Lifestyle / Bí quyết sống

10 câu hỏi về quản lý tài chính giúp bạn sống một cuộc đời như ý

Quản lý tài chính cá nhân luôn là vấn đề được quan tâm, nhất là vào dịp giao thoa giữa năm cũ và năm mới, thời điểm mà mỗi chúng ta đều muốn nhìn nhận và tổng kết lại một năm đã qua cũng như thiết lập lại mục tiêu cho năm mới sắp đến.

Đại dịch COVID-19 trong năm vừa qua đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, kéo theo thu nhập của đa số người dân đều bị cắt giảm. Tuy nhiên, 10 câu hỏi về quản lý tài chính cá nhân từ chuyên gia tài chính phố Wall – Priya Malani – sẽ giúp bạn thiết lập và dễ dàng đạt được mục tiêu tài chính cho năm mới sắp đến.

Tôi có thể làm gì để cải thiện mức thu nhập thực tế?

Trước tiên, chúng ta cần phải nhìn nhận một thực tế, nếu thu nhập không đủ cho việc chi tiêu cơ bản thì rất khó để nghĩ đến chuyện tiết kiệm. Vậy làm thế nào để cải thiện thu nhập thực tế?

Đàm phán tăng lương chưa bao giờ là một ý tưởng tồi miễn là bạn có kế hoạch cụ thể cho nó. Hầu hết các nhà quản lý đều có sẵn kế hoạch cho việc thương lượng lương bổng của nhân viên. Sử dụng những lý do cụ thể, rõ ràng và thuyết phục cấp trên một cách cầu thị rằng tại sao bạn xứng đáng được tăng lương sẽ giúp bạn có cơ hội tăng thu nhập trong năm nay.

tiền giấy và tiền xu và cách quản lý chúng
Ảnh: Unsplash/@kharp

Một lưu ý quan trọng, việc bạn muốn nâng cao chất lượng sống của bản thân không phải lý do “chính đáng” để yêu cầu tăng lương. Theo Priya Malani – chuyên gia tài chính với nhiều năm kinh nghiệm tại phố Wall và là đồng sáng lập công ty tài chính Stash Wealth, bà cho rằng lý do trên không những không hiệu quả mà còn khiến cấp trên có cái nhìn không tốt về khả năng của bạn. Thay vào đó, tham gia các khóa học liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bạn đang làm việc nhằm nâng cao năng suất và giá trị cho công ty sẽ là lý do chính đáng để đề nghị tăng lương của bạn được chấp thuận.

Làm cách nào để tôi nâng cao điểm tín dụng cá nhân?

Điểm tín dụng là chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng tài chính đồng thời cũng là chỉ số thể hiện uy tín của người vay vốn thông qua quá trình hoàn trả những khoản vay trong quá khứ. Đây là yếu tố quan trọng để các công ty tài chính quyết định có xét duyệt khoản vay của bạn hay không? Vậy, làm thế nào để nâng cao điểm tín dụng cá nhân?

Có 4 tiêu chí cơ bản để đánh giá thẻ tín dụng:

  • Lịch sử thanh toán
  • Khoản nợ tín dụng tính đến thời điểm hiện tại
  • Thời gian quan hệ tín dụng
  • Mức độ mở tài khoản mới
thanh toán bằng thẻ tín dụng giúp quản lý tài chính cá nhân
Ảnh: Unsplash/paxtechnology

Dựa vào các tiêu chí đánh giá trên, bạn có thể biết được cách cải thiện điểm tín dụng cá nhân của mình. Nếu thẻ tín dụng của bạn vượt hạn mức, hãy tìm cách trả khoản nợ đó càng sớm càng tốt. Cân nhắc việc tái sử dụng hoặc thanh lý các món đồ cũ trên FB Marketplace hoặc qua các ứng dụng thu mua trực tuyến khác, tìm bạn cùng phòng để cắt giảm mọi chi phí không cần thiết… sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền. Và khi bạn có được khoản tiết kiệm đầu tiên, hãy thiết lập tự động thanh toán để không phải rơi vào tình trạng “vung tay quá trán”.

