Popcorn Brain: Hiện tượng suy giảm khả năng tập trung trong thời đại công nghệ số
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, khi những thông báo, tin nhắn, mạng xã hội và các ứng dụng giải trí liên tục gây xao nhãng, thu hút sự chú ý, một hiện tượng mang tên “Popcorn Brain” đã xuất hiện và làm dấy lên những lo ngại về khả năng tập trung của con người. Không chỉ ảnh hưởng đến năng suất làm việc, hiện tượng này còn gây tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Vậy “Popcorn Brain” là gì, chúng ảnh hưởng thế nào đến sự tập trung và làm thế nào để nhận biết cũng như đối phó với hiện tượng này trong bối cảnh công nghệ ngày càng chiếm ưu thế?
Hiện tượng Popcorn Brain (Não bỏng ngô) là gì?
Nếu bạn cảm thấy bị choáng ngợp trước tốc độ truyền tải thông tin không ngừng của phương tiện truyền thông kỹ thuật số và ngày càng khó tập trung vào một nhiệm vụ hoặc suy nghĩ nhất định, có thể bạn đang mắc hội chứng “não bỏng ngô”.
Popcorn Brain là thuật ngữ đề cập đến xu hướng chú ý và tập trung của một người được chuyển đổi liên tục từ thứ này sang thứ khác, giống như những hạt ngô nổ.
Thuật ngữ “não bỏng ngô” từng được nhà nghiên cứu David Levy của Đại học Washington đưa ra năm 2011, nhắc đến những tác động của môi trường kỹ thuật số lên não bộ con người. Tuy nhiên, tình trạng này được đề cập nhiều hơn vào thời gian gần đây, cùng với sự nở rộ của ứng dụng chat và các loại hình nội dung ngắn chỉ vài giây đến vài phút.
Sự cạnh tranh liên tục để giành được sự chú ý của người xem đã khiến các nền tảng truyền thông rút ngắn thời lượng, khơi gợi trí tò mò và thu hút não bộ hướng về phía thông tin. Kết quả là khả năng tập trung của người xem trong thời gian dài để xem một chủ đề trên màn hình đã bị rút ngắn đáng kể.
Nghiên cứu được công bố năm 2023 của Đại học California cho thấy, thời gian tập trung trung bình của người dùng vào một nội dung trên màn hình trước khi chuyển sang nội dung khác đã giảm từ 2,5 phút vào năm 2004 xuống 75 giây năm 2012 và chỉ còn 47 giây năm 2023.
Về lâu dài, hiện tượng Popcorn Brain có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các tương tác xã hội, sự kiên nhẫn, cảm giác hạnh phúc, khả năng ghi nhớ kém, hiệu suất làm việc giảm và dẫn đến tình trạng kiệt sức.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng Popcorn Brain
Bên cạnh việc sử dụng các nền tảng công nghệ trong thời gian dài, hội chứng Popcorn Brain còn hình thành bởi các yếu tố sau:
1. Việc chuyển đổi liên tục giữa các thiết bị và ứng dụng làm phân tán sự chú ý
Trong năm phút, bạn có thể vừa kiểm tra email, vừa xem tin tức, sau đó quay lại đọc thông báo Facebook và lướt xem một số video trên TikTok. Sự chuyển đổi thông tin liên tục này đã vô tình làm cản trở khả năng chú ý của chúng ta.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, hầu hết các nền tảng mạng xã hội ngày nay đều cung cấp cho người dùng luồng thông tin đa dạng và liên tục, bao gồm các bản cập nhật, hình ảnh và video. Khi tiếp nhận thông tin một cách thụ động và tràn ngập, điều này có thể gây xao nhãng, lấn át khả năng tập trung của não bộ vào bất kỳ nhiệm vụ hoặc ý tưởng nào trong thời gian dài.
2. Tìm kiếm lời khen ngợi
Theo nhà tâm lý học Danielle Haig, các bài đăng với nhiều lượt thích, bình luận và chia sẻ đã kích thích cơ thể tiết ra một lượng nhỏ dopamine có tác dụng “thưởng” cho não bộ, tạo cảm giác vui vẻ, phấn khởi, thúc đẩy chu trình này tái diễn và khiến chúng ta muốn tìm kiếm lượng dopamine này nhiều hơn.
Tuy có vẻ không quá nghiêm trọng nhưng việc dành nhiều thời gian cho mạng xã hội sẽ làm suy yếu khả năng tập trung, giảm độ nhạy bén và cản trở quá trình tư duy, phân tích của não bộ.
3. Thuật toán và thói quen lướt điện thoại
Ví dụ, bạn có ý định tập trung vào việc dọn dẹp nhà bếp, nhưng khi nghe thấy tiếng chuông thông báo từ điện thoại, bạn lập tức dừng công việc đang làm để kiểm tra thông báo ấy. Và chính các thuật toán đã kích thích bạn thực hiện hành động này.
Nhiều nền tảng công nghệ và ứng dụng được thiết kế với mục đích thu hút và duy trì sự chú ý của người dùng trong thời gian dài. Những yếu tố này tạo ra môi trường thông tin đa dạng khiến người dùng khó có thể dừng lại để tập trung vào các nhiệm vụ khác.
