Lifestyle / Bí quyết sống

Nắm vững 12 quy tắc của não bộ giúp bạn thay đổi cuộc sống

Bộ não của con người ẩn chứa những sức mạnh phi thường mà chúng ta không ngờ tới. Bằng việc hiểu rõ về cách vận hành của của não bộ, bạn có thể tìm ra phương pháp giúp bạn thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn.

Não bộ của con người luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà khoa học trên thế giới. Tiến sĩ John Medina – hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Quy luật Trí não trong Học tập của trường Đại học Seattle Pacific – chia sẻ một nghiên cứu trong quyển sách Luật Trí Não (Brain Rules): Não bộ của chúng ta có tận 12 quy luật và chúng sẽ là chìa khóa giúp con người phát triển.

1. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường hoạt động não bộ

Quy tắc não bộ
Ảnh: Pexels/ Mathilde Langevin

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn cải thiện vóc dáng, tăng cường sức khỏe mà còn giúp não bộ hoạt động tốt hơn. Luyện tập thể dục giúp tăng cường oxy lên não, giải phóng các hợp chất có lợi, củng cố trí nhớ và khả năng nhận thức của não bộ. Vì vậy, nếu lần tới phải đối mặt với các vấn đề hóc búa, bạn hãy thử đứng dậy và đi dạo vài vòng ngắn quanh chỗ làm việc để não bộ được kích thích và giúp bạn tìm thấy những giải pháp tốt hơn.

2. bộ não phát triển từng ngày

Cùng với sự phát triển vượt bậc của nhân loại, não bộ của chúng ta đã có những sự thay đổi lớn để thích nghi với điều kiện sống hiện nay đồng thời giúp con người có đủ tư duy để giải quyết vô số vấn đề khác nhau và sinh tồn. Vì não bộ luôn phát triển theo những sự thay đổi và thử thách, bạn có thể duy trì sự nhạy bén bằng cách thường xuyên học hỏi và học cách thích nghi. Bạn có thể bắt đầu bằng cách học thêm một ngôn ngữ mới hoặc nghiên cứu một công thức nấu ăn mới lạ để não bộ được rèn luyện và phát triển.

3. Bộ não của bạn là độc nhất vô nhị

cô gái với não bộ thông minh
Ảnh: Unsplash/Crystalweed Cannabis

Mỗi chúng ta đều là phiên bản độc nhất và não bộ cũng vậy. Bộ não con người được hình thành bởi đặc tính di truyền và kinh nghiệm sống, điều này có nghĩa dây thần kinh của mỗi cá nhân đều khác nhau. Sự độc đáo của não bộ lý giải vì sao con người lại có những sở trường khác biệt và chẳng có ai hoàn toàn giống nhau. Nhờ vào những đặc tính riêng của bộ não, bạn có thể tìm ra đâu là cách tốt nhất để nuôi dưỡng điểm mạnh đồng thời cải thiện điểm yếu của mình.

4. Não bộ không để tâm đến sự vô vị

Quy tắc não bộ
Ảnh: Pexels/ Olesia Lebedenko

Não bộ của chúng ta vốn không được cấu tạo để hưởng ứng lại những điều tẻ nhạt. Chúng cần sự mới lạ, hấp dẫn, phức tạp và những yếu tố mang lại nhiều cảm xúc kích thích tư duy. Khi đối mặt với những vấn đề nhàm chán, não bộ của chúng ta sẽ tìm kiếm giải pháp chữa chán bằng cách đi tìm nguồn vui mới. Vì não bộ chỉ hứng thú với những điều thú vị nên bạn có thể áp dụng quy luật này vào việc học nhằm làm tăng khả năng tập trung của mình. Thêm một chút gia vị vào bài học hoặc bài giảng có thể giúp bạn tăng thêm hứng khởi cũng như khiến người khác cũng cảm thấy thú vị hơn.

5. Lặp lại để ghi nhớ

Thử nhớ lại, bạn đã bao giờ cố gắng học thuộc lòng mọi thứ vì một bài kiểm tra sắp đến và nhận lấy điểm số không hề như mong muốn? Đó chính là phương pháp học nhồi được khá nhiều “sâu lười” tận dụng nhưng đó chưa bao giờ là cách học đúng đắn. Thay vì cố gắng ôm đồm quá nhiều kiến thức trong một thời gian ngắn, bạn có thể tận dụng phương pháp lặp lại để tăng khả năng ghi nhớ của não bộ bằng cách thường xuyên nhắc lại những thông tin cần thiết để não bộ dễ ghi nhớ hơn.

6. Chiến lược lặp lại cách quãng

cô gái đọc sách thơ mộng
Ảnh: Unsplash/Paige Cody

Tương tự như phương pháp lặp lại, bạn có thể áp dụng chiến lược ghi nhớ cách quãng để giúp não bộ được luyện tập tốt hơn. Chiến lược này yêu cầu thông tin phải được ôn lại sau một khoảng thời gian nhất định nhằm giúp não bộ củng cố trí nhớ. Bạn có thể thử chia nhỏ thời gian ôn bài thành vài ngày hoặc vài tuần xen kẽ và bạn sẽ thấy phương pháp này hiệu quả hơn. Ví dụ, hôm nay bạn đã học được 5 từ vựng mới, hãy ôn lại những từ vựng đó vào 2-3 ngày tiếp theo, chắc chắn bạn sẽ ghi nhớ những từ ngữ này lâu hơn và dễ dàng hơn.


