Quy tắc quản lý tài chính cho phụ nữ ở tuổi 30
Bước sang tuổi 30, kế hoạch tài chính của chúng ta sẽ có những sự thay đổi đáng kể. Khác với độ tuổi 20 cùng những cuộc vui bất tận, giờ đây, phụ nữ chúng ta trở nên dè dặt hơn, nghiêm túc hơn và cẩn trọng hơn trong vấn đề chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Đây là thời điểm thích hợp để bạn bắt đầu thiết lập những quy tắc quản lý tài chính thiết thực cho chính mình.
Vậy đâu sẽ là những quy tắc quản lý tài chính thiết thực dành cho phụ nữ tuổi 30? ELLE sẽ bật mí cho bạn 9 quy tắc đáng chú ý giúp bạn quản lý tốt tài khoản cá nhân đồng thời có thêm những kế hoạch chi tiêu phù hợp với phong cách sống của mình.
1. Chi tiêu có chiến lược
Khi bước sang tuổi 30, ngân sách tiêu dùng không còn là khái niệm xa vời đối với những người đã đi làm nhiều năm. Ở độ tuổi này, bạn có thể quan tâm đến những kiến thức cơ bản về tài chính, đơn giản như nắm vững dòng chảy nguồn thu nhập cá nhân để điều chỉnh hợp lý kế hoạch chi tiêu của mình. Bạn có thể trở thành một người chi tiêu có chiến lược bằng cách thay đổi thói quen mua sắm như ưu tiên các hóa đơn dài hạn thay cho sở thích tạm thời.
2. Tìm hiểu kỹ các gói bảo hiểm
Có thể nói, bảo hiểm là một trong những biện pháp dự phòng tài chính hữu hiệu cho bất kỳ rủi ro có thể xảy đến trong tương lai từ sức khỏe, xe cộ đến nhà ở. Tuy nhiên, khi đặt bút ký vào những gói bảo hiểm tương lai, bạn hãy thử dành thời gian tìm hiểu kỹ liệu những dự trù, những chi phí và những rủi ro trong bản hợp đồng có thật sự phù hợp với con số bạn phải chi trả hay không? Đây là thời điểm thích hợp để bạn xem xét lại các kế hoạch về hiện tại và tương lai của mình.
3. Lập di chúc sớm
Ý tưởng lập di chúc ở độ tuổi 30 có vẻ quá sớm và khá nặng nề khi nghĩ đến nhưng thực tế, ý tưởng này lại không đáng sợ hay phức tạp như bạn nghĩ. Đây sẽ là giải pháp tài chính dự phòng hiệu quả giúp bạn có thêm thời gian sắp xếp ổn thỏa vấn đề tài sản và người thừa kế của mình. Bên cạnh đó, việc lập di chúc sớm còn là một hành động thể hiện sự quan tâm của bạn dành cho những người thương yêu.
Xem thêm:
• Bật mí 8 thói quen của người giỏi chịu áp lực
• 8 dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp tình trạng “burnout”
• 4 dấu hiệu bạn là người có suy nghĩ cấp tiến
4. Trả nợ trước, chi tiêu sau
Nợ với lãi suất cao có thể khiến bạn khó thực hiện các kế hoạch tiết kiệm một cách hợp lý. Đó là lý do vì sao bạn nên tập trung vào hoàn tất trả nợ thay vì đầu tư hay chi tiêu cho những mục đích khác. Bạn có thể cân nhắc đến phương pháp trả nợ “Quả cầu tuyết” (Debt Snowball). Phương pháp này cho phép bạn lần lượt xử lý các khoản nợ từ nhỏ nhất cho đến lớn nhất dựa vào năng lực chi trả của mình. Bạn vẫn có thể áp dụng những phương pháp trả nợ hiệu quả khác miễn sao trong thời gian này những khoản nợ cần chi trả vẫn là ưu tiên hàng đầu của bạn.
5. Chuẩn bị quỹ khẩn cấp
Tiết kiệm là việc làm đầu tiên sau khi xử lý hoàn tất những khoản nợ. Có thể đối với bạn, vài trăm triệu tiết kiệm là chặng đường dài khó chinh phục, tuy nhiên, nếu bạn có kế hoạch tiết kiệm hợp lý thì số tiền này không còn là một giấc mơ. Việc chuẩn bị quỹ khẩn cấp cá nhân cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch tiết kiệm. Quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn ứng phó với những tình huống không may xảy ra trong cuộc sống và đảm bảo cho bạn một cuộc sống thoải mái nếu chẳng may công việc không hanh thông. Bạn có thể bắt đầu bằng một số tiền nhỏ và tăng dần chúng theo thời gian. Đến một ngày nào đó, bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì quyết định này của mình.
6. Đầu tư hợp lý cho cuộc sống
Tuổi 30 là giai đoạn tuyệt vời để bạn bắt đầu đầu tư vào những điều có giá trị hơn trong cuộc sống. Thay vì chạy theo những món thời trang nhanh hay những điều phù phiếm, bạn có thể sử dụng đồng tiền của mình để tôn tạo không gian sống, học thêm kỹ năng mới hoặc chi trả cho những chuyến du lịch trải nghiệm, những bộ quần áo đáng giá làm nên khí chất của mình. Lần tới khi mua sắm, bạn có thể tự hỏi bản thân liệu những món đồ mình sắp thanh toán có phù hợp với mục tiêu hiện thời?
7. Tham gia Quỹ hưu trí
Mặc dù tuổi 30 còn khá xa độ tuổi về hưu dưỡng lão nhưng đây là khoảng thời gian hợp lý để bạn cân nhắc đến việc tham gia vào Quỹ hưu trí như một phương pháp đầu tư cho những ngày tháng sau này. Thay vì để tiền vào những dự án đầy rủi ro khác, bạn có thể tự mình đầu tư cho bản thân trong tương lai và đảm bảo cuộc sống vẫn đủ đầy khi bạn về hưu.
8. Đánh giá tiến độ tài chính cá nhân
Thông thường, hầu hết những kế hoạch tài chính của tuổi 30 đều nhằm vào những mục đích lớn lao nên khó có thể tránh khỏi rủi ro. Bằng cách chia nhỏ mục tiêu, bạn có thể theo dõi tiến trình thực hiện của mình một cách cẩn thận hơn. Bạn có thể sử dụng những ứng dụng kiểm soát thu chi trên điện thoại để tiện việc theo dõi.
9. Theo đuổi một triết lý tài chính
Ở độ tuổi 30, không ai thật sự hiểu hết mọi thứ về bản thân song chúng ta vẫn còn một chặng đường để đi và khám phá mọi khía cạnh của cuộc đời. Điều này tương tự trong lĩnh vực tài chính. Khi gặp gỡ những con người mới hay những vùng đất mới, công việc mới, chúng ta lại bắt đầu một hành trình mà ở đó điều chúng ta tìm kiếm không dừng lại ở những mối quan hệ tiềm năng mà còn ở những giá trị phù hợp với triết lý tài chính của mình.
Bài: Phương Thảo
Nguồn: The Everygirl