Làm thế nào để portfolio nghệ thuật ấn tượng trước nhà tuyển dụng?
5 mẹo dưới đây sẽ hỗ trợ bạn thiết kế một portfolio nghệ thuật thật ấn tượng trước nhà tuyển dụng, đặc biệt nếu bạn làm về đồ họa, nhiếp ảnh, thời trang…
Portfolio hay còn gọi là hồ sơ năng lực. Portfolio có nguồn gốc từ tiếng Pháp, trong đó “porte” nghĩa là “mang” và “folio” là một trang sách/báo. Như vậy portfolio nghệ thuật là một tập hồ sơ gồm nhiều trang (bằng giấy hoặc online) trong đó trình bày những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật. Mục đích của portfolio để chứng minh cho công ty/khách hàng thấy kiến thức và năng lực của bạn. Vậy làm thế nào để portfolio nghệ thuật của bạn gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng? Cùng ELLE Việt Nam điểm qua những mẹo nhỏ dưới đây nhé.
Chọn lọc các tác phẩm xuất sắc nhất
Chất lượng tốt hơn số lượng. Bạn nên cực kỳ chọn lọc và chỉ đưa các tác phẩm xuất sắc nhất, tâm đắc nhất vào portfolio nghệ thuật. Bên cạnh đó, việc luôn cập nhật portfolio bằng những tác phẩm gần đây nhất cũng là điểm nhà tuyển dụng/khách hàng đánh giá cao. Đơn giản vì con người luôn thích sự mới mẻ. Mặt khác, điều đó cho thấy bạn liên tục sáng tạo và thường xuyên cập nhật xu hướng hiện tại.
Đa dạng thể loại
Việc trình bày đa dạng thể loại tác phẩm giúp portfolio nghệ thuật phong phú, sáng tạo và hấp dẫn hơn. Ngoài các tác phẩm/sản phẩm bạn đã thực hiện cho công ty trước đây/khách hàng cũ, bạn có thể thêm vào một số dự án cá nhân. Những dự án riêng này giúp bạn thể hiện phong cách cá nhân rõ ràng nhất. Ở một khía cạnh khác, nếu tác phẩm bạn đưa vào portfolio tương tự nhau, nhà tuyển dụng/khách hàng sẽ không đánh giá cao khả năng sáng tạo của bạn.
Xem xét tổng thể
Sau khi chọn lọc và trình bày từng tác phẩm, việc xem xét tổng thể portfolio nghệ thuật sẽ giúp bạn đánh giá được tính thống nhất và hiệu quả. Mặt khác, việc này giúp bạn nhận ra liệu các tác phẩm mình đưa ra có phù hợp với phong cách cá nhân bạn muốn truyền tải tới nhà tuyển dụng/khách hàng hay không. Ví dụ, nếu muốn họ đánh giá cao khả năng phối hợp màu sắc tài tình, liệu có thích hợp chưa khi bạn đưa quá ít hình ảnh về điều đó. Ngoài ra, nếu cần thiết, bạn nên thêm vào một vài đoạn văn bản ngắn (với một bố cục hợp lý) vào các bức ảnh của mình để chú thích rõ ràng hơn.
Luôn sử dụng hình ảnh với chất lượng cao
Sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu bạn đã bỏ rất nhiều công sức và sáng tạo hoàn thành các tác phẩm nghệ thuật của mình nhưng lại trình bày chúng ở chất lượng hình ảnh thấp. Ở chất lượng này, dù cho sản phẩm của bạn có tuyệt vời đến đâu cũng trở nên kém nổi bật trước nhà tuyển dụng/khách hàng. Nếu không rành về cách sử dụng ánh sáng nhân tạo trong studio cũng như kĩ thuật nhiếp ảnh, bạn có thể dùng chiếc điện thoại smartphone của mình và tận dụng ánh sáng mặt trời để các bức ảnh rõ nét và chất lượng hơn.
Hỏi xin ý kiến và đánh giá từ những người xung quanh
Công việc sáng tạo thường mang tính cá nhân rất cao. Vì thế khi tự nhận xét, rất khó để bạn phân biệt ý kiến chủ quan và khách quan. Nếu bạn hỏi bạn bè hay người thân xung quanh, họ có thể không nói cho bạn biết sự thật. Đó là lý do tại sao bạn nên hỏi xin ý kiến và đánh giá từ những người như cố vấn, đồng nghiệp cũ, các khách hàng đáng tin cậy để hiểu rõ hơn nhận xét cũng như tính hiệu quả portfolio của bạn đem lại cho họ. Những lời khuyên đầy khách quan đó sẽ giúp bạn hoàn thiện portfolio nghệ thuật của mình trước khi trình bày với thế giới.
Dưới đây là một số giao diện portfolio nghệ thuật ấn tượng bạn có thể tham khảo:
—
Xem thêm:
Lược dịch: Ngọc Võ
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ mymodernmet