khác

Đọc vị là khả năng nhận biết và hiểu rõ suy nghĩ, cảm xúc hoặc ý định của người khác, ngay cả khi đối phương không thể hiện ra. Tuy nhiên, làm thế nào để bạn có thể thấu hiểu được tâm tư của một người, khi họ quá kín đáo hay là người phức tạp?

Khi giao tiếp, nếu bạn tinh ý quan sát từng cử chỉ, lời nói, nét mặt hay hành động của người đối diện, bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu tâm lý của họ hơn. Khả năng này không chỉ giúp bạn dẫn dắt câu chuyện một cách tự nhiên mà còn tăng cơ hội giúp bạn có thêm những mối quan hệ sâu sắc. Dưới đây là 8 phương pháp giúp bạn đọc vị, nắm bắt suy nghĩ và cảm xúc của người khác một cách khéo léo.

1. Quan sát cách họ chào hỏi

Bạn có thể đọc vị đối phương thông qua việc quan sát cách họ chào hỏi. Dù chỉ là một hành động nhỏ, nhưng cách chào hỏi lại có thể nói lên nhiều điều về tính cách, thái độ và phong cách sống của một người. Điều này có thể được lý giải rằng, cách bạn chào hỏi là một phần của ngôn ngữ cơ thể – phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ mạnh mẽ nhất, và đối phương sẽ dựa vào những tín hiệu này để hình thành ấn tượng ban đầu, vì theo tâm lý chung, chúng ta thường có xu hướng đánh giá người khác trong vài giây đầu tiên gặp mặt. Ví dụ, những người tự tin và hòa đồng thường chủ động bắt tay đối phương trong lần đầu gặp mặt, kèm theo một lời chào nhẹ nhàng và nụ cười chân thành để tạo cảm giác thân thiện, cởi mở. Ngược lại, những người né tránh chào hỏi hoặc tỏ ra rụt rè thường mang đến cảm giác khó gần và khép kín. 

cô gái tóc vàng tươi cười trên thuyền
Ảnh: Unsplash/Sule Makaroglu

Mặt khác, cách chào hỏi còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh cá nhân của bạn trong mắt người đối diện. Một lời chào chân thành không chỉ là lời mở đầu cho cuộc trò chuyện, mà còn là cầu nối giúp xây dựng lòng tin và sự gần gũi giữa hai bên. Hành động này thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho người khác, đồng thời đặt nền tảng cho mối quan hệ lâu dài và bền vững. Chính vì vậy, việc chú ý đến cách hỏi không chỉ giúp bạn thể hiện phong thái cá nhân mà còn là cơ hội để bạn đọc vị người đối diện.

2. Quan sát ánh mắt của đối phương

Đôi mắt thường được ví như “cửa sổ tâm hồn”, bởi chỉ cần quan sát ánh mắt của một người, bạn có thể cảm nhận được những cảm xúc, suy nghĩ của đối phương và dễ dàng đọc vị họ. Người ta tin rằng đôi mắt không thể che giấu sự thật. Do đó, trong một cuộc trò chuyện, bạn có thể quan sát ánh mắt của đối phương để tinh tế chọn cách ứng xử, giao tiếp phù hợp.Ví dụ, khi bạn đang nói chuyện với ai đó, nếu họ thường xuyên nhìn sang hướng khác thay vì duy trì giao tiếp bằng ánh mắt, điều này có thể được hiểu là dấu hiệu của sự khó chịu, lo lắng hoặc cảm giác không thoải mái. Nó còn cho thấy họ đang phân tâm hoặc cố gắng che giấu điều gì đó. Thông thường, hành động lảng tránh ánh mắt khi người đối diện đang chia sẻ có thể khiến họ cảm thấy không được tôn trọng, làm giảm hiệu quả giao tiếp.

đọc vị cô gái ôm hoa
Ảnh: Pexels/Arzu Huseynova

Ngược lại, nếu người đó giữ ánh mắt tự nhiên và duy trì giao tiếp bằng ánh mắt một cách phù hợp trong suốt cuộc trò chuyện, điều này thể hiện họ thực sự lắng nghe, quan tâm đến những gì bạn nói, đồng thời tạo ra một bầu không khí cởi mở và đáng tin cậy. Điều này không chỉ giúp tăng sự kết nối mà còn khiến cả hai bên cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu hơn, từ đó nâng cao chất lượng giao tiếp một cách đáng kể.