Tôi nên lên kế hoạch tiết kiệm thế nào để mua được nhà?

Cũng theo quan điểm của Priya Malani, trước khi lên kế hoạch tiết kiệm cho việc mua nhà, bạn cần cam kết với bản thân rằng sở hữu nhà cũng là một trong những mục tiêu tài chính. Nếu bạn đang trong một mối quan hệ, hãy bàn bạc trực tiếp về mục tiêu này với đối phương. Bạn nên tìm hiểu và xác định rõ loại nhà bạn muốn mua cũng như mức giá và mốc thời gian chính xác hai bạn muốn hoàn thành mục tiêu này. 

Chỉ khi biết chính xác mục tiêu bản thân đang nhắm tới, bạn mới xác định được số tiền phải tiết kiệm để hoàn thành mục tiêu trên. Con số 20% là khoản trả trước tiêu chuẩn nhưng nhiều người trẻ thuộc thế hệ Millennials đang chọn giảm thêm 10% để được nhận nhà sớm hơn. Điều này có thể chấp nhận được, miễn là bạn có dòng tiền ổn định để thanh toán khoản vay và khoản tiết kiệm dùng cho việc phòng trừ rủi ro.

heo đất giúp quản lý tài chính cá nhân
Ảnh: Unsplash/blankerwahnsinn

Giải pháp tài chính cho kế hoạch sinh con của tôi là gì? Và khi nào tôi nên bắt đầu tiết kiệm cho việc học của chúng?

Hãy thử thực hành bài tập tiết kiệm sau đây: Tiết kiệm 10 – 15% thu nhập bạn kiếm được mỗi ngày và quan sát xem bản thân cảm thấy thế nào. Nếu bạn cảm thấy mình vẫn xoay sở được, đây là dấu hiệu tốt cho thấy bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc có con và hỗ trợ tài chính cho chúng vì 10 – 15% chính là số tiền dành cho việc chi tiêu cơ bản của con bạn (không bao gồm học phí).

Vậy khi nào bạn nên bắt đầu tiết kiệm cho việc học của các con? Câu trả lời là càng sớm càng tốt sau khi đã tìm hiểu rõ bạn muốn hỗ trợ tài chính cho con cái đến mức độ nào. Bạn muốn chu cấp 100% chi phí 4 năm tại một Đại học tư thục hay 50% chi phí cho con bạn tại một trường công lập? Làm rõ các mục tiêu này sẽ giúp bạn lên kế hoạch tài chính cho việc sinh và nuôi dạy con tốt hơn.

Số tiền tiết kiệm hiện tại của tôi có thực sự đủ cho những trường hợp khẩn cấp?

Không giống như những chuyên gia tài chính cá nhân khác, Stash Weath (công ty tài chính do Priya Malani đồng sáng lập) tin rằng chúng ta chỉ cần một khoản dự phòng rủi ro trong 3 tháng bao gồm các chi phí cố định như tiền thuê nhà và các hóa đơn cơ bản khác. Stash Wealth cũng khẳng định, quỹ tiết kiệm dự phòng rủi ro từ 6 – 12 tháng là điều hết sức điên rồ bởi bốn lý do sau:

