6 dấu hiệu cho thấy bạn bị gaslight trong công việc
Dựa trên kết quả khảo sát của Mr Global, có đến 60% người chia sẻ rằng họ là nạn nhân của gaslighting khi đi làm. Đây quả thực là một con số đáng quan ngại, vì nó thể hiện rằng kể cả trong môi trường công sở chuyên nghiệp, bất kỳ ai cũng khó tránh khỏi việc thao túng tâm lý hay bị kiểm soát, hạ bệ bởi đồng nghiệp hay các cấp quản lý. Về lâu dài, sức khỏe tinh thần của bạn sẽ tuột dốc không phanh và nỗi ám ảnh tâm lý bị thao túng sẽ liên tục khiến bạn cảm thấy bức rức, mệt mỏi. Nếu bạn là một nhân viên văn phòng 9-5 (thuật ngữ miêu tả những người làm việc 8 tiếng từ 9h sáng đến 5h chiều hằng ngày), hoặc biến thể của 9-5 (giờ ra vào sớm hoặc trễ hơn tùy vào văn hóa công ty), chắc chắn rằng môi trường làm việc tại công ty ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và sức khỏe của bạn vì đó chính là nơi bạn dành thời gian nhiều thứ hai, chỉ sau nhà riêng.
Theo tiến sĩ Preston Ni, một chuyên gia nổi tiếng về giao tiếp ứng xử, có 6 dấu hiệu để một người nhận biết dấu hiệu bị gaslighting nơi công sở. Nhìn chung, các dấu hiệu này đều là những hành động hạ thấp đối phương dựa trên cái nhìn chủ quan và thiếu xác thực. Hãy cùng ELLE tìm hiểu đâu là những dấu hiệu bạn cần lưu ý!
1. Đồng nghiệp luôn “bóp méo” sự thật
Đây là hành vi gaslighting rõ ràng nhất ở môi trường làm việc. Cụ thể gaslighter sẽ khiến bạn nghi ngờ bản thân mình, khiến bạn mất phương hướng trong suy nghĩ và cuối cùng buộc phải nghe theo họ. Một số câu nói điển hình của kẻ thao túng chính là “Tôi hành xử như vậy vì lo cho bạn thôi”, “Tôi chưa bao giờ nói vậy cả, bạn nhớ nhầm rồi” hoặc “Sao bạn lại suy nghĩ nhiều thế, chuyện đó chẳng có gì to tát”.. Một ví dụ khác về việc bóp méo sự thật chính là khi đồng nghiệp tự nhận mọi công lao, ý tưởng, sẵn sàng gạt phăng bạn khỏi dự án nhóm cho dù bạn là người lên ý tưởng trong mọi việc. Bằng cách che giấu sự thật, đối phương sẽ thao túng tâm lý để bạn tự vấn rằng phải chăng bản thân mình mới là người có vấn đề.
Khi gặp trường hợp này, điều đầu tiên bạn nên làm đó là giữ vững tinh thần và bình tĩnh phân tích từng sự việc. Sau đó tìm các giải pháp để vượt qua vấn đề này, bạn có thể bàn bạc kỹ lưỡng với sếp và đồng nghiệp về các đầu việc được giao, ghi chép thật cẩn thận những lưu ý, hoặc an toàn hơn, là tạo bản copy của những dự án bạn đang đảm nhận, để khi có sự cố, bạn sẽ tránh được những mâu thuẫn không đáng có với đồng nghiệp.
2. Bạn nhận những lời chỉ trích, công kích mang tính cá nhân
Khi bản thân liên tục nhận những ý kiến chỉ trích thay vì ý kiến mang tính xây dựng, rất có thể bạn đang bị gaslighting. Ở môi trường công sở, hành vi này được thể hiện thông qua những lời nói mang hàm ý trách móc như “Việc này dễ đến thế sao em lại không làm được”, “Vì em nên tiến độ công việc lúc nào cũng bị trì trệ”, “Anh/chị nghĩ em không phù hợp với vị trí này”, “Thay vì làm những hành động vô bổ như… em nên dành thời gian vào công việc nhiều hơn đi”. Một ví dụ khác là khi bạn giải thích những lý do bất khả kháng khi không thể hoàn thành kịp deadline và mong muốn xin thêm thời gian, nhưng bị từ chối ngay lập tức với câu nói “Việc này người khác làm một tí là xong!”. Dù chỉ là câu nói bâng quơ nhưng lại vô tình khiến đối phương đánh mất sự tự tin và không thể ngừng đổ lỗi cho bản thân.
Khi đối diện với những câu nói mang tính gaslighting như trên, bạn nên tìm cách trao đổi lại với sếp, đồng nghiệp về những khuyết điểm bạn cần cải thiện. Nếu hai bên có thể thống nhất quan điểm sau khi trao đổi, thì bạn sẽ hạn chế được tình trạng bị gaslighting.