Ngoài ra, chuyển động của mắt có thể phản ánh suy nghĩ và trạng thái tâm lý của một người. Khi một người nhìn lên về bên phải, điều này có thể cho thấy họ đang nói dối hoặc cố gắng bịa ra một điều gì đó. Ngược lại, khi mắt nhìn hướng lên về phía bên trái, người đó có thể đang tưởng tượng hoặc suy nghĩ về một điều cụ thể. Nếu ánh mắt di chuyển sang trái, điều đó thường cho thấy họ đang nhớ lại các sự kiện hoặc sắp xếp ý nghĩ để diễn đạt dễ hiểu hơn. Trong khi đó, ánh mắt ổn định và chậm rãi thường biểu hiện sự thư giãn, tự tin và khả năng kiểm soát cảm xúc tốt. Tuy nhiên, để hiểu chính xác suy nghĩ hoặc cảm xúc của đối phương, bạn cần kết hợp quan sát ánh mắt với các yếu tố khác như ngữ điệu, biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể để đưa ra nhận định khách quan nhất.  

3. Chú ý đến khoảng cách cơ thể

Khoảng cách cơ thể, hay còn gọi là proxemics, là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp phi ngôn ngữ, thể hiện mức độ thân mật, quan tâm và sự thoải mái giữa hai người trong một cuộc hội thoại. Khoảng cách này có thể nói lên nhiều điều về cảm xúc và mối quan hệ của họ với bạn. Khi một người nghiêng về phía bạn lúc trò chuyện, điều đó cho thấy họ cảm thấy thoải mái, sẵn sàng lắng nghe và muốn xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết cùng bạn. Ngược lại, nếu một người giữ khoảng cách xa hoặc ngả người ra sau khi trò chuyện, điều đó có thể cho thấy họ cảm thấy không thoải mái, e dè, muốn giữ sự riêng tư vì chưa sẵn sàng mở lòng. 

đọc vị cô gái trong rừng
Ảnh: Pexels/Карина Козловская

Điều này đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh. Thuật ngữ “interpersonal zones” (khu vực giao tiếp giữa các cá nhân) có thể được xem là một từ khóa quan trọng cho nghiên cứu này và đã được lưu giữ trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của Oxford Reference, kho dữ liệu của nhà xuất bản trực thuộc Đại học Oxford (OUP). Trong đó, nổi bật là nghiên cứu của nhà nhân loại học Edward T. Hall, người đã phân loại các khoảng cách giao tiếp giữa con người thành bốn cấp độ: khoảng cách thân mật (0 – 50 cm) dành cho người yêu thương hoặc đặc biệt gần gũi với bạn, khoảng cách cá nhân (50 cm – 1,2 m) dành cho bạn bè hoặc những người bạn quen biết, khoảng cách xã giao (1,2 m – 3,6 m) thường áp dụng trong các tình huống công việc hoặc xã hội, và khoảng cách công cộng (hơn 3,6 m) cho các tình huống nói trước đám đông.

Vì vậy, quan sát khoảng cách trong giao tiếp sẽ giúp bạn điều chỉnh hành vi phù hợp với bối cảnh và từng đối tượng. Khi nhạy bén với những tín hiệu này, bạn sẽ không chỉ hiểu đối phương tốt hơn mà còn xây dựng được sự kết nối sâu sắc và bền vững hơn trong mọi mối quan hệ.

4. Cách họ sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Bạn cũng có thể đọc vị ai đó thông qua các cử chỉ đối phương thường sử dụng. Đôi khi, nhiều người trong chúng ta khó có thể bày tỏ suy nghĩ thật của mình, vì nhiều lý do như e ngại, muốn giữ thể diện hoặc đơn giản là cảm thấy không thoải mái. Với bản chất “vô thức” của ngôn ngữ cơ thể, bạn có thể tận dụng điều này như một kênh quan sát bổ sung sau lời nói và ánh mắt để hiểu rõ hơn về cảm xúc và ý định thật sự của người đối diện. Khi quan sát những tín hiệu này, bạn sẽ nhận ra điều người khác nói có thể không giống với cảm xúc thật của họ. Từ đó, bạn hiểu rõ hơn về tâm trạng, ý định thật sự của đối phương và phản ứng khéo léo, phù hợp hơn.

