Retail Therapy: Liệu pháp mua sắm giúp cải thiện tâm trạng
“Retail therapy” (liệu pháp mua sắm) là hành động mua hàng nhằm kích thích cảm xúc vui sướng, hân hoan. Ngày nay, “retail therapy” trở thành một phương pháp phổ biến được nhiều người lựa chọn để cải thiện tâm trạng.
“Retail therapy” (Liệu pháp mua sắm) là một thuật ngữ khá phổ biến trong thời gian gần đây chỉ việc mua sắm để xoa dịu hoặc cải thiện tâm trạng. Liệu pháp này được thúc đẩy bởi mong muốn được cảm thấy dễ chịu của người mua hơn là thỏa mãn một nhu cầu về một món hàng nào đó.
Cùng ELLE tìm hiểu những lợi ích mà liệu pháp mua sắm mang lại và một số điều cần lưu ý khi áp dụng liệu pháp này nhé.
Điều gì xảy ra ở não bộ khi chúng ta xem mua sắm như một liệu pháp tâm lý?
Endorphin là chất dẫn truyền thần kinh, gửi tín hiệu đi khắp não và hệ thần kinh. Chúng giúp giảm cảm giác đau và tăng cường cảm giác thoải mái. Khi mua sắm, chúng ta thường cảm thấy hứng thú, mong đợi và thậm chí bất ngờ trước những món hàng hay cách bài trí mới tại cửa hàng. Việc này thúc đẩy hormone endorphin sản sinh trong cơ thể, khiến bạn cảm thấy hưng phấn hơn.
Bên cạnh đó, endorphin cũng hoạt động cùng với dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh khác được biết đến với tên gọi “hormone hạnh phúc”. Vì vậy, mỗi trải nghiệm mua sắm với những bất ngờ mới đều giúp giải phóng các hormone này nhiều hơn bên trong não bộ và cơ thể.
Phân biệt giữa “liệu pháp mua sắm” và chứng “nghiệm mua sắm”
“Liệu pháp mua sắm” thường bị nhầm lẫn với chứng “nghiệm mua sắm”, nhưng thật ra hai thuật ngữ này mang những ý nghĩa khác nhau.
Với “liệu pháp mua sắm”, bạn kiểm soát được chi tiêu của mình và dễ dàng tìm được sự thoải mái dù quyết định mua hay không mua các sản phẩm. Mặt khác, chứng “nghiệm mua sắm” khiến bạn không thể dừng việc mua sắm lại và bạn có thể vẫn tiếp tục mua các sản phẩm bạn đã sở hữu hoặc không dùng tới. Thông thường, người nghiện mua sắm sẽ cảm thấy hối tiếc sau khi đã quyết định mua sản phẩm.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang đi khỏi phạm vi của liệu pháp mua sắm
Ranh giới giữa “liệu pháp mua sắm” và “chứng “nghiệm mua sắm” vô cùng mong manh. Do đó, bạn cần giữ cho mình sự tỉnh táo nhất định mỗi khi áp dụng liệu pháp mua sắm để giải tỏa tâm trạng. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bắt đầu vượt qua giới hạn của “liệu pháp mua sắm”:
- Dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ hoặc tìm kiếm những món đồ bạn không cần.
- Gặp vấn đề về tiền bạc do mua sắm không kiểm soát.
- Bạn gặp nhiều vấn đề khó khăn trong các mối quan hệ xung quanh do chi tiêu quá mức.
- Có một sự thôi thúc vô hình khiến bạn tiếp tục mua các mặt hàng tương tự.
- Lơ là công việc, gia đình để mua những món đồ không cần thiết.
Những dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ mắc chứng “nghiện mua sắm”
- Luôn khao khát một cái gì đó mới.
- Dễ chán nản.
- Trở nên bi quan.
- Phụ thuộc vào sự công nhận hoặc phán xét của xã hội.
- Cảm thấy tội lỗi khi đã mua hàng.
- Rối loạn tâm trạng, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống hoặc rối loạn kiểm soát xung lực (người mắc phải chứng này khi gặp khó khăn lớn thường không thể chịu được hoặc khiến bản thân chống lại sự thôi thúc thực hiện một hành động).
