Lifestyle / Bí quyết sống

Bỏ túi ngay 5 bí kíp quản lý tài chính sau đại dịch

Quản lý hiệu quả nguồn tài chính cá nhân giúp chúng ta tự tin hơn khi bước vào cuộc sống bình thường mới.

bí kíp quản lý tài chính

Trải qua gần 2 năm chiến đấu với COVID-19, cuộc sống của chúng ta cũng có nhiều thay đổi. Chúng ta học được cách yêu thương, chăm sóc bản thân, đầu tư thời gian phát triển thêm một số kỹ năng và giờ là lúc sẵn sàng cho một trạng thái bình thường mới. Chắc chắn mọi người sẽ gặp không ít khó khăn khi quay trở lại với nhịp sống bình thường, một trong số đó là cách cân bằng và quản lý tài chính cá nhân. 

Làm thế nào để quản lý chi tiêu tốt hơn và có kế hoạch tiết kiệm hiệu quả sau những biến động của đại dịch? Hãy cùng ELLE khám phá 5 bí kíp dưới đây. 

1. Xác định lại nhu cầu của bản thân

Không thể phủ nhận rằng, COVID-19 đã buộc chúng ta phải thay đổi thói quen chi tiêu hàng ngày. Khi tất cả mọi hoạt động, kế hoạch đều tạm ngừng lại, nhu cầu cá nhân bị hạn chế cũng là lúc chúng ta nghiêm túc suy ngẫm về cách quản lý tài chính của bản thân. 

Bạn hãy xác định lại nhu cầu của mình, liệt kê những thứ quan trọng và những khoản không cần thiết để chi tiêu một cách thông minh, tránh phung phí tiền bạc. Ví dụ, thay vì mua sắm vô tội vạ, bạn có thể đầu tư cho những khóa học bổ ích để cải thiện kỹ năng và bổ sung thêm kiến thức, hoặc có thể cân nhắc tiết kiệm ngay từ bây giờ cho những kế hoạch trong tương lai. 

xác định nhu cầu để tiết kiệm tài chính
Ảnh: Pexels/ Thirdman

2. Điều chỉnh quy tắc 50/20/30

50/20/30 là nguyên tắc quản lý tài chính cơ bản, hiệu quả mà bất kì ai cũng có thể áp dụng. Quy tắc này giúp bạn cân bằng chi tiêu cá nhân, sống tự do, thoải mái mà không bị áp lực về vấn đề tài chính. Dựa trên nguồn thu nhập hàng tháng, quy tắc này sẽ phân chia ngân sách của bạn thành 3 nhóm chính theo tỷ lệ 50% – 20% – 30%.

  • 50% là khoản chi phí dành cho các nhu cầu và hoạt động thiết yếu, không thể cắt giảm như tiền điện, nước, tiền nhà, chi phí đi lại, ăn uống, học tập, làm việc…
  • 20% là khoản tiền dùng để tiết kiệm, lập quỹ khẩn cấp kết hợp với đầu tư sinh lời. Theo các chuyên gia tài chính, quỹ khẩn cấp đóng vai trò quan trọng bởi nó sẽ giúp chúng ta vượt qua những tình huống bất trắc, như trong thời gian đại dịch vừa qua. Số tiền trong quỹ khẩn cần đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản tối thiểu từ 3-6 tháng. 
  • 30% là nhóm dành cho nhu cầu và sở thích cá nhân như mua sắm, đi du lịch, các hoạt động vui chơi, giải trí, phát triển bản thân…

Tuy nhiên, sau đại dịch, mỗi người nên tự điều chỉnh lại quy tắc này theo nhu cầu của bản thân. Đôi khi, mức thu nhập giảm khiến bạn không thể đảm bảo được quy tắc này, bạn có thể sẽ phải dùng tới 80% thu nhập hiện tại để chi trả cho nhu cầu sống cơ bản, nếu vậy, hãy dành 20% còn lại để tiết kiệm, tạm thời cắt giảm các chi phí vui chơi, giải trí không cần thiết. Sau này, khi mức thu nhập tăng và ổn định trở lại, bạn có thể quay về tỷ lệ phân chia thông thường.  

cách quản lý tài chính
Ảnh: Pexels/ Mikhail Nilov

3. Duy trì những thói quen tốt để tiết kiệm tài chính

Các chuyên gia cho rằng chúng ta cần khoảng 28 ngày để hình thành một thói quen mới. Bạn hãy thử nhìn lại khoảng thời gian vừa qua xem bản thân đã có những thay đổi như thế nào so với trước đại dịch. 

Ví dụ, trước kia bạn có thói quen đến phòng gym hàng tuần nhưng sau một thời gian dài giãn cách, bạn nhận thấy tập thể dục ngay tại sân vườn, được hòa mình với thiên nhiên khiến bản thân cảm thấy sảng khoái, tràn đầy sức sống hơn. Hay khi hàng quán đều đóng cửa, bạn nhận ra tự nấu ăn tại nhà vừa tốt cho sức khỏe, vừa tiết kiệm tài chính. Tiếp tục duy trì những thói quen này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống về lâu dài, mà còn giúp bạn học được cách quản lý nguồn thu nhập của mình.

duy trì thói quen tiết kiệm tài chính
Ảnh: Pexels/ George Milton

4. Theo dõi chi phí phát sinh sau đại dịch

Từ khi COVID-19 xuất hiện, đặc biệt là trong hơn 4 tháng vừa qua, gần như chúng ta dành phần lớn thời gian làm việc tại nhà. Nhờ vậy mà chúng ta tiết kiệm được khoản tiền đi lại, xăng xe, ăn uống ở bên ngoài… Khi nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại, các doanh nghiệp từng bước hoạt động lại cũng là lúc chúng ta cần phải quan tâm đến các chi phí này để quản lý chi tiêu một cách hiệu quả. 

Cách tốt nhất là bạn hãy theo dõi các khoản chi này trong một vài tháng đầu cho đến khi mọi thứ ổn định, sau đó liệt kê chúng vào ngân sách cố định hàng tháng. Bạn cũng có thể tiến hành sửa đổi kế hoạch quản lý tài chính cá nhân ngay từ bây giờ nếu các chi phí đó đáng kể.

theo dõi chi phí phát sinh để quản lý tài chính
Ảnh: Pexels/ Mikhail Nilov

5. Chuẩn bị tinh thần trước lạm phát

Nhiều khả năng lạm phát có thể xảy ra sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, điều đó có nghĩa là giá tiền của một số sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của bạn. Có nhiều yếu tố tác động đến lạm phát như lãi suất thấp hay cầu vượt quá cung. Điều bạn cần làm là chuẩn bị tinh thần để đối diện với bối cảnh sau đại dịch, thường xuyên cập nhật, theo dõi giá thành của các sản phẩm để có kế hoạch chi tiêu phù hợp.

cách quản lý tài chính hiệu quả
Ảnh: Pexels/ Liza Summer

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Linh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: hermoney

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)