Bên cạnh đó, tính năng cuộn vô hạn phổ biến trong nhiều ứng dụng sẽ kích thích người dùng liên tục lướt điện thoại, thúc đẩy cảm giác sử dụng nguồn dữ liệu vô tận và góp phần tạo nên một nền văn hóa mất tập trung, sống vội, thiếu đi sự kiên nhẫn.
4. Lượng thông tin khổng lồ
Sự phong phú của thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng xã hội có thể dẫn đến tình trạng quá tải về mặt nhận thức, khiến quá trình tiếp nhận, xử lý và lưu trữ thông tin trở nên khó khăn hơn.
Lượng thông tin khổng lồ đồng thời khiến người dùng trở nên thụ động hơn với những gì họ làm, xem hoặc mua, thậm chí có thể dẫn đến hành vi mua sắm trực tuyến thiếu cân nhắc và hoàn toàn không có sự kết nối với quá trình tư duy của não bộ, dẫn đến các tác động tiêu cực đối với tài chính cá nhân.
5. Phương tiện truyền thông được điều chỉnh để phù hợp với khoảng thời gian chú ý bị rút ngắn
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, hiện tượng Popcorn Brain sẽ trở nên trầm trọng hơn khi các nhà sáng tạo tìm cách điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thông tin hiện tại của người dùng. Trước thực tế về khả năng tập trung của con người bị rút ngắn do lạm dụng các thiết bị công nghệ; các thiết kế, thuật toán của mạng xã hội, trang web, thậm chí phim ảnh và truyền hình giờ đây đã được tinh chỉnh để phù hợp với những thay đổi này.
Xem thêm
• 8 loại thực phẩm giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung
• Điểm qua 9 loại thiền định giúp bạn thư giãn và tập trung vào cuộc sống
• Dễ bị mất tập trung khi làm việc? Đừng bỏ qua những “bí kíp” sau
Làm thế nào để ngăn chặn hiện tượng Popcorn Brain?
Dù đang dần trở nên phổ biến nhưng hội chứng Popcorn Brain sẽ không thể kéo dài mãi mãi nếu chúng ta biết cách quản lý thời gian và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Để “đảo ngược” vấn đề trên, bạn có thể tham khảo một vài gợi ý sau:
1. Điều chỉnh cài đặt thời gian trên màn hình
Hầu hết các điện thoại thông minh hiện nay đều có tính năng điều chỉnh thời gian sử dụng điện thoại và chặn một số ứng dụng nhất định sau khoảng thời gian được chỉ định. Những tính năng này sẽ là công cụ hữu ích giúp bạn thanh lọc tâm trí, xây dựng thói quen sống lành mạnh và trở nên ít phụ thuộc hơn vào các thiết bị công nghệ.
2. Sử dụng phương pháp quản lý thời gian Pomodoro
Để tập trung vào một nhiệm vụ lâu hơn, bạn có thể thử áp dụng Kỹ thuật Pomodoro để xác định thời gian bắt đầu và kết thúc hợp lý. Cụ thể, bạn sẽ đặt đồng hồ làm việc trong 25 phút, sau đó là thời gian nghỉ ngắn 5 phút và tiếp tục lặp lại chu trình cho đến khi công việc kết thúc. Sau 4 lần nghỉ giải lao trên, bạn có thể đặt thời gian nghỉ dài hơn từ 10 đến 30 phút tùy thuộc vào tính chất công việc và sức khỏe của mỗi người.
3. Thiết lập các khu vực không có công nghệ
Hãy xác định một khu vực không được phép sử dụng các thiết bị thông minh trong nhà bạn, chẳng hạn như phòng ngủ hoặc phòng ăn. Với cách làm này, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc trò chuyện với người thân, cải thiện chất lượng sống và tránh được sự cám dỗ của màn hình laptop hoặc điện thoại.
Bạn cũng có thể ưu tiên cho các hoạt động “ngoại tuyến”, lên thời gian biểu cho những sở thích riêng, ngồi thiền, đọc sách, tập thể dục, du lịch, chăm sóc nhà cửa hoặc những cuộc gặp gỡ với bạn bè. Điều này sẽ giúp bạn lấp đầy khoảng trống do công nghệ để lại và học được cách tận hưởng mọi thứ một cách trọn vẹn, ý nghĩa hơn.
4. Luyện tập cơ thể và trí óc
Việc rèn luyện thể chất thường xuyên sẽ giúp cải thiện chức năng nhận thức và thúc đẩy tính mềm dẻo của hệ thần kinh. Từ đó hỗ trợ khả năng phục hồi và tăng cường sức đề kháng cho não bộ sau khoảng thời gian dài lạm dụng các thiết bị công nghệ.
Ngoài ra, bạn đừng quên thực hành các hoạt động rèn luyện trí não như giải câu đố, học ngoại ngữ, kỹ năng mới hoặc tham gia nhiều hơn vào các buổi thảo luận để cải thiện khả năng chú ý và kích thích quá trình tư duy của não bộ.
5. Tìm kiếm sự hỗ trợ nếu cần thiết
Sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn giải quyết tình trạng suy giảm chú ý nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng. Một số phương thức trị liệu nhất định như CBT (Liệu pháp hành vi nhận thức) sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc và điều chỉnh lại hành vi, suy nghĩ của bản thân.
Bài: Anh Thư
Tham khảo: Real Simple