Hẳn rằng, ai trong chúng ta cũng đều yêu thương gia đình, bạn bè của mình, và thật tuyệt vời khi ta được ở bên cạnh những lúc họ cần ta nhất. Nhưng thỉnh thoảng, chúng ta phải giải quyết những vấn đề riêng và không thể có mặt để giúp đỡ họ ngay thời điểm đó. Chúng ta nỗ lực để làm người khác hạnh phúc vì không muốn họ nghĩ rằng chúng ta không quan tâm đến họ. Tuy vậy, nếu thôi áy náy về việc làm mất lòng người thân, áp lực sẽ được vơi bớt để dành chỗ cho tình yêu hiện diện, và như thế, sức khỏe tinh thần cũng sẽ được cải thiện.
Có thể bạn sẽ cho rằng, việc bày tỏ tình trạng bất ổn của cá nhân để từ chối lắng nghe người khác là quá vô tâm và hời hợt. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, bản thân mình đã đủ vững vàng để giúp đỡ người khác chưa, hay chỉ góp thêm những vấn đề, bế tắc cho người đó và chính bạn? Đại dịch COVID-19 vừa qua đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, một trong số đó là bài học về yêu thương bản thân. Cả thế giới dường như rơi vào tình trạng căng thẳng, sợ hãi và không chắc chắn điều gì sẽ xảy đến. Chúng ta muốn cứu người khác, nhưng trước tiên chúng ta cần phải tự cứu lấy mình.
tại sao việc thiết lập ranh giới lại quan trọng cho sức khỏe tinh thần?
Thiết lập ranh giới là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Theo Stephanie Roth Goldberg – một nhà tâm lý trị liệu ở New York: “Nếu không đặt ra giới hạn cho bản thân, bạn sẽ làm rất nhiều việc bạn không muốn làm và những người khác sẽ hút cạn năng lượng, thời gian của bạn”.
Babita Spinelli – nhà tâm lý trị liệu và phân tâm học ở New York và Bắc New Jersey – lại cho rằng, ranh giới có tác động lớn đến các mối quan hệ của chúng ta. Những ranh giới không lành mạnh khiến chúng ta cảm thấy như luôn phải chiều lòng người khác, điều đó dẫn đến sự phẫn nộ, lo lắng và thậm chí là trầm cảm. Mặt khác, thiết lập ranh giới cũng đồng nghĩa với việc không để người khác đưa ra quyết định thay hoặc phụ thuộc vào cảm xúc của người khác.
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để thiết lập ranh giới của bản thân với người khác và đồng thời cũng tôn trọng ranh giới của họ? Dưới đây là một vài lời khuyên giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần từ một số chuyên gia:
1. nâng cao sự tự nhận thức
Việc thiết lập ranh giới tinh thần sẽ bắt đầu từ thấu hiểu bản thân. Nếu bạn cảm thấy tâm lý, cảm xúc của mình chưa ổn định để giúp đỡ người khác, hãy thừa nhận điều đó với chính mình trước và bày tỏ với đối phương một cách chân thành. Nếu không thì việc thiết lập ranh giới của bạn sẽ khó thành công và bạn sẽ rơi vào tình trạng kiệt sức.
Khi ai đó tìm đến bạn, hãy nhìn vào bên trong bản thân và quyết định ranh giới bạn cần. Bạn nên chú tâm đến cảm xúc của mình nhiều hơn, hãy tạm dừng, hít thở, kết nối với nội tâm để trả lời câu hỏi: “Người đó cần gì ở bạn?”, “Bạn có thể mang lại cho họ điều gì vào lúc này?”, “Giới hạn cho cảm xúc của bạn là gì?”.
BÀI LIÊN QUAN
2. CHĂM SÓC BẢN THÂN
Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn có quyền tự chăm sóc mình. Nhiều người cho việc đặt ra ranh giới như vậy là rất ích kỷ, nhưng bản thân mỗi người đều cần thời gian để thở, phục hồi năng lượng và giữ cho sức khỏe tinh thần luôn ổn định khi tương tác với người khác.
Sự thật là bạn bè và gia đình nên tôn trọng giới hạn của bạn. Bạn phải nhận ra những vấn đề trong cảm xúc của mình. Khi bước vào một mối quan hệ, hãy để ý xem mối quan hệ này có thực sự lành mạnh hay không.
Nếu ai đó liên tục nghi ngại và đi quá giới hạn của bạn hết lần này đến lần khác, đã đến lúc bạn nên nhìn nhận lại một cách kỹ lưỡng mối quan hệ này. Đó có phải là một mối quan hệ mang tới sự hài lòng và tôn trọng? Hay bạn chỉ cảm thấy như bị hút cạn năng lượng và ăn mòn cảm xúc khi ở trong mối quan hệ đó? Khi chào đón một người đến với cuộc sống của bạn, họ phải là người tôn trọng ranh giới của bạn, điều này rất dễ nhận ra khi bạn bắt đầu quan sát cảm xúc của mình.
