Lifestyle / Bí quyết sống

7 quy tắc bất thành văn giúp tình bạn bền vững với thời gian

Tình bạn chân thành là một trong những điều giá nhất trong cuộc sống. Nhưng để giữ gìn và nuôi dưỡng một mối quan hệ bền vững theo thời gian không phải điều dễ dàng.

Cũng giống như hoa, tình bạn cần được chăm sóc và vun đắp để có thể tồn tại bền vững và tỏa sáng theo thời gian. Ngoài những yếu tố như sự đồng cảm, tin tưởng, chấp nhận và hy sinh, sẽ có những “quy tắc ngầm” chúng ta cần nắm vững để duy trì và gìn giữ tình bạn. Những quy tắc bất thành văn dưới đây tuy đơn giản nhưng lại là chìa khóa giúp tình bạn của bạn vượt qua thử thách và cùng nhau trưởng thành.

1. Sự nhất quán trong tình bạn

tình bạn cần có sự nhất quán
Ảnh: Unsplash/Naitian Tony Wang

Có bao giờ bạn cảm thấy mình thật may mắn khi có một người bạn luôn ở bên cạnh, dù là trong những khoảnh khắc vui vẻ hay lúc khó khăn? Đó chính là sức mạnh của một tình bạn bền vững. Điều tạo nên sự gắn kết ấy không chỉ nằm ở những khoảnh khắc vui vẻ, mà còn ở cách các bạn cùng nhau vượt qua các thử thách trong cuộc sống và cùng nhau trưởng thành. Khi bạn luôn đối xử với bạn bè bằng sự tôn trọng, điều đó xây dựng một nền tảng vững chắc cho tình bạn. Nó chứng tỏ rằng, dù hoàn cảnh có thay đổi, bạn vẫn luôn là người bạn họ có thể tin tưởng và dựa vào. Chính sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc đã tạo nên những mối quan hệ bền chặt, vượt xa những kết nối thoáng qua. Nếu bạn muốn tình bạn của mình thêm sâu sắc, hãy bắt đầu bằng việc trở thành một người bạn đáng tin cậy. Điều này không đến từ những hành động lớn lao, đó có thể chỉ đơn giản là một cái ôm khi bạn cần an ủi, hay chỉ đơn giản là lắng nghe họ khi họ có nhiều tâm sự. Chính những hành động nhỏ  và chân thành ấy sẽ giúp tình bạn vượt qua thử thách của thời gian, trở nên vững chắc và bền lâu.

2. Có khoảng cách không phải là điều xấu

Trên thực tế, việc liên tục gặp gỡ hay dành trọn thời gian rỗi cùng bạn bè không phải là những yếu tố then chốt giúp củng cố một tình bạn bền vững. Điều quan trọng của một cuộc hẹn hò với bạn bè là chất lượng của những khoảnh khắc khi chúng ta ở bên họ. Một tình bạn vững chắc sẽ được duy trì trên sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau và chấp nhận những khoảng cách, không gian an toàn cá nhân. Vì vậy, vẻ đẹp của tình bạn lâu dài là khi chúng ta không yêu cầu đối phương phải gặp mặt, trò chuyện hay tương tác liên tục để duy trì sự ổn định. 

Một người bạn chân chính sẽ hiểu rằng, đôi khi bạn mình quá bận rộn dẫn đến việc phản hồi tin nhắn chậm hay các cuộc gặp gỡ không thường xuyên như trước không phải là dấu hiệu của bỏ mặc hay ngó lơ mối quan hệ. Thay vào đó, khi cùng nhau trải qua những khoảng lặng xen kẽ những ngày vui vẻ tiệc tùng trong tình bạn, chúng ta sẽ có thể cảm nhận được sự đồng điệu trong suy nghĩ, cảm xúc và chia sẻ những giá trị chung. Vì thế, bạn nên xem những khoảng thời gian xa cách, không được gặp mặt trực tiếp với những người bạn của mình như một phần không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của mỗi người.  

