BÀI LIÊN QUAN
Chính sự thân thiết đôi khi lại dẫn đến hình thành các mối quan hệ không lành mạnh, dù là trong tình bạn hay tình yêu. Nếu bạn liên tiếp bị lấn át bởi cảm xúc tiêu cực thì khả năng cao là bạn đang trải qua một mối quan hệ như thế. Không còn cách nào khác ngoài việc nói lời kết thúc, nhưng sau khi chia tay, bạn phải làm gì để không bao giờ phải vướng vào một mối quan hệ tình cảm “độc hại” nữa?
Bắt đầu viết nhật ký
Biểu hiện dù nhỏ nhưng nói lên được rất nhiều điều về các mối quan hệ. Tuy nhiên vì nhỏ nhặt nên người ta lại dễ bỏ qua nhất.
Viết nhật ký nghĩa là bạn đang “hữu hình hóa” mọi cảm xúc, suy nghĩ đang nảy sinh trong lòng. Hãy viết về một ngày của bạn với người ấy, hai người đã làm gì, đi đâu,… và quan trọng nhất là bạn có cảm thấy hạnh phúc. Nếu câu trả lời thường xuyên là không, bạn nên ngồi lại để suy xét xem liệu mối quan hệ này có xứng đáng níu giữ. Nên nhớ rằng mục đích của các mối quan hệ là làm cuộc sống trở nên tích cực hơn chứ không phải điều ngược lại.
Lắng nghe người thân và bạn bè
Không tự nhiên mà người ta có câu “tình yêu là mù quáng”. Chính vì vậy, điểm nhìn từ những người thân xung quanh là rất quan trọng khi bạn gặp được người mới.
Ví dụ một số câu nói bắt đầu bằng “em phải thế này”, “em không được”, “anh không thích em”… thường là dấu hiệu của những người thích thao túng. Họ ích kỷ và không hề quan tâm tới cảm xúc của đối phương. Đây là lúc phải nhờ đến con mắt khó tính của anh em bạn bè để kéo bạn ra khỏi một mối quan hệ không lành mạnh.
Giữ khoảng cách
Đặt dấu chấm hết là rất khó khăn, cảm xúc hỗn độn khiến chúng ta không thể lựa chọn rành mạch giữa việc có nên tiếp tục hay dừng lại hẳn.
BÀI LIÊN QUAN
Có thể làm bạn sau khi chia tay?
Ở tình huống khó xử như vậy thì giữ khoảng cách là việc trước mắt bạn có thể làm. Trong một vài ngày, bạn hãy đắm chìm trong công việc, thực hiện những kế hoạch dở dang, đi du lịch hoặc đơn giản là dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Đây sẽ một phép thử nếu như bạn có ý định chia tay, đồng thời cho bạn thời gian để đánh giá lại mối quan hệ ấy.
Ngưng phủ nhận
Liên tục phủ nhận và biện hộ cho đối phương là một dấu hiệu đáng lo ngại. Dĩ nhiên không ai là hoàn hảo nhưng cũng không thể bỏ qua nếu bạn cứ thường xuyên phải lên tiếng đính chính.
Sự phủ nhận cũng đến từ mù quáng trong tình yêu, thậm chí hình thành nên cả thói quen xấu. Lúc này thay vì nói về nửa kia, bạn hãy bắt đầu đặt ra các câu hỏi cho chính mình, ví dụ: Tôi có thấy vui vẻ hay mệt mỏi khi ở bên người ấy? Tôi có thực sự muốn làm điều này với anh ấy? Đã bao nhiêu lần anh ấy khiến tôi thất vọng?… Biết mình muốn gì mới là chìa khóa của hạnh phúc, nếu không yêu được bản thân thì sao bạn có thể yêu được người khác?
Trang bị kiến thức
Là một phạm trù xúc cảm nhưng chúng ta cũng cần phải học cách yêu. Hãy xem đây là một kĩ năng sống vì chỉ có yêu mới là con đường tìm đến người bạn đời.
Những lý thuyết có trong sách báo tuy không thể áp dụng hoàn toàn ngoài đời nhưng nó sẽ là cần thiết để bạn xây dựng một nền tảng riêng trong việc xây dựng các mối quan hệ. Bên cạnh đó hãy tham khảo từ các cặp đôi xung quanh, dù họ hạnh phúc hay không thì ít nhất bạn vẫn có thể rút ra cho mình các bài học đáng nhớ. Trang bị kiến thức là một bước để bạn định hướng, bất kể bạn muốn bắt đầu hay kết thúc, chỉ có bạn mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhóm thực hiện
Nguyễn Gia Linh (lược dịch: elitedaily)