  • Quỹ tiết kiệm dự phòng rủi ro là “tuyến phòng thủ” đầu tiên nhưng không phải “tuyến phòng thủ” duy nhất mà bạn có.
  • Đa số người trẻ thuộc thế hệ Millennials có thể thiết lập lại thu nhập của mình khá nhanh (tất nhiên điều này phụ thuộc vào sự am hiểu lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi).
  • Chúng ta có rất nhiều ưu tiên tài chính khác và việc chờ đến khi tiết kiệm được quỹ dự phòng cho thời gian 6 tháng là điều hết sức lãng phí. Thay vào đó, quãng thời gian này có thể giúp chúng ta đạt được những mục tiêu tài chính khác tốt hơn?
  • Thực tế cho thấy, lạm phát sẽ làm tiền của bạn bị mất giá qua từng năm. Do đó, Stash Wealth đưa ra lời khuyên rằng thay vì trữ tiền mặt, hãy để các ngân hàng số làm điều đó. Hơn ai hết, Stash Wealth hiểu rõ những người trẻ thuộc thế hệ Millennials luôn mong muốn tiền của họ “làm việc” nhiều hơn.

Kế hoạch quản lý tài chính hiện tại có giúp tôi đạt được những mong muốn của mình sau khi nghỉ hưu? tôi nên để dành bao nhiêu cho quỹ tiết kiệm này? 

đôi vợ chồng già du lịch sau khi nghỉ hưu
Ảnh: Unsplash/jameshosejr

Thật khó trả lời cho câu hỏi trên vì không phải ai cũng phù hợp với việc “nghỉ hưu’’, vì vậy hãy thử làm một bài toán đơn giản để biết bạn cần bỏ ra bao nhiêu tiền tiết kiệm cho việc này. Thu nhập hiện tại của bạn tương đương với khoản chi phí giúp bạn đảm bảo cuộc sống sau khi về hưu. Do đó, bạn có thể biết được bản thân cần tiết kiệm con số bao nhiêu để khi nghỉ hưu, mỗi tháng bạn sẽ có được số tiền ít nhất tương đương với thu nhập hiện giờ của mình. Tiếp theo đó, hãy trả lời cho các câu hỏi dưới đây:

  • Số tiền hiện tại bạn kiếm được là bao nhiêu?
  • Khi nghỉ hưu bạn có phải chu cấp cho một ai khác?
  • Bạn muốn nghỉ hưu ở độ tuổi nào?
  • Bạn mong đợi thời gian nghỉ hưu của mình kéo dài bao lâu?

Sau khi tìm được đáp án cho những câu hỏi trên, bạn sẽ có thêm dữ liệu để quyết định bản thân nên dành bao nhiêu tiền cho quỹ tiết kiệm hưu trí này.

Khi nào tôi có thể bắt đầu đầu tư và đầu tư gì để sinh lời?

Cần một bài viết thật dài để trả lời cho câu hỏi trên, tuy nhiên, để nói tóm gọn thì đầu tư là cách làm cho tiền của bạn tăng trưởng dần theo thời gian. Phố Wall thích miêu tả việc đầu tư giống như “đánh bạc” và bạn dễ dàng lầm tưởng đầu tư đồng nghĩa với việc “sinh lời nhanh chóng”. Trên thực tế, vấn đề của bạn là đầu tư sớm và kiên nhẫn chờ số tiền đầu tư lớn dần theo thời gian. 

Vậy nên đầu tư vào đâu để sinh lời? Phố Wall và một số phương tiện truyền thông dễ làm chúng ta liên tưởng đến việc chọn mua cổ phiếu và giao dịch thường xuyên trong khi thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Sự phát triển chậm nhưng ổn định của dòng tiền mới là chìa khóa quyết định sự thành công của việc quản lý tài chính.

Sau cùng, đầu tư là một phương tiện để hoàn thành các mục tiêu tài chính của bạn và vì vậy, không ai có thể nói cho bạn biết nên đầu tư vào cái gì cho đến khi họ biết bạn đang đầu tư cho mục đích gì. Thiết lập mục tiêu là bước đầu tiên để bạn biết được bản thân thật sự nên đầu tư vào điều gì.

Tôi có nên tìm một chuyên gia tài chính riêng và làm thế nào để tìm được một chuyên gia với mức chi phí phù hợp?

Công việc của các chuyên gia tài chính là giúp bạn xem xét các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, sau đó thiết kế một kế hoạch giúp bạn đi đúng hướng và đạt được mục tiêu tài chính của mình.