Giải pháp
Theo nhiều chuyên gia về sức khỏe tâm thần, chứng rối loạn mua sắm cưỡng bức là một dạng hành vi nghiện hoặc biểu hiện của chứng rối loạn kiểm soát xung lực. Nếu nhận thấy bản thân bắt đầu có những dấu hiệu cần lưu ý đã nêu trên, bạn nên học cách quản lý nhu cầu mua sắm của mình. Bạn cũng có thể tìm đến các nhà trị liệu để tìm ra nguyên nhân dẫn đến hành vi mua sắm quá mức và trang bị cho bản thân những kỹ năng để đối phó với chúng.
Lợi ích của liệu pháp mua sắm
- Sự tự tin: Liệu pháp mua sắm có thể làm tăng sự tự tin của bạn. Trong quá trình đi mua sắm hoặc chỉ đơn giản là đi tham quan các cửa hàng, bạn có cơ hội mở rộng tầm nhìn của mình. Bạn sẽ biết được nhiều sản phẩm có thể cải thiện cuộc sống của bạn hoặc cuộc sống của những người bạn quan tâm.
- Kiểm soát cảm xúc: Liệu pháp mua sắm giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn và ngăn nỗi buồn kéo dài. Tự mua sắm cho bản thân cũng có thể làm giảm cảm giác bất lực thường xuất hiện khi tâm trạng không tốt.
- Thúc đẩy trí tưởng tượng: Mua sắm có thể làm giàu trí tưởng tượng của bạn bằng cách hình dung những hình ảnh, mùi vị và kết cấu cụ thể về những đồ vật mà bạn đang muốn sở hữu. Nó cũng khuyến khích bạn suy nghĩ sáng tạo và thúc đẩy niềm tin rằng bạn có thể cải thiện cuộc sống của mình theo một cách nào đó.
Mặt trái của liệu pháp mua sắm
Liệu pháp mua sắm cũng có những mặt hạn chế nhất định nếu vượt khỏi mức kiểm soát. Những mặt trái ấy bao gồm:
- Ứng phó né tránh (avoidance coping): Liệu pháp mua sắm có thể là một cơ chế ứng phó né tránh. Ứng phó né tránh bao gồm những nỗ lực mang tính nhận thức và các hành vi hướng tới việc giảm thiểu hoặc tránh đối diện trực tiếp với các yếu tố gây căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm. Các hành vi né tránh (chẳng hạn như việc mua sắm) có thể giúp chúng ta cảm thấy thoải mái vào thời gian đầu. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá mức sẽ làm gia tăng mức độ căng thẳng.
- Dễ nghiện: Liệu pháp mua sắm có thể là tiền đề của chứng “nghiện mua sắm” nếu không biết áp dụng đúng cách. Hành vi nghiện mua sắm biểu hiện qua việc mua hàng liên tục để đối phó với những cảm xúc tiêu cực.
Một số liệu pháp KHÁC GIÚP CẢI THIỆN TÂM TRẠNG
Không chỉ có liệu pháp mua sắm mới có thể giúp tâm trạng bạn tốt hơn. Có rất nhiều cách thức lành mạnh, dễ áp dụng khác bạn có thể thử ngay tại nhà.
- Yoga và thiền: Yoga và thiền có thể giải phóng endorphin và giúp làm chậm quá trình lão hóa.
- Vận động Hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện tâm trạng và giúp tim, xương, hệ tiêu hóa được khỏe mạnh.
- Tắm nắng: Một lượng tia cực tím (UV) vừa phải trong ánh sáng mặt trời có thể làm tăng các hormone giúp cải thiện tâm trạng.
- Cười: Tiếng cười có thể làm giảm lượng hormone gây căng thẳng trong cơ thể, làm giảm bớt các triệu chứng lo lắng.
- Trị liệu bằng hương thơm: Tinh dầu thơm, nến thơm hoặc các sản phẩm tắm gội có hương thơm có thể giúp bạn giảm lo lắng, thúc đẩy sự thư giãn và khuyến khích giải phóng endorphin.
- Di chuyển theo điệu nhạc: Gật đầu hoặc nhảy múa theo âm nhạc có thể giải phóng nhiều endorphin hơn cho cơ thể của bạn.
- Tránh sử dụng thuốc lá và chất kích thích: Bỏ thuốc lá và tránh lạm dụng chất gây nghiện có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn.
Ngoài mua sắm, hòa mình vào thiên nhiên, nghe nhạc, tập thể dục và gắn kết với những người thân yêu cũng có thể là những liệu pháp vô cùng hiệu quả để cải thiện cảm xúc. Tùy vào điều kiện của mình, bạn nên chọn những hoạt động bản thân có thể duy trì thực hiện để tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất.
Bài: Thảo Vy
Tham khảo: Very well Health