cô gái mặc đầm xanh nhảy múa
Ảnh: Pexels/Odobesku

Ví dụ, khi ai đó khoanh tay trong lúc trò chuyện, điều này phản ánh họ đang cảnh giác, cho thấy đối phương đang giữ khoảng cách với bạn và chưa thực sự cởi mở với những điều bạn đang nói. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khoanh tay cũng là dấu hiệu của thái độ khép kín, hành động đó chỉ đơn giản là thói quen hoặc một phản xạ tự nhiên của cơ thể. Vì vậy, để đọc vị chính xác cảm xúc của đối phương, bạn nên kết hợp quan sát với các biểu hiện khác, chẳng hạn như biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, hoặc cách họ điều chỉnh tư thế… Chẳng hạn như, nếu họ khoanh tay kèm theo ánh mắt né tránh, tư thế rụt rè, họ đang cảm thấy bất an hoặc không hài lòng trong cuộc hội thoại. Việc đọc vị hành động khoanh tay đòi hỏi sự quan sát tinh tế và khả năng cân nhắc ngữ cảnh. Đôi khi, bạn chỉ cần điều chỉnh không khí cuộc trò chuyện bằng cách chuyển sang một chủ đề, điều này giúp cả hai dễ chịu hơn, tạo cảm giác an toàn cho cuộc giao tiếp và giúp đối phương mở lòng hơn. Ngôn ngữ cơ thể chỉ là một phần trong bộc lộ cảm xúc, bạn cần kết hợp nhiều dấu hiệu khác sẽ giúp bạn thấu hiểu đối phương chính xác hơn.


Xem thêm

Đọc vị tính cách của 12 cung hoàng đạo khi yêu

Nunchi – Bí quyết đọc vị cảm xúc của người Hàn Quốc

“Love Next Door”: Phim rom-com “đọc vị” nhiều cảm xúc thẳm sâu trong tâm hồn bạn


5. Tư thế giao tiếp

Hiểu được tín hiệu giao tiếp qua cử chỉ và tư thế không chỉ giúp ta nhận ra cảm xúc thật sự của đối phương mà còn phát hiện được sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động. Đây là một kỹ năng quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh doanh hay xây dựng thương hiệu cá nhân. Chẳng hạn, một người đàm phán giỏi không chỉ chú ý đến những gì đối tác nói, mà còn quan sát cách họ ngồi, ánh mắt của họ hay cách họ cử động khi trình bày quan điểm. Nếu bạn chú ý đến những dấu hiệu này, bạn có thể kịp thời điều chỉnh cách giao tiếp của mình để thuyết phục đối tác hiệu quả hơn và dễ dàng đạt được mục tiêu.

Ngoài ra, theo tâm lý học tiến hóa, từ thời nguyên thủy, tổ tiên loài người đã dựa vào khả năng quan sát cử chỉ và tư thế của người khác để phát hiện dấu hiệu nguy hiểm (như sự thù địch, mối đe dọa từ kẻ thù hoặc động vật ăn thịt) và nhận ra các tín hiệu thân thiện từ đồng loại nhằm xây dựng mối quan hệ cộng đồng. Do đó, khả năng giải mã tư thế giao tiếp còn là công cụ đắc lực trong việc giúp bạn phát hiện các dấu hiệu không trung thực từ đối phương. Điều này có thể được lý giải rằng, một người đang nói dối thường không thể kiểm soát hoàn toàn ngôn ngữ cơ thể của mình, dẫn đến những biểu hiện như mím môi, đổ mồ hôi, tránh tiếp xúc mắt, liên tục thay đổi tư thế một cách thường xuyên. Bằng cách nhận ra những điểm bất thường này, bạn có thể đặt ra những câu hỏi để làm rõ hoặc kiểm chứng thông tin, nhằm tránh bị đánh lừa trong các tình huống quan trọng.

đọc vị cô gái đầm hoa
Ảnh: Pexels/Hoang Bau

Bên cạnh đó, quan sát tư thế là chìa khóa để hiểu tâm trạng và thái độ của người đối diện. Việc đọc đúng tín hiệu từ dáng đứng hay cách ngồi của một người giúp bạn nắm bắt được những gì họ đang trải qua, từ đó điều chỉnh cách giao tiếp để tạo ra sự kết nối và tương tác hiệu quả hơn. Mặt khác, bạn sẽ tự điều chỉnh tư thế của mình để tạo ấn tượng tốt hơn với người đối diện. Một tư thế mở, thoải mái không chỉ giúp bạn trông tự tin hơn mà còn tạo ra không khí thân thiện và khuyến khích đối phương cởi mở hơn trong giao tiếp.

6. Quan sát biểu cảm khuôn mặt

Một trong những cách đơn giản để đọc vị ai đó chính là quan sát những biểu cảm trên gương mặt họ. Khuôn mặt là nơi đầu tiên bộc lộ cảm xúc, ngay cả khi ai đó cố gắng che giấu chúng. Điều này là do khuôn mặt con người chứa hàng chục cơ nhỏ, mỗi cơ đảm nhiệm một vai trò cụ thể trong việc biểu đạt cảm xúc. Những biểu cảm này có thể xuất hiện và biến mất chỉ trong tích tắc, đôi khi nhanh đến mức người biểu lộ không nhận ra mình đã làm điều đó. Vì vậy, quan sát khuôn mặt trong giao tiếp có thể giúp bạn nhận biết cảm xúc và suy nghĩ thật sự của đối phương. Ví dụ, một nụ cười chân thành mang đến cảm giác ấm áp và thân thiện, trong khi một nụ cười gượng gạo có thể tiết lộ sự miễn cưỡng hoặc che giấu cảm xúc thật.

