Một buổi chiều mưa cuối năm 2011. Tôi ngồi ở phòng chờ sân bay Đà Lạt, đợi chuyến bay về Sài Gòn sau hai ngày công tác. Sân bay thưa thớt, vài người ngủ gục trên băng ghế. Tôi mở điện thoại đọc tin tức như mọi lần trong lúc rảnh rỗi, thì đột nhiên có một cô gái đến ngồi cạnh bên. Cô gái ấy cao, trẻ, xinh đẹp và hiện đại với mái tóc cắt ngắn, đội một chiếc nón len ấm áp. “Chị có phải là Q.T không?”, cô ấy mở lời trong sự ngạc nhiên của tôi. Sau khi xác nhận và làm quen, tôi mới hỏi: “Sao em lên đây một mình? Trừ khi đi công tác thôi chứ đi Đà Lạt một mình là buồn lắm đấy”, tôi vừa dứt lời thì cô ấy bật khóc một cách ngon lành như tôi vừa chạm vào một nỗi đau. Tôi cuống quýt xin lỗi, nhưng tôi lại nghĩ rằng, biết đâu để cho cô ấy khóc thì tốt hơn, bởi lẽ đâu phải lúc nào cũng có thể khóc được như một sự giải tỏa và chia sẻ. Hết khóc, cô ấy kể chuyện mình. Thì ra, cô vừa mới ly hôn, vì quá đau buồn nhưng không muốn cho bạn bè và đồng nghiệp biết, cô xin nghỉ phép và trốn lên Đà Lạt. Hơn nữa, vì làm việc ở bộ phận nhân sự nên cô nghĩ mình cần phải “làm gương” cho mọi người bởi theo cô, dù gì thì một người đàn bà ly hôn cũng để lại hình ảnh không tốt trong mắt mọi người.
Tôi chưa bàn về việc đúng sai trong suy nghĩ của cô ấy – người giờ đã trở thành bạn thân của tôi, tôi chỉ muốn nói về “sự gồng lên để sống” của cô ấy trong một khoảng thời gian, để khoảnh khắc gặp tôi và chia sẻ với tôi như khoảnh khắc hiếm hoi được sống thật là mình, để rồi sau đó, lại hối hả quay về với cuộc sống thường nhật, lại tiếp tục “sống gồng” để che đi những điều mà cô ấy muốn giấu.
Tôi biết, cô bạn tôi không phải là trường hợp hiếm hoi phải sống gồng trong cuộc sống thật giả lẫn lộn và tất bật này. Đó có thể là sự thể hiện điều kiện kinh tế, vật chất hơn mức mà mình đang có, qua xe cộ, áo quần, điện thoại, những buổi tiệc tùng… Đó cũng có thể là sự thể hiện không đúng vị trí xã hội thực sự của mình, buộc mình phải “có mặt” trong nhóm người ở “level” cao hơn. Hay đó là việc tham gia một nhóm bạn hay cộng đồng có phong cách hoàn toàn khác để khẳng định mình. Sống gồng còn là sống che đậy bản chất, che lấp khuyết điểm, che giấu giới tính thật của mình để tránh sự dè bỉu của những người xung quanh hay cũng là để tránh lạc loài trong đám đông. Hay dễ thấy nhất là sống không đúng với trạng thái cảm xúc của mình, hoặc là đau khổ mất mát thì luôn thể hiện hạnh phúc, viên mãn để tránh dị nghị hay xót thương, hoặc hiếm hoi hơn nhưng không phải là không có – đó là hạnh phúc vui vẻ nhưng tỏ ra buồn khổ để lấy lòng thương hại của một ai đó. Đơn giản nhất, trong tình yêu, một trong hai người phải gồng lên để chịu đựng người còn lại với mong muốn giữ được tình yêu hay cuộc sống gia đình. Trong trường hợp khác, đôi khi gồng lên để sống còn là cảm giác của sự động viên chính bản thân mình để vượt qua những khó khăn hay cám dỗ xảy ra trong cuộc sống.
Dường như ai trong chúng ta cũng gặp phải tình huống phải sống gồng, hoặc kéo dài, hoặc chỉ là trong một giai đoạn nhất định của cuộc đời. Xét cho cùng, tất cả cũng vì, hoặc đề cao cái Tôi, hoặc không muốn mất thể diện bản thân. Nếu vấn đề này được “soi” dưới góc nhìn nhân văn, thì có lẽ không có gì sai, vì tôi hiểu bất kỳ ai cũng mong muốn, khát khao được sống tròn trịa và viên mãn, được mọi người quý trọng, và hơn hết là được chia sẻ và yêu thương. Theo tháp nhu cầu Maslow, người đã thỏa mãn nhu cầu hiện tại luôn nảy sinh nhu cầu bậc cao hơn và điều này dường như không có điểm dừng. Vì vậy, nhu cầu được thể hiện mình luôn là cái đích cao nhất mà mọi người muốn vươn đến.
Nhưng với chính người đang phải gồng lên để sống mỗi ngày thì tôi nghĩ tận cùng sẽ là sự bất hạnh và cảm giác cô đơn. Bởi lẽ như một điều hiển nhiên, khi mọi thứ “bên ngoài” qua đi, đối diện với chính mình, thì tiếng nói của những cảm giác thật từ bên trong sẽ bật lên thành lời. Giằng xé giữa con người thật và giả, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa trọn vẹn và mất mát, càng làm cho chúng ta quay quắt hơn. Lúc đó, tôi tin là thêm vạn lần phức tạp và mâu thuẫn cho cuộc đời vốn dĩ đã luôn không bằng phẳng này. Như trường hợp cô bạn của tôi, khi quay về là mình sau những giờ làm việc căng thẳng, hay phải luôn tươi cười với tất thảy mọi người xung quanh, thì cảm giác cô độc, lẻ loi, buồn chán luôn hiện diện, nó làm mất đi mọi điều tốt đẹp đáng lẽ ra cô đã có thể có, như là dành thời gian để tâm sự, chia sẻ với những người bạn và chắc chắn rằng, cô sẽ có thêm nhiều người bạn mới và sự cảm thông, và biết đâu, một tình yêu mới sẽ đến.
Vấn đề là cần thẳng thắn đối diện, nhìn nhận, đánh giá đúng tình trạng của bản thân, và tìm cách giải quyết nó, thay vì dành thời gian để che giấu nó. Tôi luôn tin rằng sống thật là chính mình, thì sẽ an nhiên hơn!
-Dường như ai trong chúng ta cũng gặp phải tình huống phải sống gồng, hoặc kéo dài, hoặc chỉ là trong một giai đoạn nhất định của cuộc đời.-
Bài: Lê Quỳnh Thư – Ảnh: Luca Tettoni/Corbis
Phái đẹp – ELLE
Nhóm thực hiện