3. Ranh giới là điều cần thiết

Ranh giới trong tình bạn thường liên quan đến việc quản lý thời gian, không gian, và cảm xúc riêng tư giữa hai bên. Ví dụ, bạn thấu hiểu rằng người bạn của mình đang trải qua khoảng thời gian căng thẳng trong công việc và không cảm thấy bị tổn thương khi nhận được lời từ chối ra ngoài cho một cuộc hẹn. Điều này cho thấy bạn và họ có sự quan tâm, thấu hiểu nhất định dành cho nhau.. Như vậy, thiết lập ranh giới không phải là bức tường ngăn cách và đẩy bạn bè ra xa. Ngược lại, nó là cây cầu kết nối, giúp tạo ra một môi trường lành mạnh để đôi bên cùng phát triển độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau. 

hai cô gái ngồi chống cằm trên bậc thềm
Ảnh: Pexels/Tatiana Fet

Ngoài ra, tôn trọng ranh giới của người khác là một biểu hiện của sự trưởng thành và tinh tế. Tuy nhiên, trước khi thực hành điều này, bạn nên trao đổi thẳng thắn với đối phương và thống nhất về những ranh giới này để hạn chế những xung đột và hiểu lầm không đáng có. 

4. Duy trì sự đồng cảm trong tình bạn

Nền tảng vững chắc của một tình bạn lâu dài đó chính là sự đồng cảm. Tương tự như câu nói nổi tiếng của nhà thơ, tác giả nổi tiếng người Mỹ, Maya Angelou: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có sự đồng cảm. Chỉ là chúng ta không đủ can đảm để thể hiện nó”. Sự đồng cảm giúp chúng ta thấu hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Đồng thời nó trở thành cầu nối quan trọng, thắt chặt mối quan hệ và giúp cho tình bạn ngày càng trở nên vững chắc.

duy trì sự đồng cảm
Ảnh: Unsplash/Janosch Diggelmann

Chẳng hạn, bạn không cần phải thể hiện những hành động lớn lao để cho đối phương biết rằng bạn có quan tâm đến cảm xúc của họ, thay vào đó, bạn có thể lắng nghe một cách chủ động – tức là chỉ bày tỏ thái độ tập trung lắng nghe những lời tâm sự của bạn bè, không ngắt lời hay phán xét. Bởi đôi khi, những người bạn của chúng ta không cần lời khuyên, họ chỉ cần sự hiện diện của những người thân yêu bên cạnh khi gặp khó khăn và cần ai đó lắng nghe, chia sẻ cảm xúc cùng họ. Tuy nhiên, đồng cảm với bạn bè không đồng nghĩa với việc đồng tình với mọi quan điểm của họ. Điều quan trọng là chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt của nhau và tạo ra một không gian an toàn để bạn và bạn của mình có thể bày tỏ cảm xúc một cách chân thật.

5. Sự thành thật  

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, sự thành thật là một yếu tố vô cùng quan trọng. Nó được xem là nền tảng của niềm tin để xây dựng một mối quan hệ. Nếu bạn không giữ được chữ tín, dù đó là một tình bạn lâu dài hay một mối tình lãng mạn, mối quan hệ đó khó có thể vượt qua được thử thách của thời gian. Tuy nhiên bạn nên nhớ rằng “sự thành thật” không phải là cái cớ để nói những điều gây tổn thương. Thay vào đó, nó nên được thể hiện bằng cách lựa chọn lời nói một cách cẩn thận, sao cho vẫn giữ được sự trung thực nhưng không làm tổn thương cảm xúc của người nghe. 

sự chân thành trong tình bạn
Ảnh: Unsplash/Toms Rits

Trung thực với nhau giúp bạn và đối phương sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình mà không sợ bị phán xét. Khi bạn bè biết rằng họ có thể tin tưởng vào những gì bạn nói, mối quan hệ của hai người sẽ trở nên sâu sắc và bền vững hơn. Do đó, thay vì khen ngợi một điều gì đó bạn thực sự không thích, bạn có thể thẳng thắn chia sẻ ý kiến của mình. Điều này sẽ giúp bạn bè hiểu rõ hơn về bạn và đôi bên có thể điều chỉnh hành vi để phù hợp với cá tính của nhau.

Bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp ngoại lệ cho thấy không phải lúc nào bạn cũng chia sẻ sự thật, như với mục đích cao cả hơn là tránh làm tổn thương bạn mình ở thời điểm nói. Bạn có thể lựa lời nói sau khi cơn tức giận đã qua đi, lựa chọn những thời điểm phù hợp để chia sẻ hay góp ý để tránh gây ra những tổn thương nặng nề cho bạn của mình. Hơn nữa, bạn nên sử dụng ngôn từ vừa phải, tế nhị để hạn chế những hiểu lầm và mâu thuẫn không đáng có nếu phải nói ra những điều tiêu cực.

6. Sự tha thứ

Chúng ta đôi khi không thể tránh khỏi những sai lầm và phải học cách chấp nhận rằng đó là một phần của cuộc sống. Khi ấy, tha thứ chính là liều thuốc giúp hàn gắn những vết nứt trong mối quan hệ, chẳng hạn như khi bạn đang trong giai đoạn tranh cãi với bạn thân của mình. Bạn hãy nhớ rằng, tha thứ không có nghĩa là quên đi những gì đã xảy ra, điều ấy quyết định bạn không để quá khứ chi phối cuộc sống cá nhân và đeo bám tâm hồn bạn. Bởi khi chúng ta giữ hận thù trong lòng, điều này sẽ như câu nói của  Nelson Mandela, vị tổng thống vĩ đại đầu tiên của Nam Phi: “Sự oán hận giống như tự uống thuốc độc, rồi hy vọng nó sẽ giết chết kẻ thù”. Trong cuộc sống, khi ta chấp niệm ôm trọn những mối thù, dần dần, tâm hồn bạn sẽ trở nên nặng nề và mệt mỏi khi phải vác theo những gánh nặng cảm xúc độc hại. Thực tế, điều duy nhất chúng ta có thể làm để bước tiếp đó chính là chọn cách tha thứ. Có thể người bạn kia sẽ biết lỗi và cả hai người sẽ cùng nhau trưởng thành, viết tiếp một chương mới trong mối quan hệ bạn bè, nhưng có thể bạn tha thứ cho họ vô điều kiện và không mong đợi sự thay đổi để rồi họ đánh mất một người bạn tuyệt vời như bạn. Tha thứ và buông bỏ giống như yếu tố cốt lõi đưa bạn đến tự do đích thực, cho phép bạn buông bỏ và hướng tới tương lai tích cực hơn. Vì vậy, khi một người bạn làm bạn tổn thương, thay vì ôm trọn mối hận và im lặng, bạn có thể chọn cách nói chuyện với họ để hiểu rõ hơn về tình huống và tìm cách giải quyết cho mối quan hệ và ngược lại, tha thứ không có nghĩa là chấp nhận những hành vi sai trái lặp đi lặp lại của đối phương.  


Xem thêm: 

• 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình

• 6 thói quen cải thiện năng suất của phụ nữ thành công

• 6 thói quen nhỏ giúp ngày của bạn trở nên năng suất hơn


7. Buông bỏ đúng lúc

Đôi khi, chúng ta phải chấp nhận rằng một số tình bạn sẽ thay đổi theo thời gian hoặc thậm chí là kết thúc. Nó xảy ra có thể là do những khác biệt về quan điểm, sở thích hoặc chỉ đơn giản là do mỗi người đều có cuộc sống riêng và đi theo những hướng khác. Buông bỏ không phải là từ bỏ, mà là chấp nhận sự thật và tìm kiếm những điều tốt đẹp mới. Tương tự khi một người bạn phải chuyển đi nơi khác sống, bạn có thể sẽ cảm thấy buồn bã và thất vọng. Tuy nhiên, thay vì níu kéo những điều không thể thay đổi, hãy trân trọng những kỷ niệm đẹp và chúc phúc cho hành trình mới của người bạn thật bình an. 

tình bạn nên buông bỏ đúng lúc
Ảnh: Unsplash/Anna Shadricheva

Biết buông bỏ đúng lúc chính là dấu hiệu của sự trưởng thành khi bạn ngừng đuổi theo những điều không còn phù hợp và chọn cách ưu tiên cho sự phát triển của chính mình. Mặc dù buông bỏ có thể thật đau đớn, nhưng nó cũng là một cơ hội tuyệt vời để bắt đầu một chương mới trong cuộc sống. Hãy nhìn về tương lai với hy vọng vô hạn và tin rằng những mối quan hệ tốt đẹp mới sẽ đến. 

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Huy

Tham khảo: Hack Spirit

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)