Lifestyle / Bí quyết sống

Quản lý tài chính cá nhân: Phụ nữ cần lời khuyên khác với đàn ông

Không thiếu phương tiện truyền thông tài chính, nhưng chủ yếu phục vụ cho nam giới. Chúng không dành cho phụ nữ và không hình thành giá trị cảm xúc thực sự.

Chung Vũ Thanh Uyên từng được biết đến là Á hậu Áo dài 1995 và là thành viên tứ ca Ngẫu Nhiên cùng với Trương Ngọc Ánh, Trịnh Kim Chi và Minh Anh. Tuy nhiên, sau khi học về tài chính ở Mỹ và hoạt động trong ngành ngân hàng hơn 10 năm tại các nước châu Á, Thanh Uyên có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thanh toán quốc tế, tài trợ xuất nhập khẩu, ngoại hối và lưu ký cho các ngân hàng trong khối châu Á. Hiện tại, cô đang là đại sứ tại Việt Nam của The New Savvy – một nền tảng giáo dục điện tử và ứng dụng điện tử trong việc lập kế hoạch tài chính cá nhân.

chung vũ thanh uyên nói về quản lý tài chính

Trong cuộc trò chuyện mới nhất với ELLE, Chung Vũ Thanh Uyên đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về quản lý tài chính cá nhân dành cho phụ nữ.

Chào chị. Hoạt động trong ngành tài chính ngân hàng lâu năm, chị thấy phụ nữ châu Á nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng thường gặp vấn đề gì trong quản lý tài chính?

Mặc dù thăng tiến trong sự nghiệp và kiếm được nhiều tiền hơn, phụ nữ vẫn thiếu tự tin trong các vấn đề tài chính. Theo khảo sát của The New Savvy, 41% không đầu tư hoặc quản lý tiền của họ. Hầu hết phụ nữ là người tiết kiệm hoặc một số ít phó thác cho chồng quản lý tiền.

Mặc dù đã có sự điều chỉnh tương đối về chênh lệch lương theo giới và theo vị trí cấp cao giữa nam và nữ, các cấu trúc xã hội lỗi thời và vai trò giới tính vẫn đang ngăn cản phụ nữ kiểm soát hoàn toàn tình trạng tài chính của họ.

Phụ nữ cần đảm bảo rằng họ có thể tự chăm sóc bản thân và được bảo vệ trước những hoàn cảnh không may. Điều gì xảy ra trong trường hợp đoản mệnh? ly hôn? khuyết tật? Phụ nữ chúng ta không có ý định cạnh tranh về thu nhập hoặc khả năng kiếm được nhiều tiền nhất, nhưng chúng ta cần được trang bị kiến thức để đưa ra quyết định đầu tư tài chính sáng suốt hơn.

Những trở ngại tâm lý và hạn chế xã hội nào khiến cho phụ nữ thường không mạnh dạn đầu tư?  

Phụ nữ đang ở một thời đại rất thú vị trong tiến trình lịch sử. Chúng ta đang có thu nhập nhiều hơn, tiến xa hơn trong sự nghiệp nhưng vẫn tụt hậu so với nam giới về kiến thức tài chính. Phụ nữ kiểm soát hầu hết chi tiêu gia đình, có thể chúng ta biết tiết kiệm nhưng đầu tư ít hơn nhiều so với nam giới.

Phụ nữ cần lời khuyên tài chính khác với đàn ông. Không thiếu phương tiện truyền thông tài chính, nhưng chủ yếu phục vụ cho nam giới. Sản phẩm đầu tư tài chính cho phụ nữ vẫn còn là một thị trường phục vụ dưới tiêu chuẩn. Hầu hết các bài viết về tài chính mang nội dung kỹ thuật và nhàm chán. Chúng không dành cho phụ nữ và không hình thành giá trị cảm xúc thực sự. Phụ nữ không muốn tìm hiểu cách thức chọn cổ phiếu hoặc phân tích kỹ thuật; chúng ta muốn biết làm cách nào những lựa chọn tài chính nhất định có thể cải thiện cuộc sống và tăng giá trị tài sản của chúng ta.

quản lý tài chính cá nhân

 

Phụ nữ có những thói quen tiêu dùng nào thường gây ảnh hưởng đến tài chính?

