Lifestyle / Bí quyết sống

10 sai lầm trong cách dạy con sau khi cha mẹ ly hôn

Dạy con là một nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế, đặc biệt là khi gia đình có cha mẹ đã ly hôn. Nếu thiếu sự thấu hiểu, bạn sẽ dễ mắc những sai lầm sau.

mẹ ly hôn dẫn con đi trên đường

Các vụ ly hôn diễn ra nhiều đến nỗi có hẳn một kỷ lục Guiness được xác lập về tỷ lệ ly hôn cao nhất trên thế giới. Bất ngờ thay, thiên đường tuần trăng mật mà mọi cặp đôi mới cưới đều mơ ước đến một lần – Maldives – lại là nơi đang giữ kỷ lục này. Ly hôn là điều không ai muốn, nhưng đó có lẽ là lựa chọn cuối cùng để giải thoát những cặp vợ chồng khỏi những tranh cãi, bất đồng không thể giải quyết. Người trong cuộc chắc chắn sẽ phải đối mặt với giai đoạn khó khăn trước khi vượt qua được cú sốc này, trong đó, con trẻ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh việc dành thời gian để hồi phục vết thương của bản thân, các bậc phu huynh cũng cần biết cách ứng xử trong lúc trẻ đang ở giai đoạn nhạy cảm nhất.

Dưới đây là 10 sai lầm trong cách dạy con mà các cặp vợ chồng thường mắc phải trong suốt quá trình gặp trục trặc về hồn nhân. Nếu bạn đang trải qua tình huống không mong muốn này, hy vọng bạn sẽ rút ra được vài kinh nghiệm nhỏ cho bản thân mình.

trái tim ly hôn
Ảnh minh họa: Unsplash

1. Nhìn nhận trẻ như một người lớn

Trẻ em không phải là người lớn. Chúng có thể không hoàn toàn hiểu nguyên nhân ly hôn của cha mẹ cũng như không thể hiểu được cảm xúc của bạn. Đừng mong đợi con trẻ hiểu chuyện như một người lớn và phải cảm thông cho quyết định của cha mẹ, như thế là bạn đang đặt áp lực lên vai con. Hãy chia sẻ với con theo cách khiến chúng cảm thấy an toàn và không hoang mang vì sự chia cắt của cha mẹ.

Bạn không nhất thiết phải nói với con về mọi thứ. Trẻ cần sự quan tâm và ủng hộ từ bạn chứ không phải nhận lấy những muộn phiền hay rắc rồi bạn đang gặp phải. Hãy dành phần khó nhằn ấy cho bạn bè hoặc những người bạn đặc biệt tin tưởng.

 2. BẮT trẻ lựa chọn

Sai lầm mà nhiều người mắc phải trong cách dạy con là bắt trẻ phải chọn lựa giữa cha hoặc mẹ, bao gồm cả việc trẻ muốn ở cùng ai. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy mình đang phản bội ai đó. Bằng việc chọn một trong hai, chúng vô tình làm tổn thương người còn lại. Thật không công bằng với trẻ. Cả hai có thể lắng nghe ý kiến của con, thảo luận cùng nhau và đưa ra quyết định tại tòa. Đừng bao giờ ép trẻ là người đưa ra sự lựa chọn.

 3. Cố trở thành cha/mẹ con thích nhất

Việc cố xây dựng hình tượng là một bậc cha mẹ tốt hơn người còn lại trong mắt con có thể gây tổn hại đến trẻ, ví dụ như cho phép trẻ làm những việc mà đối phương đã ngăn cấm. Dần dần, con bạn sẽ hình thành thói quen làm tùy ý những điều chúng muốn và bỏ ngoài tai những lời khuyên hay sự dạy dỗ. Việc này có thể tác động xấu đên nhân cách của trẻ khiến, chúng trở nên hư hỏng hoặc bất thường.

Hai bạn nên cùng ngồi xuống và đi đến thống nhất những điều cả hai đồng thuận dạy con cũng như những điều cha mẹ được làm với trẻ. Quan trọng nhất vẫn là tính nhất quán trong cách hành xử với con.

mẹ ly hôn và con gái
Ảnh minh họa: Unsplash

4. Khiến Trẻ cảm thấy tội lỗi

Trẻ cũng phải trải nghiệm cảm giác căng thẳng khi không khí gia đình hoàn toàn đổi khác. Và điều tồi tệ nhất có thể xảy đến là con cảm thấy nguyên nhân những sự kiện không hạnh phúc này đến từ mình.