Một số người cảm thấy họ có thể tự mình tìm ra con đường quản lý tài chính đúng đắn trong khi một số người cảm thấy họ cần một chuyên gia. Một số khác dù đã có kế hoạch tài chính cho riêng mình nhưng đơn giản là họ muốn tìm kiếm ý kiến từ một người có nhiều kinh nghiệm.

Mọi sự lựa chọn đều đúng và chỉ có bạn mới thật sự hiểu rõ bản thân cần gì? Và lắng nghe tư vấn của các chuyên gia tài chính sẽ là sự lựa chọn không tồi nếu bạn đang gặp phải vấn đề nan giải cần đến những góc nhìn có tính chuyên môn và khách quan hơn. Hiện nay, các dịch vụ tư vấn tài chính trực tuyến theo giờ với mức phí phù hợp đã xuất hiện nhiều hơn thay cho các gói tư vấn đắt đỏ ngày trước, điều này sẽ giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với mục đích của mình.

lọ đựng tiền giúp quản lý tài chính
Ảnh: Unsplash/napender

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đời của tôi mất và tôi nên chuẩn bị thế nào cho tình huống này?

Không mấy vui vẻ khi nghĩ đến điều này nhưng việc lên kế hoạch cho chúng là thật sự cần thiết. Bạn cần xem xét bản thân có đang phụ thuộc tài chính vào bạn đời hay không cũng như các tài sản chung và riêng khác. Bạn có thể cân nhắc về việc tham gia bảo hiểm nhân thọ, đây được xem là một dạng quỹ tiết kiệm cho vấn đề này. Dịch vụ bảo hiểm có thể giúp bạn đánh giá được mức độ bảo hiểm sau khi chồng/vợ bạn qua đời. Điều này giúp cuộc sống của bạn sẽ không bị xáo trộn và đảm bảo việc nuôi dạy con cái ổn định ngay sau đó.

Tôi nên tiết kiệm bằng cách nào để cảm thấy thoải mái? Có ứng dụng nào giúp tôi làm việc này một cách dễ dàng hơn không?

Việc tiết kiệm dễ khiến chúng ta cảm thấy bí bách và không thoải mái với mọi loại chi tiêu. Nhưng đó là khi bạn không có một kế hoạch quản lý tài chính cụ thể, không kiểm soát được dòng tiền khiến bản thân rơi vào tình trạng “thiếu trước hụt sau”. Vì vậy, hãy vạch ra các mục tiêu tài chính và lên kế hoạch ngay hôm nay để chủ động và cảm thấy thoải mái hơn trong việc chi tiêu và tiết kiệm.

Và đừng quên để công nghệ giúp việc lập kế hoạch của bạn trở nên dễ dàng hơn. YNAB là một ứng dụng tuyệt vời giúp bạn chia thu nhập của mình vào nhiều “giỏ”, mỗi “giỏ” khác nhau dành cho những mục đích chi tiêu khác nhau. Ví dụ như chi phí gia đình, hóa đơn sinh hoạt, chi phí đi lại và giải trí… Các khoản tiền trên sẽ được “phong tỏa” và sau đó bạn có thể dùng phần còn lại với cảm giác “thoải mái” hơn khi không phải lo nghĩ nhiều về hóa đơn cuối tháng. Bên cạnh đó, có rất nhiều ứng dụng quản lý chi tiêu khác hỗ trợ bạn ghi chép và theo dõi mức độ chi tiêu của mình. Nhưng quan trọng vẫn là bạn có chủ động và tự giác điều chỉnh để tìm ra mức chi tiêu phù hợp nhất cho bản thân hay không. 

Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn quản lý tiền bạc tốt hơn cũng như vạch rõ mục tiêu tài chính cho năm nay.

Nhóm thực hiện

Bài viết: Mộng Ngọc Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: createcultivate
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)