Dạo này, tôi hay chạnh lòng khi nghĩ đến ngày xưa: ngày nào mẹ cũng đi chợ, nhà không có tủ lạnh, thức ăn mua ngày nào, ăn ngày đấy, tuy thiếu nhưng lúc nào cũng ngon miệng. Ngày xưa, phố phường vắng vẻ, người ta đi đứng, làm ăn cái gì cũng thảnh thơi hơn. Ngày xưa, tiền của chẳng có nhiều trong xã hội để thiên hạ lúc nào cũng dáo dác lao đi kiếm. Ngày xưa, người ta hay đi qua nhà nhau chơi mà không báo trước, nếu người mình quen có nhà thì thể nào cũng có thời gian ngồi uống với nhau một ly trà. Ngày xưa, sống đơn giản mà xã hội gắn bó, yêu thương nhau. Sống ở xã hội hiện đại giống như lao xe trên đường cao tốc. Đã đi vào rồi là không thể dừng lại, quay đầu hay đi chậm lại được. Có muốn đi ra cũng phải chờ tới lúc có đường thoát. Con người văn minh đang sinh sống ở bất cứ thành phố lớn nào, không ít thì nhiều cũng chịu sức ép phải chạy nhanh để đến những cái đích vô hình và hữu hình, những nơi mà người ta nghĩ rằng khi tới rồi thì mình sẽ mãi vui, và sẽ muôn đời hạnh phúc.
Bi kịch của chúng ta là trong cuộc đuổi hình bắt bóng này, sự vội vàng và gấp gáp ngăn cản ta thưởng thức điều kỳ diệu duy nhất của cuộc sống: đó là sự tồn tại từng giây từng phút của mỗi một sinh linh. Có mấy ai trong chúng ta ngày nay sống mà yêu thương, trân trọng và quý từng giây phút của cuộc đời mình. Bao nhiêu người trong số chúng ta yêu ánh nắng, làn gió, không khí trong lành, những ngôi sao và vầng trăng hơn yêu những đồ hiệu đắt tiền ta tích trữ ngày càng nhiều trong tủ, hơn những ngôi nhà hào nhoáng ta sở hữu, hơn số dư tài khoản ngân hàng với nhiều số không đứng sau. Đã bao nhiêu năm rồi, cứ khi nào có ai hỏi: “Bạn dạo này thế nào?”, câu trả lời cửa miệng của tôi luôn là “Bận lắm!”. Mà tôi có nói dối đâu, tôi bận thật. Lúc nào cũng tất tả, lúc nào cũng đi muộn đến muộn. Tôi ăn nhanh, uống nhanh, đi nhanh, làm đa công đa việc cùng một lúc. Tôi được mọi người khen là đảm đang, có đầu óc tổ chức, giỏi quán xuyến… Càng được khen, tôi lại càng phải chứng tỏ tính xác thực của những lời khen đó, và bàn chân tôi lại nhấn ga mạnh hơn để mong đến được bến bờ của sự thành công và hạnh phúc càng nhanh càng tốt. Mà tốt nhất là đến trước khi tất cả mọi người cùng thời với tôi đến được những cái đích hư ảo đó. Tôi bận đến nỗi hay bỏ quên những báu vật rất đơn giản, tuy chẳng mất tiền mua nhưng vô giá mà cuộc sống ban tặng: một tia nắng mặt trời chiếu qua cửa sổ rọi vô phòng, một bông hoa mới nở còn lung linh sương sớm, một ly cà phê thơm ngát, một ngụm nước trà ấm ngọt…
Lễ Phục sinh vừa rồi, tôi và gia đình đi nghỉ ở Mudgee, một thị trấn nhỏ ở New South Wales, cách Sydney khoảng hơn 3 tiếng lái xe hơi. Mudgee là một trong những thị trấn tiên phong mấy trăm năm trước, khi những người khai phá châu Âu mới tới Úc an cư lạc nghiệp, đào vàng hoặc khai thác các mỏ than. Ngày nay, Mudgee nổi tiếng vì những lý do hoàn toàn khác: người dân ở đây (mà phần lớn là nông dân) biết sống chậm, họ làm ra, dùng và bán những sản phẩm nông nghiệp sạch. Họ xây dựng thị trấn thành thương hiệu có tiếng với những giá trị trên. Chỉ cách đó hơn 200km, khi người dân Sydney chúng tôi phần lớn như sống trong nồi áp suất thì những người nông dân ở đây bình thản trồng nho, làm rượu, nuôi bò, vắt sữa làm pho mát, thu hoạch ô liu cán ra dầu. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp ở Mudgee được làm bằng tay, rồi được bày bán ở buổi chợ quê trong khuôn viên của nhà thờ thị trấn mỗi sáng thứ bảy hàng tuần.