Xem thêm:

Trong vòng lặp quá tải tri thức

7 bí quyết giúp bạn rèn luyện tính tự kỷ luật

4 dấu hiệu bạn là người có suy nghĩ cấp tiến


7. Giấc ngủ ngon tốt cho não bộ

Quy tắc não bộ
Ảnh: Pexels/ Jill Burrow

Không thể phủ nhận chất lượng của giấc ngủ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng hoạt động của não bộ. Khi bạn chìm vào giấc ngủ, bộ não sẽ giúp bạn củng cố ký ức và loại bỏ độc tố bên trong. Nếu chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo, bộ não của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng thiếu minh mẫn, suy giảm khả năng phán đoán, dẫn đến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Vì chất lượng của não bộ, hãy ưu tiên cho một giấc ngủ ngon, bạn nhé!

8. Căng thẳng mãn tính là mối nguy của não bộ

Căng thẳng là một trong những lý do khiến não bộ của bạn “đình công”. Nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, bạn có thể bị suy giảm trí nhớ, từ đó chức năng nhận thức cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, việc tìm kiếm những giải pháp lành mạnh giúp bạn kiểm soát căng thẳng là điều hết sức cần thiết. Bạn có thể thử một số hoạt động như thiền định, tập thể dục hoặc đơn giản nghỉ ngơi hợp lý để cân bằng chức năng hoạt động của não bộ.

9. Kích thích mọi giác quan

Bộ não của chúng ta yêu thích những trải nghiệm đa giác quan. Càng nhiều giác quan tham gia, trí nhớ chúng ta càng phong phú. Đây là lý do vì sao con người có khả năng ghi nhớ hương vị của bữa ăn yêu thích thời thơ ấu hoặc hương nước hoa của một người thân yêu. Bạn có thể áp dụng tính chất đặc biệt này vào việc học tập hoặc ghi nhớ bằng cách tận dụng nhiều giác quan khi học như đọc to những điều cần lưu ý, viết ghi chú và sử dụng các phương tiện trực quan hỗ trợ việc học.

10. Thị giác lấn át mọi giác quan

cô gái có thị giác tốt hỗ trợ não bộ
Ảnh: Unsplash/Oleksandra Bardash

Có một sự thật rằng bộ não của chúng ta có khả năng xử lý hình ảnh nhanh hơn thông tin văn bản. Khi bạn cố gắng học hoặc ghi nhớ một điều gì đó, các phương tiện trực quan như sơ đồ tư duy, hình ảnh minh họa thường là công cụ hỗ trợ quá trình học tập của bạn tốt hơn. Ví dụ, thay vì cố gắng học từ vựng một cách máy móc, hãy vẽ một hình ảnh liên quan đến từ vựng đó để ghi nhớ dễ dàng hơn. Vì thế, bạn có thể tận dụng khả năng quan sát của để tiếp thu mọi thông tin một cách thuận lời.

11. Não bộ của mỗi người sở hữu những góc nhìn khác biệt

Tương tự sự đa dạng trong tính cách, não bộ cũng có những đặc điểm khác nhau ảnh hưởng đến cách con người xử lý vấn đề. Hầu hết não bộ của con người đều xử lý thông tin theo những phương thức khác nhau dẫn đến sự khác biệt trong cách tiếp cận và thấu hiểu. Nếu có thể tận dụng sự khác biệt trong suy nghĩ, bạn có thể áp dụng chúng để cải thiện não bộ và nâng cao khả năng đối thoại với đối phương. Tuy nhiên, sự khác biệt trong suy nghĩ không có nghĩa có sự chênh lệch trình độ văn hóa giữa mỗi cá nhân. Đơn giản, bạn và họ chỉ có góc nhìn khác nhau cho cùng một vấn đề.

12. Chúng ta sinh ra đều là những nhà thám hiểm

Ngay từ khi sinh ra, bản thân chúng ta đã là những nhà thám hiểm đại tài. Bộ não con người phát triển không ngừng phát triển nhờ vào sự tò mò về những điều mới lạ cùng những thử thách hấp dẫn kèm theo. Càng trưởng thành, tính tò mò trong chúng ta càng lớn dần và phát triển theo nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như khi bạn học một ngôn ngữ mới, du lịch đến một địa điểm mới hoặc thử sức với một sở thích khác biệt. Mọi quyết định của bạn đều bắt nguồn từ sự tò mò, do đó, hãy luôn nuôi dưỡng tính tò mò của mình bởi nó sẽ giúp bạn rèn giũa bộ não sắc bén và nhanh nhẹn hơn.

sg-11134201-22100-x25b74qus1iv12.jpg

Luật Trí Não (Tái Bản 2022)

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thảo

Nguồn: New Trader U

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)