Theo tôi, quy luật chung là nếu bạn tiêu xài hơn khả năng chi trả, tài chính của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bạn muốn một đôi giày mới và một chiếc điện thoại mới trong cùng một tháng, nên cân nhắc tính cần thiết và chỉ mua một món trong khả năng của mình. Món còn lại có thể mua vào tháng sau.

Vậy, làm sao để phụ nữ quản lý tài chính tốt hơn?

Tôi tóm tắt vài điểm mà người phụ nữ cần:

1. Tiết kiệm 15-20% tiền lương hàng tháng (sau khi trang trải chi phí và chi tiêu phần còn lại). Bạn phải lập ngân sách và tự động hóa khoản tiết kiệm của mình.

2. Trong tiền tiết kiệm này bạn có thể chia một ít cho doanh mục đầu tư, hoặc tự hỏi bạn đặt mục tiêu gì khi tiết kiệm? (Quỹ hưu trí, quỹ phòng thân, hỗ trợ cha mẹ, con cái…)

3. Phân bổ các mục tiêu tài chính của mình theo thời gian, theo mục đích tài chính hoặc thời gian mong đợi để đầu tư. Một mẹo hữu ích là có các loại hình tiết kiệm khác nhau với các kỳ hạn khác nhau, tóm gọn như sau:

Các mục tiêu tiết kiệm ngắn (trong năm)

1) Trả nợ (thẻ tín dụng, vay đóng học phí)

2) Bảo hiểm

3) Tiền tiêu vặt (nhưng có kỷ luật như tôi có nói trên)

Các mục tiêu tiết kiệm trung hạn (3 năm)

Tài chính trung hạn có thể được đầu tư một cách cân bằng hơn, có thể là danh mục đầu tư đa dạng gồm cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt.

1) Tiền để dành bất trắc (ít nhất 6 tháng thu nhập)

2) Mua bất động sản (dành cho việc đặt cọc chẳng hạn)

Các mục tiêu tiết kiệm dài hạn (10 năm)

Tiết kiệm hưu trí, dành dụm tiền cả năm cho các năm kế. Nên đầu tư mạnh hơn vào quỹ hưu trí dài hạn.

quản lý tài chính

Chị nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của các nền tảng cộng đồng, giúp kết nối phụ nữ, khuyến khích họ chia sẻ kiến thức về quản lý tài chính với nhau? 

Tôi tin rằng, hầu hết phụ nữ muốn việc đầu tư phải dễ hiểu, không phức tạp, không quá rủi ro và là một cái gì đó họ có đủ khả năng thực hiện. Nếu có tổ chức tài chính đơn giản hóa quy trình, sử dụng ít thuật ngữ và chăm lo lợi ích của nhà đầu tư nữ, tôi nghĩ sẽ giúp phụ nữ quản lý tiền bạc tốt hơn.

Vai trò của chính phủ và các tổ chức tài chính chuyên nghiệp là đảm bảo cập nhật các bài học tài chính, biên tập hoặc sửa đổi chương trình giảng dạy. Cũng phải có các kênh truyền thông và địa điểm cho các nhà giáo dục và chuyên gia tìm hiểu và trao dồi về quản lý tài chính.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ nhiều thông tin bổ ích với bạn đọc ELLE.

Nếu bạn đang có những thắc mắc trong việc quản lý tài chính, đừng ngần ngại gửi câu hỏi cho ELLE Việt Nam tại form sau:

Hy vọng chúng tôi sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của các bạn.

Nhóm thực hiện

Bài: Đ.T Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: NVCC
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)