Thế nên, việc giải thích rằng hiện trạng này không phải là lỗi của con rất quan trọng. Con không nên cảm thấy do chúng không thể đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ nên họ mới ly hôn. Tùy vào từng lứa tuổi mà bạn có thể giải thích cho con hiểu rằng vì sao tình huống này lại xảy ra.

5. Bạn tự nhận lỗi

Bên cạnh đó, bạn cũng nên giải thích đây không phải là lỗi của mình. Trong cuộc sống, không phải lúc nào mọi chuyện xảy ra cũng đều bắt nguồn từ một lỗi lầm nào đó và ly hôn là một loại sự kiện như thế. Nếu bạn tự nhận tất cả phần lỗi về mình và đóng vai trò như một người mang tội, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ. Chúng có thể bắt đầu sử dụng điều ấy như một cái cớ và trở nên hư hỏng, cho phép mình làm mọi thứ. Tệ hơn, trẻ còn có thể bắt đầu đổ lỗi cho bạn về mọi sai lầm của chúng. Rõ ràng, đây không thể là cách dạy con đúng đắn.

6. Nói những điều tiêu cực về đối phương

Điều tử tế bạn nên làm cho trẻ là không đổ lỗi cho chính mình, đồng thời cũng không đổ lỗi cho người còn lại. Không cần thiết phải nói với con về những lỗi lầm của cha mẹ và cố đừng nói xấu đối phương trước mặt chúng.

Đừng quên rằng, con cũng là một nửa của cả cha lẫn mẹ. Vậy nên, khi bạn nói xấu người còn lại, trẻ có thể để tâm và học theo thái độ không tốt của bạn. Chuyện xảy ra là vấn đề của người lớn, đừng vì vậy mà chủ động thay đổi tình thương mà trẻ dành cho cả cha lẫn mẹ.

7. Dùng trẻ như một người hòa giải

em bé có bố mẹ ly hôn
Ảnh minh họa: super

Dù đang ở trong trường hợp không muốn giao tiếp với người còn lại thế nào, đừng bao giờ biến con bạn thành người truyền thông điệp giữa cả hai. Trẻ không nên nghe những lời nhắn, suy nghĩ của cha chuyển đến mẹ và ngược lại.

Hãy cố tự mình nói chuyện trực tiếp với đối phương. Đứa trẻ của bạn sẽ chịu áp lực khi đứng giữa hai chiến tuyến và cảm thấy bối rối khi không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

8. Ngăn cấm mối liên hệ giữa trẻ và phụ huynh

Một sai lầm trong cách dạy con thường thấy ở các bậc phụ huynh khi ly hôn là ngăn cấm trẻ giao tiếp với cha/mẹ. Ngược lại, bạn nên khuyến khích đối phương dành thời gian bên con, nhất là trong các sự kiện quan trọng với trẻ. Con cái đều cần sự quan tâm của cả cha lẫn mẹ, sự thiếu vắng mối liên kết với bất cứ ai cũng có thể mang đến tổn thương cho con. Mâu thuẫn nảy sinh từ quan hệ giữa hai người, đừng nên để trẻ hứng chịu hậu quả từ mối bất hòa của cả hai.

9. Tra hỏi chi tiết

Nếu bạn đã tạo điều kiện để con đến thăm cha hoặc mẹ ở nơi ở mới, việc tiếp theo nên làm là tránh việc tra hỏi trẻ khi con trở về nhà. Ngay cả khi bạn tò mò về người mới của vợ/chồng cũ, đừng cố đạt được lợi ích riêng ấy thông qua trẻ. Hãy giới hạn bản thân ở những câu hỏi bình thường để con cảm thấy thoải mái về cuộc gặp gỡ. Hãy trở thành bậc cha mẹ có cách dạy con tinh tế từ những lưu ý nhỏ nhặt này nhé.

cô bé che mặt vì cha mẹ ly hôn
Ảnh minh họa: Unsplash

10. Cho rằng trẻ không hiểu CHUYỆN

Hiển nhiên, con trẻ không thể hiểu tất cả mọi thứ vì hạn chế của độ tuổi. Nhưng chúng có thể nhìn thấy, lắng nghe và chú ý mọi thứ. Vì thế, cha mẹ nên tránh cãi vã, thể hiện thái độ tiêu cực trước mặt con. Con trẻ có thể thấy mọi thứ và điều ấy có thể làm tổn thương chúng. Thế nên, hãy kiềm chế cảm xúc khi bên con, đừng đưa chúng vào trường hợp căng thẳng. Hãy cố giải quyết những vấn đề của cả hai một cách riêng tư để bảo vệ con nhé.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Brightside
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)