Ngoài ra, khi chú ý đến những biểu cảm trên gương mặt người khác, bạn sẽ hiểu rõ hơn cảm xúc thực sự của đối phương, từ đó điều chỉnh cách giao tiếp sao cho phù hợp. Điều này không chỉ giúp họ cảm thấy thoải mái và được lắng nghe, mà còn giúp bạn xây dựng những mối quan hệ chân thành và sâu sắc hơn.

7. Lắng nghe giọng điệu

Ngữ điệu trong giọng nói cũng là yếu tố bạn nên lưu ý khi đọc vị ai đó. Ngữ điệu khi nói là một trong những yếu tố quan trọng bạn nên lưu ý trong giao tiếp để có thể hiểu rõ tâm lý và cảm xúc của một người. Việc lắng nghe giọng điệu còn giúp bạn nhận diện được ý định ẩn sau những lời nói của đối phương. Một người nói nhanh và có tông giọng cao thường là người đang cố gắng truyền đạt thông tin hoặc bày tỏ suy nghĩ một cách vội vàng. Điều này có thể phản ánh sự phấn khích, lo lắng hoặc căng thẳng. Ngược lại, nếu họ nói chậm rãi và đều đặn, điều đó cho thấy họ đang bình tĩnh, tự tin và kiểm soát cảm xúc tốt.

đọc vị cô gái áo đen
Ảnh: Pexels/Stacy Pidnebesnova

Bên cạnh đó, bạn có thể quan sát được sự thay đổi về cảm xúc và thái độ của đối phương qua khi người này bắt đầu thay đổi cao độ giọng nói, dù họ có ý thức được điều đó hay không. Sự thay đổi này bắt nguồn từ việc hệ thần kinh tự chủ (gồm hệ giao cảm và phó giao cảm) kiểm soát nhiều phản ứng tự nhiên của cơ thể, làm các cơ dây thanh quản căng hơn hoặc rung động chậm lại, làm tạo ra âm thanh cao hơn hoặc trầm hơn. 

Bằng cách luyện tập lắng nghe giọng điệu, bạn sẽ trở nên nhạy bén hơn, dễ dàng hiểu đối phương sâu sắc hơn và tạo ra sự kết nối chân thành.

8. Chú ý đến cử chỉ nhỏ

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, khả năng nhận diện những tín hiệu nhỏ luôn là “chìa khóa” giúp chúng ta điều chỉnh cách giao tiếp để phù hợp hơn với đối phương, từ đó tránh được những hiểu lầm hay tình huống khó xử. Các cử chỉ tự nhiên như vung tay, mở rộng lòng bàn tay hoặc hướng tay về phía người đối diện thường thể hiện sự tự tin và thoải mái. Điều này cho thấy người đó đang cảm thấy gắn kết với cuộc trò chuyện, sẵn sàng mở lòng và không ngại bày tỏ.

đọc vị cô gái cầm túi xách
Ảnh: Pexels/Eugenia Remark

Ngược lại, các động tác khép kín như giấu tay, khoanh tay, hoặc giữ tay sát cơ thể thường phản ánh sự dè dặt, phòng thủ. Điều này có thể được giải thích rằng, các cử chỉ và hành động của chúng ta đều phản ánh mối liên kết tự nhiên giữa tâm trí và cơ thể. Trước khi chúng ta kịp nhận thức, cơ thể đã tự động biểu lộ cảm xúc và suy nghĩ thông qua các tín hiệu phi ngôn ngữ. Những cử chỉ này thường mang tính bản năng, thể hiện cảm xúc nội tâm như buồn bã, tự tin, vui sướng… Do đó, dựa vào chi tiết này, bạn có thể nhận ra mức độ thoải mái của ai đó trong mọi tình huống. Nếu bạn có thể nhận biết và hiểu rõ các chi tiết nhỏ, bạn không chỉ tự tạo ra kết nối sâu sắc với người khác mà còn khiến bản thân nổi bật hơn trong mắt mọi người. Sự tinh tế của bạn trong việc quan sát và phản hồi những chi tiết này sẽ mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt trong các mối quan hệ công việc, gia đình hoặc xã hội.

 

 

 

Nhóm thực hiện

Bài: Thanh Ngân

Tham khảo: themindsjournal

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)