BÀI LIÊN QUAN
3. Trung thực và vững vàng
Nếu ai đó gọi điện hoặc nhắn tin và bạn cảm thấy không thể trò chuyện với họ, hãy cho họ biết. Chúng ta không chỉ học cách để thấu hiểu người khác mà đôi khi còn cần học cách trung thực và bản lĩnh hơn. Goldberg đã đề xuất một vài câu nói để ứng xử trong trường hợp này: “Mình đã thấy cuộc gọi của bạn. Thực sự xin lỗi, nhưng mình không thể gọi lại cho bạn ngay bây giờ, mình sẽ gọi cho bạn sớm nhất có thể”. Cô bổ sung thêm: “Mình vừa trải qua một ngày vất vả và bây giờ mình cần nghỉ ngơi tinh thần một chút”.
Càng trung thực, bạn sẽ càng cảm thấy thoải mái. Tuy điều này sẽ khiến đối phương không mấy vui vẻ, nhưng nó sẽ khiến người khác hiểu rằng bạn đang thành thật với cảm xúc của chính mình. Đây cũng là một cách tốt để thiết lập ranh giới với những người xung quanh.
Chúng ta nên đặt ra ranh giới bằng cách mạnh dạn nói ra suy nghĩ của mình khi gặp những chủ đề khiến bạn khó chịu, đồng thời giải thích lí do bạn không thể bàn luận về chủ đề đó. Dù gì đi nữa, bạn cũng không nên nói dối bởi vì điều đó luôn luôn chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.
4. đừng cảm thấy tội lỗi khi người khác phản đối ranh giới của bạn
Sẽ có nhiều ý cho rằng việc thiết lập ranh giới cho sức khỏe tinh thần và từ chối giúp đỡ là vô trách nhiệm. Tuy nhiên, theo chuyên gia, chúng ta nên cảm thông nhưng không cần phải xin lỗi. Hãy nhớ rằng bạn không thể kiểm soát phản ứng của người khác, do đó, bạn không cần phải xin lỗi những người xa lánh bạn chỉ vì họ muốn bạn phải cảm thấy tội lỗi.
Sự thực là họ chỉ đang diễn giải ranh giới của bạn dưới góc nhìn và kinh nghiệm sống của họ. Vì vậy, hãy giữ vững quan điểm của mình và không cần chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác, bạn sinh ra không phải để làm hài lòng tất cả mọi người.
BÀI LIÊN QUAN
5. Thiết lập giới hạn về thời gian
Nếu bạn cảm thấy quá tải và mệt mỏi khi mọi người cứ liên tục nhắn tin cho bạn, nhưng bạn lại không muốn ngắt kết nối hoàn toàn, hãy thử giới hạn một khung thời gian nhất định để trò chuyện cùng họ. Đây có thể là một chiến thuật đặc biệt cho những người thân của bạn.
Sắp xếp cuộc nói chuyện dài với một vài người bạn, dành thời gian cụ thể với các thành viên trong gia đình để cùng xem lại và giải quyết các vấn đề… làm như vậy, bạn sẽ không cảm thấy kiệt sức khi liên tục phải trả lời điện thoại, tin nhắn hay gắng sức để làm người khác vui lòng. Bạn cũng sẽ cảm thấy sẵn sàng và quản lý thời gian tốt hơn. Hãy chủ động hơn trong giao tiếp, ví dụ, bạn có thể nói: “Chúng ta có thể gặp nhau vào khoảng 7-8 giờ tối thứ Tư tuần này không?”.
6. Ý thức và tôn trọng ranh giới tinh thần của người khác
Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn mong muốn được đối xử. Nếu bạn muốn bạn bè và gia đình tôn trọng ranh giới của bạn, hãy làm điều tương tự với họ.
Trước khi chia sẻ điều gì đó, sẽ tinh tế hơn nếu bạn để ý và hỏi người khác rằng họ có sẵn sàng để lắng nghe nỗi niềm của bạn không. Đôi khi bạn cũng nên lùi một bước và suy nghĩ liệu bạn có quá phụ thuộc vào sự giúp đỡ của một người nào đó không? Nếu có, hãy hỏi bản thân bạn rằng: “Mình có nên tìm kiếm phương thức khác để vượt qua khó khăn không?”, “Mình đã cố gắng đủ chưa?”, “Mình có nên chia sẻ với người khác không?”… Hiểu bản thân sẽ khiến bạn tôn trọng giới hạn của người khác và giữ cho mối quan hệ được lành mạnh hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Bảo Tâm Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Healthy