Lifestyle / Bí quyết sống

Sếp giỏi phải biết nghệ thuật “lái thuyền”

Sự hài hước và khả năng sáng tạo thường đi cùng nhau. Nụ cười không chỉ xóa tan căng thẳng trong công việc hàng ngày mà còn kích thích nhân viên cống hiến nhiều hơn.

Đã là sếp, bạn không thể là một người bất lịch sự, kể cả khi giao việc cho cấp dưới.
Đã là sếp, bạn không thể là một người bất lịch sự, kể cả khi giao việc cho cấp dưới.

Không ít người cho rằng, đã làm sếp là phải tự hài lòng với tình trạng bị nhân viên xa lánh và tránh mặt. Một số sếp cho rằng, muốn thể hiện uy quyền, phải “tu luyện” khả năng thét ra lửa. Ở một thái cực khác, nhiều nhà lãnh đạo luôn cố gắng xóa đi khoảng cách giữa sếp và nhân viên. Họ đứng đằng sau hỗ trợ “lính” mọi nơi, mọi lúc khi cần thiết. Thay vì sai bảo, họ đưa ra những gợi ý hữu ích. Thay vì quát mắng, họ đặt ra khoảng trống để nhân viên tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Thay vì sa thải, họ nhìn ra những khả năng tiềm ẩn để nhân viên có thể “tỏa sáng” và phát triển. Để làm sếp ở trường hợp thứ nhất không khó, thế nhưng bạn phải có nhiều “thủ thuật” nếu muốn được xếp vào trường hợp thứ hai. Muốn làm sếp tốt, bạn hãy đặt mình vào vị trí của nhân viên.

Mềm mỏng, linh hoạt và lịch thiệp

Đã là sếp, bạn không thể là một người bất lịch sự, kể cả khi giao việc cho cấp dưới. Hầu hết các nhân viên thông minh đều không thích bị “chỉ định” và sai bảo. Hiểu được điều này, Phương Nhung luôn tỏ ra nhã nhặn trong cách cư xử, nói chuyện hàng ngày. Kể cả những lúc “dầu sôi lửa bỏng” cô cũng tránh ra lệnh cho nhân viên, thay vào đó là những từ “làm ơn”, “giúp đỡ”… nhưng vẫn không kém phần cương quyết. Kết quả là nhân viên cảm thấy được sếp tôn trọng. Tâm lý thoải mái khiến họ hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng. Trái lại, Hương Anh thường dọa nạt cấp dưới bằng những câu nói mát mẻ như “Nếu không nộp số liệu đúng hạn thì em sẽ bị ngồi ở phòng photocopy một tuần, em nghĩ sao?”. Nhân viên của cô luôn ở tình trạng căng thẳng và sợ sệt.

Một số người “cứng đầu” hơn lại muốn thử làm quá để xem sếp có thực hiện ý định đó không.

Thay vì dè bỉu, chê bai, và sỉ nhục, nhiều công ty đang áp dụng chính sách khen ngợi, khuyến khích, ghi nhận và tặng thưởng. Thực tế cho thấy cách thức này khiến cho nhân viên cảm thấy có động lực phấn đấu để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra.

Sự tin tưởng và khả năng nhìn xuyên thấu

Nhiều sếp luôn muốn là tấm gương sáng cho các nhân viên noi theo. Có lẽ vì thế sếp phải có mặt ở văn phòng sớm nhất, rời công ty muộn nhất và thậm chí không cần phải. ăn trưa. Việc gì sếp cũng phải đảm nhận, tham gia, giải quyết và đặt bút ký quyết định. Buổi tối về nhà, sếp lại tìm tòi học hỏi thêm những kỹ năng mới nhằm giúp ích cho công việc bởi sếp không muốn ai vượt mặt mình. Trước tình cảnh này, nhân viên ai cũng tự hỏi rốt cuộc sếp là. thiên tài hay siêu nhân?

