Lifestyle / Bí quyết sống

Silent Treatment: Dấu hiệu của sự im lặng độc hại trong mối quan hệ

Người ta thường cho rằng: “Im lặng là vàng”. Nhưng trong một mối quan hệ tình cảm đang phát sinh nhiều vấn đề, liệu sự im lặng có còn “là vàng”?

Khi sự im lặng được sử dụng như một chiến thuật kiểm soát tâm lý và phát huy quyền lực trong một mối quan hệ, nó sẽ trở thành sự im lặng độc hại (silent treatment). Tuy nhiên, nếu việc im lặng chỉ đơn giản là cho đôi bên thời gian để suy nghĩ kỹ mọi việc và sau đó quay lại giải quyết vấn đề, đó lại là một câu chuyện khác.

Việc im lặng để tìm cách giải quyết vấn đề và im lặng độc hại có gì khác nhau?

Đôi khi, trong một mối quan hệ, những khoảnh khắc im lặng là điều cần thiết. Ví dụ, sau một cuộc tranh cãi, cặp đôi có thể dành thời gian để hạ nhiệt và suy nghĩ về tình huống hoặc vấn đề mà cả hai đang đối diện. Khác với sự im lặng độc hại, sự im lặng trong tình huống này giúp cả hai bình tâm, cho nhau thời gian để tìm hướng giải quyết vấn đề một cách hòa bình. 

cặp đôi im lặng
Ảnh: Pexels/Cottonbro studio

Im lặng độc hại (Silent treatment) là gì?

Silent treatment là một chiến thuật thao túng tâm lý độc hại khiến cho vấn đề xảy ra trong mối quan hệ không được giải quyết. Điều này có thể khiến đối phương cảm thấy bức bối, tổn thương, tức giận và cảm thấy bản thân bị xem nhẹ.

Khi một trong hai người hoặc cả hai từ chối giao tiếp để tìm ra hướng khắc phục vấn đề, họ đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm hoặc thừa nhận hành vi sai trái của mình. 

Ví dụ, bạn cảm thấy không hài lòng khi đối phương liên tục trở về nhà muộn sau giờ làm và bạn muốn cùng họ trao đổi về vấn đề này để bày tỏ cảm xúc cá nhân và tìm hiểu lý do cho hành vi của họ. Nếu người kia không muốn thừa nhận, sửa đổi hành vi của mình hay không quan tâm đến việc họ khiến bạn cảm thấy tổn thương, họ thường sẽ phản hồi rằng: “Tôi không muốn nói về chuyện này” hoặc chỉ đơn giản là im lặng và phớt lờ bạn. 

Những hành vi im lặng tương tự như trường hợp trên khiến vấn đề mãi không được giải quyết. Bên cạnh đó, người chịu đựng sự im lặng trong mối quan hệ sẽ trải qua cảm giác khó chịu, thất vọng và cô đơn khi đối phương không chịu lắng nghe hoặc trao đổi với họ để gỡ rối những vấn đề đang diễn ra. 

cặp đôi im lặng đứng cạnh nhau
Ảnh: Pexles/Billow

Những người sử dụng sự im lặng độc hại để thao túng tâm lý và nắm quyền kiểm soát trong mối quan hệ thường sẽ có những biểu hiện sau:

– Họ sử dụng sự im lặng để khiến bạn cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối và không còn tự tin để bày tỏ suy nghĩ của bản thân. 

– Họ tỏ thái độ lạnh nhạt với bạn trong nhiều ngày, nhiều tuần. 

– Họ tránh né các cuộc trò chuyện, tránh giao tiếp bằng mắt, không trả lời điện thoại hoặc tin nhắn. 

– Họ sử dụng sự im lặng để tránh né trách nhiệm cho những hành vi sai trái của mình. 

– Chỉ khi bạn là người đầu tiên nói lời xin lỗi, họ mới trò chuyện với bạn. 

– Họ không chịu nói chuyện cho đến khi bạn nài nỉ và van xin họ. 

Khi một người sử dụng sự im lặng độc hại để từ chối đối diện với vấn đề và tìm ra hướng giải quyết, người còn lại trong mối quan hệ thường sẽ chịu khuất phục và mở lời để phá vỡ bầu khí căng thẳng. Điều này sẽ khiến cho người sử dụng sự im lặng độc hại cảm thấy tự mãn, cho rằng bản thân là người vô tội và dễ dàng nắm quyền kiểm soát, trong khi đó người còn lại sẽ cảm thấy tổn thương và lo sợ mối quan hệ sẽ chấm dứt. Hơn nữa, người im lặng đã lật ngược tình thế thành công. Cuộc trò chuyện của cả hai lúc này không phải để giải quyết vấn đề trước mắt mà là để xoa dịu họ. Và khi hành vi này xảy ra thường xuyên, mối quan hệ sẽ dần trở nên độc hại.


Xem thêm

• Vì sao những khoảnh khắc im lặng là điều cần thiết trong tình yêu?

• Trắc nghiệm: Bạn kỳ vọng điều gì trong tình yêu?

• 4 cung hoàng đạo tận tâm nhất trong tình yêu


Làm thế nào khi bạn đang chịu đựng sự im lặng độc hại trong mối quan hệ?

Để giải quyết vấn đề trong mối quan hệ, cả hai đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình và cố gắng đặt mình vào vị trí của đối phương. Trong giao tiếp, bạn có thể bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của bản thân thay vì đổ lỗi, chỉ trích đối phương vì hành vi của họ. Điều này sẽ giúp cho cuộc trò chuyện bớt căng thẳng và đối phương cũng sẽ dễ dàng trò chuyện cùng bạn. 

cô gái ngồi 1 mình
Ảnh: Pexels/Cottonbro studio

Bên cạnh đó, liệu pháp tư vấn dành cho cặp đôi (couple counseling) được xem là phương pháp hữu hiệu giúp bạn giải quyết các vấn đề trong giao tiếp. Với sự trợ giúp của một người trung lập, cả hai sẽ tìm ra những cách giao tiếp phù hợp để xóa bỏ mâu thuẫn. 

Nếu sự im lặng độc hại kéo dài và đối phương vẫn không chịu thay đổi hay cùng bạn tìm ra hướng giải quyết chung cho vấn đề trong mối quan hệ, khiến bạn cảm thấy mình bị xem nhẹ và tổn thương, bạn nên xem xét lại mối quan hệ và ưu tiên sức khỏe tinh thần của bản thân. Bạn không cần cố gắng tìm mọi cách để đối phương chịu mở lời và thừa nhận hành vi của họ. Thay vào đó, hãy làm những điều mình thích và tránh tiếp xúc với họ một thời gian. 

Bạn nên ưu tiên sức khỏe thể chất và tinh thần của chính mình. Hành vi lạm dụng cảm xúc rất độc hại và nếu tiếp diễn lâu dài, nó có thể khiến bạn gặp phải các vấn đề về tâm lý. Lúc này, một chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn đánh giá vấn đề và đưa ra hướng giải quyết phù hợp cho bạn. 

Nhóm thực hiện

Bài: Taylor Phạm

Tham khảo: Verywell Mind

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)