3. Việc thất hứa đã xảy ra quá thường xuyên với bạn
Trốn tránh trách nhiệm, phủ nhận công sức của người khác, thất hứa năm lần bảy lượt – những trường hợp này đã không ít lần xảy ra ở môi trường công sở đối với những kẻ thích chơi chiêu trò thao túng tâm lý gaslighting, dù người đó là đồng nghiệp hay sếp của bạn. Lúc đầu thì họ sẽ tỏ vẻ như bản thân quên những gì mình đã nói, nhưng dần dần họ liên tục loại bạn khỏi những dự án hay quyết định quan trọng của đội nhóm, và vai trò của bạn đang dần lu mờ trong mắt mọi người. Biểu hiện rõ ràng nhất của hành vi này đó là khi sếp hứa sẽ thăng chức, tăng lương cho nhân viên, nhưng rồi lại hóa im lặng và để mọi chuyện dần chìm vào quên lãng.
Hậu quả của việc thất hứa này vô hình trung có thể gây ảnh hưởng xấu đến công ty, chẳng hạn như tinh thần làm việc của nhân viên bị giảm sút, tiến độ công việc bị trì trệ kèm theo gia tăng tỷ lệ bỏ việc. Nếu nhận thấy tình trạng thất hứa này luôn kéo dài, bạn nên cân nhắc chuyển hướng đến môi trường công sở mới có phúc lợi tốt hơn.
Xem thêm
• 5 bước biến công việc hiện tại của bạn thành công việc mơ ước
• Bài học từ những công việc cũ mà bạn đã làm
• 7 lí do vì sao bạn luôn trì hoãn công việc và mẹo để loại bỏ nó
4. Cấp trên luôn tỏ thái độ thiên vị
Dù gắn bó với công việc trong khoảng thời gian khá lâu, nhưng nếu cảm thấy bản thân không không có sự phát triển trong tương lai, đây là dấu hiệu quan trọng để bạn xem xét lại môi trường làm việc hiện tại, bởi có thể bạn đang đối mặt với hành vi thiên vị của cấp trên. Biểu hiện thường thấy đầu tiên của hành vi gaslighting này trong môi trường công sở là sự thiên vị hay việc phân chia công việc không đồng đều giữa các thành viên trong nhóm. Ví dụ như bạn và đồng nghiệp ở cùng một level và vị trí công việc, nhưng một bạn được phụ trách nhiệm vụ nhỏ nhặt, không liên quan đến chuyên môn. Một hành vi khác thể hiện sự thiên vị đó chính là cấp trên thường xem nhẹ lỗi sai của nhân viên thân tín hay không công nhận nỗ lực của nhân viên hết lòng tận tụy trong công việc. Khi nhận thấy sếp có sự thiên vị với người khác, bạn vẫn nên giữ thái độ lịch sự với nhà quản lý và người được sếp ưu ái. Sau đó, bạn có thể trao đổi lại với sếp về quá trình làm việc của mình rằng bạn đã và đang làm tốt ở điểm nào hoặc có điểm nào cần phải cải thiện. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng gây ấn tượng với sếp hơn.
5. Bạn không có cơ hội phát triển
Một dấu hiệu gaslighting khác ở chốn công sở đó chính là bạn luôn bị tước đi các cơ hội để thể hiện năng lực bản thân hoặc mọi công sức đều bị phủi bỏ dù có cố gắng đến đâu. Đây quả thực là một trải nghiệm khó xử và tồi tệ không ai muốn gặp phải vì nó mang đến cảm giác như mọi nỗ lực của bạn đều bằng không. Thăng tiến và nhận được phần thưởng xứng đáng là mục tiêu trong sự nghiệp của nhiều người, thế nhưng, những người thao túng sẽ luôn tìm lý do để phủ nhận những đóng góp cũng như nỗ lực của bạn. “Ăn may”, “nhờ có sếp hướng dẫn”, “nhờ đồng nghiệp hỗ trợ”, “nhờ khách hàng dễ tính”… là một trong số các lý do để họ phủ định và làm lu mờ những cố gắng và thành tựu của người bị thao túng, khiến họ đánh mất sự tự tin vào năng lực cá nhân.
6. Bạn bị cô lập bởi đồng nghiệp
Mỗi công ty đều chứa đựng nền văn hóa doanh nghiệp riêng biệt, với triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi khác nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng trong môi trường lao động. Thế nhưng, việc bị cô lập khỏi tập thể, xúc phạm danh dự hay luôn bị giao những công việc không thuộc về mình là điều khó tránh khỏi khi bạn làm việc cùng tập thể. Ngoài ra, những người bị gaslighting cũng bị đem ra so sánh với các đồng nghiệp khác, dù cho họ có đạt được nhiều thành tích ra sao. Tệ hơn là khi bạn chất vấn với người thao túng, họ sẽ luôn dẫn dắt bạn theo một hướng khác và làm bạn nghi ngờ năng lực của bản thân mình. Một lời khuyên dành cho bạn đó chính là cân nhắc tìm kiếm các cơ hội khác để tìm một nơi mà bạn cảm thấy có giá trị, được đánh giá cao và được tôn trọng.
Bài: Minh Thư
Tham khảo: Bestlifeonline