Các chuyên gia cho rằng khả năng quản lý tốt không phải là sự thể hiện “đẳng cấp” của sếp mà nó nằm ở niềm tin. Phương Lan luôn tìm hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của các thành viên trong nhóm Marketing của mình. Với mỗi nhân viên, cô có một cách nói chuyện và quản lý riêng biệt. Ví dụ, với những người ăn nói khéo léo, sắc sảo, dễ thương cô sẽ giao nhiệm vụ gặp gỡ khách hàng, đối tác và đàm phán. Còn những ai có đầu óc nhanh nhạy và sáng tạo sẽ được tạo điều kiện để xây dựng các ý tưởng, chiến lược… Một số nhân viên thay vì được quản lý theo giờ hành chính, Phương Lan đặt ra chỉ tiêu và cho phép họ một khung thời gian linh hoạt, đi muộn về sớm miễn là đối tác hài lòng và khách hàng chịu chi. Nhờ đó mà ai cũng cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Ở cương vị trưởng phòng khách hàng của một công ty quảng cáo, Thu Hằng được biết đến là người có khả năng “nhìn xuyên thấu”. Cô luôn tìm kiếm những tài năng và khuyến khích họ thử nghiệm cũng như phát triển theo sở thích, năng lực cá nhân. Cô đã từng đề nghị tổng giám đốc cất nhắc một nhân viên giỏi trong bộ phận lên làm trợ lý cho sếp. Không ít người chê cô là dại, thế nhưng Thu Hằng lại nhận được sự tín nhiệm của cấp trên và đồng nghiệp. Ở cô không có sự “đấu đá” mà là chia sẻ và khám phá những tài năng mà người thường chẳng thể nhận ra.

Trí óc hài hước và khả năng lắng nghe

Sự hài hước và khả năng sáng tạo thường đi cùng nhau. Nụ cười không chỉ xóa tan căng thẳng trong công việc hàng ngày mà nó còn kích thích nhân viên cống hiến nhiều hơn. Những văn phòng hay công ty có nhiều tiếng cười thường khiến cho nhân viên đi làm sớm hơn và rời bàn làm việc muộn hơn. Họ cũng ít muốn bay nhảy sang những công ty đối thủ. Những sáng tạo cũng mang tính đột phá hơn nhờ môi trường làm việc thư giãn. Tuy nhiên, nụ cười thoải mái khác với nụ cười gượng gạo. Sự giả tạo thường khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi và luôn phải đề phòng. Hãy thả lỏng cơ thể và trí não, cùng tham gia vào một cuộc “buôn chuyện” nho nhỏ với nhân viên của mình. Cười nói cùng họ sẽ giúp bạn cảm thấy sự hiện diện của niềm vui và vẻ tươi trẻ.

Bên cạnh đó, sếp cũng phải biết học cách lắng nghe những băn khoăn, khúc mắc và những đề xuất của nhân viên. Thiếu đi yếu tố này, nhân viên sẽ cảm thấy bị cô lập và mong muốn rời bỏ công ty. Một người sếp tài năng không bao giờ tỏ ra bận rộn đối với nhân viên. Những ý kiến của nhân viên luôn tiềm ẩn những gợi ý quý giá cho sự thay đổi mang tính tích cực.

Làm sếp không khó nhưng làm sếp giỏi, được tin yêu, tín nhiệm đòi hỏi phải liên tục học hỏi và tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Tất nhiên, những yếu tố nêu trên chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” bởi mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều có nhiều đặc tính điển hình, cá biệt mà chỉ có nhân viên và sếp mới có thể hiểu được. Một sếp giỏi giang, thông minh chưa chắc đã tạo ra sự thành công bởi điều quan trọng nhất chính là khả năng vận dụng tối ưu những tài năng sẵn có của mình.

>> Xem thêm: Làm sao để quản lý những “nghệ sĩ” nơi công sở?

Nhóm thực hiện

Bài RICKY NGUYỄN  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)