Người dân ở Mudgee không bị tắc đường khi đi làm mỗi ngày, họ đi ra những cánh đồng sau nhà, nhiều khi vẫn bằng… ngựa. Thị trấn nhỏ bé này chẳng quan tâm đến truyền thông khẩn cấp. Khi tôi viết email đặt phòng, bác chủ nhà phải mấy ngày (vâng, mấy ngày chứ không phải mấy tiếng) sau mới trả đáp lại thư tôi. Bác nói mấy hôm rồi bận trông cháu ngoại ốm, và xin lỗi đã trả lời thư của tôi muộn. Ở đây người dân không dính mắt 24/7 vào Black- Berry, iPhone, iPad và các mạng xã hội. Cần nói chuyện hoặc gặp nhau, họ tìm đến quán rượu của thị trấn. Những chủ nhà trồng nho làm rượu kê bàn và ghế cạnh những gốc nho lúc lỉu cho tửu khách ngồi nhâm nhi thử rượu. Bất cứ lúc nào tiếp xúc với họ, con người thị trấn hào phóng này cũng dành thời gian trò chuyện với chúng tôi, tận tình, hỏi thăm, ân cần như người quen lâu ngày mới gặp lại.
Tôi đến thăm Tuscany lần đầu năm 2008. Tôi yêu nơi này ngay lập tức, mà lý do sâu đậm nhất cho tình yêu của tôi với mảnh đất đượm màu gạch non này không phải là phong cảnh hữu tình, những đôi giầy Ý giá phải chăng, hoặc những ly rượu Chanti ấm lòng người lữ khách, hay những quả ô-liu làm bùi lòng khách yêu ẩm thực,… mà chính là cái tình của con người. Người Ý lãng mạn, từ trẻ tới già. Tôi yêu tới nao lòng cảnh những ông già, bà già sáng sáng, chiều chiều ngồi chụm đầu tâm sự với nhau dưới những gốc cây ô-liu. Tôi yêu và cảm nhận được sức gắn kết của mỗi cộng đồng ở những thị trấn nhỏ tôi đi qua khi chứng kiến cảnh các gia đình tụ tập quanh quảng trường cạnh nhà thờ để trò chuyện sau bữa cơm chiều, trong khi những đứa trẻ chạy nhảy, chơi đùa tung tăng bên vòi phun nước.
Vì vậy, tôi đã không ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng phong trào sống chậm bắt đầu tại trái tim của thành Rome vào năm 1986. Nhà báo Carlo Petrini phát động phong trào này để phản đối buổi khai trương của McDonald ở những bậc thang Tây Ban Nha (Spanish steps), ngay giữa trung tâm thành Rome. Với một tầm nhìn rất xa, ngay lập tức, ông thấy được tương lai đầy bi kịch của con người khi thức ăn nhanh thay thế những bữa ăn gia đình, khi “ngôi nhà” Starbucks thay thế những quầy hàng cafe nhỏ góc phố. Petrini nhìn ra ngay rằng nếu con người đánh mất niềm vui giản dị, thân yêu, và đẹp đẽ nhất của cuộc sống – những bữa cơm nấu bằng tình yêu – thì sẽ chẳng còn gì để con người nuôi dưỡng tâm hồn. Ta đi trên đường đời lúc nào cũng mong luôn hạnh phúc. Ta đưa ra những cái đích và nghĩ rằng nếu mình đến được tất cả những mốc dấu đó thì mình sẽ sống mãi mãi hạnh phúc. Càng giàu có về vật chất, cái sự thật rằng cuộc sống có vui, có buồn, có thăng, có trầm, càng khó cho chúng ta chấp nhận. Phong trào sống chậm không kêu gọi chúng ta từ bỏ cuộc sống hiện đại mà chỉ muốn khuyên chúng ta sống có trách nhiệm hơn: với bản thân cuộc sống, với những gì nuôi ta ăn, với những đồ vật, sinh linh và cộng đồng quanh ta. Nó khuyên ta đừng quên sống, và quên bản thân cuộc sống trong khi ta nghĩ rằng ta bận bịu đi tìm lẽ sống.
Hay đơn giản như tôi nghĩ, hãy tiến tới tương lai bằng quá khứ. Về lại với ngày xưa.
Nhóm thực hiện